Việt Nam Thời Báo

Bí thư Thành ủy Hà Nội bao biện và… lạm quyền?

Minh Tâm
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Nội dung bài viết đăng tải trên http://www.ijavn.org/2014/10/bi-thu-ha-noi-chua-ai-gap-toi-to-cao.htmlhttp://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30501&cn_id=679126 là những nội dung cho thấy có dấu hiệu vi phạm Điều 4.3 của Hiến pháp 2013: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Tiếm quyền?

Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 29-9, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật đã chỉ ra những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ thời gian qua ở Hà Nội.
Theo đại biểu Cương, nhiều dự án đã hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng nhiều năm nhưng không nói gì đến sổ đỏ. Do không làm riêng lẻ từng trường hợp với các dự án chung cư, việc cấp sổ đỏ của từng tòa nhà thường thông qua chủ đầu tư. Tại các cuộc họp, người dân cho biết họ được gợi ý nộp 8 triệu đồng để làm phí “bôi trơn” khi cấp sổ đỏ…
“Đến giờ thì chưa có người dân nào đến gặp tôi. Hàng ngày tôi vẫn nhận được rất nhiều loại đơn. Điều đó có nghĩa là không có bất kỳ một kênh nào ngăn chặn thông tin đến tôi cả”. Bí thư Thành ủy Hà Nội, trả lời báo chí như vậy về chuyện phí “bôi trơn” sổ đỏ.
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 có tất cả 48 điều. Việc thực hiện Điều lệ này, tuân theo hướng dẫn của Quy định 45-QĐ/TW và Quyết định 46-QĐ/TW. Cả 3 văn bản đó đều không có điều khoản nào quy định Bí thư Thành ủy Hà Nội “làm thay” những công việc thuộc chức trách của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, và những cơ quan pháp luật liên quan.
“Tiếm quyền” được định nghĩa: động từ, giành mất quyền, lấn áp quyền. Với phát ngôn nói trên, có thể thấy Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiếm quyền Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Nhà nước yếu kém nên Đảng phải làm thay?

Tại hội thảo về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị do Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, một số đại biểu đã làm rõ điểm nghẽn đầu tiên cần tháo gỡ trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là việc chưa cụ thể hóa được cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Việc Đảng quyết định quá nhiều vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước và hoạt động của đoàn thể chính trị – xã hội dẫn đến tình trạng Đảng bao biện, làm thay. Nói như PGS.TS Trần Thành (Viện Triết học), vấn đề Đảng bao biện, làm thay là câu chuyện phức tạp và đầy nhạy cảm vốn đã được đặt ra từ Đại hội Đảng 6 và lại tiếp tục được nhắc đến tại Đại hội 11.
“Vì sao đặt ra mãi mà vẫn không giải quyết được? Tôi nghĩ rằng không phải do Nhà nước yếu kém nên Đảng phải làm thay. Phải chăng nếu Đảng không bao biện, làm thay thì sẽ không đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước?”, ông Thành nêu vấn đề.
PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn (giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học, thuộc Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo đất nước chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Mà mọi hoạt động của Nhà nước (từ cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp) đều tuân theo pháp luật.
Hoạt động của Nhà nước có hiệu quả hay không là thước đo năng lực cầm quyền của Đảng. Chính vì vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không nhằm hạ thấp vai trò mà là để cho hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước mạnh lên. “Nếu không hiểu đúng, không làm được điều này thì chắc chắn sẽ còn hiện tượng chồng lấn quyền lực giữa Đảng và Nhà nước”, ông Tuấn nhận định.
Ông cũng chỉ ra, dù nghị quyết của cấp ủy có đúng đắn đến đâu thì vẫn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hóa bằng việc ban hành các văn bản pháp quy để tổ chức thực hiện. Vì vậy, ngoài công việc liên quan đến xây dựng nội bộ, Đảng nên tập trung trí tuệ vào việc đề ra chủ trương đúng đắn, khả thi thể hiện khát vọng và lợi ích của đa số nhân dân.
Ông Tuấn khẳng định, nếu dừng lại ở phạm vi công việc nói trên, và chú trọng kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đảng cũng như thực hiện pháp luật nghĩa là đã xác định đúng được “sân” của Đảng.
Như vậy, trong chỉ đạo, điều hành, cấp ủy không thể dùng công văn, thông báo ý kiến kết luận, ý kiến chỉ đạo – mà thực chất là các quyết định để cho cơ quan nhà nước làm căn cứ triển khai. “Điều đáng nói là trong những trường hợp như vậy, nếu có sai sót khuyết điểm thì không biết quy trách nhiệm cho ai. Trong một số trường hợp đã có biểu hiện nôn nóng, duy ý chí, sử dụng công cụ quyền lực siêu nhà nước để lấn lướt làm thay cơ quan nhà nước”, ông Tuấn khái quát.
Những chia sẻ này của ông Nguyễn Minh Tuấn là điều mà Bí thư Thành ủy Hà Nội cần lắng nghe và… học hỏi.
Nếu Bí thư sai, cũng khó xử…
PGS.TS Nguyễn Hữu Đổng, (Viện Chính trị học) nhìn nhận hiện nay nước ta chưa có luật về hội, luật về đảng chính trị, mà cụ thể là Luật Hoạt động của Đảng.
“Chính vì vậy, thực tế đã có không ít hiện tượng sai phạm trong hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên, nhưng không được xử lý theo pháp luật, chẳng hạn như: sự can thiệp trái với thẩm quyền của các cấp ủy đảng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước; việc các tổ chức đảng sử dụng các cơ sở vật chất, nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước… nhưng không phải chịu sự chế tài của luật pháp”.
“Trong khi đó, luật về hội, luật về đảng chính trị là yêu cầu cần thiết đối với các mô hình đảng cầm quyền trên thế giới. Cũng như Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, Luật Hoạt động của Đảng đều phải được thể chế hóa từ cương lĩnh, đường lối của Đảng”.
“Do vậy, khi xây dựng cương lĩnh, đường lối của Đảng cũng như Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước nhất thiết cần phải có sự đóng góp, lấy ý kiến của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chỉ khi đó, Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới thực sự trở thành các văn bản pháp lý cao nhất, có quyền lực tối thượng trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đổng đã có bài phát biểu như vậy. Những nội dung này là cần thiết đặt lên bàn không chỉ của Bí thư Thành ủy Hà Nội, mà còn cần được sự cầu thị đúng mức từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, khi mà công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới của Đảng đang vào giai đoạn nước rút.

Tin bài liên quan:

Từ việc xử lý quan chức tham nhũng ở VN: “Nhà tù sẽ phóng thích trộm cướp”?

Phan Thanh Hung

Sinh viên Việt Nam: Đã có “Đảng và Nhà nước lo”

Phan Thanh Hung

Tuyến buýt nhanh BRT nghìn tỉ hiện đại nhất Thủ đô: Chậm tiến độ, lãng phí

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.