VNTB – VTV1 và cây bút Phong Thu đã “nịnh hót không trong sáng”!

VNTB – VTV1 và cây bút Phong Thu đã “nịnh hót không trong sáng”!

[ad_1]

Phùng Hoài Ngọc

(VNTB) – Tháng 11 mặc nhiên được gọi là tháng tri ân nhà giáo ừ nhiều năm nay rồi. Nhà nước đỡ phải “lo” vì nhà trường và các em tự biên tự diễn với nhau thôi.

Ở các nhà trường, thầy trò hát hò rồi tung lên Mạng Xã Hội, nhộn nhịp lắm. Ai đã làm thầy cô giáo hoặc học trò cũng vui vui một chút với nhau.

Tối qua tò mò coi VTV1 diễn cái “Giai điệu Tự hào tháng 11” với chủ đề “Bài học đầu tiên” để chào mừng (cúng giỗ) Nhà Giáo Việt Nam.

Chủ đề “Bài học đầu tiên” do VTV1 đã “mượn lén” tên ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn, thành viên Đoàn du ca miền Nam viết những năm 1960s. Hiện nay ông Trương Xuân Mẫn định cư ở Hoa Kỳ. Tôi ngóng xem mãi nhưng không thấy ca khúc trên và.thất vọng? Sao đài VTV bạc bẽo vậy cà?!

Lẽ thường, trang chủ không thích coi món văn nghệ của VTV1, vì nó rất kém cỏi, đần độn, nhiều khi thô bỉ nữa (văn nghệ VTV3 thì đôi khi tạm coi được một chương trình). Hôm qua nghĩ mình cũng là nhà giáo nên tò mò coi thử coi sao, cũng không hại gì.

Đêm qua có hai tiết mục quá dở.

Một là, cho tốp ca nhảy và hát một bài ca tiếng Nga của Liên Xô cũ mà hầu hết không ai hiểu gì cả . Nhìn trang phục diễn viên và nghe giai điệu tiết tấu thấy có vẻ “nhà trường và trẻ em” (bài này chắc hẳn ê kíp làm chương trình gồm Phạm Hồng Kiên đạo diễn âm nhạc cùng hai MC Hồng Nhung và Lê Anh nặn ra để tế sống tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh vốn du học bên Nga về). Đây gọi là “nịnh hót lãnh đạo trong sáng”. (về nhà tra cứu mãi mới biết tên tiếng Việt là “Con sếu nhỏ” chưa bao giờ được hát ở Việt Nam).

Hai là, kết thúc chương trình là tốp ca thiếu nhi với bài hát “Bác Hồ – người cho em tất cả”. Bài này đã nghe xưa lắm rồi. Tác giả thơ ghi là Phong Thu.

Là ai vậy?

Nghe báo chí viết rằng, bạn văn hữu thường gọi đùa Phong Thu là ông “đồ gàn”.

Phong Thu xuất thân giáo viên tiểu học, suốt đời làm nhà báo tờ “Thiếu Niên Tiền Phong” và chuyên viết truyện thiếu nhi. Cuối đời đếm được 83 cuốn sách trẻ con, về hưu với ngạch “chuyên viên cao cấp” thuộc biên chế Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản HCM.

Hồi nhỏ tôi chưa bao giờ đọc truyện nào của Phong Thu. Chỉ thích đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài và vài truyện khác thôi. Chưa bao giờ nghe nói Phong Thu làm thơ. Tuy nhiên có nghe trên đài thấy bài hát này phổ thơ Phing Thu.

Chỉ nghe cái tựa đề, có bậc phụ huynh đã bực bội cằn nhằn rằng “Bố khỉ cái bọn nhà thơ, nhạc sĩ! Cha mẹ sinh con đẻ cái cực khổ làm lụng, tằn tiện nuôi con, thế mà thằng cha này nó không biết gì đến công lao cha mẹ sinh thành dưỡng dục. Nó viết trâng trâng, ráo hoảnh rằng “Bác Hồ cho em tất cả”…

Trang chủ vốn nghiên cứu văn học nghệ thuật nên có ý nghĩ khác với phụ huynh học sinh một chút. Thủ pháp “tụng ca” xuất hiện từ trước khi Khổng tử ra đời (ước cách đây hơn hai ngàn rưởi năm), được ông sưu tầm vào bộ Kinh Thi xếp vào phần Tụng (hai phần kia là Phong và Nhã rất có giá trị văn chương cho đời sau học tập).

Phần Tụng bị cắt bỏ trong chương trình đại học Văn. “Tụng thi” chỉ sáng tác trong giới quí tộc cung đình nhà Chu ca tụng vua và ca tụng lẫn nhau… Về sau các chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam rất thích loại Tụng này, vậy nên các văn nghệ sĩ đua nhau viết lập công. Có điều, tụng ca quá lố thì khó nghe lắm.

Năm ngoái thủ tướng đã ra nghị định thông tư cấm công chức “nịnh hót không trong sáng” (có nghĩa, nếu “nịnh hót trong sáng” thì…vẫn được thôi !)”. Hú hồn, may mà “công chức Phong Thu” đã sáng tác bài này từ lâu rồi, trước khi Chính phủ ra Thông tư Nghị định này, nếu không thì khó thoát khỏi bàn tay trừng phạt của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Kết

Khi tôi viết bài này, có một bạn hữu khuyên đừng gửi đăng báo vì nó “nhạy cảm” đụng chạm lãnh tụ. Tôi thưa rằng tôi không đề cập bản thân lãnh tụ, lãnh tụ đã qua đời, nghĩa tử nghĩa tận, tôi không đề cập đến. Tôi chỉ bàn về đám văn nghệ sĩ ca tụng ăn theo, lợi dụng lãnh tụ để lập công.

Có điều, đám VTV vẫn dai dẳng giữ thói nịnh hót báo công mà không nghĩ sâu xa đến qui luật tiếp nhận văn học nghệ thuật của công chúng. Cũng tương tự như tay NS.Trần Long Ẩn và GS Mai Quốc Liên, quen coi thường công chúng, ảo tưởng về khả năng áp đặt của văn học và âm nhạc trên đời sống tinh thần của nhân dân. Vì thế tôi viết bài này nhờ VNTB đăng giùm.

PHỤ LỤC

1/ Bàn luận một chút về bài thơ của Phong Thu:
Hãy xem 3 khổ thơ trên viết linh tinh, vu vơ. Rồi đột ngột khổ cuối nhắc đến Bác Hồ một cách khiên cưỡng, nghe rất buồn cười:
“Bác Hồ – người cho em tất cả”
– tốp ca trẻ em Hà Nội biểu diễn trên VTV1 tối 16/11/2019
Lời: thơ Phong Thu.
(phổ nhạc: hai anh em Hoàng Long, Hoàng Lân)

“Cho ánh nắng ban mai,
Là những sớm bình minh
Cho những đêm trăng đẹp,
Là chị Hằng tươi xinh

Cây cho trái và cho hoa
Sông cho tôm và cho cá
Đồng ruộng cho bông lúa
Chim tặng lời reo ca

Anh bộ đội đến nhà,
Cho em lòng dũng cảm.
Cô giáo cho bài giảng,
Yêu xóm làng thiết tha.

Cùng em vượt đường xa xôi,
Là chiếc khăn quàng thắm tươi.
Cho em tất cả
Người mang cho em cuộc đời mới
Tươi sáng đầy ước mơ.
Người cho em tất cả
Là Bác Hồ Chí Minh”.

(!?)

2. Thưởng thức ca khúc “Bài học đầu tiên” của Trương Xuân Mẫn

VTV1 lợi dụng tên bài hát đang được ưa thích trong giới học sinh nước ta mấy năm nay. Tuy nhiên khi dàn dựng thì VTV1 cố tình bỏ qua ca khúc tuyệt vời về tình thầy trò và tình yêu đất nước, được sáng tác dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, mà tay NS Trần Long Ẩn vẫn hằn học cay cú đả kích là “đen tối, độc hại”.
Mời quí bạn nghe lại ca khúc với lời ca mộc mạc chân thành và điệu valse thong thả uyển chuyển rất thú vị.

Thưa thầy con đã thuộc
bài học sáng nay
trong bài giảng có bụi phấn trắng
bay bay trên tóc thầy .

Giọng thầy như tiếng hát
Lời thầy như bài thơ
Cho con những ước mơ
Tới chân trời rộng mở

Bài học đầu tiên,
có bóng hình núi sông
yêu thương những cánh đồng
nối tiếp đường cha ông
Bài học đầu tiên
ấm êm lời ru của Mẹ
con cò trắng bay qua câu ca dao ngọt ngào.

Bài học đầu tiên
ấm êm lời biển xanh
căng no những cánh buồm
chở tiếng hò quê hương.

Bài học đầu tiên
cám ơn thầy, thầy đã dạy
con đường tới tương lai xây đất nước đẹp giàu .

Bài học đầu tiên con đã thuộc rồi thầy ơi
Là bài ca yêu Tổ Quốc
Không bao giờ con quên.

* Hai bé Thùy Dương và Sao Chi hát:

https://www.youtube.com/watch?v=W_PH0TapSe4

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)