Bình luận về sự ra đi của ông Nguyễn Bá Thanh, qua đời vào trưa thứ Sáu 13/2 ở Đà Nẵng, thọ 62 tuổi, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận xét:
Giáo sư Carl Thayer: Mặc dù cá nhân tôi chưa gặp ông Nguyễn Bá Thanh nhưng tôi đã đọc một công trình nghiên cứu không được công bố về dân chủ cơ sở của tác giả là người Việt có nhận xét và bình luận tốt về ông trong sáng kiến cho bầu cử trực tiếp giới chức cấp địa phương với Đà Nẵng là hình mẫu để áp dụng ra toàn quốc. Ông Bá Thanh được người dân ở địa phương quí mến và việc làm trong nỗ lực cải cách chính trị của ông thu hút sự chú ý trên toàn quốc.
BBC: Cấp địa phương thì như vậy nhưng cấp trung ương thì sao, ông có được lòng các chính khách tại Ba Đình không thưa ông?
Ông Bá Thanh được đưa ra Hà Nội để hỗ trợ Tổng Bí thư Trọng trong nỗ lực chống tham nhũng và việc ông ra trung ương dường như không thành công lắm. Chúng ta có thể thấy là việc ông lâm bệnh có thể ảnh hưởng tới công việc được giao của ông, nhất là trong bối cảnh có đấu đá nội bộ ở trung ương với các cáo buộc là có những khoản tiền hoa hồng bôi trơn cho các dự án xây dựng vốn đem lại hình ảnh hiện đại và mới mẻ cho Đà Nẵng.
Do đó có sự chia rẽ trong giới chính khách trung ương khi đánh giá về ông. Một mặt là ông được đưa ra Ba Đình với kỳ vọng là ông sẽ leo cao hơn nữa và một luồng khác bị phân tâm bởi những điều tôi vừa nói.
BBC: Nhưng chống tham nhũng ở vị trí của ông Nguyễn Bá Thanh có nghĩa là ông phải làm việc với ít nhất là các cơ quan thuộc chính phủ của Thủ tướng Dũng và Bộ Công an Việt Nam.
Nhìn chung thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một nghị trình mà tôi được nghe nói là khoảng trên dưới 20 đại án tham nhũng mà ông Trọng muốn xử lý. Trong quá khứ tại Việt Nam, chúng ta đã thấy có việc chĩa mũi vào các phe nhóm. Kể như đây là việc đổ máu đã bị ngưng lại trước khi một bên bị tổn thương nhiều hơn bên kia. Trong trường hợp này dường như là sức nặng đè lên mạng lưới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến đã tạo ra việc phản pháo.
Có hàng loạt tập đoàn và tổng công ty nhà nước nở rộ dưới quyền của Thủ tướng Dũng và có các doanh nghiệp nhà nước tham nhũng qui mô. Ông Dũng không hề hấn gì khi Bộ Chính trị muốn kỷ luật một đồng chí nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đồng ý. Đó là hạn chế và tham nhũng có biểu hiện tại mọi nơi, mọi phe phái và điều mà mỗi phe hy vọng là hạ bệ một nhân vật và rồi chính phe tưởng là thắng lại có một nạn nhân. Tức là các bên đều có đối tượng để tấn công bên kia với hy vọng phe kia chùn lại.
Theo tôi Việt Nam có hệ thống mà anh không thể đi quá xa về một hướng này hay hướng kia và ông Nguyễn Bá Thanh được đưa vào ngã ba đường và ông trở thành mục tiêu để người ta đưa ra các thông tin chỉ trích sự lãnh đạo của ông.
Sự khác biệt ở phương Tây và Việt Nam là ở chỗ ở phương Tây anh thích hay không thích ai thì luật pháp vẫn là trên hết. Nhưng ở Việt Nam thì hệ thống luật pháp không có tiếng nói độc lập và hạn chế đó tạo bất ổn cho nỗ lực chống tham nhũng.
BBC: Việc ông Bá Thanh không được bầu chọn vào ghế ủy viên Bộ Chính trị rõ ràng là có ảnh hưởng tới uy tín của ông?
Đúng vậy. Nhưng bức tranh lớn hơn là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn gây ảnh hưởng khi ông muốn tăng số ủy viên Bộ chính trị lên 17 ghế và muốn bổ nhiệm một số ghế trống cho các ứng viên mà ông muốn nhưng các ứng viên khác lại vào Bộ Chính trị.
Do đó vấn đề là việc ông Nguyễn Bá Thanh không vào được Bộ Chính trị là cá nhân ông hay cán cân quyền lực theo đó một bên là Ban Chấp hành Trung ương đã phủ quyết nỗ lực của Tổng Bí thư Trọng gây ảnh hưởng tới Bộ Chính trị để hướng tới Đại hội Đảng 12.
Tức là bức tranh lớn hơn, theo tôi, là ông Nguyễn Bá Thanh bị kẹt giữa cuộc tranh giành này.
BBC: Rồi sẽ có người khác ngồi ghế trưởng ban nội chính thay ông Nguyễn Bá Thanh. Từ nay tới Đại hội 12 nỗ lực chống tham nhũng sẽ đi về đâu thưa ông?
Trước cả hai đội hội Đảng trước đây thì người ta đều nói là tham nhũng làm nguy hại tới tính chính danh của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Việt Nam không thể chống nổi tham nhũng chừng nào không có một cơ quan độc lập và có quyền lực, độc lập về hành pháp, tòa án, công an, độc lập về báo chí tường thuật về những vụ việc tham nhũng. Vì những yếu tố đó không tồn tại nên chống tham nhũng có quá nhiều động cơ chính trị.
Từ nay tới Đại hội Đảng 12 không có nhiều thời gian để đạt được kết quả đáng kể vì sẽ có những nỗ lực cản trở chiến dịch chống tham nhũng từ bên trong nhằm để đà chống tham nhũng không đi quá xa và lịch sử đã chứng minh rằng không thể đi quá xa [trong nỗ lực chống tham nhũng] đối với các ghế quan trọng nhất mà họ có khả năng đi tiếp.
Cho nên bất kỳ ai ngồi vào vị trí đó [Trưởng ban Nội chính Trung ương] sẽ bị “bẻ nanh” hay nói cách khác là không có quyền lực nhiều và sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ nay tới Đại hội Đảng 12.
(Theo BBC)