VNTB – Ai bảo "tiền đồ" ngành tư pháp Việt Nam tối như tiền đồ chị Dậu?

VNTB – Ai bảo "tiền đồ" ngành tư pháp Việt Nam tối như tiền đồ chị Dậu?

Nguyễn Hiền

(VNTB) – Sẽ thật trái khoáy khi ví von ngành tư pháp như tiền đồ chị Dậu? Nhưng ví von này phù hợp cho những diễn biến kỳ lạ của ngành này trong thời gian vừa qua.

Ông Luật sư Trần Vũ Hải có trốn thuế hay không điều này còn cần thời gian phán xét, tuy nhiên cách mà Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang tiến hành xét xử có xứng đáng với vị trí và thẩm quyền được ghi nhận trong luật hay không là điều có thể phán xét được.

Một tấm hình ông Luật sư Trần Vũ Hải cầm bộ luật Tố tụng hình sự như là lời dự báo về những sai phạm thuộc về nguyên tắc trong phiên tòa xét xử ông.

Trong bài bầu chữa cho vợ chồng ông Trần Vũ Hải, Luật sư Trần Đình Triển, phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội đã chỉ ra 14 điểm sai trong phiên tòa xét xử. Từ thẩm quyền xét xử không đúng (thuộc Tòa án tỉnh Khánh Hòa nhưng Tòa án thành phố Nha Trang lại thụ lý) cho đến đuổi luật sư ra khỏi phiên tòa khi luật sư chất vấn về lý do tại sao không hay chưa cấp Đăng ký bào chữa.

Luật sư phải rùng mình khi nhận xét, ‘vụ án “trốn thuế” ở Nha Trang sẽ đi vào lịch sử kinh dị của tố tụng!’. Bởi toàn bộ những nguyên tắc, quy trình, thủ tục tố tụng được đề ra trong Bộ luật Tố tụng hình sự đã bị chính Tòa án thành phố Nha Trang ‘phá rào’.

Chưa dừng tại đó, theo Facebooker Hoang Tran (con trai của Luật sư Trần Vũ Hải) và nhiều người chứng kiến tại phiên tòa ‘công khai’ này. Sau khi tuyên án, vì nghi ngờ là án chỉ đạo và toà ra phán quyết trước khi hoàn thành biên bản toà nên các ‘các luật sư yêu cầu được đọc biên bản toà’. Kết quả của đòi hỏi quyết liệt và đúng đắn đó được ‘đáp trả’ bằng hiện tượng ‘mất điện’ ngay tại tòa án, và ‘lực lượng an ninh cảnh sát quây kín lại toà nhà để bảo vệ an ninh’.

Sự ‘trùng hợp’ liên quan đến các sự cố tại tòa án Việt Nam cũng diễn ra tại các phiên tòa xử tù nhân chính trị và những người thuộc nhóm bất đồng chính kiến Việt Nam trong một thời gian rất dài.

Gần nhất, là trong phiên xét xử thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc phải than thở, ‘lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, 3 luật sư ở TP Hồ Chí Minh tham gia tố tụng bào chữa tại Toà án tỉnh Nghệ An chỉ mang theo bút và giấy trắng, không hồ sơ, không sách luật, không laptop…!!! Lý do, Toà án không cho luật sư sao chụp hồ sơ vụ án vì đó là “tài liệu mật”(!?)

Tất cả những phiên tòa ‘bất thường’ và có sai sót nghiêm trọng liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự đều liên quan đến yếu tố ‘chính trị, an ninh quốc gia’. Vai trò của luật sư trong các phiên tòa này chỉ dừng ở mức ghi chép tay lại những lời nói sau cùng của bị cáo.

Vai trò của giới luật sư Việt Nam trở thành một ‘bình bông trang trí’ như Luật sư Võ An Đôn bày tỏ trong ngày 18/8/2017.

‘Luật sư không có vai trò gì đối với công lý, chỉ là vật trang trí cho đẹp phiên tòa, để người khác nhìn vào phiên tòa có dân chủ’. – Luật sư Võ An Đôn.

Đó có phải là lý do vì sao khi các quốc gia tiên tiến khác ghi nhận tiến triển về chức năng, đi từ ‘thầy cãi’ lên ‘phụ tá công lý’, thì tại Việt Nam – luật sư trở lại thành ‘thầy chép’ (tương đương với chức phận của thư ký phiên tòa)?

Người quan tâm đến ngành tư pháp không hờn trách những vị thẩm phán ra tuyên án đầy ngược đời trong một phiên tòa đầy bất thường. Bởi hơn ai hết đều hiểu rằng, phán quyết được gói gọn trong một bản định tội từ trước đó. Thế nhưng, một nền tư pháp như thế sẽ phô bày một cách mỉa mai sự chắp vá của cái gọi là nhà nước pháp quyền. Bởi làm sao để người dân nhìn vào và tin rằng một người đứng trước móng ngựa là ‘có tội’ theo tuyên bố của Thẩm phán khi mà các quy tắc tố tụng bị chính phiên tòa đó bị bẻ gãy?

Rõ ràng, ‘vì an ninh quốc gia’ can thiệp quá sâu vào công tác xét xử, cơ quan hành pháp (Bộ Công an) can thiệp thô bạo vào cơ quan tư pháp (Tòa án). Và đó là nguyên nhân sâu xa cho ‘sự xét xử độc lập của Tòa án’ được ghi nhận tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp 2013, Điều 9 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Điều 23 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bị vô hiệu hóa hoàn toàn?

Làm sao để chứng minh được ‘Tòa án độc lập với các cơ quan khác’, tức tách biệt với nhanh lập pháp và hành pháp, chỉ nhân danh Nhà nước bảo vệ pháp luật, tuân thủ ‘thượng tôn pháp luật’ khi mà ‘án bỏ túi’ trong các phiên tòa liên quan đến ‘an ninh quốc gia’ vẫn là điều mặc nhiên?

Chưa bao giờ, mà nền tư pháp Việt Nam phải đứng trước khó khăn – thử thách như thế. Bởi ngay cả khi tòa án ‘nhân danh quyền lực nhà nước CHXHCN Việt Nam’ thay vì ‘nhân danh công lý’, thì cũng phải đảm bảo tuân thủ theo các luật lệ do chính nhà nước CHXHCN Việt Nam đề ra, chứ sao lại tìm cách bẻ cong, làm biến dạng nó trước mắt thiên hạ trong thế kỷ XXI?

Andrew Jackson, Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ dường như có tầm nhìn đi trước thời đại, và ông nhìn ra được bản chất của một nền tư pháp mà độc lập khi cố định tại mảng xám.

‘Tất cả các quyền được bảo đảm cho các công dân theo Hiến pháp đều không có giá trị gì, và chỉ là một bong bóng, ngoại trừ được đảm bảo bởi họ bởi một Tư pháp độc lập và có đạo đức.’

Tổng thống Ronald Reagan cũng có tuyên bố về Hiến pháp Liên Xô, văn bản ‘có ý định trao các quyền tuyệt vời của tất cả các loại cho người dân’, nhưng cuối cùng, những ‘quyền đó là những lời hứa suông, bởi vì hệ thống đó không có một cơ quan tư pháp độc lập để duy trì sự thống trị của pháp luật và thực thi các quyền đó.’

Khi nền tư pháp còn chưa được độc lập thực chất, thì đạo đức và công chánh là điều xa xỉ của nền cộng hòa.

Nền tư pháp Việt Nam dù tham khảo nhiều luật lệ của các nước Tây phương, nhưng bản chất vẫn mang thuộc tính Liên Xô.

Facebooker Nghiêm Hoa trăn trở bày tỏ: Quả quả thật “cái tiền đồ” của ngành tư pháp như thế này đúng là rất bậy bạ!

Tư pháp không độc lập, thì không bao giờ có dân chủ, phán quyết của các vị Thẩm phán là phán quyết mẫu định ra từ trước, góp phần bởi cơn gió ‘an ninh quốc gia’ đến từ ngành hành pháp.

Tiền đồ của ngành tư pháp Việt Nam vì thế không ngoa khi tiếp tục tối đen như cái tiền đồ của chị Dậu thời… tắt đèn!

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)