Việt Nam Thời Báo

Bàn Về Chuyện ứng Cử Ở VN

Vũ Hoàng Anh
1-3-2016

Xem lại: Tuyên bố số 9/ Hội NBĐLVN về quyền tự ứng cử đại biểu quốc hội của công dân
https://vi-vn.facebook.com/pham.chidung.96/posts/930732860355192

Ở những nước tự do dân chủ, chuyện những cá nhân ra ứng cử với danh nghĩa đại diện cho một đảng nào đó, hoặc là ứng cử viên độc lập không đại diện cho đảng nào để đem tài trí của mình vào bộ máy lãnh đạo của đất nước hầu đưa đất nước hay địa phương của mình mạnh hơn, phát triển hơn những địa phương khác hay đất nước khác, là chuyện rất là bình thường, chẳng có gì phải bàn cãi ngoài những dự án (cho đất nước hay địa phương) mà các ứng cử viên ra tranh cử.
Ở Việt Nam thì những chuyện bình thường của nước trên thế giới tự do trở thành bất bình thường ở một quốc gia mà các nhà lãnh đạo luôn luôn tự sướng (hay còn gọi là thủ dâm tâm lý) cho rằng “dân chủ của ta gấp triệu lần của Tây Phương”.  Chính sự bất bình thường này mà xảy ra phong trào tự ứng cử vào Quốc Hội với Tiến Sĩ Nguyễn Quang A là khởi đầu và sau đó là các nhân vật khác lần lượt tuyên bố công khai trên Facebook là mình sẽ ra tự ứng cử. Và sự bất bình thường này tạo ra hai luồn dư luận khác nhau: người ủng hộ, người chống đối.
Tại sao thế? Người ủng hộ đúng hay người chống đối đúng? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những người ra ứng cử độc lập, không phải là đãng (cố ý viết dấu ngã) viên, nghĩ gì về chuyện này.
Những người chống lại chuyện này cho rằng hành động ứng cử của các ứng cử viên độc lập, không phải là đãng viên, vô tình đã quảng cáo cho sự dân chủ của nhà cầm quyền độc tài Việt Nam. Có thật là như thế hay không? Có phải những ứng cử viên độc lập không nhìn ra được vấn đề này?
Chắc chắn là không. Trái lại các ứng cử viên độc lập nắm rõ vấn đề rất nhiều. Thứ nhất họ biết chắc là phần trăm được chấp nhận rất là thấp. Thứ hai, nếu có được chấp nhận, số ứng cử viên độc lập sẽ bị giới hạn với con số là 20% hoặc 30% (số phần trăm này chỉ đoán thôi, chưa có luật nào rõ ràng tại VN cho chuyện bầu cử này bởi trong quá khứ, chẳng có ứng cử viên độc lập nào được trúng cử vào ghế Quốc Hội. Luật Sư Nguyễn Văn Đài đã từng ra ửng cử Quốc Hội và bị loại trước khi bầu cử xảy ra) trong tổng số ghế trong Quốc Hội. Và chính vì sự giới hạn đó, con số 20% này sẽ không bao giờ thay đổi được số phiếu 80% còn lại mà họ biết chắc rằng trong 80% này, sẽ có ít nhất là 90% trong số 80% sẽ bỏ phiếu theo những suy tư của đãng viên (còn đãng còn mình). Vậy thì số ứng cử viên độc lập này cũng sẽ rơi vào tình trạng như bao nhiêu người tài giỏi khác trên đất nước này, có tài nhưng không đóng góp được cho đất nước bởi cái cơ chế vô trách nhiệm, vô kiểm soát sẽ tiếp tục diễn ra.
Những người ra ứng cử độc lập biết điều đó. Họ biết — nếu có trúng cử vào cơ quan Quốc Hội, họ sẽ chẳng thay đổi được gì bởi cái cơ chế này: Quốc Hội phải phục vụ đãng, sự sống còn của đãng quan trọng hơn sự sống còn của dân tộc. Thế nhưng tại sao họ vẫn có quyết định ứng cử? Câu trả lời rất đơn giản. Họ muốn tạo ra một sân chơi tranh luận tại Quốc Hội với hy vọng thức tỉnh những cái đầu đã bị mê ngủ bấy lâu nay với cái tự sướng mà không dám nhìn rõ sự thật của đất nước này. Họ muốn tạo ra nền móng dân chủ cho thế hệ kế tiếp. Họ muốn thế giới thấy được cái dân chủ giả hiệu trước và sau khi có sự tham dự của các ứng cử viên độc lập thì nền dân chủ này cũng chỉ là dân chủ giả hiệu bởi sẽ hoàn toàn không có dân chủ thật sự dưới cái cơ chế của hôm nay. Rồi nếu một ngày, một trong những ứng cử viên độc lập này bị đánh như chuyện bụi Chương Mỹ dành cho các Luật Sư bênh vực cho dân oan — thì họ chứng minh được với mọi người là cái cơ chế này đã hoàn toàn đi ra ngoài tầm kiểm soát của Quốc Hội, trái lại được sự điều khiển của Đãng với lực lượng công an hùng hậu để bảo vệ Đãng. Những ai trong Quốc Hội chống lại Đãng thì lực lượng công an sẽ trừng trị không thương tiếc.
Thành ra những ai chống đối cho rằng những ứng cử viên độc lập này không hiểu được vấn đề và vô tình biến chế độ độc tài thành dân chủ.  Đây là lý luận không có cơ sở chứng minh. Với cơ chế này, ai cũng biết tất cả những hình thức dân chủ đều là giả hiệu. Hiến Pháp Việt Nam có những điều ghi rất là dân chủ nhưng không có nghĩa cái chế độ hiện giờ dân chủ. Và chuyện 20 hay 30% ứng cử viên độc lập vào Quốc Hội thì cũng vẫn như bản Hiến Pháp, chỉ là một hình thức dân chủ giả hiệu với cái cơ chế vô trách nhiệm, vô kiểm soát hiện nay. Nếu người dân Việt nhận diện ra được vấn đề này thì quốc tế, những quốc gia có những viện nghiên cứu dân chủ, chẳng lẽ chúng ta đánh giá thấp là họ không nhìn ra được vấn đề hay sao?
Có thể nói rằng nếu có 20% hoặc 30% ứng cử viên độc lập, không gật đầu theo số đông mà dùng cái đầu để đưa ra những chính sách nhằm cải tổ cái cơ chế này (làm được hay không còn tuỳ vào yếu tố khác), hoặc nói hoạch toẹt ra những lý luận (nguỵ biện, nguỵ luận hay nói mà không biết mình nói cái gì) của các “nghị gật” (đại diện cho dân nhưng chỉ gật theo nghị quyết của đãng, bởi đãng là trên hết) khi họ lên tiếng chống đối một bộ luật nào đó. Vậy thì với sự thảo luận và vạch rõ sai lầm của các “nghị gật”, có thể sẽ tạo cho cái Quốc Hội tương lai giành lại quyền Quốc Hội của chính mình chứ không thể tiếp tục để cái đãng chi phối.  Dĩ nhiên đây là sự dự đoán và có lẽ chính sự dự đoán này mà các ửng cử viên độc lập sẵn sàng tham gia để trực tiếp thay đổi cơ chế này hay chăng?
Những ai tẩy chay cuộc bầu cử Quốc Hội sắp tới này, chúng ta có hai hình thức tẩy chay. Một là không đi bầu. Hai là đến phòng  phiếu, bỏ phiếu cho các ứng cử viên độc lập (nếu có ở địa phương mình) và bỏ phiếu trắng cho tất cả các ứng cử viên của đãng. Tẩy chay ở phương pháp một là sự tẩy chay không có suy nghĩ bởi cái nhà cầm quyền này nói là ai bảo không đi bầu thì ráng chịu với những người đã được chọn lựa. Còn tẩy chay trường hợp thứ hai là có suy nghĩ, một sự tẩy chay bằng hành động là lá phiếu. Hãy tưởng tượng ở một địa phương có 100 ngàn người có quyền đi bầu. Nhưng 90 ngàn người đến phòng phiếu bỏ phiếu trắng, và còn 10 ngàn phiếu còn lại chọn đảng viên. Vậy thì cuộc bầu cử này không phải do dân chọn bởi 90 ngàn người đã không chấp nhận. Cho nên phương án hai là tốt nhất, can đảm nhất bởi chúng ta nói lên tiếng nói bằng lá phiếu, bằng hành động chứ không phải bằng sự thụ động ở phương án một. Có người sẽ lý luận rằng con số này họ quản trị, họ có thể sửa con số này là 90 ngàn người bỏ phiếu cho họ. Vâng! Họ có thể nói giả thành thật, nói thật thành giả nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chính mỗi người trong chúng ta chọn lá phiếu trắng tại phòng phiếu để tẩy chay bằng hành động.  Kết quả họ công bố như thế nào mặc kệ họ. Bởi như đã nói từ đầu, đây là một cơ chế vô trách nhiệm, vô kiểm soát nên sẽ không bao giờ có dân chủ với cơ chế này.
Câu hỏi được đặt ra là, cho đến giờ phút này, Quốc Hội Việt Nam đã quyết định Quốc Hội khoá 14 sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 22 tháng 5 năm 2016. Nhưng tính đến hôm nay, khi những dòng chữ này được viết vào ngày 22 tháng 2 năm 2016, cơ quan có trách nhiệm nhận đơn của ứng cử viên độc lập vẫn chưa làm việc đúng chức năng của mình (chuyện này cũng bình thường bởi có cơ quan nào tại VN làm đúng chức năng đâu), các ứng cử viên độc lập vẫn chờ đợi sự nhận đơn từ cơ quan bầu cử. Đến khi nào chuyện này sẽ xảy ra và khi xảy ra, liệu các ứng cử viên có đủ thời gian để vận động cử tri bỏ phiếu cho mình hay không? Và bộ luật nào để bảo đảm các ứng cử viên đi vận động cử tri bỏ phiếu cho mình không bị công an sách nhiễu, và các cử tri không bị công an sách nhiễu? Nếu công an sách nhiễu ứng cử viên và cử tri thì giải quyết ra sao? Xem ra những câu hỏi này không có câu trả lời, hoặc nếu có thì câu trả lời rất là đau đớn bởi với một cơ chế vô trách nhiệm, vô kiểm soát này, công an là sứ quân của mỗi địa phương. Mà đã là sứ quân thì không ai dám đụng đến.
Đã đến lúc những người đấu tranh tự do dân chủ cần nhìn vấn đề sáng suốt hơn. Đừng vì khác biệt làm như thế nào (tuy có cùng một mục tiêu dân chủ) để rồi ra tay đập những người ứng cử viên độc lập mà không nhìn rõ cái hướng đi của ứng cử viên độc lập ra sao. Ai đúng ai sai trong vấn đề này? Xin thưa là sẽ không có ai đúng ai sai cả — mà sự vận hành của mỗi thành phần trong xã hội, theo sự vận hành tốt (ứng cử độc lập) thì sẽ cố gắng tạo ra một nền móng dân chủ mà cái nền móng này rất cần thiết. Cũng có thể trong Quốc Hội hiện tại, có con số không nhỏ nhìn ra vấn đề, nhưng bởi con số dám nói, dám làm thật tốt không có nên họ ngậm miệng để tiếp tục sống, tiếp tục lợi dụng cơ chế này làm giàu thay vì lo cho cuộc sống của dân. Và nếu đúng là vậy thì con số 10%, 20%, 30% ứng cử viên độc lập sẽ làm thay đổi cái cơ chế này, một điều cần thiết để biến cơ chế vô trách nhiệm, thiếu kiểm soát thành một cơ chế có trách nhiệm, chịu sự kiểm soát của người dân, báo chí và luật pháp đưa ra.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo