Pháp luật TP.HCM
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau thừa nhận đã cho công ty tặng hai xe Lexus ứng 25 tỉ đồng ngân sách vượt quy định.
Chiều 22/2, ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau, thừa nhận việc cho Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý (công ty) ứng 25 tỉ đồng để bảo trì, bảo dưỡng Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau là sai quy định.
Theo ông Khởi, tháng 3.2016, công ty có tờ trình xin chuyển giao lại Nhà máy xử lý rác TP Cà Mau (nhà máy) cho Nhà nước quản lý, sử dụng. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì cùng các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, xem xét.
Lấy lý do Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau xuống cấp, công ty Công Lý xin ứng tiền và Cà Mau duyệt chi vượt quy định.
|
Đến đầu tháng 4/2016, Cà Mau có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến việc nhận lại nhà máy để giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau và Bộ có thông báo ủng hộ chủ trương trên.
Tuy nhiên, khi trình phương án thì Tỉnh ủy Cà Mau không chấp thuận vì chưa có đơn vị nào đủ điều kiện tiếp nhận nhà máy.
“Sau đó công ty có tờ trình xin ứng 30 tỉ đồng với lý do nhà máy đang gặp khó khăn về tài chính trong khi máy móc, thiết bị nhà máy xuống cấp nghiêm trọng. Công ty cho biết nếu không được tạm ứng tiền sẽ đóng cửa nhà máy duy nhất xử lý rác thải của tỉnh Cà Mau…” – ông Khởi nói.
Theo ông Khởi, trước tình thế đó, chủ tịch tỉnh chỉ đạo hỏa tốc các sở, ngành đến nhà máy kiểm tra tình hình thực tế và các sở, ngành thống nhất đề xuất cho ứng 30 tỉ đồng ngân sách nhưng tỉnh giải quyết cho ứng 25 tỉ đồng vì ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.
Ông Khởi đồng ý là việc chi tạm ứng ngân sách trường hợp trên phải căn cứ theo thông tư của Bộ Tài chính (Thông tư 161/2012/TT-BTC). Nếu chiếu theo quy định này thì việc đề xuất, đồng ý cho công ty ứng số tiền trên là vượt quy định (Sở Tài chính đề nghị cho tạm ứng vượt 9 tỉ đồng; thực tế UBND tỉnh giải quyết cho ứng vượt 4 tỉ đồng).
Theo ông Khởi, việc đề xuất cho ứng như trên vì “Tình thế cấp bách, nếu không giải quyết, có nguy cơ nhà máy đóng cửa, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân”.
Ông thừa nhận là trong sự việc này các sở, ngành đều lúng túng vì chưa có tiền lệ. Đại diện các sở, ngành khi đến nhà máy đều lắc đầu vì không biết nhà máy có thật sự xuống cấp vì không có chức năng, phương tiện để kiểm tra. Tại biên bản kiểm tra thể hiện các sở, ngành nhìn thấy nhà máy hoạt động bình thường nhưng chủ nhà máy báo cáo là xuống cấp nghiêm trọng.
Theo vị lãnh đạo Sở Tài chính, căn cứ cuối cùng để kết luận nhà máy đang xuống cấp nghiêm trọng là báo cáo từ ban giám đốc nhà máy và các bản hợp đồng đặt mua thiết bị với các đối tác nước ngoài.
Bản hợp đồng với đối tác của nhà máy lập ngày 3.10.2016, còn tờ trình xin ứng tiền của nhà máy có sau đó hai ngày. Trước đó, tháng 3.2016, công ty tặng tỉnh Cà Mau hai xe Lexus (có giá xuất hóa đơn là hơn 6 tỉ đồng). Sau món quà này, công ty có dấu hiệu nhận được nhiều ưu ái trong việc thực hiện các dự án, ứng tiền ngân sách, khai thác cát… Đến giờ thì Cà Mau thừa nhận cho ứng tiền ngân sách vượt quy định như trên.
(Theo PL TPHCM)