Liên Sơn
* Tác giả gửi bài cho VNTB
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 15/11 đã diễn ra “thành công tốt đẹp”, theo đúng nghĩa mà các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) và bản thân phần lớn các vị lãnh đạo chủ chốt kỳ vọng.
Lấy phiếu chính là xoa dịu
15/11 là kết quả của việc Nghị quyết 35 không được “sửa, bổ sung, và thông qua” tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014) trước đó vì “những bất cập, hạn chế vướng mắt” khiến cho các “ĐBQH thấy cần có thời gian để nghiên cứu kỹ hơn”, dù rằng, Nghị quyết 35 là cơ sở văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất cho việc lấy phiếu tín nhiệm.
Nhưng rõ ràng, đã có sự thống nhất cao trong việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Ít nhất, một số dư luận cho là vài con chốt đã được thí. Điển hình là trung tâm của bão dư luận – Bộ trưởng Bộ Y tế!
Như việc Bộ trưởng Ngoại giao có số phiếu “tín nhiệm cao” cao hơn Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Công an.
Nhiều cơ quan truyền thông cho đó là “kết quả rất hay”. Điều này không thể chối bỏ, bởi nó phản ánh đúng sự kỳ vọng của ĐBQH đối với các chức danh lãnh đạo trong việc xử lý các vấn đề của đất nước. Tất nhiên, đều trên nền tảng quán triệt tinh thần mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở vào chiều ngày 6/6/2014 rằng: “Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò, tham khảo trong đánh giá cán bộ. Bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm tiếp hoặc thôi.”
Và quan trọng hơn cả là, thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” bắt đầu từ hội nghị TƯ 4 với ý muốn thường xuyên có những động tác cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, để cho mỗi cán bộ khi làm chức trách của mình thì tự soi, tự sửa là chính.”
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, cũng đã từng đọc tờ trình về sửa đổi, bổ sung nghị quyết của QH lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong tháng 6 trước đó, nhấn mạnh ưu điểm của lấy phiếu tín nhiệm chính là “tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác”.
Chính điều đó đã bác bỏ cái đa số “đề nghị 2 mức độ” trong lấy phiếu tín nhiệm là: tín nhiệm và không tín nhiệm. Dù gọn gàng, rõ ràng, nhưng lại thiếu tính thực tế, ít nhất là nó trái cái tinh thần của Nghị quyết Hội nghị TƯ 4. Điều đó thật khôi hài, nhưng biết làm sao được, khi “Cương lĩnh Đảng quan trọng hơn cả Hiến pháp”.
Việc làm đó là bình thường, đặt trong thể chế Việt Nam. Và không nên hóa lạ nó.
Cái hay nữa của cuộc lấy phiếu tín nhiệm là 15/11 đã thể hiện sự nhanh nhạy của các ĐBQH, thông qua việc xoa dịu tạm thời đối với các nỗi bức xúc xã hội trong thời gian qua. Và cũng là để báo chí nhà nước có cơ hội biện bạch rằng, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã diễn ra công bằng, công tâm và dân chủ.
Do đó, ở một mức độ nào đó, hãy nhìn 15/11 bằng cái nhìn “tích cực” thay vì “hình thức”. Đừng kỳ vọng một cái gì đó đột phá, tất cả buộc phải theo một quy trình cho phép, đảm bảo sự an toàn về mặt nhân sự cấp cao. Đó cũng là lý do vì sao, dù quyền bỏ phiếu tín nhiệm được bổ sung vào điểm 7, Điều 84 của Hiến pháp 1992, nhưng đến năm 2013, mới bước đầu đi vào “hiến định”.
Lại nhân chuyện cao thấp, qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm này. Nó cho thấy một khía cạnh lý tình của các ĐBQH.
Nếu tháng 6/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình với 209 phiếu. Người đứng thứ hai về số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận với 177 phiếu và bản thân ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đội sổ thì năm nay, hai ông đã vượt lên.
Tại sao lại thế? Lý do không nằm ở các ĐBQH có xu hướng đánh giá theo chiều hướng tích cực – nghĩa là sửa sai của các chức danh lãnh đạo hơn là cách họ điều hành công việc. Cái lý của ĐBQH cao hơn cái tình. Thực vậy, giả như các ĐBQH cho ông Thủ tướng thấp, thì chẳng những không kiềm chế được ông ta, mà ngược lại một số người e rằng càng thúc đẩy ông ta phá nát chế độ. Do đó, “động viên, khuyến khích” đối với những tín hiệu khả quan, dù nhỏ, là một sự lựa chọn đúng đắn.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhận định, “Mỗi ĐBQH thể hiện chính kiến của mình trong phiếu tín nhiệm, nhưng thái độ chung là sự động viên và mong muốn QH, cử tri sẽ hỗ trợ để mỗi ngành đó sẽ có chuyển biến trong thời gian tới”.
Nói đi cũng phải nói lại, cái quy trình chính là đi từng bước, chậm mà chắc, “gỡ dần chứ không thể gỡ ngay”, như ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhận xét. Trong tình trạng hình thức lấy phiếu, thời điểm lấy phiếu, cũng như quy trình xử lý hệ quả của việc lấy phiếu vẫn giữ nguyên trạng.
Ngay như việc các vị ĐBQH thể hiện sự tín nhiệm với Thống đốc NHNN, cũng là thể hiện cái nhu cầu muốn có sự cải thiện dần về nợ công và nền tài chính quốc gia, vốn gây nóng trên bàn nghị trường thời gian qua mà thôi.
Trong hoàn cảnh mà đến bản thân các vị ĐBQH cũng chưa được thông tin đầy đủ về cá nhân lãnh đạo thì làm sao họ có thể đánh giá đầy đủ, khách quan, công tâm cho được.
Do đó, không lạ khi các ĐBQH lắng nghe ý kiến cử tri, “rồi những người ở gần những vị ấy”, sau cùng mới tới “sự quan sát của bản thân”, như ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) thừa nhận khi đánh giá những người được lấy phiếu.
Suy cho cùng, tự trọng đối với chức danh chủ chốt không bằng trách nhiệm và lương tri của ĐBQH.
Lấy phiếu tín nhiệm là PR chính trị
Câu hỏi được đặt ra tiếp sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm ngày 15/11/2014 có “phản ánh đúng” tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, mong đợi của cử tri không?
Có, nhưng không thực chất và thiếu tính lâu dài. Bởi kết quả của số phiếu trồi sụp phiếu tín nhiệm có thể được định hướng bởi yếu tố chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam (Nguyễn Tấn Dũng) và sức mạnh của truyền thông, khả năng PR chính trị của mỗi người, trong đó ông tư lệnh ngành GTVT quá tài, trong khi “O Tiến” thì quá kém. Sự định hướng truyền thông chính trị phát huy tác dụng mạnh mẽ trong môi trường mà các vị ĐBQH trở nên “phụ thuộc” vào nó, ngay như ĐBQH Dương Trung Quốc cũng chia sẻ rằng, nguồn đánh giá của mình là thông tin qua báo chí, dư luận xã hội.
Nó cho thấy rằng, tính trách nhiệm hay không trách nhiệm trong lá phiếu cũng phụ thuộc một phần vào tính đúng sai của truyền thông.
Ai làm chủ được truyền thông, người đó sẽ nắm một phần cơ hội thắng. Bộ trưởng Thăng đã làm rất tốt điều đó, khi ông từng có vết chàm khi làm bên Tập đoàn dầu khí, nhưng từ khi làm tư lệnh ngành GTVT, ông đã “ý thức” bằng sự năng nổ trong công tác kiểm tra, giám sát ngành. Ở góc độ nào đó, thì đấy chính là sự PR chính trị trước thềm Đại hội Đảng hơn là một sự quan tâm thực sự. Nó giống như việc ông kiểm tra đường bằng tay, để rồi sau đó, con đường ấy nứt toác ra.
Ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là người “được lòng” các vị đại biểu quốc hội (ĐBQH) lẫn những người dân, bởi những lời nói hoa mĩ vì dân, vì nước của ông. Nhưng cái địa vị hữu danh vô thực không cho phép ông làm được nhiều như thế. Dù sao ông cũng đem lại chút hứng khởi tạm thời trong lòng dân đang ly tán.
Một ông Thủ tướng Chính phủ với sai phạm hàng loạt về điều hành kinh tế và cuộc chiến chống tham nhũng, cam kết nợ công dưới mức trần 65%, nhưng ngay sau đó đã có cảnh báo nâng mức trần lên 67%. Nhưng có sao đâu, vì ông ta vẫn là chính trị gia quyền lực nhất Việt Nam hiện nay.
Tất cả cho thấy tính tạm thời, nhưng dù sao, “những hình thức gì mà nó có một chút tiến bộ, thì đó là một điều chúng ta nên hoan nghênh,” ông Alan Phan nói.
“Các vị ĐBQH đã thực hiện trọng trách cao cả của mình, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa pháp lý, làm việc thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác khi tiến hành lấy phiếu”, ông Chủ tịch Quốc Hội nhấn mạnh.
Chúng ta đã chờ hơn 70 năm để thấy cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên, thì chờ thêm một thời gian nữa cũng không có gì quá đáng. Nhất là sự thay đổi của Nghị Quyết 35 trong kỳ họp lần sau.
Trong gian phòng mang cái tên kiêu hãnh một thời – Diên Hồng, nằm trong tòa nhà Quốc Hội trị giá 7.000 tỷ, người ta tiến hành vở kịch công phu có tên “lấy phiếu tín nhiệm”. Nhưng kịch cũng đem lại những tiếng cười sảng khoái, chứ không đến nỗi vô dụng lắm. Điều đó tốt trong tình trạng mà sức người tàn, lực nước kiệt qua nền kinh tế với nạn thất nghiệp tràn lan, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nợ công nâng trần…