VNTB – Giả sử lấy mẫu xét nghiệm tất cả khách sắp rời Đà Nẵng

VNTB – Giả sử lấy mẫu xét nghiệm tất cả khách sắp rời Đà Nẵng

Mai Lan

(VNTB) – Thành phố Đà Nẵng từng được tác giả Sebastian Modak đánh giá là ‘thành phố đáng sống nhất Việt Nam’ trong bài viết đăng trên New York Times ngày 3/12/2019. (*)

 

Cây viết Sebastian Modak tới thăm mỗi điểm đến trong danh sách “52 Places to Go in 2019” (tạm dịch: 52 nơi phải đến năm 2019). Đà Nẵng – thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất của Việt Nam đã để lại những ấn tượng mạnh.

Nguyễn Bá Thanh: công thần hay tội đồ của Đà Nẵng?

Báo chí Việt Nam từng một thời không tiếc những mỹ từ ngợi ca, khi nhận định thời điểm phát triển hoàng kim của Đà Nẵng gắn liền với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015). Đại để, đoạn mô tả tiếp theo đây dễ tìm thấy ở rất nhiều tờ báo tại Việt Nam:

“Trước năm 1997, khi nói đến Đà Nẵng, nhiều người nhớ đó là thành phố loại 2 trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nằm khiêm tốn 2 bên bờ Sông Hàn. Nếu so với TP.HCM hay Hà Nội, Đà Nẵng còn nhỏ về mọi mặt, từ quy mô địa lý, dân số cho đến cơ sở hạ tầng.

Vào năm 2003, khi được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh bắt tay vào công cuộc lột xác cho Đà Nẵng bằng chiến dịch “5 không”: Không hộ đói, mù chữ, lang thang xin ăn, ma tuý, giết người cướp của. Năm năm sau, khi “5 không” hoàn thành, ông tiếp tục chỉ đạo thực hiện “3 có”: Nhà ở, việc làm và lối sống văn minh đô thị.

Trong vòng 15 năm trên cương vị là Chủ tịch và Bí thư Đà Nẵng, ông Thanh đã góp phần xây 10 cây cầu qua sông như Thuận Phước, cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn… Từ những cây cầu này mà các khu nhà chồ lụp xụp dọc bờ sông Hàn năm xưa đã nhường chỗ cho những tuyến đường rất đẹp, sạch sẽ”.

Tuy nhiên sau khi ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, thì Đà Nẵng bắt đầu có một bộ mặt khác với hàng loạt vụ việc tham nhũng quyền lực dần được mở ra.

Trước đây, với quyền lực độc tôn như một lãnh chúa miền Trung, gần như báo chí đã không dám ‘mở miệng’, dù tòa soạn nhiều tờ báo có văn phòng đặt tại Đà Nẵng vẫn thường xuyên nhận đơn thư tố cáo của bạn đọc là người dân Đà Nẵng trước các ‘bá đạo’ trong cưỡng chiếm đất đai dưới thời chủ tịch/ bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.

Lúc đang tại chức, ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng là một nhân vật “không khoan nhượng với tham nhũng”, với kiểu tuyên bố bất chấp luật pháp, gây ấn tượng như “Cho hốt liền, không nói nhiều!”.

Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, thì hàng loạt quan chức ngay dưới quyền ông lại bị bắt và khởi tố vì tham nhũng, như hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Văn phòng Thành ủy Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng UBND Nguyễn Văn Cán, Phó Chánh Văn phòng Phan Xuân Ít, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Điểu… Đa phần các bị cáo đều khai rằng chủ mưu trong vụ đại án tham nhũng bán đất công cho Phan Văn Anh Vũ, chính là Bí thư Nguyễn Bá Thanh.

Ở Đà Nẵng có câu đồng dao “Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành của Hoàng Tuấn Anh”, đã khiến Bộ máy Đảng và Chính quyền Đà Nẵng bị các nhóm lợi ích chi phối, khống chế, tạo thành một khối ung nhọt. Tuy Nguyễn Bá Thanh đã chết, nhưng các nhóm lợi ích này vẫn tồn tại, cũng như những di hại mà ông ta đã để lại cho Đà Nẵng đến tận hôm nay – những khu phố của người Trung Quốc tại Đà Nẵng là một ví dụ về ‘mở cửa’ của ông Nguyễn Bá Thanh.

Vẻ hào nhoáng dẫn đến ngộ nhận sức mạnh Đà Nẵng?

Di hại của ông Nguyễn Bá Thanh còn là việc tạo ngộ nhận về dáng vẻ hào nhoáng của ‘thành phố đáng sống’ Đà Nẵng.

Vài tuần lễ gần đây, với chuyện tái bùng dịch Covid-19 lây lan mạnh trong cộng đồng, xuất phát từ Đà Nẵng, đã cho thấy rất đáng báo động cho toàn bộ đời sống của người dân Đà Nẵng về lãnh vực chăm sóc sức khỏe.

Trong bài báo đăng trên tờ Zing ngày 27-7-2020, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC), khi đánh giá về tình hình dịch bệnh Covid, đã cho rằng ‘Có sự lây chéo trong bệnh viện ở Đà Nẵng’.

Thời điểm đó, bài báo trên Zing dẫn lời ông Trần Đắc Phu khuyến cáo: “Người dân không nên quá lo lắng mà ồ ạt ra sân bay. Những người đã đi du lịch cùng nhau thì nhóm nào sinh hoạt theo nhóm đó. Việc nhiều người đến sân bay cùng lúc có thể gây quá tải, dẫn đến công tác phòng chống dịch Covid- 19 ở đây khó khăn hơn nếu có ca lây nhiễm”. (**)

Đến ngày 28-7-2020, báo Lao Động có đăng ý kiến của ông Trần Đắc Phu, “Một khi đã có ca mắc Covid-19 thì kể cả một ca cũng được coi là ổ dịch. Vì vậy, các bệnh viện ở Đà Nẵng vừa có ca mắc chính là ổ dịch, cần phải xử lý triệt để. Đáng chú ý, những người có tiếp xúc gần ca mắc Covid-19 hoặc diện F2, có liên quan khối bệnh viện trên tại Đà Nẵng, phải cách ly và tiến hành xét nghiệm. Những người khác phải khai báo y tế, cách ly tại nhà”. (***)

Câu hỏi đặt ra: với mức độ nguy hiểm đến vậy, vì sao không chọn giải pháp ngành y tế ở Đà Nẵng sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả số du khách sẽ rời Đà Nẵng? Thời gian mà khách chờ đợi xét nghiệm, sẽ tiếp tục lưu trú là ở các khách sạn mà khách đang ở.

Một dẫn chứng: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung của thành phố Hà Nội thời điểm cuối tháng 3-2020, đã cho lập 10 trạm xét nghiệm nhanh sàng lọc Covid-19 đầu tiên tại Hà Nội. Các trạm này sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh do Hàn Quốc sản xuất, thông qua lấy mẫu máu và trả kết quả trong 10 phút. Đây là loại xét nghiệm tìm kháng thể IgM/IgG, cho kết quả xét nghiệm tại chỗ. Kháng thể được hiểu là thứ mà cơ thể tạo ra để chống kháng nguyên nhất định (mầm bệnh).

Đến trung tuần tháng 4-2020, theo thông báo của Cơ quan Quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh, bộ test kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân Y nghiên cứu, Công ty Việt Á của Việt Nam sản xuất, đã được dán nhãn CE (tiêu chuẩn châu Âu) và CFS (giấy phép bán hàng tự do) tại EU và Vương quốc Anh.

Sản phẩm test kit phát hiện bệnh Covid-19 kể trên là sản phẩm được Bộ Khoa học – công nghệ đặt hàng nghiên cứu và sản xuất từ đầu vụ dịch COVID-19, được Bộ Khoa học – công nghệ cho ra mắt hôm 5-3 và đã được sử dụng tại Việt Nam với hiệu quả phát hiện bệnh tốt (độ nhạy 100% trên mẫu có từ 5 copy). Sản phẩm này cũng đã được xuất khẩu đi Phần Lan, Ukraine, Campuchia, Ba Lan…

Tuy nhiên, theo lời của một cựu quan chức Bộ Y tế, vừa qua buộc phải ‘thả gà ra đuổi’, vì năng lực quản lý của thành phố Đà Nẵng không đủ đáp ứng cho việc tổng ra soát với quy mô như vậy.

_________________

Chú thích:

(*) https://www.nytimes.com/2019/12/03/travel/eating-my-way-through-vietnams-most-livable-city.html?searchResultPosition=16

(**) https://zingnews.vn/pgsts-tran-dac-phu-co-su-lay-cheo-trong-benh-vien-o-da-nang-post1111807.html

(***) https://laodong.vn/y-te/nguoi-dan-vua-di-tu-da-nang-ve-can-lam-gi-822809.ldo

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)