Việt Nam Thời Báo

Bàn cờ Biển Đông

Trương Nhân Tuấn


Nhiều người cho rằng trên « bàn cờ Biển Đông » Trung Quốc đã đi những nước cờ cao. Điều này đúng nếu xét đơn thuần trên những phản ứng của lãnh đạo Việt Nam. Thật vậy, những chiêu thức « chết người » của Trung Quốc đưa ra như vụ giàn khoan HY 981 đặt ở thềm lục địa VN, kế cận đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa) vào tháng 5 năm ngoái. Hoặc vụ cho xây dựng mở rộng một số bãi đá (chiếm trên tay VN) ở Trường Sa, cũng bắt đầu hồi tháng 4 năm ngoái, đã làm cho lãnh đạo VN lúng túng. Họ không biết phải phản ứng, hay trả đũa thế nào cho thích đáng. Lãnh đạo VN lâm vào cảnh « tiến thoái lưỡng nan ». Nếu nói bằng thuật ngữ « cờ tướng », VN lâm vào thế « cờ đang dỡ cuộc không còn nước ». Cho rằng TQ chơi cờ cao là đúng.

Nhưng thực ra, nếu biết « chơi cờ », ta thấy ngay rằng những « nước cờ » của TQ cũng không cao lắm, không phải là không có phương pháp hóa giải. Những nước cờ của TQ đã để lộ những sơ hở chết người.

Về giàn khoan (HY 981) đặt trên thềm lục địa của VN đã mở ra một cơ hội bằng vàng để Việt Nam đặt lại vấn đề chủ quyền của VN ở quần đảo Hoàng Sa. Điều này tôi đã giải thích và đề nghị giải pháp giải quyết ở đây. Nhiều tháng đã trôi qua, không thấy ai phản biện, hay vạch ra những điểm « bất khả thi » trong đề nghị này.  

Giải pháp này, nếu áp dụng kịp thời, cũng có thể hóa giải « thế cờ » của TQ trong vụ xây dựng, mở rộng diện tích các bãi san hô (chìm, nửa chìm nửa nổi, chiếm của VN năm 1988).

Một số điểm ghi lại như sau :

VN đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều :

–      Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.

–      Việc chiếm hữu các bãi san hô (chìm, hay lúc chìm lúc nổi) ở Trường Sa năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

–      Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.

Ba điều yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Việc giải thích nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. (Các điều ước quốc tế liên quan gồm : Công ước Drago-Porter 1907, Hiến chương LHQ điều 2 khoản 4 ngày 26-6-1945, hay Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ 18-11-1987). Đặc biệt các yêu cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.

Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.

Còn nếu thắng (sác xuất thắng là rất cao), VN được nhiều thứ.

Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng biển « có tranh chấp » mà  tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay).

Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vĩnh. VN có thể nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai.

Đó là cái lợi thứ nhất. 

Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố, thì TQ không có chủ quyền tại các bãi san hô (chiếm của VN) tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng « nhận diện phòng không » trong khu vực này được.

Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ».

Vấn đề là đến hôm nay VN vẫn không xúc tiến việc khiếu nại.

TQ tiếp tục những việc đã làm : mở rộng các bãi san hô chìm, nổi (chiếm của VN năm 1988) ở Trường Sa trở thành những hòn đảo thực sự và xay dựng trên đó những căn cứ quân sự quan trọng. Theo các giới chức Trung Quốc, họ sẽ xây dựng đá Chữ Thập (Fierry Cross) thành một căn cứ quân sự có thể sánh với đảo Diego Garcia của Mỹ tại Ấn Độ Dương. Các bãi san hô khác như đá Gạc Ma, đá Tư Nghĩa, đá Châu Viên, đá Xu Bi, đá Ga ven… cũng được bồi đắp mở rộng thành các đảo thực sự và trên đó xây dựng những căn cứ quân sự. Đá Vành Khăn, trong vùng biển kinh tế độc quyền của Phi (TQ chiếm năm 1995), cũng được mở rộng và xây dựng tương tự.

VN hoàn toàn bất lực, không có một thái độ phản đối nào thích ứng cho các hành động của TQ, mặc dầu việc xây dựng các căn cứ quân sự của TQ trên các bãi đá này đe dọa trực tiếp an ninh và chủ quyền lãnh thổ của VN.

Trong chừng mực, sự phản đối của Mỹ còn mạnh mẽ hơn VN, mặc dầu nước này không can dự vào tranh chấp chủ quyền giữa VN và TQ.

Để xoa dịu những phản đối của Mỹ, tháng 4-2015, TQ đề nghị cho phép nước này được sử dụng các đảo nhân tạo này trong các hoạt động cứu nạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dầu vậy trả lời rằng HK « không quan tâm » trước đề nghị này.

Việc mời gọi (Mỹ) của TQ nhiều người cho rằng đó là một nước cờ cao.

Khi mời gọi Mỹ, TQ khẳng định chủ quyền của họ tại các đảo đang được bồi đắp và xây dựng.

Song  song đó TQ cũng tố cáo VN cũng xây dựng các đảo của mình. Nhân viên thuộc Viện  “Nghiên cứu quốc tế và chiến lược – CSIS” ở Hoa Kỳ cũng xác định lời tố cáo của TQ là “đúng”.

Vấn đề là VN xây dựng các đảo thuộc chủ quyền của mình trong khi TQ xây dựng (hàng chục, hàng trăm lần lớn hơn VN) trên vùng lãnh thổ cướp được của Việt Nam.

Thái độ của viên chức CSIS củng cố chủ quyền của TQ tại các đảo chiếm được.

Hành động của TQ lại đưa VN vào tư thế lúng túng, không có phương cách đáp trả.

Thực ra, nước cờ này của TQ, tương tự vụ giàn khoan 981, cũng mở ra cho VN một cơ hội để vô hiệu hóa các tham vọng của TQ như về chủ quyền các đảo TS, về vùng biển xác định do bản đồ chữ U chín đoạn, hay tham vọng về vùng “Nhận diện phòng không – ADIZ” ở Biển Đông.

Giả sử VN, nhân cơ hội TQ đề nghị cho Mỹ sử dụng các đảo đang xây dựng, đề nghị phương pháp “condominium – cộng đồng chủ quyền” trên các bãi đá mà TQ đang ra sức bồi đắp.

Condominium là một thuật ngữ thuộc Quốc tế Công pháp, chỉ cho một vùng lãnh thổ được quản trị bởi hai hay nhiều quốc gia. Thực ra, thuật ngữ “chủ quyền”, theo Công pháp Quốc tế là “quyền tối thuợng, duy  nhứt”. Vì là “duy nhứt và tối thuợng” do đó không thể phân chia. Không hiện hữu việc hai hoặc ba quốc gia cùng chia sẻ “chủ quyền” ở một vùng lãnh thổ. Vì vậy thuật ngữ “condominium” được hiểu như là việc “chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ” giữa hai hay nhiều quốc gia.

Đề nghị của TQ có nội dung “chia sẻ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ”.

Lãnh đạo VN vẫn còn thì giờ để khai thác đề nghị này của TQ sao cho phù hợp với tình thế và quyền lợi của đất nước.

Những nước cờ của TQ vì vậy cũng không cao minh cho lắm và lãnh đạo TQ biết rõ điều này.

Việc mời mọc HK sử dụng các đảo đã tố cáo rằng việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông không chắc đã tạo cho TQ một tư thế áp đảo. Ngược lại, nó để lộ các yếu điểm chết người. Các đảo này dễ dàng trở thành “mồ chôn” tập thể vừa cho phi cơ vừa cho tàu bè đậu trong bến.


(Blog Trương Nhân Tuấn)

Tin bài liên quan:

Vấn đề hôm nay: Cánh tả suy tàn

Phan Thanh Hung

‘Hiệu trưởng Đại học Lâm Nghiệp lạm quyền’

Phan Thanh Hung

Thông cáo Báo chí của Toà trọng tài thường trực về Vụ kiện Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.