Bộ trưởng Bộ GDĐT có biết hiệu trưởng hiện nay là những “ông vua con”?

Bộ trưởng Bộ GDĐT có biết rằng, nhiều hiệu trưởng, giám đốc, trưởng Phòng GDĐT hiện nay, là những “ông vua con”? Tình trạng “thư tay, vỗ vai, điện thoại” can thiệp vào công việc tuyển dụng không là cá biệt? Và “quyền sinh quyền sát” trong các trường tư thục, đương nhiên thuộc về người làm chủ?

Cô H. khóc kể lại việc bị bà giám đốc xúc phạm, hắt nước vào người. Ảnh: Trần Tuấn
Cám cảnh “thân phận” giáo viên hợp đồng
Cô H. là giáo viên trường Mầm non Hoa Sen đã nhiều năm nay. Cô được đồng nghiệp đánh giá là có năng lực, phụ huynh tin yêu, nên lớp cô đông cháu, và mức lương cũng khá hơn so với đồng nghiệp. Gọi là “khá”, nhưng mức cao nhất cũng chỉ hơn 4 triệu đồng, mùa hè chỉ hơn 3 triệu đồng.
Thế rồi chỉ vì một lý do “nói xấu” lãnh đạo mà bà giám đốc Giám đốc Cty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh đã đe dọa cô H: Tôi cho cô cái bát giữa mặt bây giờ, và thẳng thừng: “Cô kiện đi. Cô cảm thấy một người lãnh đạo của cô không sống được thì cô đi. Nếu cô không chịu nổi tôi thì cô đi”. Cô H. còn bị bà giám đốc hắt cả cốc nước vào người.
Trường Mầm non Hoa Sen là trường tư thục cũng giống như bao trường mầm non tư thục khác việc tuyển GV, ký hợp đồng lao động “vào –ra” thuộc quyền của người làm chủ.
Từ sự việc nói trên đã hé lộ thân phận “thấp cổ bé họng” của GV hợp đồng. Và đây cũng là một dự báo, cho “thân phận” của hàng triệu GV, sau khi “xóa bỏ viên chức”, chuyển sang hợp đồng lao động.
Tình cảnh của cô H. không phải cá biệt, mà đại diện cho những GV thuộc dạng “hợp đồng trường”, “hợp đồng huyện” trong các trường phổ thông hiện nay.
Tại Hà Tĩnh, Thanh Hóa… vừa qua đã có hàng trăm GV “hợp đồng lao động” bị sa thải sau “một nốt nhạc”, với lý do đã quá dư thừa, và để tuyển dụng viên chức mới.
Hiệu trưởng có “quyền sinh, quyền sát”
Câu chuyện của cô H. là một sự cảnh báo sâu sắc. Không ai phủ nhận nếu có cơ chế cạnh tranh thì buộc mỗi GV phải phấn đấu để nâng cao chất lượng chuyên môn. Tuy nhiên, một khi chưa làm “sạch” được môi trường giáo dục, xỏa bỏ tận gốc nạn lạm quyền, tiêu cực, mất công bằng, hình thức, thì việc áp dụng cơ chế tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng linh hoạt không những không có tác dụng mà còn gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.
Không chỉ bài toán thu nhập GV, mà yêu cầu kiểm định chất lượng nhà giáo, kiểm định chất lượng giáo dục cũng đang hết sức nan giải đối với ngành giáo dục. Nếu không có thước đo đánh giá năng lực nhà giáo và chất lượng giáo dục một cách chính xác, thì không thể có cạnh tranh lành mạnh.
Một khi trao quyền tuyển dụng, chấm dứt hợp đồng linh hoạt cho cán bộ quản lý giáo dục hay cơ quan quản lý nhà nước, mà không có chế tài xử lý triệt tiêu tiêu cực, lạm quyền của đội ngũ này; cũng như cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người lao động, thì việc vội vàng áp dụng cơ chế mới sẽ làm tiêu cực gia tăng chóng mặt.
Bộ trưởng Bộ GDĐT có biết rằng, nhiều hiệu trưởng, giám đốc, trưởng Phòng GDĐT hiện nay, là những “ông vua con”? Tình trạng “thư tay, vỗ vai, điện thoại” can thiệp vào công việc tuyển dụng là không cá biệt? Và “quyền sinh quyền sát” trong các trường tư thục, đương nhiên thuộc về người làm chủ?
Giống như tiêm một liều thuốc có thể chữa bệnh, nhưng nếu cơ địa bệnh nhân không phù hợp, sẽ xảy ra tai biến.

Cải cách giáo dục, trước hết phải từ cơ quan quản lý giáo dục. Hệ thống quản lý giáo dục hoàn thiện, tiên tiến, thì mới có bộ máy (trong đó có GV) có chất lượng đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà có nhiều ý kiến đồng thuận với đề xuất cần bắt đầu thí điểm bỏ biên chế, công chức từ Bộ GDĐT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT có đảm bảo trong cơ quan Bộ GDĐT không có tình trạng công chức, viên chức “cắp ô”, ỷ lại vào biên chế, thiếu phấn đấu và làm việc kém hiệu quả?

Bộ trưởng có tiên phong thực hiện ý tưởng, bằng cách “ký hợp đồng” với Chính phủ. Nếu Bộ trưởng không hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong hợp đồng, thì thực hiện “văn hóa từ chức”? – Đó là những ý kiến của nhiều thầy cô giáo, những người tâm huyết với ngành giáo dục.


Theo Lao Động

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)