(VNTB) – An ninh mạng hùng hậu, công nghệ hiện đại, mà thông tin của người dân vẫn bị lộ ra cho tội phạm lừa đảo
Theo thống kê, năm 2024, người Việt Nam mất khoảng 18.900 tỷ đồng vì các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Trung bình cứ 220 người dùng smartphone thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo. Với hơn 70 triệu người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam, thử làm phép tính đơn giản, thì có hơn 300.000 nạn nhân.
Điều khiến người dân vừa bức xúc vừa bất lực không chỉ là số tiền bị mất, mà là cách mà các tổ chức lừa đảo hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, thậm chí đọc vanh vách thông tin cá nhân của nạn nhân như thể… thân quen từ kiếp trước. Từ tên tuổi, số căn cước công dân, số điện thoại, bằng lái xe, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng,… tất cả đều chính xác đến rợn người.
Vậy những kẻ lừa đảo này lấy thông tin từ đâu ra? Đừng hỏi tại sao người dân không nghĩ tới cơ quan công an đầu tiên. Vì toàn dân đều bị buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, ví dụ như khi làm định danh điện tử trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an.
Không ai dám nói rằng công an bán thông tin cá nhân của dân đen, nhưng nếu không bán thì chắc chắn phải có lỗ hổng nào đó thì mới rò rỉ thông tin của người dân, lỗi bảo mật, hacker… Phải có sai sót gì đó thì các thông tin cực kỳ nhạy cảm của hàng trăm nghìn người dân mới có thể trôi nổi trên thị trường ngầm. Để cho bọn lừa đảo có thể gọi điện tự xưng là công an, viện kiểm sát, ngân hàng… và dọa nạt như thật, khiến không ít người già, phụ nữ, sinh viên… hoảng sợ mà chuyển tiền.
Vậy nếu thông tin định danh cá nhân bị rò rỉ từ ứng dụng VNeID, thì ai chịu trách nhiệm?
Trong khi đó, bộ máy được cho là để bảo vệ người dân trên mạng (an ninh mạng) của Việt Nam lại rất hùng mạnh, đông đảo, chuyên nghiệp. Rất rảnh để truy tìm người phát biểu trái chiều trên Facebook, mời lên đồn vì đăng bài châm biếm xã hội, hay lập biên bản vì dám phản biện chính sách công,… Một người dân bức xúc vì giá điện tăng, viết vài dòng lên mạng xã hội thì bị gọi là “phản động”. Một sinh viên hỏi “tiền thuế của tôi đi đâu?” thì liền lập tức bị cảnh báo.
Nếu lực lượng chuyên trách như an ninh mạng, cơ quan công an điều tra chỉ chăm chăm đi bắt người nói trái chiều, thì ai đang bảo vệ dân khỏi bọn tội phạm công nghệ cao thật sự?
Để cho những kẻ tên lừa đảo vẫn ngày ngày rút ruột xã hội mà vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật, chửi cha mắng mẹ người dân, tra tấn tâm lý, tinh thần người dân, doạ nạt tống tiền người dân… Tại sao không bắt được chúng? Hay là không muốn bắt? Hay bắt được rồi lại phải thả ra vì chúng có thế lực chống lưng? Có những đường dây đã được phanh phui từ nhiều năm trước, nhưng tới giờ vẫn hoạt động bình thường, thậm chí còn “mở rộng chi nhánh” từ trong nước ra nước ngoài. Ai đứng sau bọn chúng?
Thế rồi, dân Việt vẫn phải chấp nhận sống trong một xã hội mà cái sai bị che đậy, còn người bị hại thì bị làm cho im lặng. Người dân mất tiền thì chỉ biết tự trách mình nhẹ dạ, rồi lặng lẽ cắn răng chịu đựng. Không ai đứng ra bảo vệ. Không ai truy trách nhiệm đến nơi đến chốn. Không có cơ chế đền bù và không có ai xin lỗi.
Lừa đảo trực tuyến giờ đây không còn là hiện tượng, mà là một ngành công nghiệp ngầm, phát triển mạnh mẽ nhờ sự tiếp tay của những kẻ bán thông tin, sự tắc trách của các cơ quan quản lý, và sự im lặng của nhiều người có trách nhiệm. Chúng không chỉ lấy tiền, chúng còn lấy đi niềm tin của người dân vào chính quyền, vào luật pháp và vào chính cuộc sống này.
__________________
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/nguoi-viet-mat-18-900-ti-dong-vi-bi-lua-dao-trong-nam-2024-20241216095908927.htm