Việt Nam Thời Báo

​Chủ đầu tư nói an toàn, Đà Nẵng chưa yên tâm

Tại buổi làm việc giữa UBND TP Đà Nẵng và Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chiều 31-3, ông Hồ Minh Hoàng – tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả – nói việc xây dựng hầm lánh nạn thành hầm chính sẽ đảm bảo an toàn. Còn chuyện đặt trạm thu phí để thu hồi vốn thì người dân không phải lo lắng vì họ có nhiều lựa chọn…

Không ảnh hưởng đến hầm chính?

Với tư cách là cố vấn cho chủ đầu tư về dự án này, ông Hồ Nghĩa Dũng (nguyên bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cho rằng vốn của dự án này do chủ đầu tư tự huy động, không sử dụng vốn ODA hay vốn nhà nước nên “mong TP Đà Nẵng sớm đồng ý và báo cáo lên trên để dự án sớm được phê duyệt triển khai”.


Trong khi đó theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư 6.234 tỉ đồng và hoàn thành sau 36 tháng thi công. Theo đó, dự án sẽ mở rộng đường hầm lánh nạn dài 6,2km thành hầm chính với hai làn xe.

Ngoài ra sẽ xây dựng đường dẫn phía bắc thuộc thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế) dài 2,1km và đường dẫn phía nam thuộc TP Đà Nẵng dài 4,3km. Dự án thực hiện theo hình thức BOT, dự kiến trong quá trình triển khai sẽ thu hồi 52,2ha đất.

Lượt xe qua hầm Hải Vân đã vượt dự tính

Theo ông Nguyễn Đình Bách, sau 10 năm đưa vào vận hành, khai thác, đến nay hầm đường bộ Hải Vân đã đạt và vượt số lượt xe lưu thông qua hầm mỗi ngày mà các chuyên gia Nhật Bản đã tính toán từ trước đó với 15.171.739 lượt xe.

Như vậy, bình quân mỗi ngày có 7.110 lượt xe qua hầm, con số này lớn hơn dự tính của chuyên gia Nhật Bản là 6.000 lượt/ngày đêm.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương giao công ty xúc tiến khẩn trương công tác lập đề xuất nghiên cứu mở rộng hầm lánh nạn qua đèo Hải Vân.

Nếu được phê duyệt thì quý 1-2016 sẽ khởi công dự án và hoàn thành vào quý 1-2019. Để hoàn vốn, công ty kiến nghị tiếp tục sử dụng trạm thu phí phía nam hầm Hải Vân (dự kiến giải tán vào năm 2016) và sẽ thu phí ngay khi triển khai dự án.

Với những luận chứng trên, ông Hoàng đề nghị TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm phê duyệt dự án, thống nhất phương án giữ lại trạm thu phí phía nam hầm để làm cơ sở hoàn vốn. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, tham vấn cộng đồng và giải phóng mặt bằng.

“Việc thi công hầm lánh nạn Hải Vân sẽ được thực hiện theo phương pháp xây dựng hầm mới của Áo với kết cấu chống đỡ chủ yếu bằng bêtông phun, neo và bêtông vỏ hầm.

Ngoài ra, trong quá trình đào, mở rộng hầm lánh nạn sẽ không làm ảnh hưởng đến hầm chính hiện đang khai thác. Trong khi thi công, hầm lánh nạn vẫn phải đảm bảo chức năng hầm thoát nạn cho hầm hiện tại trong trường hợp xảy ra sự cố tai nạn, hỏa hoạn” – ông Hoàng nói.

Nên nghiên cứu xây hầm mới

Ông Nguyễn Đình Bách, tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco), băn khoăn:

“Nếu sử dụng trạm thu phí nam Hải Vân hiện tại để nhà đầu tư thu hồi vốn sẽ tạo nên cảnh tượng dày đặc trạm thu phí khi các hầm Phú Gia và Phước Tượng (Thừa Thiên – Huế) hoàn thành.

Lúc đó chỉ trên đoạn đường chưa tới 50km giữa Huế và Đà Nẵng sẽ có đến ba trạm thu phí là không ổn. Liệu người dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế khi lưu thông trên một đoạn đường ngắn phải chịu mức phí lớn có đồng ý không?”.

Còn ông Lê Văn Trung, giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng, cho rằng với sự phát triển và lưu lượng xe cộ ngày càng tăng, ông ủng hộ việc làm thêm một hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.

Tuy nhiên, qua báo cáo của chủ đầu tư, ông thấy còn băn khoăn vì phương án tài chính, nguồn lực chưa được nêu rõ.

Theo ông Trung, chủ đầu tư phải báo cáo rõ phương án, nguồn lực thì TP Đà Nẵng mới xem lại vấn đề để có cơ sở báo cáo với Bộ Giao thông vận tải.

“Khi thi công biến hầm lánh nạn thành hầm chính phải lường trước tác động của âm thanh, tiếng ồn. Việc thi công có ảnh hưởng đến hầm hay không?

Vì vậy theo tôi, nên nghiên cứu thêm một phương án nữa, tức là giữ nguyên hầm lánh nạn và xây thêm một hầm mới” – ông Trung nói.

Lý giải vì sao không nghiên cứu xây dựng thêm một hầm mới, đại diện chủ đầu tư nói: “Làm như vậy tốn quá nhiều tiền”.

Còn trả lời về việc mọi người băn khoăn sẽ có nhiều trạm thu phí trên đoạn đường ngắn, ông Hoàng nói:

“Hầm là công trình có tính chất đặc biệt trên quốc lộ 1, khác với các công trình đường bộ khác. Khi sử dụng, người dân sẽ có nhiều lựa chọn bởi chủ đầu tư cũng là dân mà”.

Về mặt quản lý nhà nước, đại diện Cục Quản lý đường bộ III cho biết:

“Khi biến hầm lánh nạn thành hầm chính sẽ có hai vấn đề đáng quan tâm. Thứ nhất là việc thu phí sau này vì nếu sử dụng trạm thu phí hiện tại sẽ xảy ra tình trạng các trạm thu phí quá gần nhau gây bức xúc dư luận. Ngoài ra, chủ đầu tư phải tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thi công”.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng hầm đường bộ Hải Vân do phía Nhật Bản tư vấn, xây dựng, vì vậy khi biến hầm lánh nạn thành hầm chính phải lấy ý kiến của chuyên gia Nhật Bản.

Ngoài ra, chủ đầu tư nên nói rõ vì sao lại chọn giải pháp mở rộng hầm lánh nạn mà không chọn phương án khác.

Thoát hiểm thế nào?

Theo ông Nguyễn Đình Bách – tổng giám đốc Hamadeco, hầm này được thiết kế là hầm lánh nạn nên khi biến thành hầm chính phải có nghiên cứu, đánh giá, tham vấn hết sức kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Trả lời câu hỏi biến hầm lánh nạn thành hầm chính thì khi có sự cố xảy ra sẽ thoát hiểm thế nào, ông Bách cho biết nếu gặp sự cố thì việc thoát hiểm vẫn đảm bảo bởi giữa hai hầm có nhiều hầm ngang kết nối với nhau.

Còn theo ông Hồ Minh Hoàng – tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, trong quá trình thi công biến hầm lánh nạn thành hầm chính sẽ bố trí khung thép di động trong hầm lánh nạn tại vị trí đào mở rộng để đảm bảo các xe đặc chủng (xe cứu hỏa, cứu thương) có thể chạy thông suốt trong hầm lánh nạn khi có sự cố khẩn cấp.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tin bài liên quan:

“Không để đồng bào nói Chính phủ cho ăn bánh vẽ”

Phan Thanh Hung

VNTB – Một nhà báo và một thằng nhà báo trong báo chí cách mạng

Phan Thanh Hung

Vị thế Đảng và chuyến đi của ông Trọng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.