Việt Nam Thời Báo

An ninh VN thả một người vì vụ cá chết

BBC

Image copyrightOther
Image captionCuộc biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra xô xát giữa lực lượng an ninh và người xuống đường
An ninh Việt Nam vừa thả một nhà hoạt động sau khi ông bị bắt tại khu vực Vũng Áng, tâm điểm của thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung.
Ông Chu Mạnh Sơn được thả sáng ngày 3/5. Tuy nhiên, người bị bắt cùng đợt với ông là ông Trương Minh Tam hiện vẫn chưa được thả.
Trước đó, tối 1/5, trên bản tin 20 giờ, Đài truyền hình Việt Nam VTV công bố bắt hai nhà hoạt động tên Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn vì “thu thập thông tin và hình ảnh để phát tán trên mạng internet nhằm mục đích kích động người dân”.
VTV mô tả điều họ gọi là ông Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn đã đến khu công nghiệp Formosa, và Kỳ Hà, Hà Tĩnh ghi nhận tình hình đời sống ngư dân tại các khu vực này sau khi thảm họa cá biển chết hàng loạt xảy ra.
Bản tin nói ông Tam đã “phỏng vấn” và “biên tập phóng sự phát trên các trang mạng xấu”.
Ông Chu Mạnh Sơn bị bản tin này trên VTV cáo buộc “được các tổ chức phản động nước ngoài liên hệ, trong đó có tổ chức phản động Việt Tân tại Mỹ lôi kéo đề nghị tham gia”.
Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, nhà hoạt động Hoàng Dũng của phong trào Con Đường Việt Nam nói: “Về mặt đảng cầm quyền họ bắt là đúng, vì hành động này sẽ dập được mọi tiếng nói đối lập chuyên nghiệp cất lên từ tâm bão, bóp nát mọi ý định săn tin của các nhà báo tự do khác” và để “nắm lại độc quyền truyền thông của đảng.”
“Hành động này sẽ đúng cho đến khi họ trả tự do cho Tam trong vòng 9 ngày, khi mục đích giữ cho bão qua đã đạt được. Nó sẽ sai khi xử tù ông Tam. Thời điểm này ko phải năm ngoái, khi mà cả kỳ bầu cử và ông Obama đều sắp tới,” ông Dũng cho biết.
Image copyrightOther
Image captionNhiều người bị bắt trong đợt biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thảm họa môi trường cá chết tại Việt Nam đã xảy ra gần bốn tuần.
Trong ngày 29-30/4, người dân tại Cảnh Dương, Quảng Bình đã giăng lều bạt biểu tình trên Quốc lộ 1A, sau khi một số ngư dân đánh bắt xa bờ vào và không thể bán được cá sau khi cá chết hàng loạt tại khu vực này.
Ngày 1/5, tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối thảm họa môi trường này, yêu cầu minh bạch và tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Đêm 2/5, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo yêu cầu giám sát hệ thống xả thải của công ty Formosa.
Thông cáo này cũng đề nghị ngư dân đánh bắt ở vùng ngoài 20 hải lý và tuyên bố sẽ hỗ trợ 15kg gạo/nhân khẩu/tháng và hỗ trợ tiêu hủy cá chết.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo