Việt Nam Thời Báo

Anh Diệp Dũng

Huỳnh Thế Du

Tôi đã biết anh Diệp Dũng từ hai thập niên qua. Cơ chế khuyến khích và rủi ro đối với cán bộ công chức bước vào các vùng xám chính sách là một trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy của tôi.

Với sự hiểu biết của mình và thông tin mà tôi có được cùng với niềm tin vào sự chính trực, tôi hiểu rằng điều mà anh Diệp Dũng gặp phải chính là rủi ro xảy ra khi bước vào vùng xám.

Khuyến khích ngược là vấn đề cố hữu của khu vực công và những người có tinh thần doanh nhân, dám nghĩ, dám làm thường chấp nhận rủi ro để vượt qua nó.

Không sai là nguyên tắc của khu vực công. Cho dù một người đã làm được rất nhiều cái đúng mang lại lợi ích cho xã hội, nhưng chỉ một sơ sẩy là có thể tiêu tan sự nghiệp và thậm chí dính vào lao lý.

Thấy bật cập và nghịch lý thì cứ mặc kệ, giữ nguyên tắc tuân thủ để tròn vo thì lại được tuần tự nhi tiến và leo lên rất cao.

Thấy các kẽ hở hay mù mờ của các quy định để trục lợi và chia chác cho phe nhóm của mình thì lại được chống lưng hay ủng hộ.

Trái lại, khi thấy điều có thể làm tốt cho cái chung mà không mang lại lợi ích cụ thể nào đó cho những người chung quanh thì ít khi được ủng hộ. Nguy hiểm hơn là nếu ảnh hưởng đến lợi ích của một số người thì khả năng bị “xử” hay chơi lại rất cao.

Những người dám nghĩ, dám làm hiểu rằng họ cần có sự ủng hộ hay bật đèn xanh của cấp trên. Họ tìm kiếm và có được điều này để có được sự “chống lưng” khi bước vào vùng xám.

Tuy nhiên, đây là một dạng vùng xám khác. Các tín hiệu, hay cam kết ủng hộ chủ yếu là không chính thức. Do vậy, trong nhiều trường hợp, sự ủng hộ tự nhiên mất đi, khi người bước vào vùng xám gặp sự cố.

Lý do có thể là do người ủng hộ không mạnh bạo cam kết như ông Võ Văn Kiệt “nếu ở tù tui sẽ đem cơm vào nuôi”. Hoặc, người ủng hộ cũng có những cái khó riêng.

Hơn thế, ngay cả như đã hứa và dám làm, nhưng với thẩm quyền của mình, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng chỉ có thể đem rượu sâm banh vào tù uống và trao bằng khen cho nguyên Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải mà thôi. Người trong cuộc biết đồng sự của mình làm vì cái chung, nhưng giấy trắng mực đen là sai quy định nên không thể làm gì hơn.

Trở lại câu chuyện của anh Diệp Dũng, như tôi biết, một cách xuyên suốt và nhất quán, anh ấy là người dám bước vào vùng xám, tháo gỡ các vướng mắc của cơ chế để cái chung tốt lên.

Phát triển khu công nghiệp Hiệp Phước trong giai đoạn đầu gặp muôn vàn khó khăn, nhưng anh Diệp Dũng đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nó và cả Công ty IPC.

Tinh thần dám nghĩ dám làm của một người có năng lực, đầy nhiệt huyết muốn cho cái chung tốt lên được thể hiện đầy đủ và hết sức hiệu quả trong giai đoạn anh ấy ở HFIC từ vị trí Tổng giám đốc, đến Chủ tịch HĐQT rồi là Thành Uỷ viên. Cả HFIC và một số đơn vị của HFIC đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh Diệp Dũng và các đồng sự của mình đã có thể vực dậy. Điển hình nhất là tình huống xử lý nợ xấu cho HD Bank.

Khi sang Saigon Coopmart, cái tố chất Diệp Dũng được bộc lộ rất rõ. Không chấp nhận nỗi đau thua trên sân nhà trong bối cảnh thấy rằng mình có đủ khả năng và tiềm lực, nhất là sau việc SC thua trong cuộc đua mua lại Big C, anh Diệp Dũng cùng một số đồng sự của mình đã hạ quyết tâm để SC có thể lột xác.

Ở khía cạnh kinh tế và kinh doanh, SC hoàn toàn có thể trở thành một con cá kình vùng vẫy trong biển lớn, ra nước khác mua lại doanh nghiệp để lập lên một đế chế bán lẻ, ít nhất là trong các nước ASEAN như người Sing, Thái, Indo hay Malai đang làm.

Khó khăn và rủi ro nằm ở sự đặc thù của doanh nghiệp này. Gọi là HTX và hoạt động theo luật HTX, nhưng bản chất Saigon Coopmart là một doanh nghiệp nhà nước mạnh của TPHCM, hoạt động như một công ty cổ phần theo cơ chế thị trường.

Ngay cả một doanh nghiệp kinh doanh thuần tuý thì cũng phải xử lý rất nhiều vấn đề bên trong và bên ngoài vì nó gắn với các lợi ích. Đằng này, việc phải dùng cơ chế khuyến khích của công ty cổ phần, áp vào HTX dưới sự chỉ đạo của Thành phố thì khó mà tránh khỏi các sơ hở, nhất là khi cần phải ra quyết định để nắm lấy cơ hội. Rủi ro đã xảy ra.

Tôi hiểu rằng chiếu theo các quy định để tìm ra cái sai không thể chối cãi của việc bước vào vùng xám là không khó. Khi sự việc xảy ra, ở cương vị Thủ tướng như ông Võ Văn Kiệt, thấy cấp dưới của mình phải chịu thiệt cũng không thể làm gì hơn vì tang chứng vật chứng rõ ràng. Vấn đề còn phức tạp hơn khi bị nâng quan điểm.

Tôi chỉ mong rằng những người có trách nhiệm xử lý vấn đề hiểu rõ câu chuyện để đưa ra những phán quyết hợp tình, hợp lý. Tôi mong dư luận hiểu rõ bản chất câu chuyện để có cái nhìn khách quan. Tôi mong anh Diệp Dũng vững tâm.

Tôi biết có nhiều người ủng hộ và tin tưởng anh Diệp Dũng. Tôi tin tưởng cái tâm và sự chính trực của anh ấy. Tôi mong rằng, hậu quả mà anh phải gánh chịu là thấp nhất.

———

PS: Vấn đề về cơ chế khuyến khích mà tôi nêu trong bài là bản chất của khu vực công. Đặc thù của Việt Nam chỉ là một phần của câu chuyện mà thôi.

Tin bài liên quan:

VNTB – CSVN tính mướn người nước ngoài quản lý doanh nghiệp nhà nước: coi chừng Trung Quốc

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Thí điểm thuê giám đốc điều hành DNNN không là đảng viên

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Kinh tế quốc doanh ở Việt Nam sẽ theo khuôn mẫu Trung Quốc?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo