15/11: Điểm rẽ chính trị Việt Nam?

Viết Lê Quân

 Không khí nghị trường như bị siết nén ngay trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 15/11/2014. Có cảm giác như tất cả các cánh cửa nghị phòng đều bị cố ý đóng chặt trong một cuộc bỏ phiếu kín. Có cảm giác như các tuyến đại biểu đang âm thầm nâng đặt về vận mệnh của một số “chính khách” nào đó. Và cũng có cảm giác như những chính khách buổi giao thời đang thầm thì run rẩy khi không thể tự kiểm soát được số phận giữ ghế của họ…
Thực ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đã từng có tiền lệ. Năm 2013, không khí nghị trường còn chán chường hơn nhiều so với lúc này. Khi đó, báo chí phải mô tả là có đến hàng trăm đại biểu không chịu mở miệng trong suốt vài ba kỳ họp quốc hội. Khi đó, tiếng vọng của kinh tế đã rên la thảm thết, thế nhưng nhiều đại biểu quốc hội lại “chán chẳng buồn nói”. Để khi đại biểu không lên tiếng, giới quan chức chính phủ – những người cầm cân nảy mực về số phận nền kinh tế quốc gia – lại thi nhau tung hứng. Những lời bào chữa về trọng trách điều hành, những con số âm binh tô vẽ, và cả những lời khen tặng bay bổng mà một số tờ báo dành cho họ… Vào lúc đó, có vẻ họ trở nên sung mãn khác thường – tâm trạng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên trong lịch sử quốc hội.
Song chuyện đời không đơn giản như vậy. Không nói không có nghĩa là không có chính kiến. Không dám nói chính thức không có nghĩa là không biết bấm nút phủ quyết. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố, bầu không khí bên các cơ quan chính phủ và bộ ngành lặng hẳn đi. Khó ai ngờ đến cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà còn bị đến 32% phiếu tín nhiệm thấp. Trong khi đó, “cấp phó” của ông này là Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lập kỷ lục quán quân tín nhiệm thấp – 42%. Một quan chức đầu ngành khác luôn bị kêu than là “vỡ trận” – Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận- cũng bị đến 35%. Các bộ trưởng y tế, lao động và công thương – những người vướng vào nhiều tai tiếng – cũng rơi vào vòng nguy hiểm.
Còn tại kỳ họp quốc hội lần này, không khí bất chợt sôi động hơn khá nhiều so với trước khi diễn ra cuộc lấy phiếu tín nhiệm vào giữa năm 2013. Nghị trường lập tức chứng kiến thái độ khá bức bối của một số đại biểu khi đề cập đến nợ xấu, nợ công, báo cáo kinh tế – xã hội của Chính phủ, dự án sân bay Long Thành…
Có vẻ như điềm lành đang không quá ưu ái cho giới chức chính phủ, cho dù họ đã bày tỏ ý định PR nhiệt tình như thế nào trước kỳ họp quốc hội lần này.
“Ngày phán quyết” là một khả năng có thể sẽ xảy ra vào 15/11. Chỉ trước đó ít hôm, Hà Nội đã trở thành địa chỉ đầu tiên giương cao ngọn cờ cho chiến dịch “được từ chức”: những quan chức nào bị 1/2 phiếu tín nhiệm thấp trở lên sẽ không được tiếp tục thăng quan tiến chức; còn với 2/3 phiếu tín nhiệm thấp thì có quyền “được từ chức”, nếu không từ chức sẽ bị “xử lý đúng quy trình”.
Điểm rẽ của nền chính trị Việt nam có thể hiện ra vào ngày 15/11, chí ít cũng liên quan mật thiết đến nền móng thiết lập cho một cơ chế “không tín nhiệm thì nghỉ!” – như cách nói của người đứng đầu đảng từ giữa năm 2013, nhưng cho tới nay vẫn sợ “đập chuột vỡ bình’.
Và tất cả đều dợm chân, nếu không muốn nói là đang thực sự lao vào cuộc chiến “sắp xếp nhân sự” không khoan nhượng để phục vụ cho đại hội đảng 12 vào đầu năm 2016.
Kẻ yếu bản lĩnh và chậm chân sẽ không còn cơ hội để “đổi mới thể chế” nữa, dù chỉ trên thông điệp.
Ai đó đang muốn “thay máu”…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)