VNTB – Các tỉnh được quyền phản đối nhiệt điện than

VNTB – Các tỉnh được quyền phản đối nhiệt điện than

 

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than bố trí tại địa phương mình. Song, Thủ tướng Chính phủ cho rằng “nếu nói tiếp tục phát triển điện than thì dư luận chưa chắc chấp nhận”https://laodong.vn/thi-truong/thu-tuong-tra-loi-ve-viec-phat-trien-nhiet-dien-than-775008.ldo

Ông Trần Viết Ngãi đã có ý phát biểu như trên tại hội nghị tổng kết ngành công thương ngày 27/12/2019, và đã được rất nhiều tờ báo tường thuật với nội dung trích dẫn tương tự báo Lao Động.

Theo ghi nhận ý kiến của nhiều bài báo, trên diễn đàn mạng xã hội, và cả trên trang Việt Nam Thời Báo (https://vietnamthoibao.org/vntb-nhiet-dien-than-va-khuyen-nghi-kho-hieu-cua-hoi-nang-luong-vn/) tất cả đều phản đối ý kiến của người đứng đầu tổ chức có tên Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Ông Trần Viết Ngãi – nguyên là phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Phó ban Chỉ huy công trình đường dây 500 kV Bắc – Nam. Như vậy có thể nói rằng ông là người hiểu biết về thị trường điện lực ở Việt Nam. Tuy nhiên xét về mặt am tường hệ thống pháp luật tương ứng, có lẽ ông Trần Viết Ngãi cần cẩn trọng hơn, hoặc ông cần biết lắng nghe vào đội ngũ chuyên trách pháp lý ở Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Yêu cầu mà ông Trần Viết Ngãi đưa ra với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên thực tế là một đề nghị mà dù có đồng tình thì thủ tướng vẫn không thể ban hành được chỉ đạo đó. Lý do: Luật số 77/2015/QH13, tức Luật tổ chức chính quyền địa phương, trao cho chính quyền các địa phương quyền được phản đối về những chính sách gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và môi trường xã hội ở địa phương mình – tham khảo cập nhật về luật này tại https://moha.gov.vn/tin-noi-bat/quoc-hoi-thong-qua-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-to-chuc-chinh-phu-va-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-41288.html; http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=43090

Có ý kiến cho rằng ông Trần Viết Ngãi dường như đã phát biểu với thói quen ‘cách nào cũng chạy được’ đối với những dự án nhiệt điện than mà Trung Quốc đang đầu tư ở Việt Nam.

Ông Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ và là một chuyên gia về môi trường, cho biết theo quy định, đối với các dự án nhiệt điện than khi triển khai làm báo cáo đánh giá tác động môi trường, đều có phần bắt buộc là phải tham vấn ý kiến cộng đồng, tức hỏi ý kiến của người dân sống trong khu vực dự án và ý kiến của địa phương.

“Tham vấn có nghĩa là đi hỏi ý kiến của địa phương, của người dân xem họ có đồng ý hay không mới triển khai, nhưng ở đây lại đề nghị các tỉnh không được từ chối, như vậy còn tham vấn làm gì nữa?”, ông nêu vấn đề và cho rằng ông Trần Viết Ngãi thấy có nhiều địa phương đã từ chối điện than nên mới yêu cầu thủ tướng ban hành chỉ đạo như vậy.

Nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Tiền Giang, Bạc Liệu; thậm chí mới đây Thừa Thiên-Huế cũng tuyên bố từ chối đầu tư dự án nhiệt điện than do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường từ loại năng lượng hóa thạch đó.

Một nhà báo ở tờ Long An kể rằng khi chính quyền tỉnh này kiên quyết yêu cầu Bộ Công thương xóa quy hoạch các dự án nhiệt điện than đối với Long An, vì, “mặc dù công nghệ sản xuất điện năng của nhiệt điện than là công nghệ hiện đại, ngang tầm thế giới, hiệu suất vào loại cao của thế giới, đảm bảo tính hiện đại, an toàn, đồng bộ… đến đâu đi nữa, thì nhiệt điện than sử dụng nhiều than nên khối lượng các chất thải rắn, khí, nước đều lớn… Trong bối cảnh đang xảy ra những vấn đề về môi trường của nhiệt điện than Vĩnh Tân, nhiệt điện than Duyên Hải… thì chuyện gây tác hại lớn đến môi trường đã quá hiển nhiên”.

Thông tin khác không mới, nhưng góp thêm ý cho nguyên do yêu cầu như trên của vị chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Trung Quốc đã và đang đóng cửa khoảng 600 nhà máy nhiệt điện chạy than gây ô nhiễm môi trường.

Việc Trung Quốc đang cho dừng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than, thậm chí là cấm cửa nhiệt điện than có thể khiến các dây chuyền nhà máy điện than chuyển sang Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang có hàng loạt các dự án xây dựng trung tâm, nhà máy nhiệt điện than nở rộ theo quy hoạch của Bộ Công thương từ thời chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng.

Nói thêm: Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – tổ chức trực thuộc cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công thương.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)