Tập đoàn Vingroup đã chính thức gia nhập lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu VinEco có số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. VinEco sẽ triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó, tập trung bước đầu vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường, theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã chọn nông nghiệp là hướng đi mới được tập đoàn này triển khai mạnh mẽ trong gần 3 năm trở lại đây. Từ đơn thuần doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, xuất khẩu sản phẩm gỗ, khoáng sản, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp như triển khai trồng mía, bắp, cỏ để chăn nuôi bò…
Chưa dừng lại ở đó, mới đây, ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là đầu tư vào thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn.
Có thể thấy, với động thái của các Tập đoàn lớn đã thể hiện tiềm năng và tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn được đặt ra, bởi sự xâm nhập của các đại gia Việt liệu có ảnh hưởng đến lợi ích của những người nông dân vốn gắn bó với nghề từ rất sớm? Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS. Võ Tòng Xuân, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lớn đang chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, là một chuyên gia lâu năm trong ngành, ông có đánh giá thế nào trước tình trạng này?
Hoàng Anh Gia Lai trồng cao su, mía đường, trồng bắp rồi nuôi bò, hay Tập đoàn Vingroup đem 2.000 tỷ để thành lập thương hiệu VinEco, tập trung đầu tư vào nông nghiệp bằng một mô hình khép kín, có sự tham gia của khoa học kĩ thuật cao, rồi Hòa Phát cũng đầu tư vào thức ăn chăn nuôi… Ở An Giang cũng có một người, chưa phải đại gia đình đám nhưng anh ta cũng gom đất của người dân khoảng 600 ha để làm nông nghiệp…
Tất cả những ví dụ này đã cho thấy sức hút và tiềm năng rất lớn của ngành nông nghiệp nước nhà nếu được đầu tư, được canh tác, khai thác có bài bản và khoa học. Ở một quốc gia có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên để phát triển nông nghiệp như chúng ta mà ngành nông nghiệp chỉ ở chừng này là không hợp lý.
Có thể thấy, các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì họ nhận thấy đây là lĩnh vực tiềm năng, mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp của mình. Những lợi thế về nguồn vốn, cách quản lý và khoa học kĩ thuật tiên tiến, đã khiến cách doanh nghiệp triển khai kế hoạch với sự tự tin rất lớn.
Tất nhiên chúng ta cũng không nên quá lạc quan về những tuyên bố lợi nhuận của những đại gia này.
Theo ông, sự xâm nhập của các doanh nghiệp lớn vào nông nghiệp liệu có đe dọa đến quyền lợi của người nông dân không?
Tôi cho rằng, các đại gia đầu tư vào nông nghiệp sẽ mang lại hy vọng về sự thay đổi về tình hình nông nghiệp hiện nay. Nông nghiệp được cơ giới hóa ở mức cao, đi vào sản xuất trong quy mô lớn, dây chuyền tiên tiến, mang lại nhiều lợi nhuận.
Nhưng lợi nhuận đầu tiên là ở các doanh nghiệp đầu tư, còn nông dân có lợi hay không thì còn tùy từng mô hình. Nếu doanh nghiệp nào đó đầu tư, thuê đất của người dân, lại thuê người dân làm thuê cho họ thì có thể bà con nông dân có lợi.
Vì anh quản lý tốt, sinh lời nên người nông dân cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn là tự mình làm. Tự người nông dân làm thì bao giờ cũng manh mún, yếu kém trong nguồn vốn và quản lý cũng như kĩ thuật canh tác.
Còn ở một số dự án cơ giới hóa nông nghiệp ở mức cao, làm bằng máy móc là chủ yếu thì người nông dân không tham gia được gì nhiều. Các doanh nghiệp đó lại không bao tiêu, không tìm thị trường cho nông dân, cho nên người nông dân sẽ không được lợi, lợi nhuận tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư là chính.
Tuy nhiên, việc các đại gia đầu tư vào nông nghiệp thì cơ giới hóa được ngành nay và tạo được việc làm cho các lao động, cho các công nhân nông nghiệp. Song, con số này cũng không nhiều lắm, bởi những người này chỉ làm theo kiểu phụ trợ chứ máy móc làm là chủ yếu.
Cũng cần phải nhìn nhận, các đại gia này đầu tư vào nông nghiệp có thể sẽ kéo theo được nhiều doanh nghiệp, đơn vị khác cùng nhảy vào, từ đó có thể mang đến sự chuyển biến mới cho ngành nông nghiệp nước nhà.
Thưa ông, vậy giải pháp nào để người nông dân thu được lợi ích khi các đại gia lấn sân vào nông nghiệp?
theo một liên kết đặc biệt, theo dấu hiệu của thị trường. Doanh nghiệp phải tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm và bao tiêu cho người nông dân. Chứ doanh nghiệp cũng gắn kết với nông dân mà không tìm được khâu tiêu thụ cho nông dân, không mua sản phẩm gì cho nông dân thì nông dân cũng không thu được lợi gì.
Nếu không tổ chức cùng với nông dân thì nông dân bấp bênh đầu ra cho sản phẩm của mình, doanh nghiệp cũng bấp bênh trong khâu nguyên liệu. Các đại gia đầu tư vào nông nghiệp có được sự thuận lợi nhiều mặt, nên liên kết với nông dân để mang đến những lợi ích mà các nông dân sản xuất manh mún không làm được.
Các doanh nghiệp cũng nên ưu tiên sử dụng người địa phương cho các dự án của mình. Thuê người nông dân sản xuất cũng mang lại cho họ một nguồn thu đáng kể. Bên cạnh đó là công tác đào tạo kĩ thuật, nâng cao hiểu biết cho nông dân trong quá trình canh tác, sản xuất, bảo quản sản phẩm.
Mỗi giai đoạn mỗi khác, khi khoa học phát triển, kinh tế có sự hội nhập thì đương nhiên việc canh tác nông nghiệp cũng không thể đơn thuần dùng sức người, kinh nghiệm nữa. Phải được áp dụng cơ giới hóa và kiến thức khoa học kĩ thuật thì mới thu được lợi nhuận.
Bên cạnh đó là việc ban hành các chính sách, quy định có lợi và phù hợp với tình hình mới. Các cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo một vòng tròn khép kín, ổn định và cùng có lợi. Các chính sách phải hài hòa, làm sao cho cả doanh nghiệp và cả người nông dân đều có lợi.
(Mothegioi)