Việt Nam Thời Báo

Victor Hugo và Tào Ngu: Phản biện sớm về “chủ nghĩa cộng sản” và “chủ nghĩa xã hội”

Phùng Hoài Ngọc
(VNTB) – Đại thi hào Victor Hugo tiên tri về “chủ nghĩa cộng sản” đã bị bốn dịch giả Việt Nam chê trách như thế nào?
 

 

Ngày nay trên toàn thế giới đều công nhận Victor Hugo là một nhà văn tiến bộ hàng đầu không những của nước Pháp mà của toàn thể nhân loại. Một bộ tiểu thuyết lớn, tràn ngập tinh thần nhân đạo cao cả, tiến bộ và có giá trị lâu dài.
Bản dịch đầu tiên của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch với nhan đề “Những kẻ khốn nạn“.[1]
Bản dịch phổ biến, quen thuộc nhất ở Việt Nam đến nay là bản của nhóm văn học Lê Quí Đôn (gồm 4 nhà giáo và nhà thơ nổi tiếng), đồng dịch giả “Những người khốn khổ”. Đó là các vị Gs.Huỳnh Lý, Gs.Lê Trí Viễn (ĐHSP.HN), Gs.Đỗ Đức Hiểu (ĐHTH.HN) và nhà thơ nhà giáo Vũ Đình Liên [2](lúc ấy ông Liên là chủ nhiệm khoa Pháp văn trường ĐHSP, về sau tách ra thành ĐHSP Ngoại ngữ). Bản dịch được xuất bản năm 1959 tại Hà Nội. Qua nhiều lần tái bản, bản mới nhất là của NXB Văn học năm 2004.[3]
Về chất lượng bản dịch, giới nghiên cứu văn học nước ta đều công nhận bản dịch của bốn giáo sư là hay nhất.
Tuy nhiên, có một lời chú thích kiêm lời bình của bốn dịch giả sai lầm nặng nề chưa được sửa chữa, mà bốn ông đều đã qua đời. Chú thích và lời bình ấy ở chân trang 504.
Xin trích một đoạn trong “Những người khốn khổ”ở trang sách 504 [4] theo bản dịch của 4 dịch giả trên. Trong đoạn này, nhà văn bàn luận về chính trị, chuẩn bị không khí miêu tả cuộc khởi nghĩa 1832 bùng nổ ở Paris.
“…Tất cả những vấn đề các nhà xã hội đem ra bàn để giải quyết chỉ thu lại trong hai vấn đề chính:
– Vấn đề thứ nhất: Sản xuất ra của cải vật chất
– Vấn đề thứ hai: Phân phối các của cải ấy.
Nước Anh giải quyết được vấn đề thứ nhất. Nước Anh làm ra của cải rất giỏi nhưng phân phối rất vụng.
Chủ nghĩa cộng sản và “Luật ruộng đất” cho rằng có thể giải quyết vấn đề thứ hai. Lầm to ! Phân chia như thế sẽ giết chết sự sản xuất. Chia đều nhau làm mất tính thi đua. Và do đó cũng làm mất tính lao động. Đó là cách phân chia của hàng thịt, nó giết chết cái mà nó phân chia. Không thể nào bằng lòng với giải pháp ấy được.. [5] 
Dưới chân trang sách 504 này, nhóm văn học Lê Quí Đôn ung dung tự mãn ghi lời bình chú như sau:
Bạn đọc ngày nay chắc sẽ dễ dàng nhận thấy những ý kiến sai lầm của Huy-gô về chủ nghĩa cộng sản và những người cộng sản. Mặc dù tiến bộ, Hugô cũng như phần lớn những người trí thức lúc ấy, chỉ nghe nói lờ mờ và tưởng tượng về chủ nghiã  cộng sản chứ chưa hiểu. Vả lại đương thời, còn nhiều nhóm “cộng sản” không tưởng, quá khích, chứ không phải chỉ có một chủ nghĩa mác- xit.”.
Thật kỳ lạ, bốn vị GS viết lời bình chú trên vào năm 1959 mà cứ như lúc ấy các ông đã nhìn thấy rõ “khuôn mặt của chủ nghĩa cộng sản” rồi vậy (!). Năm đó bốn giáo sư nhìn thấy CNXH ở đâu? Có lẽ chỉ nghe nói ở Liên Xô thôi chăng? Bởi lúc ấy miền Bắc sắp hoàn thành Kế hoạch ba năm khôi phục đất nước sau kháng chiến chống Pháp, sắp bước vào kế hoạch 5 năm chuẩn bị Tập thể hóa nông nghiệp, Quốc hữu hóa thương nghiệp công nghiệp – tức là mới bắt đầu mon men CNXH thôi mà !
Các nhà lý luận văn học từng hơn một lần khẳng định Victor Hugo là nhà văn “lãng mạn chủ nghĩa” với hàm ý đánh giá thấp hơn chủ nghĩa hiện thực (theo quan điểm văn nghệ Mác- Lê). Khi Hugo viết thơ kịch truyện được/bị coi là nhà thơ đỉnh cao lãng mạn thì nhà văn Balzac cắm cúi viết tiểu thuyết hiện thực phê phán. Với bộ Tấn trò đời gồm 97 cuốn tiểu thuyết, Balzac đã miêu tả những số phận bi kịch- mặt trái của xã hội tư sản Pháp đầu thế kỷ 19. Marx và Engels rất say mê đọc truyện của Balzac trong quá trình nghiên cứu của hai ông. Marx từng nói “Chỉ cần đọc tiểu thuyết của Balzac thì bằng tất cả các sách chính trị, kinh tế, xã hội học và sử học nước Pháp cộng lại”. Như thế, hẳn là các ông Marx, Engels đã lấy tiểu thuyết Balzac làm một trong các cơ sở để hình thành học thuyết cộng sản của họ. Tôi cảm thấy Marx quá mơ mộng, quá yêu tiểu thuyết Balzac, dù rằng Balzac là nhà văn hiện thực phê phán vĩ đại nhất của nước Pháp và châu Âu. Quả vậy, Marx đã dành một phần tư (1/4) bản “Tuyên ngôn đảng cộng sản” cho văn học…
Quả là mơ mộng ! Tình yêu tiểu thuyết cực đoan của hai ông lãnh tụ vô sản đã gây ra tác hại xiết bao. Cũng như một người làm thơ tuyên truyền thô thiển như Tố Hữu mà dám nhận lấy chức phó thủ tướng phụ trách kinh tế thì chết cả đất nước thôi. Tôi là người rất yêu văn chương, tiểu thuyết, coi nghiên cứu văn học là nghề nghiệp của mình. Nhưng tôi không yêu đến mức cực đoan như hai ông Marx và Engels.
Lời bình chú kỳ quặc trên của bốn giáo sư dịch giả vẫn y nguyên trong sách “Những người khốn khổ” tái bản năm 2004 của Nhà xuất bản văn học, không chỉnh lý sửa chữa, vẫn như lần xuất bản đầu tiên năm 1959 thế kỷ trước.
Bây giờ xin hỏi lại quí vị giáo sư và nhà xuất bản: nhà văn Victor Hugo nhận định về nhược điểm chết người của chủ nghĩa xã hội như thế – đúng hay không?
Xin mách nhà xuất bản: chỉ cần thay thế 4 chữ “Bạn đọc ngày nay…” (tức năm 1959) bằng câu “Bạn đọc ngày xưa…” trong đoạn chú thích trên thì mới chứng tỏ các dịch giả và nhà xuất bản đạt được tầm nhận thức của thời đại. Bút sa gà chết. Than ôi, bốn dịch giả đều đã ra đi cả rồi.
     
Tào Ngu  phê phán “chủ nghĩa xã hội” khi viết kịch bản “Lôi vũ” [6]
Nhà văn Tào Ngu (曹禺 1910–1996) viết vở bi kịch Lôi vũ (Bão táp) tháng 7 năm 1934, vở kịch Lôi vũ được đăng trên Văn học quý san.
Lôi vũ là kịch bản đầu tay độc đáo của chàng trai 24 tuổi tốt nghiệp hai bằng đại học (Khoa chính trị học Đại học Nam Khai, khoa ngôn ngữ học Đại học Thanh Hoa). “Lôi vũ” là vở kịch đầu tiên ở TQ chịu ảnh hưởng bi kịch Hi Lạp cổ đại, phương Tây.
Tào Ngu trải qua nhiều chức vụ trong văn nghệ từ sau năm 1949, chức vụ cuối cùng là Chủ tịch Hội nhà văn TQ (trước-sau 1988).

 

Nhà văn Tào Ngu
Vở kịch miêu tả một gia đình địa chủ- tư sản họ Chu trong bối cảnh Trung Hoa dân quốc, dưới thời Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch. Cốt truyện xoay quanh bi kịch loạn luân và cuộc đấu tranh giữa ông chủ tư sản và công đoàn thợ mỏ.
Vở kịch Lôi vũ được nhà giáo Đặng Thai Mai biên dịch qua tiếng Việt năm 1943, in thành sách năm 1945, lên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội do ban kịch Hoa Lan công diễn gần sát trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Sau hòa bình lập lại 1954, Đoàn kịch nói Hà Đông dàn dựng, ước đầu những năm 60. Sau 1975, kịch bản đi vào Sài Gòn được dàn dựng bởi Nhà hát kịch Trẻ, vở kịch giúp cho sự nổi danh của các nghệ sĩ Minh Trang, Việt Anh, Hồng Vân, Thành Lộc, sau đó các đoàn cải lương chuyển thể, sân khấu khắp từ Bắc chí Nam lên cơn sốt “Lôi vũ”.
 Images intégrées 3
GS Đặng Thai Mai dịch giả của Lôi vũ
(Giới văn nhân Việt Nam hồi ấy có câu đối vui tếu :“Trung Quốc có Tào Ngu ngu mà giỏi / Việt Nam có Đoàn Giỏi giỏi mà ngu”).
Gần đây đọc lại kịch bản “Lôi vũ” của Tào Ngu, tôi giật mình thấy đoạn đối thoại sau đây trong màn 1, cảnh hai cha con nhà tư sản cãi nhau:
Chu XungGạch tên rồi kia à! Thưa ba, con thấy anh ta có vẻ thông minh, lanh lợi. Hồi nãy con vừa nói chuyện với anh ta một lúc. Con tưởng, dù anh ta có làm đại biểu cho thợ đình công, cũng chưa nên vội đuổi anh ta.

Chu Phác Viên (nhà tư sản chủ mỏ, cha của Xung)Chao ôi! Bọn thanh niên chúng mày ngày nay, gặp một thằng thợ, nói vài ba câu chuyện chưa đâu vào đâu là đã ngứa mỡ nói những đồng tâm và thiện cảm, ỏm tỏi cả lên! Hình như là cái “mốt” của bọn chúng mày ấy!
Chu Xung:  Con vẫn nghĩ rằng: những người đó họ tranh đấu cho tất cả anh em thợ thuyền, thì chúng ta cũng nên biểu đồng tình với họ. Vả lại nhà mình giàu có, sung sướng thế này, cần gì đi cướp cơm của họ. Đây không phải là chuyện “mốt” hay “không mốt”.
Chu Phác Viên trợn mắt lên:
Mày biết xã hội là cái gì không đã nào? Mày đọc được mấy cuốn sách nói về xã hội học, về kinh tế học rồi? Ngày xưa, lúc đi du học bên Đức, tao đã nghiên cứu xã hội chủ nghĩa kỹ càng bằng mấy chúng mày bây giờ ấy !  
Xin bạn đọc nhớ rằng Chu Phác Viên nhân vật tư sản phản diện phát ngôn câu trên vào năm 1933. Lúc ấy nhà văn Tào Ngu mới được gọi là nhà văn dân chủ, đang phấn đấu vào Đảng CSTQ.
Nhân vật Chu Xung là thanh niên trẻ, mới tiếp thu loáng thoáng về chủ nghĩa Mác- Lê qua sự truyền bá bí mật của ông Mao nên có cảm tình với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân do cộng sản lãnh đạo. Anh bị cha là nhà tư sản mỉa mai rằng tụi bay chả biết gì đâu, tao thì đã biết cái học thuyết CNXH ấy từ hồi du học ở bên nước Đức rồi, chả ra gì đâu.
Tào Ngu viết vở kịch “Lôi vũ” khoảng năm 1933. Lúc ấy Cộng sản Đảng của ông Mao chưa cướp được chính quyền, còn đang trong thời gian tuyên truyền lôi kéo quần chúng, và may mắn vớ được nhà văn trẻ Tào Ngu… Khi viết câu thoại trên, nhà văn Tào Ngu có ý mỉa mai nhân vật tư sản họ Chu bóc lột công nhân lại còn phát ngôn bừa bãi về ‘chủ nghĩa xã hội” (!).
Cuối thế kỷ 20, khi đã làm chủ tịch Hội nhà văn TQ, nhìn thấy XHCN vỡ tan vỡ nát, còn chủ nghĩa tư bản đỏ thì đang tiến nhanh tiến mạnh tiến kiểu quái đản lên “chủ nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc”, chẳng biết Tào Ngu tiên sinh có ý định sửa lại kịch bản hay không trước khi ông qua đời năm 1996. Tào Ngu không còn cơ hội sửa lại kịch bản nữa. Tuy nhiên, cứ để y như cũ mà diễn cũng có cái hay riêng vì như thế, bi kịch sẽ trở thành hài kịch. Bây giờ nhìn lại, nhân vật phản diện Chu Phác Viên lại hóa ra nhân vật chính diện, thành nhà tiên tri của đất nước Trung Quốc rồi.
Khi so sánh Tào Ngu và nhóm 4 dịch giả Lê Quí Đôn ở Hà Nội, tôi có một càm xúc thú vị. Họ giống nhau về lý tưởng CS và cũng ngây thơ hồn nhiên biết bao, sai lầm và tác hại biết bao !
Và cảm thấy thi hào Victor Hugo vĩ đại, sáng suốt vô cùng ! Ông là nhà văn hiện thực và lãng mạn, nhà tiên tri hiền minh của thời kỳ hiện đại.
Vài lời kết hay là tâm sự cuối đời của một giáo sư đầu ngành văn học
Một ngày nọ khoảng đầu những năm 1990, tôi tới thăm giáo sư DT từ Hà Nội vào thỉnh giảng ở thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư DT cũng thuộc hàng đẳng cấp với 4 GS dịch “Những người khốn khổ” nói trên. Thầy bảo tôi đi làm nghiên cứu sinh với thầy, tôi thưa em bận lắm, công việc Khoa nhiều, gia đình neo đơn, em tự làm nghiên cứu sinh thôi… Trò chuyện về chuyên môn, tôi hỏi “Bây giờ đọc lại các giáo trình, em thấy nhiều điều bất cập, lạc hậu quá, sao các thầy chưa chỉnh lý, mà Nhà xuất bản GD thì cứ y nguyên sách cũ tái bản cho sinh viên mãi ?”. Thầy im lặng một hồi rồi nói “Có ai yêu cầu tái bản đâu, Nhà xuất bản Giáo dục chưa bật đèn xanh thì ai làm, kinh phí ai cấp, chẳng lẽ chúng tôi đi ngửa tay xin việc ? Thôi các cậu lo liệu tự chỉnh lý cái lạc hậu mà giảng dạy… Bây giờ ai muốn làm gì thì làm. Chúng ta đều bị lừa cả, cậu ạ”.

 


[1] . Bản dịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) về sau hầu như không được tái bản vì có nhiều bất cập về phần tiếng Việt. Tác phẩm chuyển thể mới nhất là bộ phim opera hiện đại “Những người khốn khổ” (phim điện ảnh Mỹ, năm 2012)
[2] . Giáo sư Vũ Đình Liên trước khi dạy đại học là nhà thơ tiển chiến nổi tiếng với bài thơ bất hủ “Ông đồ”. Một nhà trí thức Tây học lại đi luyến tiếc một nền văn hóa Nho học và Hán văn như ông thực là hiếm có (Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người quaNhững người muôn năm cũ/ hồn ở đâu bây giờ?)
[3] . Đọc toàn văn tiểu thuyết hơn hai ngàn trang ở đây:
[4] . Những người khốn khổ, trang 504, phần thứ Tư, quyển I, tập 2, Nhà xuất bản Văn học tái bản, Hà Nội, 2004.
[5] . Ông Kim Ngọc bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đã lấy mạng sống của mình để trả giá cho bài học từ V. Hugo. Ông lẳng lặng thực hiện Khóan 10 trong nông nghiệp, bị hành hạ và tự tử..
[6] . Mời bạn đọc toàn văn kịch bản “Lôi vũ” (bản tiếng Việt của GS Đặng Thai Mai và nguyên tác Trung văn  ởđây:http://giangnamlangtu.wordpress.com-loi vu-bi kich-taongu/)
Thi hào V.Hugo (1802-1885) là tác giả thiên tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (nguyên tác tiếng Pháp: Les Misérables) xuất bản 1862. 

Tin bài liên quan:

VNTB- Lê Hải Bình nói nước đôi, Tôn Nữ Thị Ninh lại muốn dạy khôn nước Mỹ

Phan Thanh Hung

VNTB – “Giai cấp mới”, đã đến giai đoạn cuối (kỳ 2)

Phan Thanh Hung

VNTB – Cô tiên tặng quà năm mới

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo