VNTB – Toà xem thường chứng cứ từ Luật sư bào chữa các bị cáo Đồng Tâm?!

VNTB – Toà xem thường chứng cứ từ Luật sư bào chữa các bị cáo Đồng Tâm?!

Hoài Nguyễn

(VNTB) – Làm công vụ giết người trong đêm, chỉ có quân thảo khấu man rợ mới vậy, chứ thảo khấu bình thường nó cũng không dám…

 

Nhà báo Nguyễn Thông, nhận xét: “Hầu như ai cũng biết rằng cha con cụ Kình không phải là quân khủng bố nguy hại đến an ninh quốc gia tới mức cần tiêu diệt ngay. Nhà cụ Kình và thôn Hoành không phải là trung tâm của lực lượng đảo chính tới mức nếu không ngăn chặn, tiêu diệt ngay thì hôm sau sẽ lan ra cả nước. Tất cả đều có thể đợi giữa ban ngày, dưới ánh mặt trời, giải quyết xử lý một cách công minh, quang minh chính đại, nhất là khi toàn bộ quyền lực súng đạn đang nắm trong tay.

Vậy thì hà cớ gì lúc đêm hôm khuya khoắt đưa binh hùng tướng mạnh bao vây thôn làng, xông vào tận nhà dân, vi phạm hiến pháp, bắt người, bắn người, giết người mà không cần bất kỳ bản án buộc tội nào. Làm công vụ giết người trong đêm, chỉ có quân thảo khấu man rợ mới vậy, chứ thảo khấu bình thường nó cũng không dám”.

Nhận xét của nhà báo Nguyễn Thông còn xuất phát từ các chứng cứ ở vụ huyết án này mà nhóm luật sư đã thu thập được.

Trong một chia sẻ của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết như sau (trích): “Hiện trường vụ án “giết người” (3 cảnh sát cơ động chết) và “bị người giết” (cụ Lê Đình Kình chết) xảy ra đêm khuya 9/1/2020, được ghi nhận sau đúng 1 tháng vào trưa ngày 9/2/2020 bởi ống kính của luật sư Lê Văn Hòa – người bào chữa cho một số bị cáo trong phiên tòa vụ án Đồng Tâm đang diễn ra…

Nội dung các bức ảnh: Phòng ngủ, cửa phòng, vách nhà của cụ Lê Đình Kình vẫn còn loang vết máu, lỗ chỗ vết đạn, vết đạn có khắp vách tường nhà, trần nhà, bên trong và bên ngoài… Giếng trời, nơi được xác định 3 cảnh sát cơ động té và thiệt mạng… Bà Dư Thị Thành trong cơn bàng hoàng, đau khổ, như người mất hồn… Một số luật sư có mặt thăm hỏi, tìm hiểu, khảo sát hiện trường…”.

Tất cả các hình ảnh ghi nhận như chia sẻ của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, là tuân thủ quy định của pháp luật. Tiếc là các hình ảnh chứng cứ này dường như chưa có điều kiện để các luật sư mang ra tranh biện tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.

Trong tố tụng hình sự, việc thu thập chứng cứ của luật sư được chủ động thực hiện thông qua các hoạt động sau:

Một, luật sư có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, để nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án: Lời trình bày của người bị buộc tội, bị can, bị cáo là chứng cứ quan trọng được sử dụng trong vụ án hình sự, bởi họ là những người trực tiếp nắm giữ những thông tin quan trọng.

Những lời trình bày, khai nhận tự nguyện trung thực, khách quan góp phần quan trọng làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Bên cạnh các chứng cứ là biên bản ghi lời khai được tiến hành do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện, thì luật sư được quyền gặp người mà mình bào chữa để nghe họ trình bày, xác minh tính xác thực trong các biên bản ghi lời khai do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Vấn đề đặt ra ở trường hợp này là hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư.

Hai, luật sư có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, liên quan đến việc bào chữa: Bên cạnh việc trực tiếp, độc lập tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn ghi nhận quyền của luật sư trong việc tham gia vào các hoạt động thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng.

Sự có mặt của luật sư khi người tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ sẽ góp phần bảo đảm tính khách quan, đúng trình tự, thủ tục của người tiến hành tố tụng hoặc trấn an tinh thần của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Các hoạt động này được thể hiện ở việc: Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;

Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa; Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản; Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra; Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa.

Thật ra các quy định kể trên trong thực tế không dễ thực hiện.

Thứ nhất, Khoản 4 Điều 88 BLTTHS quy định: “Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này”.

Như vậy, sau khi thu thập được tài liệu, đồ vật… thì việc đánh giá xem đó có phải là chứng cứ hay không và việc quyết định có sử dụng hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan tiến hành tố tụng.

Một bên gỡ tội thực hiện thu thập các chứng cứ gỡ tội, khi thu thập được lại phải kịp thời giao nộp cho bên buộc tội (cơ quan tiến hành tố tụng – Viện kiểm sát); dẫn đến sự thiếu khách quan, trong nhiều trường hợp khi giao nộp những chứng cứ quan trọng sẽ bị vô hiệu hóa làm sai lệch dẫn đến giá trị chứng minh không còn; nên thực tiễn khi thu thập được chứng cứ quan trọng, quyết định việc có tội hay không có tội của bị can, bị cáo thì thông thường luật sư sẽ không tiến hành giao nộp ngay mà chỉ đợi đến khi phiên tòa được mở, thậm chí đến phần tranh luận mới xuất trình, gây khó khăn trong quá trình xem xét đánh giá chứng cứ của tòa án – đó là nói trường hợp phiên tòa có Hội đồng xét xử không phải chịu sức ép nào từ cấp trên.

Thứ hai, hoạt động thu thập chứng cứ bằng việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa: Quy định này rất hình thức bởi thực tiễn, rất hiếm trường hợp luật sư đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt là cơ quan, tổ chức Nhà nước cung cấp được các tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.

Khi nhận được sự bất hợp tác của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp các tài liệu, đồ vật thì luật sư lại phải quay sang “đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng” thu thập. Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư vẫn trở lại bằng việc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành thu thập; việc xem xét có tiến hành theo đề nghị của luật sư hay không, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể tiến hành tố tụng trong việc đánh giá xem luật sư đã sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng không thể thu thập chứng cứ được hay chưa.

Phiên hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm là một minh chứng cho cái gọi là ‘ý chí chủ quan của chủ thể tiến hành tố tụng’.

Từ phiên tòa Đồng Tâm, một lần nữa chứng minh rằng mặc dù đã có nhiều quy định mới được sửa đổi bổ sung, góp phần nâng cao vị trí của luật sư trong việc thực hiện chức năng bào chữa của mình, tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư vẫn vô cùng khó khăn, chưa có cơ chế bảo đảm thực hiện.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)