Tin và ảnh: Hoàng Lan
(VNTB) – Thực chất UBND Huyện lấy khu đất Chợ Trung tâm để làm gì? Chính quyền có lấy đất của Chợ để bán cho doanh nghiệp hay không?
Chợ Tình Sa Pa, một trung tâm mua bán gắn liền với với một nét sinh hoạt văn hóa nổi tiếng của các đồng bào dân tộc thiểu số Lai Châu, Lào Cai và cả các nơi khác của Tây Bắc tụ họp về. Hình thành và hoạt động qua hàng trăm năm, Chợ Tình Sa Pa từ thuở hoang sơ là nơi tụ họp của bà con dân tộc, nơi hội tụ những tiếng khèn lá, tiếng cồng chiêng, tiếng hò gọi bạn… của đủ các dân tộc nơi đây vào những kỳ lễ hội. Những phiên chợ mua bán trở thành nơi xe duyên kết tóc cho các lứa đôi tìm đến nhau, trao gửi yêu thương rồi nên vợ thành chồng. Hình thành nên các thế hệ người dân của vùng núi Tây Bắc nơi đây.
Kinh tế, xã hội phát triển, Chợ tình Sa Pa theo đó cũng trở thành trung tâm thương mại. Thành điểm đến của khách du lịch năm châu bởi phần lớn là nhờ vào cái sinh hoạt đậm nét hoang sơ mà đầy thi vị khi trai gái trổ tài khoe sắc trong những đêm tình giữa tiết trời mát mẻ, thơ mộng. Chợ tình dần trở thành chợ đầu mối giao lưu hàng hóa nông thổ sản của 18 xã và thị trấn Sa Pa. Chợ cũng là nơi giao lưu thông thương hàng hóa của các huyện trong và ngoài tỉnh, là trung tâm mua sắm hàng hóa của khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện nay có 376 hộ đang kinh doanh tại Chợ Tình Sa Pa, góp phần tạo công ăn việc làm và ổn định đời sống xã hội cho hầu hết cả Thị trấn Sa Pa và nhiều đồng bào quanh đó. Nhưng chính cái phát triển, nhờ cái tên Chợ tình và nét văn hóa đã đi vào tâm linh, vào văn hóa ấy, hiện nay Chợ Tình lại đang đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ.
Một góc Chợ Trung Tâm Sa Pa (Nguồn:dulichviet.com.vn) |
Không đối thoại, chỉ thông báo một chiều
Từ khoảng tháng 5 năm 2014, các tiểu thương tại Chợ Tình Sa Pa nghe được thông báo qua hệ thống loa công cộng về việc di dời Chợ tới địa điểm khác. Đồng bào tại Sa Pa vốn thật thà, chất phác, mọi chủ trương chính sách của nhà nước chỉ cần thông báo qua hệ thống loa công cộng như vậy đã được coi là thông báo chính thức từ phía chính quyền. Nhưng với một quyết định liên quan tới vận mệnh của cả một khu chợ và cuộc sống mưu sinh của hàng trăm hộ dân khác, phá nát một dấu ấn văn hóa truyền thống lâu đời lại không hề được bàn bạc thông qua với người dân, không được thực hiện bằng những phương pháp và kế hoạch được xem xét đầy đủ.
Thông báo từ hệ thống loa đưa xuống, đẩy mấy trăm hộ tiểu thương đang kinh doanh tại đây lo lắng. Ngoài thông báo tin chuyển chợ trên hệ thống loa công cộng, phía chính quyền không đưa thêm bất cứ văn bản thông báo nào tới các hộ kinh doanh tại Chợ Trung tâm suốt một thời gian dài.
“Nhưng giờ chúng tôi đã biết mình bị lừa”
Tháng 9 năm 2014, lần đầu tiên UBND huyện Sa Pa họp với các hộ kinh doanh tại Chợ Trung tâm. Trong cuộc họp này, ông Chủ tịch UBND Huyện thông báo với các hộ tiểu thương rằng Huyện sẽ lấy đất Chợ Trung tâm để làm trung tâm thương mại. Khi nghe thông báo như vậy bà con đã phản đối, vì xây trung tâm thương mại tại khu vực này sẽ phá vỡ cảnh quan và không phù hợp với không gian văn hóa của Thị trấn Sa Pa. Chủ tịch Huyện khi đó đã tiếp thu ý kiến của nhân dân, ông hứa sẽ đề đạt với Tỉnh không xây trung tâm thương mại nữa, để làm công trình khác. Tin lời ông Chủ tịch, bà con tiểu thương thấy an tâm phần nào và ra về. Cuộc họp này không có bất cứ biên bản ghi nhớ nào, bà con cũng không ai ghi âm lại hay đòi hỏi Chủ tịch Huyện phải làm gì đó để cam kết những điều ông đã hứa.
Sau này khi nghĩ lại, rất nhiều bà con tiểu thương ở đây đã cay đắng nói rằng: “Người dân Sa Pa chúng tôi thật thà lắm, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ở lời nói của ông Chủ tịch Huyện. Nhưng giờ chúng tôi đã biết mình bị lừa”.
Sao chính quyền lại loanh quanh, vòng vo, lừa dân?
Sau khi người dân đồng loạt phản đối, yêu cầu tiếp tục cuộc họp đối thoại với dân tại huyện, ông Chủ tịch Huyện lại nói sẽ xây khu vực chợ hiện nay tầng 1 thành bãi đỗ xe tĩnh, tầng 2 làm văn phòng cho một số cơ quan của huyện. Ngày 3/12/2014, ông Chủ tịch UBND huyện Sa Pa đã ký công văn số 2855/UBND-TH trả lời cụ thể các hộ kinh doanh tại chợ Sa Pa.
Theo phản ánh của người dân, trong khi nhân dân thị trấn phản đối thì UBND lại vẫn thuê người về đo và vẽ lại quy hoạch xây bãi đỗ xe. Việc tiến hành quy hoạch cũng lộ ra nhiều điều khó hiểu. Trong khi theo quy hoạch thì khu vực chợ là phố Cầu Mây được dự định ngăn làm phố đi bộ, chỉ cho chạy xe điện du lịch, tại sao lại cho bãi đỗ xe vào trong khu phố đi bộ? Vậy thực chất UBND Huyện lấy khu đất Chợ Trung tâm để làm gì?
Trong quy hoạch tổng thể của thị trấn đến năm 2015 vẫn chưa nhìn thấy quy hoạch của khu vực Chợ hiện nay. Người dân thắc mắc liệu chính quyền có lấy đất của Chợ để bán cho doanh nghiệp hay không? Vấn đề lấy khu đất Chợ tình làm văn phòng cho cơ quan hành chính cũng không thể là một lựa chọn hợp lý nếu đem so sánh giá trị văn hóa của Chợ tình với vai trò quản lý.
Ngay trong một kết luận của Thanh tra tỉnh cũng ghi rằng: “một số dự án trên địa bàn huyện Sa Pa thiếu khách quan, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật”, và “nhân dân yêu cầu công khai, minh bạch trong việc lập quy hoạch và phương án xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ trung tâm (Chợ cũ) cho quần chúng nhân dân biết và tham gia. Đồng thời, các hộ dân phản ánh tư cách, đạo đức và trình độ, năng lực của một số cán bộ huyện Sa Pa thiếu và yếu dẫn đến các sai phạm trong quá trình thực thi công vụ”. (Trích công văn số 488/UBND-TCD của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, ngày 24/10/2014 do Phó Chủ tịch Lê Ngọc Hưng ký)
Đồng loạt khiếu kiện!
Theo công văn số 216/KH-UBND do ông Trịnh Xuân Trường, chủ tịch UBND huyện Sa Pa ký ngày 26/11/2014 thì: “Thực hiện chấm dứt hoạt động kinh doanh tại chợ hiện nay tại tổ 7B, thị trấn Sa Pa từ 18h ngày 17/12/2014”. Các hộ kinh doanh tại đây có 4 ngày để di chuyển, từ 8h ngày 18/12/2014 đến 17h ngày 21/12/2014. Sau thời gian này chợ sẽ quyết định đóng cửa, cắt điện, cắt nước và từ 8h ngày 23/12/2014 sẽ bàn giao mặt bằng chợ cũ cho UBND thị trấn Sa Pa quản lý.
Ngày 14/12/2014, 70 bà con tiểu thương đại diện cho 376 hộ kinh doanh tại Chợ Trung tâm Sa Pa (còn gọi Chợ Tình Sa Pa) đã cùng nhau về Hà Nội kêu cứu. 3h30 sáng ngày 15/12/2014, trong cái lạnh tê tái của mùa đông Hà Nội, 70 người “dân oan” này đã mang chút niềm tin ít ỏi còn sót lại tới trước vườn hoa tại phố Mai Xuân Thưởng, Hà Nội. Nhưng phòng tiếp công dân ở đó đã chuyển về số 1 phố Ngô Thì Nhậm, Hà Đông. Và đoàn người lại kéo nhau tới Trụ sở tiếp công dân mới này, góp thêm vào đội ngũ đông đảo những “dân oan” khiếu kiện đã lâu ngày tại đây.
70 con người này đã phải bỏ việc kinh doanh, rời xa nhà về Hà Nội khiếu kiện tập thể, ăn cơm ở quán bình dân với giá 20 ngàn đồng/suất và ở tạm tại những nhà trọ quanh khu vực trụ sở. Bắt đầu hành trình mới đấu tranh với những khuất tất, bất hợp lý của chính quyền. Việc mà tương lai ra sao chưa có bất cứ niềm tin và cơ sở nào được đảm bảo theo cách hành xử chung của chính quyền hiện nay.
Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được từ bà con tiểu thương, cho đến hết ngày 15/12/2014, bà con tiểu thương Chợ Tình Sa Pa vẫn chưa được gặp người phụ trách Trụ sở Tiếp Công dân, phía Trụ sở hẹn sáng ngày 16/12/2014 sẽ gặp mặt đại diện của bà con tiểu thương.