An Phong
(VNTB) – Tiêu Dao Bảo Cự khiến người đọc bối rối khi xếp loại “hai” giáo hội Phật Giáo vào hai phe chống đối hay thuận theo thế quyền để rồi đi đến kết luận là cả hai phe đều là lực lượng… xây dựng dân chủ!
Ngay trong phần tựa của bài viết, tác giả đã khẳng định góc nhìn của mình : một nhà đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề Vai trò của các tôn giáo trong cuộc vận động dân chủ hóa đất nước, tác giả đã mặc nhiên đặt cho các tôn giáo một chỗ đứng trong cuộc đấu tranh của ông, không một chút đắn đo. Vậy mà cái đắn đo của ông lại nằm ở điểm: “Giáo hội Phật giáo thân chính quyền có hoàn toàn chịu sự chi phối của nhà nước hay chỉ là một sự hợp tác bất đắc dĩ có chủ ý để duy trì sự tồn tại và tìm cơ duyên phát triển trong một chế độ độc tài khắc nghiệt đối với tôn giáo?” và tự ông đã trả lời: ” Điều này thật khó kết luận nếu không có cơ hội tìm hiểu sâu xa về các vị lãnh đạo của giáo hội này ở từng cấp và từng địa phương“. Để ngay sau đó, khẳng định: “Tuy nhiên rõ ràng chính họ đã góp phần duy trì sinh hoạt bình thường của Phật giáo lâu nay trải qua những hoàn cảnh khó khăn. Điều đó không thể phủ nhận.”
Phản ứng đầu tiên của người đọc bài là 2 câu hỏi: 1) nói tới tôn giáo là nói tới ai? giới tu hành hay quần chúng mang niềm tin vào Đấng mà tôn giáo ấy tổ chức việc thờ phượng? và 2) Giới tu hành thường được chú ý tới thường là những nhà lãnh đạo tôn giáo, họ có đấu tranh dân chủ không?
Để trả lời hai câu hỏi trên, ta cần phân định rõ ràng hai chuyện: tôn giáo và niềm tin. Trong thế giới tự do ngày nay, rất đông người không tự xếp mình vào một tổ chức tôn giáo nào, nhưng họ vẫn có niểm tin vào một Đấng Tối Cao, đầy quyền năng, vượt lên mọi khả năng của một con người bình thường. Có thể nói đây là những người thuộc thành phần Hữu Thần, khác với thành phần Vô Thần, mà điển hình là những người trong guồng máy cai trị nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay: một trong một vài quốc gia vẫn còn đang chịu sự thống trị của một Đảng duy nhất công khai có quốc sách vô thần, không bao giờ chấp nhận các thành phần Hữu Thần, coi thành phần các tôn giáo như một lực lượng đối nghịch với thế quyền trong tay họ.
Bài viết của Tiêu Dao Bảo Cự đã khiến cho người đọc bối rối khi xếp loại “hai” giáo hội Phật Giáo vào hai phe chống đối hay thuận theo thế quyền để rồi đi đến kết luận là cả hai phe đều là lực lượng… xây dựng dân chủ! Khái niệm “lực lượng đấu tranh” của tác giả thực trạng là gì nếu không là sức mạnh Hữu Thần sẵn có từ thưở lập nước? Vấn đề là giới cầm quyền vô thần sẽ làm gì với sức mạnh này khi không thể một sớm một chiều ra luật công khai bãi bỏ, dưới áp lực kinh tế và chính trị của khối Tự Do trên thế giới?
Dưới cái nhìn méo mó về hai “lực lượng đấu tranh dân chủ” này, tác giả Tiêu Dao có vô hình chung đồng ý với các tội phản động mà giới lãnh đạo vô thần đã gán cho các nhà tu hành lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhận rõ vấn đề Hữu Thần hay Vô Thần nằm trong phạm trù Nhân (dân) Quyền, quyền căn bản khiến con người khác với mọi loài cầm thú khác, không liên quan gì đến vấn đề dân chủ, thuộc phạm trù chính trị.
Người có niềm tin hay không có niềm tin không nhất thiết ủng hộ hay chống đối bất cứ thể chế chính trị nào, dân chủ hay cộng sản! Tuy nhiên, cũng có những con người cộng sản một ngày có thể bỗng nhiên nhận chân ra được “nhu cầu” hữu thần của mình, bởi vì nó là một đặc điểm thuộc về con người, về nhân tính (ngược với thú tính).
Người đọc vô cùng đồng ý với tác giả Tiêu Dao về việc tránh chia rẽ, ở bất cứ cuộc diện nào. Nhưng vấn đề ở đây không nằm ở chỗ chống hay không chống lại chính quyền vô thần. Các vị lãnh đạo Phật giáo chân truyền chỉ lo việc tu bổ Đức Tin của họ, bảo vệ Nhân/Dân Quyền, vượt lên trên vấn đề dân chủ có liên quan đến thể chế chính trị hiện hành dưới sự thống trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Họ không nằm trong lực lượng đấu tranh dân chủ của tác giả, nhưng chắc chắn là họ không chống lại mọi đề nghị, đường hướng đem lại an hoà cho muôn người. Họ là những người bảo vệ cho Sự Thật, để gìn giữ Hoà Bình, An Lạc cho toàn thể chúng sinh, bất kể thể chế dân chủ hay cộng sản.
Ông Tiêu Dao đã lôi họ vào “cuộc vận động hòa giải hòa hợp dân tộc và dân chủ hóa đất nước” có thể là ngoài ý muốn của họ. Và điều này có nghĩa là tiếp tay cho giới cầm quyền chưa thấy được phải làm gì với sức mạnh này nên chỉ biết đàn áp, cưỡng bức, hệt như các bậc cha mẹ thiếu hiểu biết, chỉ biết phạt và đánh con để bắt nó vâng theo ý mình? (một hình ảnh có thể cho là mang tính cách hoà hợp, hoà giải).
Trước việc tổ chức Lễ Phật Đản một cách rất rầm rộ năm 2008 tại Việt Nam, một mặt, ông thừa nhận tính cách bịp bợm của sự việc: “Với danh nghĩa là quốc gia đăng cai tổ chức một hoạt động mang tính tôn giáo của Liên Hiệp Quốc, với sự tham dự của hơn 1000 đại biểu quốc tế của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đã chứng tỏ là một đất nước có tự do tôn giáo, bác bỏ những tố cáo trước đây về việc đàn áp tôn giáo, đặc biệt vô hiệu hóa phần nào các tố cáo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Đối với khách nước ngoài, và ngay cả đối với những người dân trong nước ít có thông tin, thật khó để nói rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, mặc dù thực tế, một số giáo hội, một số tu sĩ đã và đang bị bức hại, tù đày, quản chế, gây khó khăn, chưa kể việc nhiều cơ sở tôn giáo bị tịch thu từ trước chưa được hoàn trả cho các giáo hội.”
Mặt khác, ông thừa nhận tính độc lập (giả tạo) của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam khi cho biết: “trong việc tổ chức này, nhà nước đã có quan hệ tốt hơn đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam qua việc cùng bàn bạc, hỗ trợ việc tổ chức, thăm viếng nhân ngày lễ, đồng thời tạo ra thiện cảm nhất định đối với Phật tử khi các cuộc lễ được tổ chức rầm rộ và long trọng.”
Hơn thế nữa, ông cũng nhận thấy: ” Dịp lễ này trùng với dịp tổ chức kỷ niệm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh và có thượng tọa khi được phỏng vấn trên tivi đã phát biểu cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không khác gì giáo lý Phật giáo” và đã nhận rõ: “Thật là một thủ đoạn tuyên truyền ngoạn mục!”
Thế mà ông lại cho là “nhà nước không phải không trả giá cho hoạt động này” bởi vì “lý thuyết cho rằng “tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng” dĩ nhiên đã phải dẹp bỏ không kèn không trống“.
Như vậy, ông đã không thấy được việc tổ chức quá rầm rộ và thành công của Lễ Phật Đản năm 2008 chính là bề nổi (chữ của tác giả) của liều thuốc phiện mà ông đã nghĩ chỉ là một “thủ đoạn tuyên truyền ngoạn mục” như người ta quảng cáo nước hoa trên truyền hình? Ông công nhận sự thất bại của nhà cầm quyền vô thần trong việc “hạn chế các tôn giáo trước đây” vì “cũng không thể tiếp tục thực hiện, ngoại trừ … ” Là một nhà đấu tranh dân chủ, chấp nhận đường lối hoà hợp hoà giải của nhà cầm quyền vô thần, ông không hề có phản ứng trước “những việc và đối tượng đặc biệt họ gọi là vi phạm luật pháp, mang tính chất hình sự và những chi phối ở chiều sâu trong công tác tổ chức của các giáo hội.” Có nghĩa là đối với ông những nhà tu hành có “sức mạnh chi phối ở chiều sâu trong công tác tổ chức các giáo hội” có tội hình sự đối với nhà cầm quyền vô thần khi họ làm chứng cho sự thật hữu thần của họ?
Thật khó hiểu khi ông nhận định ngay sau đó rằng: ” việc này tạo điều kiện cho sự phát triển không cưỡng được của Phật giáo cũng như các tôn giáo khác trong tương lai. Trong tuần lễ Vesak vừa qua, giáo hội và giáo lý Phật giáo đã gây tiếng vang lớn trong các tầng lớp công chúng, các đoàn thể Phật tử mặc đồng phục công khai hoạt động rầm rộ là một dấu chỉ.” Việc nào đã có hiệu ứng như ông nói? Việc nhà cầm quyền vô thần không thành công trong việc ngăn cấm thực thi tôn giáo, hay việc những đối tượng đặc biệt (các vị chân tu mà ai cũng biết) đã bị coi là vi phạm luật pháp, mang tính chất hình sự?
Trái với ngay sau đó, ông cho thấy rằng: “Ở một cách nhìn nhận khác, đây là một bước tiến về phía dân chủ trên lãnh vực tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền của nhà nước, điều bị phê phán và thực sự khắc nghiệt trong chế độ cộng sản trước đây“, ngay trong vài hàng đầu của bài viết ông đã nhận định ngay “bề nổi” của hiện tượng Lễ Phật Đản năm 2008, và dẫn chứng”dịp lễ này trùng với dịp tổ chức kỷ niệm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh và có thượng tọa khi được phỏng vấn trên tivi đã phát biểu cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh không khác gì giáo lý Phật giáo“.
Như vậy, khi ông cho là “Đối với những người lãnh đạo độc tài và bảo thủ, sự kiện này có thể được xem là một bước lùi của nhà nước nhưng đối với những người lãnh đạo có đầu óc cởi mở hơn và các tín đồ tôn giáo, nhân dân nói chung, đây lại là một bước tiến bộ cần thiết“, thì ai là những nhà lãnh đạo độc tài, bảo thủ, ai là những nhà lãnh đạo có đầu óc cởi mở trong vấn đề tự do tôn giáo? vấn đề những vị chân tu bảo vệ sự thật về chính con người và nhân tính của nó, nghĩa là “dân” quyền, mà không màng đến phong trào “dân” chủ?
Cái nhìn của ông về “Vesak ở Việt nam là cơ hội quý báu mà Phật giáo có thể công khai huy động lực lượng, thông qua sinh hoạt và các việc làm cụ thể để củng cố tổ chức và tăng cường niềm tin tôn giáo” không thể là cái nhìn của một con người có niềm Tin mà là cái nhìn của những người không có niềm Tin, tương tự như nhà cầm quyền vô thần. Bởi vì, thay vì nhìn thấy những tâm hồn đói khát Sự Thật, tìm đuờng tu để đến với Chân, Thiện, Mỹ thì ông chỉ thấy một “lực lượng” một công cụ để đạt đến giấc mơ dân chủ, một thể chế chính trị mà ông tin là hay ho hơn thể chế hiện hành, trong tay một vài vị lãnh đạo có đầu óc thiếu cởi mở theo ý ông.
Người đọc vô cùng thất vọng khi, không những ông kết luận: “Tuần lễ Vesak quả là một cơ hội thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo vô cùng thuận lợi.” mà còn nhận định thêm “Tuy nhiên, việc tổ chức Vesak lại là một sự kiện có thể đào sâu chia rẽ giữa hai giáo hội Phật giáo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (tạm gọi là Giáo Hội thân chính quyền) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (tạm gọi là Giáo Hội chống chính quyền), kéo theo những người ủng hộ một trong hai giáo hội.” Ai cũng biết đạo Phật là một con đường tu cá nhân, một đời tìm cách loại bỏ mọi ảo ảnh về cuộc sống trần thế, mà sự “hoành tráng” trong một vài ngày lại có thể là một cơ hội để được phát triển thì sự phát triển này có đúng không? có cần thiết cho đạo giáo, cho con người không? hay chỉ là phát triển lực lượng phục vụ cho giấc mơ dân chủ theo ý muốn của “một số lãnh đạo có đầu óc cởi mở hơn” ? hai chữ cởi mở hơn mà ông dùng có nghĩa gì khi ông, không những mặc nhận “sự đấu tranh của Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất trong mấy chục năm qua cũng như các giáo hội khác” nằm ngang hàng với “các thành phần đấu tranh cho dân chủ khác đã tạo ra một sức đề kháng, cùng với sức ép dư luận của cộng đồng người Việt hải ngoại và các quốc gia, các tổ chức quốc tế” đã thành công trong việc”buộc nhà nước phải điều chỉnh, thay đổi các chính sách đối với tôn giáo và các quyền tự do dân chủ khác của nhân dân“.
Chỉ một dịp lễ Phật Đản được tổ chức như một lễ hội dân gian mà tự do dân chủ đã là một bước thành công quan trọng dường ấy dưới mắt ông thì những khổ hạnh, tù đày của bao con người làm chứng cho Dân Quyền, những quyền căn bản của con người, khác với con thú, cho đến nay vẫn còn tiếp diễn, chưa có ngày chấm dứt, có ý nghĩa gì đối với những người có tầm nhìn dân chủ như ông?
Chỉ một lễ hội được tổ chức với nhiều ẩn ý không cần che dấu đã đủ để ông công nhận “tình hình tương đối cởi mở đối với tôn giáo cũng như các quyền tự do dân chủ khác, dù còn rất hạn chế, là kết quả của một quá trình” trong đó, ông kể đến trước hết “sự chuyển biến tự thân của chế độ để có thể tồn tại và hội nhập vào thế giới văn minh nhưng tốc độ và mức độ chuyển biến rõ ràng tùy thuộc nhiều vào sức phản kháng của các giáo hội và các cá nhân ưu tú dũng cảm nhất của xã hội.” Và các nhà tu hành bị ông cho vào các tội hình sự cho nên “hoạt động của các giáo hội, những tổ chức và cá nhân đấu tranh cho dân chủ đã đưa đến các vụ bắt bớ, các phiên tòa, các hình thức đàn áp thô bạo làm dấy lên sự công phẫn trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt trong dư luận trên Internet, báo chí hải ngoại và các tổ chức quốc tế”. Và ông tin rằng: “Tình hình này có tác động thực tế đến cách suy nghĩ và sự điều chỉnh các chủ trương của nhà nước.”
Cuộc đấu tranh dân chủ của ông như vậy đã thành công thật dễ dàng, trước nhất, nhờ vào sự thức tỉnh của một số các nhà lãnh-đạo-có-đầu-óc-cởi-mở hơn, sau đó là nhờ vào áp lực của người Việt hải ngoại, “đặc biệt trong dư luận trên Internet, báo chí hải ngoại và các tổ chức quốc tế“, mà các giáo-hội-chống-đối-chính-quyền đã góp phần vào “tác động thực tế đến cách suy nghĩ và sự điều chỉnh các chủ trương của nhà nước“?
Nghe như thế thì Việt Nam đã có dân chủ từ sau ngày Lễ Phật Đản 2008? Bởi vì những gì ông mô tả cũng chỉ như những biến động xã hội của các quốc gia tự do trên thế giới, có khác gì đâu?
Trở lại với vấn đề tự do tôn giáo, phần kết luận của ông lại mở ra một vấn nạn (tưởng tượng) đối với “các tôn giáo đã hình thành và tồn tại từ nhiều chục năm, nhiều trăm năm trên đất nước” khi “địa vị độc tôn hay chiếm ưu thế của một tôn giáo sẽ đe dọa vị trí của các tôn giáo khác và lập tức tạo ra sự bất mãn trong các giáo hội và tín đồ các tôn giáo khác“. Ông còn dẫn chứng bằng cách tạo sự liên tưởng mơ hồ trong đầu người đọc về việc “đã có tiền lệ và những hệ lụy ở Miền Nam trước 1975, rất may là tình hình chỉ mới chớm khởi phát” (sic).
Khi nêu lên một cái nhìn khác như sau: “trong thời đại mà vật chất đã lên ngôi thống trị, một quốc giáo sẽ nhanh chóng bị thế tục hóa bởi quyền lực, địa vị, danh vọng, tiền bạc và làm cho nó suy đồi nhanh chóng thay vì tăng trưởng. Hiện tượng các tôn giáo đua nhau xây chùa, nhà thờ hoành tráng, tổ chức nghi lễ rườm rà và tâm lý nặng về mê tín thay vì tâm linh trong quần chúng hiện nay đã là một hiện tượng đáng báo động. Ngay trong Vesak vừa qua, chính một số Phật tử cũng đã tỏ ra không hài lòng vì tính chất phô trương hình thức trong việc tổ chức ở một số địa phương“, tác giả đã cố gắng cho vào bài viết những quan điểm đối nghịch để tạo thế khách quan cho cái nhìn đầy thiện cảm của ông về chính sách tự do tôn giáo biến cải của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn cần phải tự biện luận: “Qua sự kiện Vesak, cả hai phía nhà nước và Phật giáo đều có thể tự cho mình đạt thắng lợi. Đó là một kiểu “win-win” đôi bên cùng thắng. Điều này không mâu thuẫn hay ba phải, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam.”
Đáng tiếc là “cuộc vận động dân chủ hóa đất nước, chống độc tài toàn trị” của ông xem ra chỉ “là một cuộc đấu tranh” chống lại một vài nhà lãnh đạo có đầu óc thiếu cởi mở mà lại “không có chiến tuyến rõ ràng (…) diễn ra trên mọi lãnh vực, với từng người, từng tôn giáo, từng tổ chức xã hội và thắng bại xen kẽ nhau có vẻ như không rõ ràng.” Như thế thì lời khuyên của ông về phương cách làm việc “Phải lấn từng bước, thực hiện chính phương châm của những người cộng sản trong chiến tranh là “nắm thắt lưng địch mà đánh” theo một cách thức khác ôn hòa, bất bạo động nhưng không sợ hãi, tỉnh táo và kiên quyết” có gì đặc biệt? Và thế nào là một “nền dân chủ đích thực ở Việt nam“? khi mà, suốt bài viết của ông, Việt Nam đã có dân chủ qua các biến động xã hội y như những gì đang xẩy ra tại Pháp, Mỹ, v.v…
Để kết luận, ông đã trích lời của một trí thức Phật tử từng dành 10 năm đi nghiên cứu về Phật pháp khắp nơi qua đó: “… Đạo Phật có thể diệt vong nhưng triết lý nhận thức và hành động của nó vẫn tồn tại, có thể dưới một tên gọi khác, nó “được khám phá lại một cách mới mẻ… Ngày đó, người giảng pháp Phật không hề mặc áo tu sĩ mà có thể là một nhà vật lý học hay sinh vật học.” (Nguyễn Hoàng Bách, Mùi hương trầm, nxb Trẻ, bản in lần thứ 6 năm 2005, trang 372). Người đọc ngẩn ngơ hiểu theo thuyết cơ chế của Âu Mỹ: thuyết cộng sản cũng sẽ đến ngày diệt vong, nhưng triết lý (duy vật – vô thần) và nhận thức (biện chứng) của nó vẫn tồn tại, có thể dưới một tên gọi khác.. Nó sẽ được khám phá lại một cách mới mẻ. Ngày đó….
Và kết luận của ông đã tách đôi một thực tại không thể tách rời: tâm linh và con người, khi nhìn tôn giáo là một cơ chế độc lập với con người trong khát vọng đi tìm Chân Lý. “Sự minh triết của Phật giáo và nhiều tôn giáo khác nằm trên tầng cao nhận thức và tâm linh nhưng những hoạt động của các tôn giáo, nhất là thông qua các giáo hội lại mang tính thế tục và chịu sự chi phối mãnh liệt của các chế độ chính trị“. Cái nhìn này có phản ánh một nhận thức biện chứng giữa thần quyền và thế quyền trong cái nhìn của người cộng sản cố hữu?
Người đọc mong được biết cái nhìn của tác giả vào năm 2024 trong vấn đề Tự Do Tôn Giáo, nhất là trong Phật Giáo hiện nay về khía cạnh tâm linh cá nhân và tổ chức cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam khi ông nhìn vào “vận mệnh của các dân tộc mà nó (tôn giáo đó) đã thâm nhập và đồng hành”.
Mộng Lệ An – Tháng 2, 2024