Việt Nam Thời Báo

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.3)



VNTB: Một tư liệu có giá trị sống động lịch sử. Kỷ niệm một phần tư thế kỷ bức tường Berlin sụp đổ, VNTB trích đăng lại cảm nhận trực tiếp của những người trong cuộc.

————————–

Hansjürgen Rosenbauer

Thứ Hai, 9 tháng 10 năm 1989
Các báo ra vào buổi sáng không cho biết gì nhiều về những căng thẳng đang diễn ra trong nước. Thế nhưng có những chuyển đổi nhấn mạnh về chính trị đầu tiên nổi rõ lên trong các phương tiện truyền thông mà bình thường vẫn phần nào chung một giọng. Trong khi tờ ‘Nước Đức Mới’ tiếp tục loạt bài ‘Tường thuật nông trang’ của mình và in hình Erich Honecker trên ba trang báo, đối thoại lần lượt với mười tám người, tờ ‘Báo Sachsen’ đưa tin đảng SED tại Dresden đã nhường hai chức thị trưởng cho đảng Dân chủ Dân tộc NDPD và Dân chủ Thiên chúa giáo CDU. Hành động này diễn ra với ý nghĩa mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tại cơ quan của Đoàn thanh niên Tự do Đức (FDJ), ‘Thế giới Trẻ’, chủ tịch hội nhà văn Herrmann Kant phàn nàn về làn sóng di cư và phê phán tình cảnh của các phương tiện truyền thông.
        Ở Leipzig tình hình trước cuộc biểu tình vào thứ Hai hàng tuần ngày càng căng thẳng một cách nguy hiểm. Được biết là các bác sỹ bị buộc phải làm ca tối và ca đêm, tất cả các khoa trong bệnh viện được dọn dẹp và máu dự trữ đã sẵn sàng. Người ta lo sợ điều tệ hại nhất sẽ xảy ra vào tối hôm đó. Hội chứng ‘Thiên An Môn’ lan truyền, không còn bỏ qua các giải pháp của Trung Quốc nữa. Nỗi sợ hãi hoàn toàn không vô căn cứ.
        Ba ngày trước trên tờ ‘Báo Nhân dân Leipzig’, dưới đầu đề: ‘Người lao động quận yêu cầu: Không thể cho phép chống phá nhà nước thêm nữa’ là lý giải dưới đây: ‘Thành viên của nhóm đấu tranh một trăm người ‘Hans Geiffert’ lên án những điều các phần tử vô lương tâm đang gây ra ở thành phố Leipzig thời gian gần đây… Chúng tôi thấy bị làm phiền khi phải đối mặt với những của ấy khi tan sở về… chúng tôi sẵn lòng và mong muốn được bảo vệ có hiệu quả những gì đã tạo nên bằng đôi bàn tay mình, để dứt khoát ngăn chặn hữu hiệu các hành động phản cách mạng kia. Nếu bắt buộc thì sẽ cầm đến vũ khí.’
        Trong tình hình đó, ở hậu trường, các lực lượng đảng phái chính trị khác nhau với các nhu cầu hoàn toàn khác nhau nỗ lực tránh điều tệ hại nhất. ‘Giới lao động Công bằng’, ‘Nhóm lao động Quyền con người’ và ‘Nhóm lao động Bảo vệ môi trường’ chuyển một lời kêu gọi khẩn thiết đến tất cả người dân Leipzig: ‘Tuần vừa qua đã có nhiều cuộc biểu tình ở nhiều thành phố khác nhau của CHDC Đức dẫn đến bạo lực: ném đá, kính cửa sổ vỡ vụn, ô tô cháy thành than, áp dụng dùi cui và xe vòi rồng… Cả thứ Hai tuần trước ở Leipzig cũng kết thúc bằng bạo lực. Chúng tôi lo sợ. Lo sợ cho chính bản thân mình. Lo cho bạn bè, cho những người đang ở bên và những người đang mặc đồng phục đứng trước mặt chúng tôi. Chúng tôi lo cho tương lai của nước ta. Bạo lực luôn chỉ đem lại bạo lực. Bạo lực không giải quyết được vấn đề. Bạo lực là phi nhân tính. Bạo lực không thể là dấu hiệu của một xã hội mới tốt đẹp hơn. Đảng và chính phủ trước hết phải nhận trách nhiệm về tình thế nghiêm trọng đã phát sinh này. Nhưng hôm nay chúng ta phải ngăn chặn bạo lực tiếp tục leo thang. Tương lai chúng ta phụ thuộc vào điều đó.
        Lãnh sự Xô viết và các tướng trong quân đội Xô viết đóng tại Đức tìm cách liên lạc với những người có trách nhiệm. Tại trụ sở quận của Đảng SED rốt cuộc đã có ba Bí thư sẵn sàng ủng hộ một sáng kiến nhằm hạ nhiệt tình hình, ngược với đường lối lãnh đạo cho đến lúc đó. Vào buổi chiều thông báo sau được phát đi trên đài phát thanh của thành phố: ‘Chúng tôi kinh ngạc vì sự tiến triển trong thành phố của chúng ta và đang tìm kiếm một giải pháp. Tất cả chúng ta đều cần được tự do trao đổi quan điểm về việc tiếp tục định hướng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì thế những người được nhắc tên xin hứa với tất cả các công dân là sẽ dùng hết sức lực và uy tín để cuộc đối thoại này không chỉ được thực hiện ở Leipzig mà cả với chính phủ ta nữa. Chúng tôi tha thiết xin các bạn cân nhắc kỹ để có thể đối thoại hòa bình được.
Leipzig, 9 tháng Mười năm 1989
Kurt Meier, Jochen Pommert, Roland Wötzel (Bí thư khu ủy đảng SED), Kurt Masur (Nhạc trưởng nhạc viện), Peter Zimmermann (Linh mục), Bernd Lutz Lange (diễn viên sân khấu nhỏ).’
        Tối hôm đó Leipzig chứng kiến cuộc biểu tình phản đối quy mô nhất CHDC Đức kể từ ngày 17 tháng Sáu năm 1953. Xuất phát từ nhà thờ Nikolai, nơi một phái viên từ Dresden tường thuật các diễn biến của ngày hôm trước, cuối cùng 70.000 người đã đi qua trung tâm thành phố. Vòng cung Georgi chật kín người. Cảnh sát hầu như rút lui hoàn toàn, chỉ tham gia điều khiển giao thông.Thành viên của nhóm chiến đấu bị vây quanh và lôi kéo vào tranh luận. Tiếng kêu chi phối hết thảy liên tục vang lên: ‘Chúng tôi là nhân dân’. Tiếng kêu ấy tước đi quyền tiếp tục được hành động nhân danh nhân dân của giới lãnh đạo. Nó đồng thời đánh vào gốc rễ của sự đồng lòng thường được thề bồi giữa Đảng và Nhân dân, thứ hỗ trợ cho tính hợp pháp cho địa vị thống trị của Đảng SED.
Thứ Ba, 10 tháng 10 năm 1989
Nhiều người thở ra nhẹ nhõm. Đêm đã qua đi trong bình yên ở hầu hết các thành phố. Cả ở Berlin các lực lượng an ninh cũng được rút đi từ tối hôm trước, khiến cuộc biểu tình phản đối quanh khu nhà thờ Gethsemane kết thúc trong an lành vào sáng sớm. Trên nhiều bậu cửa sổ ở khu vực lân cận, những ngọn nến cháy suốt đêm để bày tỏ dấu hiệu của tình đoàn kết. Thế nhưng ở Halle, tại điểm họp chợ, một lần nữa lại dẫn đến cảnh giải tỏa hung bạo bằng dùi cui. Tại đây lãnh đạo chính trị của thành phố tỏ ra đặc biệt cứng rắn và khước từ mọi hình thức đối thoại.
        Sau cánh gà cuộc đấu tranh giành quyền lực ngày một gay gắt hơn. Bộ chính trị của Đảng SED, đại diện cho trung tâm quyền lực thật sự của đất nước, từ sáng đã họp phiên mở rộng. Tuy vậy vẫn chưa có đa số tán thành một đường lối đổi mới. Cuộc thảo luận được kéo dài thêm một ngày nữa.
        Trong khi giới lãnh đạo chính trị bất đồng và hoàn toàn bất lực thì những lời chỉ trích om sòm của dân chúng lại tăng lên – nhưng hầu như chỉ là trước máy quay của phương tây, vì các phương tiện truyền thông chính thức của CHDC Đức vẫn còn vờ vịt về một thế giới bình yên. Đồng thời yêu cầu chính trị của các phe phái chính ngày càng gia tăng. Tại nhà thờ và các nhà máy, bên cạnh lời kêu gọi của nhóm Diễn đàn Mới và các điều lệ của đảng SPD giờ đây lan truyền cả ‘Các luận đề dành cho cải cách dân chủ tại CHDC Đức’. Chúng được phong trào quần chúng Dân chủ Ngay bây giờ! soạn thảo, phong trào này bắt nguồn từ phe phái vốn ở các nhà thờ ‘Từ chối nguyên tắc và thực tiễn chọn lựa’ và đã thành một tổ chức toàn quốc vào ngày 12 tháng Chín. Cùng với những người khác, trong số những người sáng lập ra phong trào này có nhà thần học Wolfgang Ullmann, nhà làm phim tài liệu Konrad Weiß và nhà vật lý Hans Jürgen Fischbeck. Trong tuyên ngôn của họ có ghi:
        ‘Chúng tôi mong muốn cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang mắc kẹt vào quá trình quốc hữu hóa sẽ được tiếp tục dẫn dắt và nhờ đó trở nên khả thi trong tương lai. Thay vì một nhà nước bảo hộ, bị Đảng cai trị, một Đảng đã tự đề cao mình làm chỉ huy và làm ông thầy của nhân dân mà không thông qua tín nhiệm xã hội, chúng tôi muốn có một nhà nước dựa trên cơ sở nhất trí cơ bản của xã hội, có trách nhiệm báo cáo đối với xã hội và sẽ là công việc chung của các nam nữ công dân có đủ năng lực tự chịu trách nhiệm.

        Bên cạnh những yêu cầu chính trị như cải cách luật bầu cử, phân chia quyền lực, cải tổ trường sở và phương tiện truyền thông, công đoàn độc lập có quyền đình công, tự quản lý về văn hóa, lập tòa án hiến pháp và bảo vệ môi trường, các luận điểm bao gồm cả những hình dung về xã hội hóa các phương tiện sản xuất trong tương lai: ‘Chúng tôi tán thành chấm dứt nền kinh tế chỉ huy theo lệnh của bộ chính trị. Nhà nước phải lên kế hoạch khung thay vì chế độ kinh tế chỉ huy nhà nước theo kế hoạch hiện nay. Chỉ được giữ lại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và điều khiển bắt buộc phải có đối với mối liên hệ của từng hoạt động kinh tế với phúc lợi xã hội (Sự hòa hợp môi trường và xã hội). Các nhà máy và hội liên hiệp các nhà máy phải trở nên độc lập về kinh tế và định hướng hàng hóa và giá cả theo thị trường, để cầu biến thành một sự cạnh tranh cung ứng hàng hóa trong thị trường hiện nay. Chúng tôi ủng hộ công đoàn trong các nhà máy được cùng quyết định, ủng hộ bầu cử vào ban lãnh đạo, ban lãnh đạo phải thực sự báo cáo toàn thể nhân viên và toàn thể nhân viên được cùng chia sẻ lợi nhuận… Chúng tôi tán thành cho phép hợp tác xã tư nhân hoạt động cũng như cho phép phát triển kinh tế tư nhân và các hình thức tư hữu, chừng nào người lao động còn được bảo đảm quyền cùng quyết định một cách hợp lý.

Tin bài liên quan:

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.2)

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.1)

Phan Thanh Hung

25 năm vỡ tường Berlin: Liên hiệp Hoài niệm (P.6)

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.