Việt Nam Thời Báo

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.2)

VNTB: Một tư liệu có giá trị sống động lịch sử. Kỷ niệm một phần tư thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, VNTB trích đăng lại cảm nhận trực tiếp của những người trong cuộc.

————————–

Hansjürgen Rosenbauer

Chủ nhật, 8 tháng 10 năm 1989

Biên giới mở sang Tây Berlin cũng đóng kín vào ngày hôm đó. Hàng ngàn khách du lịch bị từ chối không cần lý do. Hai ngày trước ngày lễ kỉ niệm của quốc gia chính phủ đã đưa ra phương sách này, vì họ nghĩ rằng các ảnh hưởng xấu chủ yếu đến từ bên ngoài, do kẻ thù giai cấp đem đến, trong khi dân chúng, ngoại trừ một số kẻ quá khích, đều đồng lòng đứng về phía Đảng và Chính phủ.

Vì thế thông báo cập nhật của hãng thông tấn ADN là hợp logic: ‘Đêm mùng 7 tháng Mười tại Berlin những kẻ gây rối đã cố phá hoại các lễ hội dân gian nhân 40 năm ngày quốc khánh CHDC Đức. Phối hợp với các phương tiện truyền thông phương tây chúng đã tập họp tại quảng trường Alexander và khu vực lân cận, kêu gào những khẩu hiệu thù địch với nền cộng hòa. Nhờ có sự chín chắn của các cơ quan an ninh và bảo vệ cũng như những người tham dự lễ hội dân gian mà các khiêu khích có chủ ý không được tạo điều kiện phát triển. Những kẻ chủ mưu đã bị bắt giữ.’

Trong các buổi lễ nhà thờ vào chủ nhật đó có các cảnh báo phải thận trọng và tránh bạo động. Nhóm Diễn đàn Mới phân phát các tờ rơi đánh máy với lời kêu gọi: ‘Bạo lực không phải là phương tiện tranh đấu chính trị. Đừng để bị kích động! Chúng ta không liên quan gì đến các xu hướng cực hữu và chống cộng. Chúng ta muốn đối thoại một cách khôn ngoan, suy nghĩ nghiêm túc về tương lai của mình, không muốn có các hành động mù quáng. Chứng kiến hoàn cảnh có tính bước ngoặt hiện nay, chúng tôi kêu gọi tất cả các công dân CHDC Đức hãy hành động với đầy đủ tinh thần trách nhiệm và đoàn kết.’

Lúc 15 giờ, gần 5.000 người của nhóm Diễn đàn Mới tập họp để tuần hành. Họ trước hết phản đối sự tấn công tàn bạo của các lực lượng an ninh trong những ngày qua. Lúc 16 giờ những người biểu tình bị cảnh sát bao vây. Xe chở cảnh sát tiến lại gần. Một lát sau đó Michael Dulig kể lại những gì đã trải qua cho tờ Union, tờ báo địa phương của Đảng CDU: ‘Mặc dù những người biểu tình giữ bình tĩnh, ngồi xuống và kêu gọi nhau hãy xử sự khôn ngoan, người ta vẫn giải tất cả đi, kể cả một người ngồi xe lăn. Sau đó tất cả các xe tải thả người vào một doanh trại của đơn vị cảnh sát trực chiến. ‘Phụ nữ sang bên trái, đàn ông về bên phải!’ – các chỉ dẫn vang lên. Ngay lập tức chúng tôi bị chia về các cổng gara và phải úp mặt vào tường, chân tay giang ra dựa chéo lên tường. Người ta gọi đấy là tư thế ruồi. Chúng tôi bị khám xét toàn thân trong tư thế ấy, bị lấy mất chứng minh thư và thắt lưng. Trong ga ra giam giữ một trăm người đàn ông. Một sỹ quan mặc áo giáp, có lẽ là chỉ huy tác chiến, thông báo cho chúng tôi biết mình đang ở trong một tòa nhà được bảo vệ quân sự. Có thể dùng đến súng ống nếu có ai đó định chạy trốn.

Các cảnh sát trực chiến đang canh gác mệt mỏi vì tiếng la hét, và kỷ luật được nới ra. Lúc khoảng 22 giờ 30, các sỹ quan dự bị mặc áo giáp ầm ầm tấn công ga ra. Họ dùng dùi cui đập vào lưng và gáy, túm lấy những người đứng ở phía sau và dựng họ đứng vào vị trí một cách dã man. Trong lúc ấy họ dùng dùi cui hoặc ủng đánh vào hai chân đến chân dạng ra đủ cỡ. Ai không nghe theo ngay lập tức hoặc kêu ca phàn nàn sẽ bị hét vào mặt, lôi ra khỏi ga ra một cách thô bạo và bị quẳng vào cổng ở bên ngoài.

Sau nửa đêm tôi bị đưa lên một chiếc xe tải chở tù và đưa đến Bautzen. Chúng tôi sợ hãi, tính đến một phiên tố tụng khẩn cấp. Tòa án quân sự dã chiến. Liệu có điều luật đặc biệt nào được đưa ra trong đêm không? Chúng tôi bị lùa khỏi xe tải trong tiếng hò hét ầm ĩ. Lính canh đứng thành hàng. Khắp nơi đòn vọt trút xuống như mưa. Mọi việc diễn ra như lúc chăn dắt súc vật. Tôi bị đá vào người khi đang đi. Dùi cui nện vào mông và một ngọn dùi cui có chủ ý đập vào ót. Mãi đến tối hôm sau người ta mới gọi ra một vài nhóm nhỏ, thông báo là có quyết định không truy cứu hình sự, nhưng sẽ xử vì tội gây rối trật tự.’

Mặt khác các xung đột nội tại mà những người phải làm nghĩa vụ quân sự trẻ tuổi phải vượt qua được thể hiện rõ trong một bức thư của một cảnh sát trực chiến gửi cho linh mục của mình. Đó là một cuộc huy động quân sự trước ngày quốc khánh lần thứ 40, từ đó rõ ràng giải thích được một vài phản ứng của cảnh sát về sau này. Vào mùng 4 và mùng 5 tháng Mười chính phủ CHDC Đức quyết định đưa 11.000 người sẵn sàng di cư khỏi đại sứ quán của CHLB Đức ở Praha vòng qua lãnh thổ của mình về phía tây trong những chuyến tàu đặc biệt. Vì thế hàng ngàn người Dresden tìm cách tấn công nhà ga và nhảy lên những chuyến tàu đi Bayern.

‘Chúng tôi chỉ có hai lựa chọn, hoặc là tuân lệnh hoặc đi tù lâu, rất lâu ở trại quân lao ở Schwedt. Hôm thứ Tư và thứ Năm tình thế hãy còn hoàn toàn khác. Khi đó còn có người đứng đối diện với chúng tôi, ném đá, chai lọ cháy nổ và acid vào cảnh sát. Đội của chúng tôi có mặt khi nhà ga chính bị phong tỏa, và trên phố Praha vào thứ Năm. Người ta gọi chúng tôi đi khá muộn và đưa chúng tôi vào nơi nguy hiểm nhất. Chúng tôi chỉ còn biết sợ hãi mà thôi. Đá rơi ầm ầm vào lá chắn của chúng tôi, chai lọ acid và chất cháy nổ rơi trên đường nhựa trước mặt chúng tôi. Hai người trong số chúng tôi đổ gục. Đá đã xuyên thủng mặt nạ của họ. Sau đó chúng tôi bị đưa khỏi hàng đầu tiên và phải vứt bỏ lá chắn. Rồi chúng tôi được chia thành nhóm năm người một, bị xô nhào vào đám đông để tìm những người ném đá. Các sỹ quan, cảnh sát bảo vệ và cơ quan An ninh Nhà nước ở một khoảng cách an toàn phía sau vòng phong tỏa. Trong giây phút ấy lần đầu tiên và tới nay là duy nhất trong đời tôi có cảm giác kinh hoàng trước cái chết sắp đến. Trước mặt chúng tôi là đám đông phẫn nộ và sau lưng là các sỹ quan, cơ quan An ninh Nhà nước và kiểm sát viên quân đội. Những gì chúng tôi đã làm trong đám đông là do sợ hãi và thuần túy vì muốn thoát chết. Nhưng những gì xảy ra trong những ngày cuối cùng cũng như từ trước, do một số đội thuộc các cơ quan bảo vệ và an ninh thực hiện làm bất cứ ai có lương tri thông thường phải thấy kinh tởm và bàng hoàng. Những người chứng kiến nhưng không can dự và những người biểu tình phi bạo động đã được ‘những kẻ’ thi hành án trong trại lính ‘tiếp đón’ y như những người ném chai lọ cháy nổ. Kinh hoàng nhất là lúc chứng kiến ‘những kẻ’ (đó không thể nào là con người được nữa) ấy đánh đập phụ nữ, các cô gái và người già như thế nào.’

Đến tối cuối cùng một đoàn đại biểu của những người biểu tình ở Dresden đã đạt được thỏa thuận đàm phán với những quan chức có trách nhiệm của thành phố. Vì không gặp được bí thư quận ủy đảng SED Hans Modrow, thị trưởng Wolfgang Berghofer tỏ ý sẵn lòng tiếp 20 người vào ngày hôm sau. ‘Nhóm 20 người’ tự động được thành lập. Khoảng 20 giờ thì có tin tức như mong đợi là cảnh sát đã rút lui. Những người còn bị bao vây ở phố Praha được phép rời đi.

Tình hình ở Berlin lại khác. Tối đó tại đây một lần nữa lại diễn ra cảnh đánh đập kinh hoàng quanh nhà thờ Gethsemane. Sau lễ khấn nguyện các đơn vị cảnh sát vây hãm dòng người đang đổ ra ngoài và yêu cầu tất cả 3.000 người hãy đi hàng một qua hàng rào của cảnh sát. Thế nhưng đoàn người vẫn đứng gần nhau, cầm nến trong tay, ngồi xuống đất để phản đối. Lúc ấy cảnh sát giải tán đoàn người một cách tàn bạo. Những chiếc dùi cui cao su được thả lỏng giáng xuống cả nhiều người vô can, như trưởng khoa Thần học đại học Humboldt, giáo sư Heinrich Fink và con gái ông. Chủ nhật đó lần đầu tiên những đơn vị đặc biệt võ trang bằng mũ, lá chắn và dùi cui như trong nội chiến được huy động, được các đàn chó hộ tống. Tiếng chuông báo nửa đêm của nhà thờ hòa vào tiếng gào thét của những người bị đánh đập. Bạo lực leo thang đến không kiểm soát nổi.

Tin bài liên quan:

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.6)

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.1)

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.5)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.