Mạch Sống, ngày 22 tháng 3, 2017
Theo thông tin của BPSOS, tổ chức này đã hoàn tất 6 hồ sơ với danh sách tổng cộng gồm 167 giới chức và viên chức chính quyền Việt Nam, và 1 chủ nhân tập đoàn doanh nghiệp, để vận động chính quyền Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu.
“Đây là 6 hồ sơ ưu tiên mà chúng tôi sẽ sử dụng cho các đợt vận động từ giờ đến cuối năm,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Chúng tôi chọn những hồ sơ mà chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hoặc các định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã xác minh và do đó tính khả tín không là vấn đề.”
Theo Ông, BPSOS đã chắt lọc thông tin từ trên 100 hồ sơ do tổ chức này nộp cho Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong hơn 3 năm qua. Ông cũng cho biết là cả 6 hồ sơ này đã được chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 17 tháng 3 vừa qua.
Trong danh sách 168 nhân vật, có 5 giới chức thuộc chính quyền trung ương và 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh. Số còn lại gồm các viên chức thừa hành cấp tỉnh hay lãnh đạo cấp địa phương. Ngoài ra có một người đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp liên quan đến việc chính quyền dùng bạo lực để cưỡng chế đất của một xứ đạo Công Giáo năm 2010.
“Tuần này chúng tôi bắt đầu chuyển số 6 hồ sơ này đến các vị dân biểu và thượng nghị sĩ vốn quan tâm đến tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam,” Ts. Thắng nói.
Theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, danh sách chế tài có thể do một số uỷ ban của Hạ Viên hay Thượng Viện Hoa Kỳ đề nghị với Tổng Thống; hoặc Cục Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động của Bộ Ngoại Giao cũng có thể lập danh sách đề nghị.
Theo Ts. Thắng, nội trong tháng 4 sẽ có một buổi họp báo ở Quốc Hội Hoa Kỳ để mở đầu cuộc vận động việc áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với VIệt Nam và một số quốc gia.
“Dịp này chúng tôi sẽ công bố danh sách đợt đầu và sẽ có nhiều đợt công bố tiếp theo,” Ts. Thắng giải thích. “Cũng sẽ có một số tên tuổi mà chúng tôi không công bố — đó là những người có thể có tài sản ở Hoa Kỳ, vì chúng tôi không muốn họ tẩu tán tài sản trong trường hợp chính quyền Hoa Kỳ quyết định niêm phong số tài sản này.”
Cao điểm của cuộc vận động sẽ là Ngày Vận Động Cho VIệt Nam, sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6. Hàng năm, từ 500 đến trên 800 người Mỹ gốc Việt từ trên 30 tiểu bang đổ về Quốc Hội Hoa Kỳ để cùng nhau vận động các vị dân biểu và thượng nghị sĩ của mình về các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Cuộc vận động hàng năm này, do BPSOS tổ chức từ năm 2012, đã góp phần đáng kể cho việc thông qua Luật Magnitsky Toàn Cầu vào cuối năm ngoái.
“Sau cuộc tổng vận động này của người Mỹ gốc Việt, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động chung với các tổ chức nhân quyền lớn của Hoa Kỳ cho đến cuối năm,” Ts. Thắng cho biết.
Ngoài ra, Ông cho biết là hôm qua, 21 tháng 3, Ông đã họp với nhóm người đang vận động cho Luật Magnitsky Toàn Cầu ở Canada. Tại buổi họp này, xảy ra ở Washington DC, Ông bàn thảo với các người phối hợp của cộng đồng Bắc Âu và Trung Hoa ở Canada về kế hoạch thúc đẩy cho luật này được thông qua trong những tuần sắp đến.
“Chúng tôi bàn về việc tổ chức một cuộc họp báo ở Quốc Hội Canada vào đầu tháng 4, và cũng bàn đến việc chia sẻ hồ sơ thủ phạm để sử dụng chung ở cả 2 quốc gia”, Ts. Thắng nói.
Một dự luật tương tự có thể sẽ được Quốc Hội Anh Quốc thông qua cuối tháng 3 này.
——————
Bài liên quan:
Vận động chế tài giới chức chính quyền Việt Nam: đã bắt đầu
Áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu lên Việt Nam: Cập nhật về tiến trình lập hồ sơ