Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes mới bị trục xuất khỏi Bắc Hàn và buộc phải xin lỗi vì những tường thuật của mình. Ông bị biệt giam suốt 10 giờ đồng hồ và bị thẩm vấn. Ông kể lại những gì đã xảy ra tại Bắc Hàn.
Sau một tuần ở Bắc Hàn tôi đã sẵn sàng để về nhà. Chuyến đi, để tường thuật cuộc đi thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn ba người từng đoạt giải Nobel, quả là mệt mỏi và căng thẳng.
Tôi không thể đi bất cứ nơi nào ở Bình Nhưỡng mà không có một đoàn năm người giám sát từng bước chân. Vào ban đêm, nhóm phóng viên BBC được đưa tới một biệt thự được sưởi nóng hừng hực nằm trong một tổ hợp được bảo vệ. Chúng tôi hầu chẳng được lòng mấy người. Các nhân viên giám sát của Bắc Hàn nay công khai tỏ thái độ thù địch.
Tất cả chúng tôi đều đang mong đợi một ly bia lạnh và một đêm ngon giấc tại Bắc Kinh.
Vì một lý do nào đó mà nữ nhân viên nhập cảnh nữ tại sân bay Bình Nhưỡng cầm hộ chiếu của tôi rất lâu. Cuối cùng khi cô cũng đóng dấu cuốn hộ chiếu của tôi thì mọi người khác đều đã qua cửa an ninh và đi đến cổng lên máy bay rồi. Tôi cảm thấy có gì bất thường nhưng tôi đã không lo lắng gì ngay lúc đó.
Thế rồi một nhân viên biên phòng Bắc Hàn gọi tôi lại – trong tay ông ta là chiếc máy ghi âm kỹ thuật số của tôi.
“Chúng tôi cần phải kiểm tra cái này,” ông nói và chỉ tay cho tôi xuống một hành lang.
Tại một phòng hậu là một nhân viên biên phòng khác đang tìm cách mở các tập tin từ máy ghi âm của tôi trên một máy tính xách tay.
“Có vấn đề gì vậy?” tôi hỏi. “Trên thẻ nhớ đó không có gì đâu.”
“Đợi chút,” ông trả lời.
“Tôi không thể đợi được,” tôi nói. “Tôi phải lên chuyến bay đi Bắc Kinh.”
“Chuyến bay đã đi rồi,” nhân viên biên phòng nhìn thẳng vào tôi và nói. “Ông sẽ không đi Bắc Kinh.”
Lúc này cảm giác báo động của tôi tăng nhanh chóng.
“Trời đất,” tôi nghĩ. “Thật vậy rồi. Chuyến bay của tôi đã cất cánh và tôi bị bỏ lại sau ở Bắc Hàn!”
Thực ra tôi đã không bị bỏ lại một mình. Vào lúc đó đồng nghiệp của tôi Maria Byrne và Matthew Goddard đã từ chối lên máy bay và hét lại với các nhân viên bảo vệ Bắc Hàn khi những người này cố đẩy họ lên máy bay.
Nhưng tôi không biết điều đó. Tôi cảm thấy rất cô độc.
Hai trong số những người hướng dẫn đã đi theo giám sát chúng tôi giờ xuất hiện ở cửa.
“Chúng tôi sẽ đưa ông tới gặp các cơ quan có liên quan,” họ tuyên bố. “Tất cả rồi sẽ trở nên rõ ràng.”
Tôi bị dẫn tới một chiếc xe hơi đang đợi sẵn và đặt vào ngồi ở ghế sau, mỗi người hướng dẫn ngồi kèm một bên.
Khi xe đưa chúng tôi qua những con đường gần như trống vắng của Bình Nhưỡng không ai nói gì. Nhìn những khối nhà bê tông xám xịt, tôi dự đoán tình huống của mình. Ngay cả ở Bắc Hàn người ta không giam giữ một nhà báo đến thăm trừ khi đã có được lệnh cấp cao.
Tôi nhớ tới sinh viên Mỹ Otto Warmbier, bị kết án lao động khổ sai 15 năm vì tội lấy cắp một biểu ngữ tuyên truyền từ khách sạn Bình Nhưỡng của anh ta. Tôi sẽ là người kế tiếp bị đưa lên truyền hình quốc gia?
Chiếc xe dừng bánh trên đường đậu xe trước cửa một khách sạn cũ màu xám. Tôi được đưa vào một phòng họp và bảo ngồi đó. Những bức chân dung khổng lồ của Kim Il-sung và Kim Jong-il đang nhìn xuống từ bức tường phía xa.
Một nhóm các quan chức trong các bộ đại cán kiểu Mao màu sẫm bước vào và ngồi đối diện. Người lớn tuổi hơn nói trước.
“Ông Rupert,” ông nói, “Cuộc gặp này có thể kết thúc nhanh chóng và đơn giản, nó phụ thuộc vào thái độ của ông.”
Tôi được nói cho biết là tường thuật của tôi đã xúc phạm người dân Triều Tiên, và rằng tôi cần phải thừa nhận sai lầm của mình. Họ đưa ra các bản in ba bài tường thuật đã được đăng trên trang web của BBC khi tôi tường thuật về chuyến thăm của những người đã đoạt giải Nobel.
“Ông nghĩ rằng người Triều Tiên là xấu xí à?” người đàn ông lớn tuổi hỏi.
“Không,” tôi đáp.
“Ông nghĩ rằng người Triều Tiên có tiếng quát tháo giống như chó à?”
“Không,” tôi trả lời một lần nữa.
“Vậy tại sao ông viết những điều này?” ông ta hét lên.
Tôi không hiểu gì hết. Họ muốn nói gì? Một trong những bài tường thuật được đưa ra trước mặt tôi với đoạn viết khiến họ phật ý đã được khoanh bằng bút đen:
“Nhân viên hải quan mặt dữ tợn đội một trong những chiếc mũ quân nhân quá khổ trông khá kì cục vốn rất được ưa thích ở Liên Xô. Nó khiến cho nhân viên Bắc Hàn người thon nhỏ trong bộ đồng phục rộng thùng thình của anh ta trông trên to dưới nhỏ một cách khôi hài.”Mở ra”, anh ta càu nhàu, chỉ tay vào chiếc điện thoại di động của tôi. Tôi ngoan ngoãn bấm mật mã. Anh ta giật nó lại và ngay lập tức vào phần ảnh. Anh ta lướt qua ảnh các con tôi trượt tuyết, hoa anh đào Nhật Bản, nền trời Hong Kong. Dường như hài lòng, anh ta quay sang va li của tôi. “Sách?” anh ta quát lên. Không, không có sách. “Phim ảnh?” Không, không có phim ảnh. Tôi bị chỉ sang một bàn khác, nơi một phụ nữ ít cộc cằn hơn đã đang xem xét nội dung trong máy tính xách tay của tôi.”
(Xem một trong các bài của Rupert Wingfield-Hayes bị giới chức Bắc Hàn khoanh đen: Bắc Hàn: Đất nước co mình lặng lẽ)
“Họ nói nghiêm chỉnh à?” tôi nghĩ. Họ hiểu chữ “mặt mũi dữ tợn” là “xấu xí”, và việc sử dụng từ “quát lên (bark)” như một chỉ dấu tôi nghĩ họ nói giống như chó sủa.
“Nó không có nghĩa như những gì ông nghĩ,” tôi phản đối.
Người đàn ông lớn tuổi nheo mắt.
“Tôi đã nghiên cứu văn học Anh,” ông nói. “Ông nghĩ rằng tôi không hiểu chúng có nghĩa là gì à?”
Trong hai giờ đồng hồ họ yêu cầu tôi phải thú nhận lỗi của mình. Cuối cùng người đàn ông lớn tuổi đứng dậy bỏ đi.
“Rõ ràng là thái độ của ông làm cho việc này khó khăn đây,” ông ta nói. “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là tiến hành điều tra toàn diện.”
Tới lúc này một người đàn ông trẻ hơn thay thế ông kia.
“Ông có biết tôi là ai không?” anh ta hỏi.
“Không,” tôi trả lời.
“Tôi từ cơ quan tư pháp. Tôi là một trong những người điều tra vụ việc của Kenneth Bae, và bây giờ tôi sẽ điều tra ông.”
Tôi bỗng thấy lạnh người. Kenneth Bae là người Mỹ gốc Hàn, người đã bị chính quyền Bình Nhưỡng kết án lao động khổ sai 15 năm hồi năm 2013.
Họ bắt đầu đọc từng từ một các bài tường thuật của tôi – tìm thấy những điều gây mất lòng ở hầu hết mọi thứ. Nhưng từ ngữ không quan trọng; chúng chỉ là cái cớ để buộc tôi phải thú nhận.
“Chúng ta có thể ngồi ở đây cả đêm,” tôi nói. “Tôi không ký gì hết.”
“Chúng tôi có rất nhiều thời gian,” người thanh niên đáp lại. “Nó có thể mất một đêm, một ngày, một tuần hay một tháng. Chọn lựa là ở ông.”
Hết giờ này qua giờ khác họ lặp lại những lời cáo buộc đó. Nó diễn ra không ngừng. Cứ hai giờ lại nghỉ và một nhóm khác bước vào. Họ bắt đầu dùng từ “tội nghiêm trọng”.
“Tội gì?” tôi hỏi.
“Phỉ báng người dân và dân tộc Triều Tiên,” viên thẩm vấn nói.
Tới lúc này cuộc thẩm vấn đã diễn ra hơn năm tiếng đồng hồ. Tôi không biết là tại một khách sạn khác ở Bình Nhưỡng cuối cùng thì các đồng nghiệp của tôi đã được báo động.
Một đoàn làm phim thứ hai của BBC, do Jo Floto, Trưởng biên tập Văn phòng châu Á, phụ trách, đang có mặt ở Bình Nhưỡng để tường thuật Đại hội Đảng Lao động Bắc Hàn.
Họ được đồng nghiệp ở Bắc Kinh gọi điện báo cho biết là nhóm của tôi đã không thấy tới Trung Quốc.
Jo bắt đầu tìm xem chúng tôi đang ở đâu. Ông yêu cầu người hướng dẫn Bắc Hàn của ông gọi cho Bộ Ngoại giao, nhưng họ cũng không biết chúng tôi đang ở đâu. Phải mất thêm hai giờ nữa người hướng dẫn này mới tìm ra nơi tôi đang bị tạm giữ.
Trong phòng thẩm vấn lúc này họ đưa ra một loạt các bản in, các bài báo đăng trên của truyền thông Nam Hàn.
“Ông đã thấy những gì truyền thông Nam Hàn đang viết về bài tường thuật của ông chưa?” người thẩm vấn trẻ tuổi hỏi.
“Chưa,” tôi trả lời.
“Rằng chúng cho thấy tất cả mọi thứ mà chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên nói đều là lời nói dối!!”
Anh ta trừng mắt nhìn tôi.
“Ông đã gặp gỡ truyền thông Nam Hàn trước khi đến Bình Nhưỡng?” anh ta hỏi. “Ông đã cấu kết với họ để dàn xếp một chiến dịch tuyên truyền chống CHDCND Triều Tiên?”
Tôi nghĩ: “Đây là cách họ tạo dựng một vụ án.”
Vào khoảng 1:30 sáng tôi yêu cầu được đi vệ sinh. Mỗi lần tôi đi, hai người giám sát luôn đi với tôi. Một người đứng ở bệ tiểu bên cạnh và người kia đứng ngay sau lưng tôi. Lần này, khi tôi bước ra khỏi nhà vệ sinh, một trong những người giám sát tôi, ông Oh, bước ra từ một phòng khác.
“Tôi nghĩ là sếp của ông đang đến đây,” ông ta nói.
Tôi không biết có nên tin ông ta không, nhưng quả thật Jo đang trên đường đến đây. Tôi sau đó được biết là khi Jo đến khách sạn, người đi kèm ông từ Bộ Ngoại giao đã quay sang ông và nói: “Ông Floto, hãy nhớ là chúng tôi sẽ chẳng có chút ảnh hưởng nào tới những người mà chúng ta sắp gặp.”
Một giờ sau, Jo được đưa vào căn phòng nơi tôi đang bị giam giữ. Tôi cảm thấy phần nào nhẹ nhõm hơn nhưng ông trông có vẻ lo lắng. Ông vẫn không biết họ đã đưa Maria và Matthew đi đâu. Không có tin tức gì về họ. Sau đó, ông chỉ tay vào viên thẩm vấn trẻ.
“Anh ta dường như không quan tâm đến những thiệt hại cho hình ảnh của Bắc Hàn do việc giam giữ anh ở đây,” ông nói. “Anh ta dường như sẵn sàng đưa anh ra tòa xét xử.”
Chúng tôi phải kết thúc điều này nhanh chóng, và để làm được điều đó tôi phải có hành động ăn năn.
Chúng tôi đồng ý tôi sẽ viết một lá thư ngắn “xin lỗi về hành vi gây phật lòng do những bài viết của tôi gây ra”. Chúng tôi đồng ý nó sẽ là văn bản viết và sẽ không được công bố.
Nhưng chỉ sau vài phút viên thẩm vấn đã rút lại lời nói của ông ta.
“Để thể hiện sự chân thành của mình, ông hãy đứng dậy và đọc to nó lên,” ông ta nói và đưa cho tôi tờ giấy.
Trong góc phòng một người đàn ông cầm máy quay phim đang quay.
Tôi từ chối.
Cuối cùng, tới 03:30 tôi được thả và chúng tôi được đưa tới gặp Maria và Matthew. Họ bị giam giữ tại một nhà khách khác trên đồi bên ngoài Bình Nhưỡng. Đã hơn 10 tiếng đồng hồ trôi qua kể từ khi tôi biến mất khỏi sân bay và họ đã vô cùng lo lắng.
Ngày hôm sau chúng tôi được phép chuyển đến khách sạn Yanggakdo, một tòa tháp khổng lồ tại một hòn đảo trên sông Taedong. Tất cả các hãng truyền thông quốc tế được đặt ở đây vì thế chúng tôi cảm thấy an toàn hơn nhiều. Nhưng suốt hai ngày kế tiếp chúng tôi bị từ chối không được phép rời khỏi Bắc Hàn.
Sau đó, đột nhiên hôm thứ Hai ngày 8 tháng Năm, trong khi chúng tôi chuẩn bị lái xe đến sân bay, chính phủ Bắc Hàn tuyên bố tôi bị trục xuất.
Tại sao họ quyết định giam giữ và trục xuất tôi? Tôi đoán ai đó ở cấp cao quyết định rằng các tường thuật của tôi đe dọa sự thành công của chuyến đi thăm Bắc Hàn của ba nguời từng đoạt giải Nobel.
Chính phủ Bắc Hàn khao khát được công nhận. Chuyến đi của ba người này có tầm quan trọng to lớn đối với chính phủ Bắc Hàn. Ba người đoạt giải Nobel được đưa đi xem những gì tốt đẹp nhất của đất nước này. Họ gặp các sinh viên sáng giá nhất. Tường thuật của chúng tôi là một đe dọa cho kế hoạch đó, và cần là một ví dụ cho những người khác.
Thật trớ trêu là vì làm như vậy họ đã cho tôi một cái nhìn hiếm có từ bóng tối trong chính cội rễ của nhà nước Bắc Hàn.
Tôi chỉ trải qua có 10 giờ bị giam giữ. Nhưng trong thời gian đó tôi được thấy một người có thể dễ dàng biến mất khỏi Bắc Hàn như thế nào. Tôi cảm nhận nỗi sợ hãi vì bị cô lập và bị buộc những tội mà mình không hề phạm và bị đe dọa với một phiên xử trong đó các bằng chứng sẽ là chẳng liên quan gì mà chắc chắn mình sẽ có tội.