Việt Nam Thời Báo

BBC – Một Việt kiều băn khoăn ‘án bất công cho Phạm Chí Dũng và đồng sự’

IJAVN

Lê Mạnh Hùng

 

Gửi cho BBC từ Berlin, Đức

 

“Họ đã bị kết án rất nặng nề, bị tống vào tù ở Việt Nam chỉ vì muốn làm nghề báo thực sự theo đúng nghĩa của nó.

 

Ở nơi tôi đang sống (Đức) có không dưới 80.000 nhà báo như thế và chính một phần nhờ có họ, chúng tôi mới được sống trong một xã hội ít nhiễu nhương.“

Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi khi đọc tin về bản án hôm 05/01/2021 do Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh đưa ra cho các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn trong một phiên tòa xử chớp nhóang chưa đầy nửa ngày.

Nhà báo độc lập

Ba nhà báo trên đã họat động như những nhà báo độc lập. Tôi hòan tòan hiểu được lý do của họ. Không như vậy, họ sẽ rất khó làm được điều gì thực sự có ý nghĩa với nghề báo.

Từng có biên chế trong Ủy ban phát thanh, truyền hình Việt Nam ở Hà Nội, có thời gian làm việc cho Ủy ban nhà nước về phát thanh, truyền hình của Liên Xô tại Moscow, tôi hiểu rõ sự ràng buộc, gò bó khi phải làm việc theo chỉ thị, mệnh lệnh của cơ quan chủ quản nhà nước như thế nào đối với các nhà báo trong biên chế.

Tôi quen biết không ít nhà báo ở Việt Nam có chuyên môn, có đạo đức, từng nổi tiếng một thời về các phóng sự chống tiêu cực, nhưng họ vẫn không phát huy được hết điểm mạnh của họ. Họ đã thành thật than phiền với tôi về những ranh giới mà họ không thể vượt qua.

Mô hình báo chí ở các nước XHCN cũ mà Việt Nam vẫn duy trì, đến nay không còn phù hợp với với thời đại, không giúp Việt Nam phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng – “Mối đe dọa sự tồn vong của chế độ.“

Qua Đức làm việc cho Ban Tiếng Việt, Radio Multikulti thuộc RBB (Rundfunk Berlin-Brandenburg/Đàiphát thanh và truyền hình Berlin-Brandenburg), tôi đã được làm quen với một hình thức khác của báo chí, đó là sự độc lập với chính quyền, là trách nhiệm đứng về phía dân, giúp dân kiểm sóat họat động của các cơ quan nhà nước, phát hiện những tiêu cực trong xã hội, giúp xã hội đấu tranh với những tiêu cực đó.

Kinh phí cho các cơ quan truyền thông công cộng này chính là tiền thu phí phát thanh truyền hình (GEZ: 17,50 €/tháng) mà tất cả mọi người dân ở Đức đóng theo từng qúi.

Tôi từng nhiều lần theo dõi rất kỹ, thậm chí có phần khắt khe các buổi thảo luận của BBC có sự tham gia của nhà báo Phạm Chí Dũng. Khắt khe bởi lẽ, đó phần lớn là các ý kiến phê bình, đóng góp ý kiến cho các cấp chính quyền ở Việt Nam từ góc độ một nhà báo, đang sống trực tiếp trong nước như tiến sĩ Dũng. Không phải lúc nào tôi cũng tán thành về nội dung và cách biểu đạt của ông Dũng, nhưng tôi nhận thấy chắc chắn một điều – đó là một người có mong muốn cháy bỏng là đất nước có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, tiến bộ.

Tôi chưa từng thấy ở ông Dũng có biểu hiện kêu gọi sử dụng bạo lực, tìm cách lật đổ chính quyền hay cái gì đó tương tự. Việc làm của các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn cũng tương tự như hàng ngàn nhà báo khác ở các nước châu Âu nơi tôi đã từng đi qua, thậm chí có phần nhẹ nhàng, giản dị hơn.

Tôi cũng có không ít đồng nghiệp làm báo người Đức. Tôi đã từng hỏi họ rất nhiều: Vì sao các nhà báo không dễ dàng bị mua chuộc. Làm sao để họ giữ được độc lập với chính quyền, giữ được trung lập, phi đảng phái. Làm thế nào để họ không e ngại phê phán đụng chạm đến các quan chức lớn, dù đó là tổng thống, thủ tướng hay các ông trùm lớn, các nhà tài phiệt. Vì sao họ không nhận tiền của các cá nhân, hội nhóm, đảng phái nào để viết bài thiên vị phía đó…

Những việc làm của ba nhà báo Việt Nam kể trên hòan tòan không trái qui định của Hiến pháp Việt Nam về quyền bày tỏ chính kiến và lập Hội. Mong muốn làm báo độc lập, không ăn lương của chính quyền, không bị chi phối bởi chính quyền để có thể đóng góp hiệu quả hơn cho xã hội như đã áp dụng ở nhiều nước tiên tiến phải chăng là có tội?

Tôi hay thầm so sánh cách chống tham nhũng ở các quốc gia tôi từng tới với Việt Nam ta. Đó là sự họat động tự giác, thường xuyên, kết hợp nhuần nhuyễn giữa người dân thông qua báo chí và ngành tư pháp, như một cỗ máy tự động, phát hiện và trừng trị tham nhũng rất hiệu qủa, không ngưng nghỉ và chẳng cần có ai phải đôn đốc, chỉ thị.

Tôi chẳng hề thấy một vị Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng Đức nào dám đứng ra hô hào phát động phong trào chống tham nhũng, bởi lẽ sẽ chẳng có ai nghe và tin đâu. Tham nhũng thường đẻ ra từ chính bộ máy chính quyền. Quan chức các cấp mới có cơ hội tham nhũng, dân thường làm sao tham nhũng được. Các doanh nghiệp, cá nhân trốn thuế thì đã có luật pháp trừng phạt.

Dân Đức chắc chắn sẽ bịt mũi cười nếu bỗng nhiên xuất hiện một “Ban chỉ đạo quốc gia Đức chống tham nhũng“ nào đó, cho dù đứng đầu cái Ban này là bà Angela Merkel hay ông Tổng thống Đức.

“Tuyên truyền chống nhà nước” ư? Sao không thể nghĩ rằng thông qua báo chí phát hiện tham nhũng, tiêu cực, góp ý thay đổi bộ máy lãnh đạo, đề xuất phương thức quản lý nhà nước tốt hơn sẽ luôn giúp đất nước sàng lọc, tìm ra những người tốt thực sự vào bộ máy qủan lý đất nước, đỡ có nhiều “củi gộc“ đốt không xuể như hiện nay.

Người ta chưa quên vụ bê bối tiền quyên góp vận động tranh cử cho Đảng CDU liên quan đến cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, vụ thất sủng do bị cáo buộc lạm dụng chức vụ của cựu Tổng thống thứ 10 Đức Christian Wulff, đều có vai trò phát hiện và đấu tranh của báo chí. Tôi cũng hòan tòan có thể hình dung được báo chí Đức sẽ cứng rắn như thế nào với bà đương kim thủ tướng Đức Angela Merkel nếu bà phạm sai lầm, bê bối.

Mô hình tự do báo chí ở nơi tôi sống chưa hòan hảo, nhưng ít nhất nó đang đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chưa bị ai gọi là “kẻ thù của nhân dân“, “fake news“, chưa bị đe dọa “giết chết“. Rất có khả năng đó là cái đích mà ba nhà báo Dũng, Thụy và Tuấn muốn nhắm đến.

Nỗ lực cần thiết của một nền báo chí lành mạnh chính là phải làm sao để xã hội gửi gắm được niềm tin vào báo chí trung thực, thay vì những thứ báo chí thiên vị, thậm chí chuyên sáng chế tin giả “fake news“, phát tán những thuyết âm mưu dối trá phục vụ cho những thế lực nào đó, hậu qủa dẫn tới sẽ giống như những gì khủng khiếp vừa xảy ra ở Mỹ.

Nhận tiền thù lao của truyền thông nước ngòai đâu có gì sai trái?

Những cơ quan truyền thông lớn có uy tín của thế giới: BBC, VOA, RFA, RFI, DW thuộc Anh, Mỹ, Pháp, Đức là các quốc gia bạn bè mà Việt Nam đang hướng tới. Không chỉ cung cấp thông tin, họ còn giúp Việt Nam đào tạo nâng cao tay nghề cho không ít các nhà báo ở trong nước hoặc do Việt Nam gửi qua.

Tôi biết, những người như nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cũng giống như tôi – làm việc theo lời mời cộng tác của các cơ quan truyền thông này. Chúng tôi không thể tự gửi bài vở tới rồi buộc người ta phải đăng được, cũng chẳng đòi hỏi họ phải trả thù lao. Việc chi trả những khỏan chi phí nào đó theo qui định của các cơ quan này với cộng tác viên nếu có, thì đó cũng chỉ mang tính biểu tượng, để tỏ lòng tôn trọng. Cá nhân tôi không sống bằng nguồn tiền này và tôi tin rằng nhiều người khác cũng vậy.

Cũng nên hiểu rằng những đồng tiền đô la Mỹ, Euro, Bảng Anh do các cở sở truyền thông nêu trên chi trả, không phải là tiền của một tổ chức, cá nhân hay đảng phái nào. Đó là tiền thuế của nhân dân các quốc gia đó, tiền đóng phí cho báo chí, truyền thông của họ và được sử dụng một cách công khai, minh bạch.

Tôi bàng hòang không thể hiểu nổi, căn cứ vào đâu mà Tòa án Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh ra phán quyết, buộc ba nhà báo kia phải nộp lại các khỏan tiền thù lao do làm việc, từng nhận được từ các cơ quan truyền thông nước ngòai. Việc nhận tiền thù lao nhuận bút của ba nhà báo trên, đâu có khác gì bất kỳ ai nhận lương khi làm việc cho các công ty, hãng xưởng nước ngòai. Phải chăng đây là một phán quyết ngẫu hứng, tùy tiện?

Gửi thông điệp gì ra thế giới?

Phản ứng nhanh chóng của Bộ ngọai giao Hoa Kỳ, Bộ ngọai giao Đức, đại diện của khối EU cho thấy rằng, thế giới không làm ngơ trước những gì đang diễn ra ở VN. Lãnh đạo nước Mỹ mới được bầu và các đồng minh của họ chắc chắn sẽ vẫn chú trọng tới vấn đề nhân quyền khi hợp tác làm ăn với Việt Nam.

“Việt Nam đã vi phạm các công ước quốc tế từng cam kết tuân thủ. Hiến pháp Việt Nam cũng có qui định phải đảm bảo quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc công dân bị kết án chỉ vì các họat động phi bạo động của họ là không thể chính đáng.v.v…“

Đó là ý kiến chung của thế giới phản ứng với Việt Nam mấy ngày qua. Tôi thấy thật đáng tiếc khi để họ nhận xét về mình như vậy.

Hiệp định EVFTA với EU mới ký kết đâu đã lâu, hàng lọat thỏa thuận liên quan đến vấn đề nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đã cam kết với các nước trên thế giới vẫn còn nóng hổi. Cái mà nhà nước VN nên thể hiện bây giờ tôi thiết nghĩ, đó là sự xích gần tới các quốc gia văn minh, những nơi mà nhà nước Việt Nam đã từng (và sẽ còn) gửi nhiều cán bộ tới học tập cách quản lý bộ máy nhà nước – mà tôi từng gặp gỡ nhiều lần ở châu Âu, chứ không phải cách hành xử tạo nên sự xa cách, nghi ngờ của quốc tế dành cho Việt Nam.

Hợp tác trên cơ sở của lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau vẫn luôn tốt hơn là chỉ vì những lợi ích kinh tế trước mắt nào đó.

“Nền dân chủ cần thông tin và sự thật, nó phải phân biệt được Sự Thật và Dối Trá“, “Tự do báo chí là thước đo của một xã hội dân chủ. Một xã hội thực sự do dân làm chủ tới đâu được nhận biết bởi báo chí đứng ở vị nào trong xã hội đó“.

Bà Angela Merkel – người cùng thế hệ với tôi, cũng từng sống qua chế độ XHCN ở Đông Đức trước đây – đã thể hiện sự trân trọng tự do báo chí như vậy trong một phát biểu gần đây tại Berlin: “Người dân sẽ không còn phương tiện gì để tự bảo vệ mình, nếu không có tự do báo chí“.

Đó cũng là chia sẻ hết sức chân thành của một cựu đồng nghịêp Đài RBB với tôi hôm qua 07/01/2021 tại Berlin.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng hiện đang sống tại Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức.


Tin bài liên quan:

BBC – EU nói VN còn có ‘vi phạm nhân quyền’ và tự do báo chí 175/180 thế giới

Phan Thanh Hung

VNTB – Bà Trương Mỹ Lan: tỷ phú bị tử hình vì lừa đảo 44 tỷ đô la

Do Van Tien

RFA – Ước nguyện của giới hoạt động và thân nhân trong năm Tân Sửu

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.