Việt Nam Thời Báo

BBC – Covid: Việt Nam cần giải thích về thời hạn và lộ trình ra khỏi phong tỏa 15 ngày

Nguyễn Giang – Bbcvietnamese.com

 

Những ngày qua, cả hai đô thị hàng đầu của Việt Nam phải chấp nhận đợt phong tỏa, giới nghiêm chặt chẽ chưa từng có, cho dù cách gọi chính thức của Nhà nước và truyền thông thì không phải vậy.

 

Quốc gia 97 triệu dân đang vào một bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid còn đầy cam go trước mắt.

Nhìn từ Anh và châu Âu, không ai có thân nhân bạn bè ở Việt Nam mà không thấy lo ngại.

Xin ghi lại một số ý kiến:

Có người bạn từ châu Âu về VN “trốn dịch” nay muốn trở lại không được, nói “năm ngoái thành công bao nhiêu thì năm nay lúng túng bấy nhiêu“.

-“Hay là cái số dân mình nó thế, người ta khổ trước sướng sau, mình thì sướng (vui chơi, chủ quan) trước, khổ sau?” người khác hỏi.

-Vì sao Việt Nam lại làm ngược thế giới: thanh niên tiêm trước, còn ông bà già tạm bị đẩy xuống cuối hàng? Định nghĩa nhóm rủi ro được ưu tiên tiêm là gì?

-Số hóa hệ thống y tế và quản lý nhân khẩu đến đâu rồi mà nay phải quay lại ‘công cụ’ thời bao cấp: thẻ đi chợ, phiếu tiêm chủng, giấy thông hành qua chốt gác?

Một số bạn tôi hỏi bầu cử rầm rộ rồi sao tình trạng “chưa từng có”, nghiêm trọng hơn cả các thời tản cư, bom đạn, sao không được bàn thảo trong Quốc hội mới?

Và còn nhiều câu hỏi khác…

Tôi có viết Việt Nam đã đến lúc cần hiện đại hóa cách chống Covid (05/2021) nêu ví dụ Trung Quốc, Singapore chống dịch bằng công nghệ kỹ thuật số, đề xuất dùng modelling dịch tễ, không bằng chỉ thị, văn bản rườm rà, lẩm cẩm.

Nhưng tình hình không thay đổi. Các văn bản tung bay ở quận, huyện, phường xã tiếp tục gây rối trí vì bất nhất. Chuyện “giấy âm tính”, “bánh mì”, “sữa”, đã được dư luận nêu và được điều chỉnh…dần dần.

Phong tỏa mini là gì?

Nay xin nhắc lại điều thế giới đã nói từ lâu: “Only science can save us” -chỉ có khoa học mới cứu được chúng ta. 

Các biện pháp low-tech, thô sơ, hành chính chỉ hiệu quả nếu đi theo hướng dẫn của khoa học. 

Gợi ý, giải thích sau đây có thể giúp ích cho công việc này ở VN, thông qua kinh nghiệm Anh và một số nước khác.

Đầu tiên là cần giải thích tại sao TP HCM và Hà Nội ‘phong thành 15 ngày’, mà không phải là 25, 30 hay 45 ngày?

Ví dụ về việc thông tin không đầy đủ là đây: Chỉ thị số 17/CĐ-UBND, theo đó Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ công bố hôm 23/07.”

Chỉ thị sau trích dẫn một chỉ thị trước, không nói lý do, không giải thích thời hạn theo logic gì.

Covid-19: Thấy ánh sáng nhờ thử nghiệm mở cửa ở Anh ‘có vẻ đang tốt’

Thư Sài Gòn 4: Mùa dịch nằm trên giường đi chợ

Covid-19: TP HCM đề nghị dân ‘không ra khỏi nhà’

Trên thực tế, việc khóa chặt sinh hoạt xã hội mà Hà Nội và TP HCM làm là “phong tỏa mini”, một sáng kiến Anh Quốc đề ra lần đầu vào mùa thu 2020, sau được Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc áp dụng.

Tiếng Anh gọi là “circuit breaker lockdown” – phong tỏa kiểu cắt mạch điện- như chính phủ Boris Johnson đã làm hồi tháng 9/2020 với Wales, Bắc Ireland.

Sang tháng 10/2020 thì xứ Anh (England) áp dụng lần đầu, và tháng 1/2021 đến lượt đảo Isle of Man.

Về thời gian, “circuit breaker lockdown” thường ngắn: tối thiểu 15 ngày, đủ để người lây Covid khỏi mà chưa kịp lây cho một số người khác vượt ngưỡng kiểm soát R.

Để quyết định 15 ngày hay ba tuần, Anh Quốc dùng mô hình (modelling) do nhóm khoa học gia của GS Graham Medley, chuyên tư vấn cho chính phủ Anh công bố.

Theo họ, nếu “cắt mạch” tại Anh (England) trong hai tuần, thì số chết (từ tháng 10 đến cuối năm) sẽ giảm từ 20 nghìn xuống chừng 12 nghìn ca.

Số phải nhập viện vì Covid cũng sẽ giảm từ 132 nghìn xuống khoảng 66 nghìn cùng thời gian.

Công chúng được thấy cái giá phải trả cho mất tự do, mất tiền bạc là cơ hội sống tăng lên…đôi chút.

Hạn 15 ngày, hay 21 ngày rất quan trọng: nó cho phép doanh nghiệp, người dân biết thời gian phong tỏa để lên lịch, lên kế hoạch cho business, cho đời sống của họ.

Tức là phong tỏa ngắn, cục bộ để giảm tải, bổ sung nguồn lực cho y tế, để tăng tiêm chủng (năm nay), và cho người dân thời hạn định trước để phục hồi từng phần sinh hoạt kinh doanh, xã hội.

Về thủ tục: lockdown ở Anh do chính phủ đề xuất, Quốc hội biểu quyết bởi là chuyện mang tính hiến định: hạn chế tự do của dân.

Điều này khiến “uy lực” của luật lockdown tại Anh mạnh hơn chỉ thị tại Việt Nam.

Nhưng chính quyền Anh cũng thừa nhận không có phong tỏa mini nào đưa được số lây nhiễm về 0 mà chỉ hạ thấp xuống mức kiểm soát được.

Circuit breaker lockdown‘ (ở Wales gọi là firebreak), luôn có các hệ lụy kinh tế, được nói rõ cho dân và doanh nghiệp.

Với VN, về y tế, số tử vong vì các bệnh khác không được chăm sóc ở bệnh viện sẽ tăng, do điều trị gián đoạn.

Một số lây nhiễm Covid dạng F0 tại nhà có thể nặng hơn, thậm chí chết. Chính quyền cần có đường dây nóng giúp họ.

Tóm lại, khi tung ra phong tỏa mini, chính quyền TPHCM và HN đáng ra phải nêu rõ đây là:

  • Biện pháp cấp thời, cục bộ, rủi ro có tính toán (calculated risk)
  • Sau 15 ngày xã hội sẽ không “sạch Covid” nhưng lây nhiễm có thể giảm
  • Lộ trình thoát ra sẽ dựa vào số lây nhiễm giảm
  • Nếu không phong tỏa sẽ tiếp tục…và kèm đó là chính sách hỗ trợ

Phải chăng vì thiếu các thông tin đó mà nhiều bạn bè tôi ở Hà Nội, và trước đó là tại Sài Gòn rất hoang mang, lo sợ cho ngày nay và ngày mai?

Chính sách chống dịch có lộ trình được hỗ trợ, chứng minh bằng con số khoa học, dù chỉ là con số dự báo, sẽ tăng cơ hội thành công.

Anh, Pháp trong những ngày phong tỏa gắt gao nhất vẫn cho dân đi dạo trong phạm vị hẹp không xa nơi ở. 

Người ta quy định giãn cách bằng mét và kilometre chứ không phải “phường giãn cách phường” vì virus đâu có nắm được khái niệm hành chính các phường xa nhau thế nào?

Việc bắt người dân chỉ ngồi trong nhà như ở VN hiện nay sẽ gây trầm cảm, bệnh tâm thần. Nếu ai đó tự sát trong nhà thì phường xã có chịu trách nhiệm?

Thiếu thông tin có cơ sở khoa học dẫn tới thiếu niềm tin vào chính sách và nguy cơ là bất mãn dâng lên, thậm chí gây bạo loạn.

Hôm trước, 160 nghìn người ở Pháp xuống đường trên nhiều thành phố chống lại chính phủ Macron một phần vì họ không tin vào cá nhân ông ta và chính sách tiêm chủng.

Mọi sự đến từ chỗ còn trẻ, năng nổ, tổng thống Emmanuel Macron đọc nhiều sách y học và tự tin rằng ông là chuyên gia y tế chống Covid…và điều hành theo kiểu của ông.

Nhìn cảnh ngay giữa Paris người ta cầm biển đường, gậy đá quật vào đầu cảnh sát tôi mới ngỡ ra mình may là sống ở Anh, nơi 18 tháng qua không có bạo loạn vì Covid.

Đó là nhờ chính phủ Anh lèo lái cả việc lockdown tốt hơn, thông tin đầy đủ cho dân, dù số chết vượt Pháp, và sau giai đoạn đen tối thì thúc đẩy tiêm vaccine rất nhanh.

Chuyên gia y tế ở đâu? 

Phải nói rằng chính phủ Anh rất khôn ngoan, và thủ tướng Boris Johnson là một chính trị gia lão luyện mà có người cho là lắm mưu mô, coi nhẹ sự thật.

Ông chẳng học ngành y nhưng nhạy bén về chính trị và vốn là nhà báo nên nay có tài “biến tin xấu thành tin tốt”. 

Cá nhân bị mắc Covid suýt chết, thế mà Boris đã nhanh chóng coi mình là “người của quần chúng, tôi cũng mắc Covid như các bạn” để thu hút cảm tình. 

Tiêm AstraZeneca xong ông cũng khoe ngay để quảng cáo cho vaccine Anh.

Nhưng đừng bảo Boris không có tầm nhìn xa.

Năm ngoái, chính phủ Anh luôn ca ngợi tình bạn thắm thiết Boris Johnson – Donald Trump, nhưng âm thầm loại công ty Mỹ ra khỏi đối tác với ĐH Oxford chế vaccine.

Chính phủ Anh tính rằng nếu chế tạo vaccine ở Mỹ mà Trump “chặn hàng” thì trắng tay nên chọn công ty Thụy Điển và nhà máy làm AstraZeneca ở châu Âu, gần nhà để phòng “có biến”.

Quả vậy, họ đã làm đúng như thế, cử phi cơ RAF sang Bỉ nhận hàng khi EU dùng chiêu bài Brexit dọa chặn “xuất khẩu” vaccine của Anh sang Anh.

Một điểm khôn nữa của thủ tướng Anh là luôn mời chuyên gia y tế cùng họp báo, điều tôi thấy hoàn toàn thiếu vắng ở Việt Nam.

Covid Briefing ở Downing Street được truyền hình trực tiếp luôn có bác sĩ, giáo sư y khoa, giám đốc học viện y tá hoàng gia (Royal College of Nursing), đứng cạnh chính trị gia, trả lời báo chí và người dân. 

Ai hỏi gì họ cũng điềm tĩnh trả lời, và đỡ cho thủ tướng, bộ trưởng rất nhiều.

Sage (Scientific Advisory Group for Emergencies-Nhóm tư vấn khoa học cho các trường hợp khẩn cấp) là “logo” có gần như ở mọi văn bản chống dịch.

Các buổi trực tuyến khiến những giáo sư y khoa Sir Patrick Vallance, Chris Whitty, Jonathan Văn Tâm (gốc Việt), trở thành các ngôi sao và tên tuổi thân quen của hàng triệu gia đình Anh.

Vì là nền dân chủ, Anh thừa nhận việc một nhóm bác sĩ, giáo sư nổi tiếng khác lập hội đồng Sage phản biện lại Nhóm tư vấn của chính phủ, gọi là Independent Sage.

Còn ở Mỹ, tên tuổi bác sĩ Anthony Fauci có lẽ nổi tiếng hơn các tổng thống.

Người Đức cảm ơn tiến sĩ Christian Drosten hơn là hàm ơn các chính khách.

Trong khi đó, các thông báo, quyết định, liệt kê lan man rau quả, mắm muối, bánh bao, bánh mì…ở Việt Nam thấy vắng tên tuổi giáo sư, tiến sỹ ngành y, chuyên gia dịch tễ.

Thiết nghĩ nếu bạn bị bệnh thì bạn đến hỏi bác sĩ, chứ ai bị làm sao về đầu óc mà gọi điện cho…chủ tịch phường? 

Niềm tin ta đặt vào ai trong đời thường thì cũng đặt vào giới chuyên môn trong đại dịch.

Chính trị gia cần thay đổi, biết nói, biết nghe 

Chính trị gia tuy thế có trách nhiệm quan trọng vô cùng là điều phối, cân bằng hơn thiệt, rủi ro cho y tế, kinh tế và dẫn lối, tạo tinh thần lạc quan cho xã hội.

Cho phép phản biện công khai là điều rất cần thiết để giải tỏa các bức bối xã hội, tránh tình trạng mọi bức xúc…dồn hết lên mạng xã hội.

Năm qua, trên khắp thế giới, trừ một vài nước có lãnh đạo hay nổ quá trớn về y khoa, thông điệp ngầm từ chính trị gia gần như đều là khiêm tốn nhận “tôi không có kiến thức chuyên môn gì hết”.

Họ để cho ngành y lên tiếng, mà lên tiếng độc lập, chứ không phải “nói theo ý thủ trưởng”. 

Tư chất lãnh đạo (leadership skills) còn được thể hiện qua cách nhận câu hỏi của nhà báo, từ công chúng, thay cho việc bàn thảo trong phòng kín rồi ra mệnh lệnh hành chính thật mạnh tay.

Nhiều chính sách sắp đưa ra cần tham vấn người dân công khai để tránh tình cảnh ban hành xong gặp phản ứng lại phải chỉnh sửa, âm thầm rút bỏ.

Ngay ở Nga, quốc gia hay bị Phương Tây chê là thiếu tự do hơn họ, ông Putin hồi tháng 12/2020 đã chủ động biến buổi hội thảo thường niên với báo chí để trả lời dân, gồm cả những người ở vùng xa nối mạng, về Covid, về vaccine. Tháng 4 vừa qua, ông lại có một buổi trực tuyến tương tự.

Đấy chính là một trong nhiều cách tạo niềm tin chung vào chính sách, bất kể một thực tế là có người Nga không ưa ông hoặc không bỏ phiếu cho ông.

Việt Nam thì khác, các hoạt động thông tin cho xã hội, cho người dân vẫn mang nhiều tính hình thức.

Diễn đàn của Quốc hội nhiệm kỳ mới thấy khá im ắng, không đem ra thảo luận truyền hình trực tiếp các vấn đề hệ trọng, sát sườn, mà với người dân là khủng hoảng sinh hoạt mang tính thế hệ.

Vai trò giám sát của các đại biểu rất cần trong việc đưa về một chuẩn thống nhất mọi biện pháp giới nghiêm, phong tỏa mà hiện nay gần như mỗi quận, huyện, phường xã theo kiểu riêng, chỉ khổ dân.

Nội dung chưa có thì ta làm việc hình thức có giá trị biểu tượng.

Tôi nghĩ một phiên họp trực tuyến tại Quốc hội thay mặt cử tri, nhân dân Việt Nam cảm ơn các quốc gia Mỹ, Anh, Nhật Bản… – mà thực chất là người dân các nước đó– đã tặng hàng triệu liều vaccine cho mình cũng là việc làm không khó, có ý nghĩa ngoại giao lớn.

Trên thế giới đang có đánh giá rằng đại dịch Covid là hiện tượng cả thế kỷ mới xảy ra một lần cho nhân loại – ‘Once-in-a-century pandemic‘.

Với Việt Nam, trước thách thức vĩ đại đó, mọi cách nghĩ truyền thống, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, hoặc làm ứng phó, tùy tiện, cục bộ địa phương cần phải thay đổi, đổi thật nhanh. 

Động thái đổi đầu tiên, dễ mà khó, đến từ lời nói và hành động của những người có thẩm quyền.


 

 

Tin bài liên quan:

VOA – Tư nhân phân phối vắc xin theo định hướng xã hội chủ nghĩa?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: cuối cùng thì “em” cũng được công nhận

Phan Thanh Hung

VNTB – Một mắt xích, một ốc vít lỏng có thể gây hậu quả lớn

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.