Việt Nam Thời Báo

VNTB- Nước mắt người tự ứng cử và ‘quyền lực tập thể’

Lữ Hành Gia
Trang Nhung hãy nở nụ cười!

(VNTB) – Xem video clip về nữ ứng viên Trang Nhung giàn giụa nước mắt nói về Hội nghị cử tri mà cô đã gọi đó là một “màn đấu tố” đối với cô thì mới hiểu rõ sự nghiệt ngã của tính tập thể cực đoan quyền lực của xã hội chúng ta thể hiện trong chính trị.

Trong bài viết này chỉ xin phân tích một vài những gai góc về tính tập thể và cá nhân trong một trường hợp điển hình trong một hoạt động chính trị quan trọng.
Rất tiếc chúng ta xuất phát từ nền văn hóa trị thủy, đắp đê, xã hội chúng ta là xã hội làng mạc từ xưa phải đối mặt với đủ thứ thử thách từ tự nhiên, thành ra cần cộng đồng, số đông để làm việc và điều này đã ngự trị trong lòng chúng ta đã quá lâu nhưng giờ đây nó đang gây ra sức ỳ của xã hội của nước ta. Thiết nghĩ rằng trong tất cả những cái tồn tại thì cái tồn tại về con người là vô cùng quan trọng, tồn tại người mới làm nên vấn đề của tất cả mọi chuyện,trong chính trị cũng như vậy, tồn tại những con người như thế nào thì vấn đề chính trị cũng sẽ nan giải, phức tạp như thế ấy mà con người Việt Nam chúng ta từ lâu là con người của tính tập thể, vậy nên biểu hiện của tính tập thể trong chính trị chính là một nền chính trị tập thể, có sức ảnh hưởng lớn đến cục diện, thế nên đối với những sự va chạm giữa yếu tố tập thể với tính cá nhân thường gây ra những phần thua thiệt, hẹp hòi, bất công đối với những gì thuộc về tính cá nhân.
Trang Nhung trong video clip khi được phỏng vấn đã cho rằng cô đã không hề được phép phát biểu quan điểm tranh cử của mình trong buổi Hội nghị cử tri, cô đã bị ban tổ chức ngăn lại và có nhữn người trong hội nghị còn nói rằng cô đã vi phạm Luật Bầu cử vì tuyên truyền vận động, hơn nữa còn có rất nhiều lý do khác nhau nào là do chưa tham gia nhiều về hoạt động cộng đồng, hãy còn trẻ tuổi, chỉ là nhân viên bình thường của một công ty và như lời của Trang Nhung thì những người trong Hội nghị còn nói rằng “…tốt hơn những người lãnh đạo công ty mới nên ứng cử Đại biểu quốc hội”. Từ những điều trên mới thấy rõ được rằng con người cá nhân của Trang Nhung khi bước vào Hội nghị không chỉ va chạm với tính tập thể quyền lực mà còn phải va đập với hàng loạt những quan niệm xuất phát từ văn hóa tập thể đó là tập quán “lão làng”, sùng bái chủ nghĩa kinh nghiệm, vai vế….v..v. và thực chất hơn những hiện tượng này là cái biểu hiện cho sự san bằng những cái đơn nhất cho những cái được tập thể, “thuyền bè” ủng hộ, cái đơn nhất, tính tự do độc lập bị “vong thân” vào cái tập thể.
Ngoài ra những gì Trang Nhung trải nghiệm còn cho chúng ta thấy băn khoăn về sự lựa chọn của những người trong cuộc như những gì mà Trang Nhung đã nêu “…ngay cả việc ủng hộ cho em mà không đến từ những người hiểu biết nhất thì có lẽ là người dân ở khu phố này không sẵn sàng làm chủ một đất nước, em nghĩ như vậy.” Những ai quan tâm có thể hoàn toàn đồng cảm với Trang Nhung khi cô phát biểu câu này, nhưng xét cho cùng thì những năm tháng này đây là những giai đoạn đầu tiên mà xã hội chúng ta dần dần có những nhân tố tự do độc lập cá nhân đang trong sự giằng co quyết liệt với tính tập thể cộng đồng gia trưởng, nên thiết nghĩ rằng cho dù những người có hiểu biết nhất nhưng nếu họ lại bị ảnh hưởng, quy định bởi tính tập thể quá lâu không dứt ra được, lợi ích họ gắn chặt với tập thể thì có lẽ họ sẽ khước từ sự mới nổi của tính cá nhân tự do. Xã hội lúc này chỉ mới làm quen với những gì thuộc về những giá trị đó. Trong xã hội thời gian qua cũng có nhiều người cổ súy, hoan nghênh rất mạnh mẽ những giá trị đó, đặc biệt là trong chính trị, vốn là lĩnh vực mang đầy tính tập thể từ trước đến nay.
Tựu chung lại thì tất cả chỉ mới là sự bắt đầu, vậy nên hình ảnh cô ứng cử viên độc lập khi bước chân vào một hoạt động chính trị vốn có tính tập thể nặng nề về mặt văn hóa nói chung, chưa kể chắn chắn lại có thêm tính tập thể cục bộ tại địa phương nên đã phải chịu nhiều sự khó khăn, phân biệt đối xử như vậy, nhưng điều này lại chính là sự bắt đầu cho những gì cố vươn lên của tính tự do, năng lực cá nhân của con người chính trị Việt Nam.

Trong clip chúng ta còn có thể thấy bên cạnh Trang Nhung vẫn còn rất nhiều người ủng hộ cô, mặc dù Trang Nhung đã rơi lệ và cô đã có nhận định rất bi quan về tính chất của cuộc bầu cử, nhưng cô hẳn cũng thấy rằng bên cạnh cô vẫn có những người khác, tức là vẫn có những người tri nhận được những gì gọi là tính tự do, độc lập. Đây cũng là một tập thể vậy, chí ít là một tập thể có ghi nhận, ủng hộ sự mới mẻ và phải đánh giá như thế nào tập thể có sự cấp tiến, khác biệt này với tập thể quyền lực kia.

Xin nhường phần đánh giá lại cho mọi người.


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Tin bài liên quan:

VNTB- Phải sống thì mới tiếp tục đấu tranh được thưa anh Thức

Phan Thanh Hung

VNTB – “Du học xong về hay ở” là căn cơ vào sự tự do

Phan Thanh Hung

VNTB – Người miền ngoài trong chính trị: một vấn đề từ lịch sử

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo