JB Nguyễn Hữu Vinh
4-3-2017
Người dân đã nhẹ dạ, cả tin?
Liên tục những ngày gần đây sau sự kiện người dân ba xã Quỳnh Lưu đi khiếu kiện về việc thiệt hại o Formosa gây thảm họa biển miền Trung, báo Nghệ An, cơ quan của Đảng bộ CS Nghệ An luôn rêu rao: “Những người dân nhẹ dạ cả tin” “bị dẫn dắt, bị biến thành con rối, bị giục dẫn tới xúi những hành vi vi phạm pháp luật”…
Đó là câu cửa miệng của tờ báo, đài phát thanh và quan chức Nghệ An, khi nói về việc người dân thực hiện một “Quyền” được minh định trong hiến pháp và luật pháp: Quyền khởi kiện đúng luật pháp.
Khỏi phải nói nhiều đến những vấn đề đã qua từ tờ báo và Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An (PTTH) về những vụ việc liên quan đến tôn giáo, cụ thể là Công giáo ở đây.
Bởi những chuyện đó, hầu như bất cứ người Việt nào có để ý, đều thấy ở đó một tư duy và phương pháp không hề thay đổi: Dối trá và trơ trẽn đến tận cùng, bất chấp sự thật và tưởng rằng bịt mắt được dân chúng bằng phương châm “Cả vú, lấp miệng em”.
Qua nhiều năm theo dõi các sự kiện nói trên chúng tôi đã có những bài viết về hệ thống này:
Ở đó, chúng tôi đã vạch trần những sự dối trá, bẩn thỉu, nhổ ra rồi liếm lại không biết ngượng của chính tờ báo này về cùng một nhân vật, một sự kiện.
Họ cũng có thể ca tụng đến mây xanh, nhằm đạt một ý đồ nào đó của họ, nhưng cũng chính nhân vật đó, sự kiện đó, nếu thấy không thể lợi dụng, khuynh loát, ngay lập tức những ngôn từ đểu cáng nhất được sử dụng.
Ở đó, chúng tôi cũng đã vạch trần thủ đoạn lấy thịt đè người nói lấy được trong truyền thông, tự vả vào mồm mình của Báo Nghệ An.
Ở đó, chúng tôi cũng đã vạch ra sự tráo trở của nhà cầm quyền Nghệ An hành xử với lời hứa đóng dấu quốc huy đỏ chót rồi trở mặt ra sao trước người dân…
Tựu trung lại, chỉ là nhằm bóp méo và xuyên tạc sự thật, lừa bịp người dân lương thiện, bôi xấu một tổ chức tôn giáo không nằm trong quỹ đạo khuynh loát của nhà cầm quyền Cộng sản.
Người dân xứ Nghệ qua cái miệng báo đảng Nghệ An
Để ca ngợi người dân xứ Nghệ, tờ báo Nghệ An không ngớt những lời mà nói theo ngôn ngữ bình dân hiện nay là “tự sướng”.
Rằng thì là “Đặc trưng cơ bản trong tính cách người Nghệ là thông minh, ham học hỏi, cần cù, chịu thương, chịu khó và thường hay đi tiên phong trong mọi việc”. Rồi thì “Trong các tiềm năng của Nghệ An, tiềm năng con người là vốn quý nhất. Con người Nghệ An cần cù, thông minh, nổi tiếng cả nước với tinh thần cách mạng và truyền thống hiếu học”.
Nói riêng về giáo xứ Song Ngọc, tờ báo đảng này viết: “Song Ngọc là một xứ đạo ven biển thanh bình, yên ả, người dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đó là những lời lẽ mà nhà cầm quyền dùng khi muốn người dân nghe theo họ để xây dựng đảng, phát triển đảng trong dân, đưa tiền của góp vào cho đảng hoặc nuôi đảng tiêu, con cháu tứ phương đưa tiền của về Nghệ An mà đầu tư, mà nộp thuế…
Thế rồi, những người dân cần cù, thông minh, ham học đó đặt câu hỏi: Vậy thì cái chính quyền Nghệ An kia, được nuôi sống bằng cái gì? Tiền của người dân nộp tô thuế để nuôi đám ấy nhằm mục đích gì mà khi tai họa biển đổ lên đầu người dân thì chúng lại đi toa rập với bọn giết người, giết dân?
Người dân miền Trung đi khiếu kiện Formosa. Ảnh: Facebook.
Và họ không thể chờ đám “Đầy tớ” đó thi hành nhiệm vụ của chúng nữa, tự họ kéo nhau đi kiện theo những quy định pháp luật đã dành cho họ, để đòi quyền sống, quyền tồn tại.
Thì ngay lập tức, chính những người dân “thông minh, ham học hỏi, cần cù chịu khó” và “sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành chủ trương chính sách” đó đã trở thành những người “nhẹ dạ, cả tin” để rồi “bị dẫn dắt, bị biến thành con rối, bị xúi giục...”
Phải nói rằng, những người dân Nghệ An đã được “lột xác” thật thần kỳ, từ trắng, chuyển thành đen, từ đen chuyển sang trắng hầu như ngay lập tức… Tất cả nhờ ở phép mầu: Dối trá Cộng sản.
Quả đúng là dưới miệng lưỡi những tờ báo cộng sản. Các công dân của mình từ thiên thần chuyển sang ác quỷ chỉ trong nháy mắt. Nó thay đổi như chính bản chất tráo trở của nhà cầm quyền trước người dân của mình.
Quả là nếu có thể khen những tờ báo, Đài TH tại Nghệ An, thì điều ai cũng phải “khâm phục”, đó là sự dối trá. Đó là sự dối trá đến lỳ lợm, dối trá đến bẩn thỉu, dối trá bất chấp tất cả những gì là liêm sỉ và nhân cách… Tất cả đều được sử dụng, miễn là đạt được mục đích của chúng: Đàn áp người dân bất chấp pháp luật và quyền sống.
Có thể nói rằng: Những động tác nhổ ra, rồi liếm lại như vậy không phải lần đầu, không phải một lần, mà là thường xuyên, là chiến lược, là kim chỉ nam, là tư tưởng hành động và là những tấm gương mà họ học tập xưa nay.
Có lẽ câu ca dao xứ Nghệ ngày xưa, chỉ thói lật lọng của những kẻ bất chính, so sánh cái lưỡi của những người đó với những thứ bẩn thỉu… cần phải sửa lại như sau:
Lưỡi không xương, trăm đường lắt léo
Miệng đảng không vành, nên méo tứ tung.
Khiếu kiện: Những việc làm chính đáng và được luật pháp quy định
Khiếu kiện là một quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật minh nhiên quy định. Thậm chí, luật pháp còn quy định rõ bằng những điều luật cấm xâm phạm đến quyền khiếu kiện của công dân.
Vậy nhưng, bất chấp lương tâm, luật pháp và ngay cả chính quyền lợi của bản thân, gia đình, làng xóm và quê hương họ, nhà cầm quyền CS Nghệ An đã đàn áp đẫm máu người dân đi khiếu kiện Formosa.
Việc người dân Quỳnh Lưu đi khiếu kiện bị nhà cầm quyền CSVN tại Nghệ An đàn áp dã man, trắng trợn đã làm dấy lên sự căm phẫn không chỉ những người giáo dân, mà cả những trí thức, công dân ngoài Công giáo.
Nhà báo Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Ủy ban DS & KHHGĐ Việt Nam, nguyên nhà báo thuộc ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam đã nói trong buổi hội luận trực tuyến trên BBC rằng: “Tôi theo dõi những hình ảnh từ những ngày đầu khi giáo dân cùng nhau đi khiếu kiện, rất hòa bình, trật tự, nhưng đã có sự đàn áp. Sự đàn áp này là có sự khiêu khích, có sự chuẩn bị khiêu khích để lấy lý do đàn áp họ. Đây là một sự đàn áp rất dã man.
Riêng tôi và rất nhiều người bạn của tôi rất căm phẫn. Bởi vì chính quyền không thể đối xử với dân của mình như đối với giặc. Đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, nhất là quyền sống. Người dân có quyền bảo vệ mình bằng những biện pháp mà hiến pháp cũng như các công ước quốc tế đã cho phép để họ tự bảo vệ mình, trong đó có quyền biểu đạt ý kiến của mình, quyền khiếu kiện. Việc làm này của người dân là chính đáng.
Những người nào ra lệnh, và thực hiện việc đàn áp này là những kẻ có tội với dân”.
Những người dân nhẹ dạ cả tin đó là ai?
Khi nghe tờ báo và đài truyền hình Nghệ An cũng như vài báo chí nhà nước khác leo lẻo nói rằng những người dân Quỳnh Lưu ở Song Ngọc đi khiếu kiện là do “nhẹ dạ, cả tin” cũng chính nhà báo Trần Tiến Đức đã bày tỏ ý nghĩ của mình như sau:
“Bản thân tờ báo giật tít như vậy là mang tính chất chụp mũ. Người linh mục có trách nhiệm với cộng đồng giáo dân họ phụ trách… Khi người dân có nhu cầu khiếu kiện, thì người đứng đầu đó đã có trách nhiệm đi để hướng dẫn người dân làm theo đúng luật pháp. Việc đó không thể gọi là việc kích động.
Điều rất buồn cười là bảo người dân “nhẹ dạ cả tin”. Tại sao lại coi thường người dân đến vậy? Người dân có suy nghĩ, tính toán của họ. Người dân phải được tham khảo ý kiến. Khi xây dựng nhà máy Formosa thì người dân không được tham khảo ý kiến… Đó là những phát biểu rất nực cười và không thể chấp nhận được”.
Nhà cầm quyền Nghệ An và những người trong hệ thống báo đảng, Đài TH Nghệ An không nhớ rằng: Chính những người dân “nhẹ dạ, cả tin” đó đang ngày đêm lao động bằng cả xương máu, tính mạng của mình từ miền núi thẳm đến vùng biển khơi, từ trong nước đến làm nô lệ ở nước ngoài… Tất cả đều nhằm đóng góp những đồng tiền thuế nuôi sống bộ máy đang cưỡi lên đầu lên cổ họ và coi họ là những kẻ nhẹ dạ, cả tin.
Hẳn nhiên, cũng cần xét một vài khía cạnh mà có thể tờ báo và Đài PT-THNA đã nói xuất phát từ đâu?
Có thể họ cũng đã nhẹ dạ, cả tin khi đã từng tin rằng cái gọi là “Vì hạnh phúc của nhân dân” của cái đám tự xưng là “đầy tớ nhân dân” kia. Nhưng thực chất chỉ là những xảo ngôn lừa bịp để nhằm lôi kéo họ và cha ông họ từ xa xưa. Để rồi họ bỏ công của mà nuôi nấng chúng, đưa theo một mớ lý thuyết hoang đường về cái gọi là Thiên đường XHCN, nơi mà ở đó, “không có người bóc lột người” – Chắc chỉ có người đưa người đi bán như hàng hóa? – để ngày nay họ được làm nô lệ.
Có thể họ cũng đã nhẹ dạ, cả tin khi đưa tất cả tài sản, tính mạng, của cải của họ nướng vào một cuộc nội chiến Bắc – Nam với xảo ngôn “giải phóng” với lời hứa hẹn rằng: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn 10 ngày nay”.
Để rồi sau gần 40 năm sau, hai miền Bắc, Nam, giữa trong và ngoài nước vẫn hằn sâu những vết hằn ứa máu của nỗi đau chia cắt với điệp khúc: Kiên quyết đập tan các thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình.
Cũng có thể coi rằng, họ đã nhẹ dạ, cả tin khi vẫn đề một “chính quyền nhân dân” nhưng đã đứng về phía kẻ thù của họ, nhằm bao che, lấp liếm và sẵn sàng đàn áp họ để bao che cho những kẻ thủ ác đã gây tai họa cho họ, cho dân tộc và đất nước này.
Và họ đã nhẹ dạ, cả tin khi không chịu tin rằng: “Đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” và họ đã thúc thủ để cho sự ác, sự dữ lớn tiếng chửi bới, chê trách họ sau khi đã bòn rút họ đến tận xương tủy.
Tạm kết
Viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ điều đọc được trên báo Nghệ An mới đây: “Nhiều người nhận xét rằng, người Nghệ đi ra các địa phương khác có nhiều người thành đạt và nổi tiếng, còn ở trong tỉnh thì rất khó phát triển”.
Vâng, có lẽ những người đó, dù chưa cần đi đến đất nước nào khác, chỉ mới ra khỏi đất Nghệ An đã rút cho mình được những bài học để không còn “nhẹ dạ, cả tin” chăng?
Không rõ, những nhà cầm quyền, lãnh đạo Nghệ An có rút ra cho mình được những bài học từ chính thái độ người dân của mình?