Bắc Triều Tiên xuất khẩu nô lệ lao động, bóc lột để thu lợi về cho chính quyền

Theo hãng tin ABC News của Úc, tổ chức quan sát nhân quyền North Korea Watch tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, ước tính Bắc Triều Tiên đã xuất khẩu khoảng 90.000 nô lệ lao động, mang lại thu nhập khoảng 2 tỷ USD/năm cho chính quyền nước này.


Ảnh minh họa. Những người xuất khẩu lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại nước ngoài. (Nguồn: YouTube)
Ảnh minh họa. Những người xuất khẩu lao động Bắc Triều Tiên làm việc tại nước ngoài. (Nguồn: YouTube)
 Trong nhiều năm qua, Bắc Triều Tiên đã thu ngoại tệ bằng các nguồn trái phép như buôn bán vũ khí, buôn lậu thuốc phiện và làm giả đô-la Mỹ. Tuy nhiên gần đây, tình hình tài chính của nước này ngày càng trở nên khó khăn do bị gia tăng cấm vận từ Liên Hiệp Quốc. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu thúc đẩy khai thác một nguồn ngoại tệ mới – xuất khẩu lao động.

Với anh Rim Il, một công dân Bắc Triều Tiên từng được đưa sang xuất khẩu lao động tại Kuwait năm 1996, thì vào thời gian đó, việc được đi khỏi đất nước này trong những năm xảy ra nạn đói đúng là một giấc mơ. Anh được hứa hẹn rằng công việc thợ mộc của anh sẽ kiếm được khoảng 120 USD một tháng và bảo đảm ba bữa ăn một ngày.

“Có rất nhiều cơm và thậm chí còn có cả soup thịt. Ở Bắc Hàn, điều này là không thể tưởng tượng được”, anh Rim Il cho biết. Nhưng giấc mơ của anh nhanh chóng biến thành cơn ác mộng khi anh cùng 1.800 lao động Bắc Triều Tiên khác phải làm việc 16 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, tại một công trường xây dựng và anh chưa bao giờ được nhận lương vì nó chạy thẳng về túi của chính quyền Bắc Triều Tiên.

“Bây giờ nhớ lại, tôi có thể thấy chúng tôi bị đối xử như súc vật, cơ bản là chúng tôi không được coi là người”, anh Rim Il, hiện tại đã an toàn ở Hàn Quốc, kể lại.

Phóng viên của hãng tin ABC News cũng nói chuyện với ba người Bắc Triều Tiên mới chạy trốn tới Hàn Quốc. Ba người này từng làm việc tại một xưởng gỗ ở Siberia nhiều giờ một ngày trong điều kiện thời tiết lạnh cóng, và họ thấy may mắn vì đã nhận được 10% tiền lương của mình.

Ba người này, yêu cầu được giấu tên, cho biết rất nhiều đồng nghiệp của họ đã chết nhưng không dám chạy trốn vì chính quyền Triều Tiên giữ gia đình họ trong tay.

Tờ New York Times mô tả, trong hàng thập kỷ qua, Bắc Hàn đã luôn bị chỉ trích vì đã gửi lao động ra nước ngoài và chiếm đoạt hầu hết tiền lương của họ. Từ khi ông Kim Jong-un lên làm lãnh đạo vào cuối năm 2011, các nhà nghiên cứu nhân quyền cho biết, chương trình xuất khẩu lao động từ Bắc Hàn đã nhanh chóng được đẩy mạnh.

Theo New York Times, một nghiên cứu năm 2012 được thực hiện bởi Trung tâm Chiến lược Bắc Triều Tiên, một tổ chức ở Seoul làm việc cùng với những người đã chạy thoát khỏi Bắc Triều Tiên, và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Hàn Quốc ước tính lúc đó có khoảng 60.000 đến 65.000 người Bắc Triều Tiên đang làm việc tại trên 40 quốc gia.

Ông Myeong Chul Ahn, giám đốc điều hành tổ chức North Korea Watch, nói với hãng tin ABC News rằng họ ước tính số người lao động Bắc Triều Tiên ở nước ngoài hiện đã lên đến 90.000 người, mang lại ngoại tệ khoảng 2 tỷ USD cho chính quyền Bình Nhưỡng.

Nhóm nghiên cứu cho rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong- un đã dùng số ngoại tệ thu được để mua sắm đồ xa xỉ và đầu tư các dự án hạt nhân.

ABC News cho biết những lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên hiện đang phải làm việc tại các mỏ quặng ở Mông Cổ, trong các nhà máy dệt may ở Trung Quốc và rất nhiều người đang làm việc tại các dự án xây dựng ở Trung Đông.

Nga là nước nhận nhiều lao động Bắc Triều Tiên nhất, khoảng 25.000 người.

Video đưa tin Bắc Triều Tiên xuất khẩu nô lệ lao động để có tiền tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân của nước này:

Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, Qatar đã gửi trả một số lao động Bắc Hàn đang thực hiện xây dựng cơ sở vật chất chuẩn bị cho World Cup 2022 ở nước này.

Tuy nhiên, theo The New York Times, cơ hội được làm việc ở nước ngoài đối với người Bắc Triều Tiên vẫn là một đặc ân mà nhiều người phải hối lộ mới có được. Một cựu công nhân nói rằng nỗi lo sợ lớn nhất của họ là bị giám sát đe dọa gửi trả về Bắc Hàn khi không làm đủ yêu cầu sản lượng cao ngất ngưởng, hoặc không có tiền để hối lộ. Và so với nhiều đồng bào ở quê hương mình, họ vẫn được ăn no.

Một người Bắc Hàn từng lao động trong xưởng gỗ ở Nga kể lại: “Một lần khi chúng tôi đang ăn cơm, một người đàn ông bật khóc nức nở vì nghĩ đến những đứa con của anh đang chết đói ở nhà. Thế là tất cả chúng tôi cùng khóc.”

North Korea Watch đã thu thập bằng chứng từ 13 cựu lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên, hiện đã trốn thoát sang Hàn Quốc, để hỗ trợ cho một đơn thỉnh nguyện gửi lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu điều tra điều mà họ gọi là “chế độ nô lệ được nhà nước bảo hộ”. Đơn thỉnh nguyện dự kiến sẽ được gửi vào tháng sau.

Xem thêm video đưa tin Liên Hiệp Quốc điều tra các cáo buộc Bắc Triều Tiên bóc lột những công dân xuất khẩu lao động của nước này:

Theo Minh Trí tổng hợp (Đại Kỷ Nguyên VN)
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)