VNTB – Vì sao ông Nguyễn Thành Tài khóc trước công đường?

VNTB – Vì sao ông Nguyễn Thành Tài khóc trước công đường?

Triệu Tử Long

(VNTB) – Ông Nguyễn Thành Tài khóc khi nói lời sau cùng: Trải nghiệm cuối đời quá nghiệt ngã!

Cuối giờ trưa ngày 19-9, bị cáo Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm đã nói lời sau cùng, sau khi đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP.HCM đối đáp lại lần 2 với quan điểm bào chữa của các luật sư, đồng thời VKS cũng giữ nguyên quan điểm luận tội.

Trong đoạn chia sẻ của mình, ông Tài nhiều lần khóc nức nở. “Mẹ tôi năm nay đã 97 tuổi không biết bao giờ ra đi, giống như ngọn đèn sắp tắt… Tôi cũng xin lỗi đồng đội đã khuất, đồng chí lão thành cách mạng đã tin tưởng, tự hào về tôi.

Tôi đặc biệt xin lỗi tất cả người dân, đặc biệt người dân ở TP.HCM. Tôi muốn nói rằng tôi là người con trưởng thành từ Sài Gòn, tôi không bao giờ phản bội thành phố của mình…”.

Ông Nguyễn Thành Tài đã ‘nói lời sau cùng’ với thời gian 8 phút 25 giây. Ông nói mà không cần đến giấy tờ soạn chuẩn bị.

Trong một góc nhìn của thân hữu, có lẽ nước mắt của người đàn ông 68 tuổi này trước chốn công đường, còn vì uất ức. Uất ức vì trước tiên, ông chỉ là cấp phó thừa hành, song khi xảy ra án tù tội thì ông lại là ‘đầu vụ’.

Uất ức còn là vì ông đã tiến thân trên chốn quan trường bằng thực lực của chính ông, và phía đàng sau lưng ông là người mẹ cùng các người anh cùng tham gia cách mạng từ trước 1975 (người dân Sài Gòn gọi đây là Việt cộng nằm vùng). Sau ngày 30 tháng tư, gia đình của ông không cao giọng kể công lao hạn mã với chế độ. Thế nhưng lại có những người cũng mang tiếng tham gia cách mạng, song lại đi lên bằng cậy nhờ thế lực gia đình bên vợ, gây nhiều tội ác với người dân – Thủ Thiêm là ví dụ; song giờ này lại vinh thân phì da, con cái tiếp tục núp dưới cái bóng của cha, của mẹ, của những người dì, người cậu để xênh xang áo mũ quan phục.

Uất ức còn là, “Vì thành phố đang tiến tới cải cách hành chính nên tôi phải ký nhanh. Mọi việc tôi có báo cáo lãnh đạo cấp trên và nhận được sự đồng ý”, thế nhưng cuối cùng giờ ra tòa, các lãnh đạo cấp trên đã phủi tay phó mặc như những kẻ cơ hội chính trị để làm giàu cho phe nhóm.

Ông Nguyễn Thành Tài đã khóc trong quá trình “nói lời cuối cùng”, và điều đó xét về mặt khoa học thì  trong hầu hết các tình huống, khóc có vẻ là một cách lành mạnh để giải phóng cảm xúc bị dồn nén.

Ông Nguyễn Thành Tài đã bị dồn nén những điều gì?

Trước tiên, với hệ thống quản lý chằng chịt về cấp hành chánh dân sự, vừa song hành tương tự là cấp Đảng, thì nếu có xảy ra những vụ sai phạm pháp luật liên quan thủ tục hành chánh cho các giao kết hợp đồng…, chỉ có thể xảy ra khi cả bên Đảng lẫn bên chính quyền hành chánh cùng bắt tay nhau.

Trong trường hợp nếu chỉ một bên, thì ‘một bên’ ấy chỉ có thể thuộc về cơ quan Đảng, vì đây là một nguyên tắc mang tính Hiến định tại Điều 4.1: Đảng là là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Thứ hai, mặc dù không có chuyên môn bằng cấp về quản lý đô thị, song ‘bề trên’ vẫn giao cho ông Nguyễn Thành Tài làm ‘bù nhìn’ để ký các thủ tục về chuyện hạ tầng đất đai. Ông Tài xem ra đã không mấy lo lắng chuyện thiếu chuyên môn quản lý đô thị, vì có lẽ ông tin vào hệ thống chằng chịt tham mưu giữa các cơ quan chuyên môn cấp sở chuyên ngành, đến các cấp đảng.

Thế rồi khi vướng tù tội, ngay từ giai đoạn điều tra ông đã thấy rõ là những đồng chí ‘bề trên’ đã tác động sao đó để gần như mọi tội danh về vai trò ‘tổng đạo diễn’ trong ‘ăn đất công’, đều đổ lên đầu của Nguyễn Thành Tài.

Khi ‘ăn’ đã không đồng, nên khó thể ‘chia đủ’ lúc hoạn nạn. Ông Nguyễn Thành Tài khóc vì uất nghẹn của dồn nén cái sự ngu hiển nhiên đó.

Một điểm son ghi nhận, trong tức tưởi nước mắt ngõ lời xin lỗi, người đàn ông 68 tuổi ấy đã không có lời nào xin lỗi “đồng chí Tổng bí thư” giống như một số đồng liêu trước tại tòa Hà Nội ở mấy năm trước.

***

Ông Nguyễn Thành Tài, cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị cáo trong vụ án đang được xét xử đã xin lỗi nhân dân thành phố vì đã phản bội lại tinh thần phụng sự mà một người cán bộ như ông phải thực hiện. Ông cũng tự nhận trách nhiệm và chịu hình phạt của pháp luật.

Một lời xin lỗi hiếm hoi và tự trọng giống như bản chất hào sãng của ông mà những người thân quen đều biết.

Ai cũng vậy, dù là người dân bình thường hay quyền uy tột đỉnh khi bị bắt đều nghĩ đến những điều chưa kịp làm, lẽ ra phải làm và những việc không nên làm. Nhưng không phải ai cũng xin lỗi nhân dân như ông Tài, thường thì họ xin lỗi nhà nước để xin khoan hồng.

Ông Nguyễn Thành Tài xin lỗi mẹ ông, một bà mẹ anh hùng bốn lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ.

Ông xin lỗi đồng sự, xin lỗi hệ thống chính trị .

Ngày ông Tài trở về quá xa và xem ra cây sồi vàng chờ đợi không có dãi ru ban nào cho ông, chàng lãng tử Sài Thành từng làm bao trái tim tan nát vì yêu.

Một cuộc sống bình thường, mái nhà và dải ruy ban vàng trên cây sồi già như bản nhạc về người tù trở về bên trời Âu. Anh trở về đời trong mùa giáng sinh, trước đó anh viết thư nhắn với vợ rằng nếu còn yêu anh hãy treo một ruy ban vàng lên cây sồi già trước nhà, nếu không nhìn thấy ruy ban anh sẽ lặng lẽ rời xa.

Tie a yellow ribbon round the ole oak tree, một bản nhạc ra đời năm 1973 tại Mỹ kể lại câu chuyện này đã nhanh chóng được đón nhận và trở nên nổi tiếng toàn thế giới.

Anh sắp được trở lại quê nhà và hoàn tất những việc của mình

Giờ đây chính là lúc anh cần phải nhận ra những gì thuộc về mình, những gì không phải là của mình

Nếu nhận được bức thư báo rằng anh sắp được tự do

Thì em ơi… em sẽ biết cần phải làm gì nếu như em vẫn còn yêu anh

Nếu vẫn còn yêu anh, xin em hãy…

Buộc dải lụa vàng quanh cây sồi già, em nhé

Ba năm dài đằng đẵng trôi qua…

..Em vẫn còn yêu anh chứ?

Còn nếu như anh không nhìn thấy một dải lụa nào… thì em ơi…

Anh sẽ quên đi chuyện tình của chúng ta

….Nếu như cây sồi già không được buộc dải lụa vàng …”.

Ngày trở về, từ xa người tù trở về đã thấy không chỉ một mà là hàng ngàn dải ruy ban vàng trên cây sồi già. Cây Noel dành cho tình yêu.

Với ông Tài tất cả chỉ là quá khứ, không có cây sồi già chờ đợi nào.

Không có tiếng sóng trên sông Tiền Đường làm chuyển pháp Lỗ Trí Thâm hòa thượng, không có tiếng kinh của các vị đại sư chùa Thiếu Lâm làm thức tỉnh Kim mao sư vương Tạ Tốn.

Trại T17 chỉ có những người bạn tù sẵn lòng chia sẻ với ông Tài từng chén cơm muối vừng, những tô mì gói và kinh nghiệm truyền đời để tồn sinh trong chốn lao tù.

Dù sao cũng mong ông Nguyễn Thành Tài nhận một bản án vừa mức, làm quen với cuộc sống chốn lao tù nơi mà những ngọn gió đời thường cũng dừng lại bên ngoài những bức tường lạnh lòng.

Hoàng Linh

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)