VNTB – Vì sao tiếp tục là 2% quỹ lương phải dành đóng cho công đoàn nhà nước?

VNTB – Vì sao tiếp tục là 2% quỹ lương phải dành đóng cho công đoàn nhà nước?

Hiền Lương

(VNTB) – Cụ thể, đối tượng đóng kinh phí công đoàn 2%, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đơn vị chưa có tổ chức công đoàn.

“Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội” – trích Điều 5 “Mức đóng và căn cứ đóng kinh phí công đoàn” của Nghị định 191/2013/NĐ-CP “Quy định chi tiết về tài chính công đoàn”.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang đã có báo cáo tại Quốc hội về tiến độ chuẩn bị dự án luật Công đoàn sửa đổi. Theo đó, thực tiễn tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó.

Đối với công đoàn cơ sở, phần kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo nguồn tài chính để công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Do đó, Tổng liên đoàn Lao động khẳng định, việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.

Vì sao có con số 2% quỹ tiền lương của doanh nghiệp phải dành để đóng cho tổ chức công đoàn để tổ chức này có “được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó” như lời của ông Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam?

Theo giải thích của ông Đặng Ngọc Tùng, cựu Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thì câu chuyện có ngọn nguồn thế này: Sau khi giành được độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 – SL ngày 5-11-1957 ban hành Luật Công đoàn, trong đó quy định tại Khoản c Điều 21 là: “Tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp Nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho công đoàn bằng một tỷ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân viên chức”, và được cụ thể hoá vào Nghị định số 188-TTg ngày 9-4-1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành, trong đó Điều 19 quy định: “Để góp phần vào quỹ công đoàn, giám đốc xí nghiệp nhà nước, thủ trưởng cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh, hiệu trưởng trường tư thục, hàng tháng nộp vào quỹ công đoàn thuộc tài khoản của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam một số tiền gọi là kinh phí công đoàn bằng 2% tổng số tiền lương cấp phát trong tháng cho toàn thể công nhân viên chức, không phân biệt trong hay ngoài biên chế”.

Câu hỏi đặt ra hôm nay về con số 2% xuất phát từ một văn bản quy định từ tháng 4-1958, là với Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, thì khoản 2 điều 26 luật Công đoàn hiện hành của Việt Nam quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn, là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2 Công ước.

Giới chủ doanh nghiệp ý kiến về vấn đề nói trên như sau: Hiện nay, 2% kinh phí công đoàn là người sử dụng lao động đóng cho tổ chức công đoàn. Sắp tới đây luật cho phép có nhiều tổ chức của người lao động, thì không thể là quỹ công đoàn được, bởi vì các tổ chức đại diện khác của người lao động cũng được hưởng số tiền này. Như vậy sẽ thích hợp hơn khi hình thành một “quỹ lao động”, hay “quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa” ở Việt Nam chẳng hạn. Việc quản lý quỹ này, cần vai trò của nhà nước, tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động để bàn bạc với nhau xây dựng chương trình thực hiện một cách tốt nhất.

Biện giải cho đề xuất trên, một đại diện hiệp hội ngành nghề lập luận: Các chủ doanh nghiệp lâu nay vẫn tự hỏi 2% quỹ lương mà họ phải đóng để công đoàn hoạt động, được gọi là gì? Phí thì không phải. Thuế lại càng không đúng, vì doanh nghiệp đã nộp thuế cho Nhà nước. Vậy đâu là cơ sở pháp lý? Và trong thực tế, từ nhiều năm qua, công đoàn cơ sở chỉ được giữ lại 40%, và 60% còn lại phải trích nộp cho công đoàn cấp trên. Số tiền này được chi như thế nào, vào mục đích gì, quyết toán ra sao… thì công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đều không được biết.

Trong khi đó, Luật Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó có công đoàn.

Về lý thuyết, công đoàn là “một hiệp hội của những người làm công ăn lương có mục đích duy trì hay cải thiện các điều kiện thuê mướn họ”. Nghĩa là trên thực tế, họ đứng ở phía đối diện so với giới chủ, doanh nghiệp. Việc bắt doanh nghiệp trích quỹ lương để đóng tài chính cho một tổ chức đối đầu với mình là không hợp lý. Nguồn thu của công đoàn chỉ nên đến từ các thành viên.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)