VNTB – Vì sao có câu ‘cái cột đèn biết đi’?

VNTB – Vì sao có câu ‘cái cột đèn biết đi’?

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Người Sàigòn lúc bấy giờ có câu: “Cái cột đèn, nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi”.

 

Ly hương chưa bao giờ là câu chuyện vui. Rời bỏ quê hương và gia đình không bao giờ là một chọn lựa dễ dàng. Thế nhưng người ta vẫn đi, nhất quyết phải đi, bằng mọi giá phải đi, khó cách mấy cũng đi, “chết” cũng đi, nuốt nước mắt mà đi!

Đó là cái thời mà người ta tin rằng nếu ở Sài Gòn, cái cột đèn mà có chân, nó cũng ‘mua bãi’ tìm đường vượt biển để tìm một thế giới tự do mà miền Nam đã mất từ sau tháng tư, 1975.

Khá bất ngờ, khi báo chí quốc doanh ở Việt Nam trích dẫn và sau đó đã bất ngờ ‘tháo xuống’, câu được cho là phát biểu trong phút ‘lên đồng’ của ngài thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: ‘Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết’. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam” (Hãng thông tấn Sputnik của Nga đã phát bản tin này tại https://sptnkne.ws/CCaC)

Không ít ý kiến cho rằng lối so sánh ‘cột điện – cột đèn’ trong câu nói của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhạy cảm chính trị trong giai đoạn đại hội đảng các cấp, và trên hết là căn bệnh mãn tính của thói kiêu ngạo cộng sản.

Ví von của ngài Nguyễn Xuân Phúc ít nhiều đưa đến thắc mắc của các thế hệ sinh từ thập niên 90 ở thế kỷ trước về sau, rằng ẩn tình thế nào của chuyện nếu cây cột đèn biết đi?

Trong một bài viết trên VOA, nhà báo Mạnh Kim từng chua chát nhận xét: “Những câu chuyện ‘làm thế nào để đi’ đang được chia sẻ công khai hàng ngày. Dịch vụ du học mọc như nấm. Dịch vụ ngân hàng ‘hỗ trợ vốn’ du học quảng cáo nhan nhản. Các chương trình EB1, EB3, EB5 giờ được nhiều người thuộc nằm lòng. Đó là những tấm vé vượt biên hợp pháp. Những tấm vé thay đổi số phận. Những ‘lá phiếu cử tri’ minh chứng cho sự thất bại ‘toàn tập’ của một chế độ. Những bằng chứng rõ ràng và cụ thể cho thấy chính sách cai trị của chế độ có kết quả ê hề và thảm hại như thế nào” – https://www.voatiengviet.com/a/neu-cai-cot-dien-biet-di/4718197.html.

‘Dưới chính sách khắc nghiệt của cộng sản, nếu cái cột đèn mà biết đi chắc nó cũng… vượt biên’ – Ginetta Sagan. Câu nói dí dỏm của bà Sagan đã diễn tả được một thực trạng rất bi hài của dân tộc Việt Nam kể từ tháng tư, 1975 (tham khảo https://www.nytimes.com/2000/08/30/us/ginetta-sagan-75-who-spent-her-life-fighting-oppression.html).

Cũng có ý kiến rằng quái kiệt Trần Văn Trạch (1924- 1994) mới là tác giả của ví von đầy chua chát, “ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi”.

Dù tác giả là ai đi nữa thì đúng là cả miền Nam sau tháng tư, 1975 đi đến đâu cũng có thể nghe người ta bàn chuyện góp vàng ‘mua bãi’ để lên tàu vượt biển tìm kiếm sự tự do. Còn vì sao phải vượt biển đi tìm tự do đến độ nếu cây cột đèn có chân, dứt khoát nó cũng đòi đi theo? Bởi đó là cái thời mà chủ nghĩa lý lịch vô cùng nặng nề, và người ta nghi kỵ lẫn nhau, không ai tin ai. Người ta tự hào là “nguỵ”, vì ‘nguỵ’ đàng hoàng và có trình độ học vấn lẫn kỹ thuật, để phân biệt với cán bộ miền ngoài và du kích mới ‘tiếp thu’.

Thế nhưng cứ hễ là ‘ngụy’ mà giàu có thì sẽ bị ‘đánh tư sản’. ‘Ngụy’ mà có hàm quân đội từ cấp tá trở đi, thì coi như ‘học tập cải tạo mút mùa lệ thủy’. Con em ở những gia đình ‘ngụy’ này có học hành giỏi dang cỡ nào, thì cũng đừng mơ mộng vào các trường đại học hàng đầu của miền Nam… Trong bối cảnh như vậy thì người ta chỉ còn một cách là bỏ nước ra đi.

Ca khúc “Đêm chôn dầu vượt biển” của Châu Đình An phần nào giúp những thế hệ sau này hình dung cho duyên cớ ‘cột đèn cũng muốn ra đi’ (trích):

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi

Ra đi trên sóng cuộn thấy gì ở quê hương

Xa xa ôi núi mờ xa dần

Một giọt nước mắt khóc phận thân

Hò ơi hò ới phận kẻ lưu vong

Hó ơi hò ới phận kẻ lưu vong

 

Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi

Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào

Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng

Nhìn lại bên bờ nước non mình muối mặn

Khóc nghẹn ngào !!!”.

Còn hôm nay thì sao, liệu cây cột đèn nếu có chân sẽ vẫn còn muốn ra đi?

Thử tìm câu trả lời khi dịch corona kết thúc, khi ấy chắc chắn người ta lại thấy quen thuộc trở lại hình ảnh trước cổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ hoặc lãnh sự quán nào đó ở Sài Gòn, hàng đoàn người dài dằng dặc lại tiếp tục xếp hàng chờ phỏng vấn visa.

cây cột đèn

Người dân xếp hàng xin visa tại tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM

 

Trời nắng chang chang hoặc mưa mịt mù, họ vẫn kiên nhẫn. Họ nắm chặt xấp hồ sơ trong tay. Họ đang cố nắm chặt số phận mình. Con đường phía trước dù mờ mịt như thế nào, thì ít nhất nó cũng dẫn đến một lối thoát cho tương lai con em họ…

Thực ra thì giữa đại dịch cúm Tàu, nhiều bà con mình ở bên Mỹ cũng muốn về Việt Nam vì sợ chết. Nói vui với nhau, cột điện có chân cũng chạy về – dĩ nhiên chỉ ‘về’ trong hoàn cảnh cụ thể đó. Nếu tâm trạng đang phấn khởi, người ta sẽ thấy ông thủ tướng nói như vậy là vui vui. Còn đang nẫu ruột vì dịch bệnh, vì chén cơm manh áo… thì nghe thật chối tai.

Mà lẽ ra, ông không nên nói vậy.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Ngo Van 4 years

    Khong phai la bo NUOC hay bo Que HUONG de ra nuoc ngoai, chinh xac la bo che do XHCN hay tron chay khoi CONG SAN de ra nuoc ngoai. Chi nho vao may man biet truoc de phong ngua dai dich covid-19, nen thanh cong hon cac nuoc khac trong viec chong dai dich nay, cs da voi hanh tien noi la cot den o My cung muon ve VN de tranh dich. Xet thay, chi co du hoc sinh hay nguoi Viet xuat ngoai tam thoi tro ve nuoc, chang thay kieu bao thuong tru/ vinh vien nao muon ve nuoc VNcs de tranh dai dich ca!