BPSOS – Thêm một tù nhân lương tâm tôn giáo ra khỏi tù: Bà Đỗ Thị Hồng, tín đồ Ân Đàn Đại Đạo

BPSOS – Thêm một tù nhân lương tâm tôn giáo ra khỏi tù: Bà Đỗ Thị Hồng, tín đồ Ân Đàn Đại Đạo

Trong 2 tháng, 3 tù nhân lương tâm tôn giáo được trả tự do

 

BPSOS, ngày 21 tháng 11, 2020

 

Ngày 13 tháng 11 vừa qua, Bà Đỗ Thị Hồng (63 tuổi) được trả tự do 4 năm 3 tháng trước ngày mãn hạn tù. Một tín đồ của Giáo Phái Phật Giáo Ân Đàn Đại Đạo, bà bị bắt ngày 14 tháng 2, 2012 với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền” và bị tuyên án 13 năm tù và 5 năm quản chế. Chúng tôi hoan hỉ đón nhận tin này, nhất là khi tình trạng sức khoẻ của Bà Hồng đang xuống dốc.

Đây là trường hợp tù nhân lương tâm tôn giáo thứ 3 được trả tự do trong vòng 2 tháng. Trước đó, ngày 18 tháng 9, Mục Sư A Đảo thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên được trả tự do sớm 11 tháng. Ngày 8 tháng 10, Ông Phan Thanh Tường, cũng là tín đồ Ân Đàn Đại Đạo được trả tự do sớm 18 tháng.

Bà Đỗ Thị Hồng và Mục Sư A Đảo có tên trong danh sách năm 2020 gồm 8 hồ sơ tù nhân lương tâm mà BPSOS dùng làm mũi nhọn cho cuộc vận động đòi tự do cho tất cả tù nhân lương tâm Việt Nam. Các hồ sơ còn lại bao gồm: Nguyễn Bắc Truyển, 2 bố con Bùi Văn Trung và Bùi Văn Thâm, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Phan Văn Thu, Hoàng Đức Bình và Đoàn Thị Hồng. Xem: https://dvov.org/…/uploads/2020/03/Vietnamese-PoCs-02-13-20…

Danh sách ngắn các hồ sơ trọng tâm này được chọn lọc từ danh sách gồm trên 150 tù nhân lương tâm, không kể những người đang bị tạm giam, mà BPSOS thu thập.

Kế hoạch dài lâu

Cuối năm 2012, BPSOS đề xuất “Chương trình Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam”.

Cách làm của chúng tôi là chọn ra một số hồ sơ tiêu biểu và đa dạng về tôn giáo, giới tính, sắc tộc, loại tội cáo buộc… để làm tâm điểm cho quốc tế vận. Chẳng hạn, hồ sơ của Bà Đỗ Thị Hồng vừa tiêu biểu cho số 20 tín đồ Ân Đàn Đại Đạo còn ở trong tù và cũng tiêu biểu cho các nữ tù nhân lương tâm.

Đối với mỗi hồ sơ trong danh sách ngắn, chúng tôi huy động sự yểm trợ ngày càng rộng và sâu của các tổ chức quốc tế, các định chế nhân quyền LHQ, và các chính quyền. Như thế, bỏ tù những người hoạt động tôn giáo và những người bất đồng chính kiến trở thành vạch áo cho người xem lưng đối với quốc tế. Qua mỗi hồ sơ chúng tôi lại hình thành một liên minh cơ hội ngày càng lan rộng để tranh đấu đòi tự do cho tù nhân lương tâm ấy, đồng thời cải thiện tình trạng nhân quyền nói chung.

Một minh hoạ

Giáo phái Ân Đàn Đại Đạo là một minh hoạ cho cách này. Tháng 9 năm 2015, chúng tôi sắp xếp để Cô Bùi Thị Diện đại diện Ân Đàn Đại Đạo trao tay hồ sơ cho Ts. Heiner Bielefeldt, Báo Cáo Viên Đặc Biệt của LHQ về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin, tại hội nghị do BPSOS đồng tổ chức ở Thái Lan.

Tổ chức VETO! ở Đức đã đồng hành với nhóm Ân Đàn Đại Đạo từ ngày đầu.

Đầu năm nay, Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế đã đưa toàn bộ tên tuổi của các tín đồ Ân Đàn Đại Đạo bị án tù vào danh sách tù nhân lương tâm tôn giáo ở Việt Nam: https://www.uscirf.gov/victims-list/.

Liền sau đó, Uỷ Hội Luật Gia Quốc Tế (ICJ), đồng tổ chức hội nghị ở Thái Lan kể trên, phát động chiến dịch vận động trả tự do cho toàn bộ 21 tín đồ Ân Đàn Đại Đạo bị tù (https://www.icj.org/vietnam-icj-urges-authorities-to-provi…/).

Tổ chức Jubilee Campaign, gồm các luật sư Thiên Chúa Giáo, nêu trường hợp của Bà Đỗ Thị Hồng như một chứng cứ của sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam: http://jubileecampaign.org/do-thi-hong/.

Sắp tới đây, một tổ chức bảo vệ tự do tôn giáo ở Anh quốc cũng sẽ nhập cuộc.

Để tiện công việc quốc tế vận, chúng tôi thường xuyên cập nhật bộ hồ sơ về Ân Đàn Đại Đạo, được biên soạn trong tiếng Anh từ năm 2015, làm căn cứ cho các tổ chức quốc tế sử dụng: https://dvov.org/…/An-Dan-Dai-Dao-Case-Summary-Updated-24-F…

Năm 2018, chúng tôi hỗ trợ cho các tín dồ Ân Đàn Đại Đạo ở Hoa Kỳ mở một mỗi nhọn pháp lý ở Hoa Kỳ. Khi chính quyền Tỉnh Phú Yên giàn dựng lời cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền”, mục đích của họ là vừa triệt hạ một giáo phái có nhiều chục nghìn tín đồ vừa chiếm đoạt tài sản là khu du lịch tâm linh “Đá Bia”.

Trong số vốn lên đến 1.3 triệu Mỹ kim của các tín đồ đóng góp, 20% là tiền đầu tư của 4 tín đồ đã là công dân Mỹ. Các tín đồ này không hề bị cáo buộc tội tình gì nhưng vốn đầu tư của họ đã bị nhà nước ngang nhiên tịch thu. Chính quyền Tỉnh Phú Yên đang định chuyển tài sản này cho công ty quốc doanh Vinaconex. Qua sự vận động của BPSOS, một văn phòng luật sư Hoa Kỳ đã sẵn sàng kiện Vinaconex ra toà ở Mỹ nếu họ tiếp thu khu du lịch tâm linh Đá Bia.

Ngày 7 tháng 8 vừa qua, Cô Bùi Thị Diện đã trình bày hồ sơ Ân Đàn Đại Đạo tại buổi hội luận trực tuyến về tù nhân lương tâm, với sự tham dự của 2 dân biểu Hoa Kỳ, một uỷ viên của Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, và vị Giám Đốc Điều Hành của Jubilee Campaign, văn phòng Hoa Kỳ.

Song song, BPSOS đang soạn hồ sơ đề nghị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với một số giới chức và cựu giới chức của Tỉnh Phú Yên. Hồ sơ sẽ được nộp trước cuối năm nay trong một nỗ lực chung của trên 30 tổ chức nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế.

Chúng tôi tiếp tục tìm thêm cơ hội để mở ra nhiều mũi nhọn khác nữa quanh hồ sơ Ân Đàn Đại Đạo.

Tốt nhất là đừng để bị đi tù

Dù thế nào đi nữa, để bị đi tù là điều phải tuyệt đối tránh. Để giảm thiểu rủi ro trở thành tù nhân lương tâm, cần tuân thủ 3 nguyên tắc dưới đây.

Thứ nhất, tránh hoạt động theo tính cách cá nhân, kiểu “ngôi sao”. Các chiếc đũa lẻ đều dễ bẻ gãy. BPSOS chỉ ưu tiên đầu tư cho các cộng đồng, các nhóm, giúp họ tăng quy củ trong hoạt động để trở thành một bó đũa bện chặt với nhau. Nếu triệt hạ một người, thì công việc vẫn chạy và có khi còn tăng lực, tăng tốc; việc bắt bớ trở thành vô tích sự, mà chỉ mời chào sự lên án của quốc tế. Lợi bất cập hại.

Thứ hai, phải liên kết chặt chẽ với quốc tế. Nhà nước Việt Nam chưa sợ dân nhưng ngại quốc tế vì đang cầu cạnh nhiều lợi ích từ họ: viện trợ, mậu dịch, đầu tư, quốc phòng…

Khi một nhóm người liên kết chặt với quốc tế thì chế độ càng phải cân nhắc để tránh “bứt mây động rừng”. Trong 20 năm qua, BPSOS đã tạo thế liên minh quốc tế trong một số lĩnh vực trọng tâm như tự do tôn giáo, chống buôn người, quyền lao động, chống tra tấn, quyền phụ nữ, bảo vệ người tị nạn… Các liên minh sẵn sàng nhập cuộc khi hữu sự, tạo nên hành lang an toàn cho mỗi lĩnh vực.

Thứ ba, không tạo cớ cho chế độ dựng tội, bằng cách:

(1) Tuyệt đối không dính dấp đến các tổ chức hay đảng chính trị vì dễ bị kết tội hoạt động lật đổ chính quyền.

(2) Luôn luôn chính danh và chính đáng trong việc làm và lời nói. Chẳng hạn, mọi thông tin mà chúng tôi chuyển tải không có gì phải giấu giếm hay giữ bí mật, gồm có các nội dung liên quan đến luật Việt Nam, đến các công ước LHQ mà Việt Nam đã ký kết, và đến các báo cáo vi phạm mà nhà nước Việt Nam rồi sẽ nhận được từ LHQ.

(3) Tuyệt đối không khiêu khích để mời chào sự đàn áp, tù đày.

Kết luận

Bỏ tù những người không tuân phục chế độ là biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng của các “đối tượng” này lên xã hội. Chương trình Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam tạo tác dụng ngược: biến mỗi hồ sơ tù nhân lương tâm thành cơ hội để huy động quốc tế quan tâm và nhập cuộc.

Tuy có 3 tù nhân lương tâm tôn giáo mới đây được trả tử do, con số tù nhân lương tâm vẫn còn nhiều, và con số tiếp tục tăng. Chúng tôi mong người ở trong nước giảm rủi ro bị bắt bớ. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở trong và ngoài nước cần có chương trình hành động dài lâu để biến mỗi hồ sơ tù nhân lương tâm thành một cơ hội quốc tế vận. lợi bất cập hại cho chế độ.

Muốn biết thêm về Chương Trình Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, xin tham khảo: https://dvov.org/adopt-a-prisoner-of-conscience-in-vietnam…/

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)