Việt Nam Thời Báo

22 tỷ USD vốn ODA “tắc” thực chất chỉ là vốn cam kết

BizLIVE


BizLIVE – 

Trước những lo lắng về việc 22 tỷ USD vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang bị đọng lại, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, đây chỉ là vốn cam kết và chưa ký chính thức với các nhà tài trợ.


22 tỷ USD vốn ODA “tắc” thực chất chỉ là vốn cam kết
Ảnh minh họa.
Tại cuộc hội thảo diễn ra sáng nay (3/6) tại Hà Nội, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, khoản 22 tỷ USD không phải là vốn thực tế các nhà tài trợ ký với Chính phủ Việt Nam mà chỉ là cam kết.
Theo ông Hải, luôn có sự chênh lệch đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và khoản giải ngân thực tế. Trung bình một vài năm trở lại, mỗi năm Việt Nam giải ngân được khoảng 5 tỷ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Trước câu hỏi, liệu thiếu vốn đối ứng có phải là nguyên nhân khiến 22 tỷ USD khó giải ngân, ông Hải phản hồi rằng, đây chỉ là một trong số các vấn đề hiện tại.
Ông Hải nhấn mạnh, vốn đối ứng chỉ là vấn đề với những dự án đã và đang triển khai còn thực tế khoản 22 tỷ USD đang nhắc tới chỉ là vốn cam kết.
Điều này theo ông đồng nghĩa khoản vốn trên chưa chính thức được ký kết. “Quá trình này phải trải qua các bước như đàm phán với nhà tài trợ để xem các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nào, ở đâu, cam kết căn cứ vào điều kiện thực tế ra sao rồi mới tiến hành ký kết”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, Bộ luôn phối hợp chặt với Bộ Kế hoạch đầu tư chuẩn bị các bước triển khai giải ngân dự án làm sao nhanh nhất có thể. “Chẳng hạn như sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 16 thì Bộ Tài chính đã giới thiệu Thông tư hướng dẫn triển khai. Bộ Kế hoạch đầu tư hiện cũng dự thảo nghị định này phần trách nhiệm của bộ Kế hoạch đầu tư”, ông Hải nói.
Ngoài ra, ông Hải cũng thông tin, hiện ODA tập trung nhiều vào giao thông, sau đó tới y tế giáo dục.
Trước đó, ngày 2/6 trong phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5/2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.
Về con số 22 tỷ USD vốn cam kết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, có 2,15 tỷ USD phải sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.
NGUYỄN THẢO

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo