Việt Nam Thời Báo

Cái chết miền Trung: “Biển đã sạch hơn, môi trường không còn ô nhiễm”?

Nguyễn Đức Vinh
nguyentandung.org

(Bạn đọc) – Trong khi vụ việc ô nhiễm nước biển gây chết cá hàng loạt dọc bờ biển các tỉnh miền Trung chưa được cơ quan chức năng kết luận. Thậm chí PV của Đài VTC đã cùng Trung tâm quan trắc Môi trường của Sở TNMT Hà Tĩnh có mặt tại biển Vũng Áng để làm cuộc thử nghiệm thực tế khi cho cá vào nước biển được lấy mẫu ở khu vực biển này. Chỉ sau 2 phút, con cá đã chết. Ấy vậy mà Báo Hà Tĩnh lại cho đăng tải bài viết với khẳng định chắc rằng “môi trường không còn ô nhiễm!”

Dưới đây là nguyên văn bài viết trên Báo Hà Tĩnh:
“Biển đã sạch hơn, môi trường không còn ô nhiễm, cá biển và thủy sản nuôi cũng không còn chết như mấy ngày trước” – đó là khẳng định của nhiều ngư dân phường Kỳ Phương (TX Kỳ Anh). Sau thời gian khá dài không tham gia đánh bắt, những ngày này, ngư dân vùng chịu ảnh hưởng bắt đầu quay lại bám biển, khôi phục sản xuất…
Âu thuyền phường Kỳ Phương vào khoảng 6h30’ sáng, những ngư dân bắt đầu với công việc thường ngày, thu cá lên bờ, phân loại và cân sản lượng thu được sau chuyến ra biển. Đều đặn, ngày lại ngày, từ hôm biển xảy ra biến cố, ông Mai Ngọc Tình (thôn Ba Đồng) vẫn không ngày nào nghỉ biển.
Ông Tình cho biết: “Ngư dân chỉ sống bằng nghề biển, dù sản lượng cá giảm nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải bám biển. Mấy ngày trước, ở vùng đánh bắt, nước biển đục ngầu, nổi từng đám nhiều màu, còn bây giờ, nước biển đã trong hơn, xác cá chết nổi trên mặt nước cũng không còn nhiều nữa”. Cùng tâm tư, gia đình chị Nguyễn Thị Thơ vẫn duy trì công việc của mình.
Ngư dân phường Kỳ Phương đã ra khơi đánh bắt dù sản lượng giảm nhiều so với trước. (Ảnh: Duy Tuấn - VNN)

Ngư dân phường Kỳ Phương đã ra khơi đánh bắt dù sản lượng giảm nhiều so với trước. (Ảnh: Duy Tuấn – VNN)
Chị cho biết: “Đây là mùa sinh sản của cá, để thuyền nằm bờ thì nóng ruột lắm. Mấy ngày nay theo dõi thấy xác cá không còn trôi dạt vào bờ nên chúng tôi cho thuyền ra khơi, tranh thủ vớt vát chút ít. Chỉ có điều, loại cá cho sản lượng lớn gần như không còn trong khi thị trường khó khăn sẽ gây áp lực lớn cho đời sống ngư dân”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì gia đình chị Thơ hay ông Tình mà có rất nhiều bà con ngư dân ven biển huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh sau những ngày “gom lưới gác thuyền” thì nay cũng đã quay lại bám biển, khôi phục sản xuất.
Khảo sát vùng biển kéo dài từ Kỳ Lợi, Kỳ Phương vào tận xã Kỳ Nam, bờ biển đã được vệ sinh khá sạch sẽ, chỉ còn sót lại vài xác cá mắc vào các khe đá ven bờ. Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: “Qua kiểm tra, hiện tượng cá chết hàng loạt không còn nữa. Những xác cá còn kẹt lại trên bờ đã chết cách đây 4-5 ngày. Trên tôm nuôi, chúng tôi đã thực hiện thử nghiệm mẫu tôm sử dụng nước biển trực tiếp thì đến nay tôm vẫn sinh trưởng bình thường. Sơ bộ ban đầu có thể khẳng định, độc tố trong môi trường nước biển đã giảm so với những ngày trước. Chúng tôi vẫn tiếp tục cập nhật thông tin từ ngành chuyên môn để kịp thời có khuyến cáo giúp bà con sớm ổn định, khôi phục sản xuất”.
Thuyền trở về từ biển

Thuyền trở về từ biển
Tại Công ty Grobest Hà Tĩnh, vào ngày 9/4, sau khi lấy nước biển cấp vào 2 hồ nuôi tôm thẻ chân trắng thì ngay hôm sau toàn bộ số tôm trong ao bị chết trắng. Công ty buộc phải đóng cống, nuôi cầm chừng các ao còn lại. Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Grobest Hà Tĩnh cho biết: “Sáng 24/4, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm trên 4 mẫu tôm (loại to và loại nhỏ) vào 2 mẫu nước ao và nước biển (1 nước biển trực tiếp và 1 thùng là nước biển qua xử lý), sau 1 ngày cho thấy, các mẫu vẫn bình thường. Đêm 25/4, chúng tôi tiến hành bơm thử nước biển vào một hồ nuôi để kiểm chứng”.
Chị Nguyễn Thị Thơ (Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh): Đây là mùa sinh sản của cá, để thuyền nằm bờ thì nóng ruột lắm. Mấy ngày nay theo dõi thấy xác cá không còn trôi dạt vào bờ nên chúng tôi cho thuyền ra khơi

Chị Nguyễn Thị Thơ (Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh): Đây là mùa sinh sản của cá, để thuyền nằm bờ thì nóng ruột lắm. Mấy ngày nay theo dõi thấy xác cá không còn trôi dạt vào bờ nên chúng tôi cho thuyền ra khơi
Ở các vùng biển khác, gần như những biến cố trên biển không làm giảm năng suất lao động của ngư dân. Ông Nguyễn Sỹ Huyền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Những ngày qua, ngư dân vẫn bám biển bình thường. Chỉ có điều, thay vì khai thác gần bờ như trước thì tàu thuyền phải ra xa hơn. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay, sản lượng khai thác giảm nhiều, khoảng từ 3-4 lần”.
Còn ông Nguyễn Văn Vịnh – chủ tàu cá ở xóm Xuân Phượng, xã Thạch Kim (Lộc Hà) thì lại khác. Thay vì ra khơi khai thác như mọi hôm, đợt này, ông lại đi lộng. Ông Vịnh vui vẻ: “Đợt này đang mùa mực, mỗi ngày, chúng tôi câu được từ 50-60 kg, giá bán cũng ổn định. Bình thường, tàu tôi có 5 nhân công nhưng đợt này phải tăng lên 8”.
Gạt đi những khó khăn, mất mát, bà con ngư dân các vùng biển đang nỗ lực từng ngày để khôi phục sản xuất, bám biển quê hương. Những khó khăn trước mắt vẫn chưa kết thúc, nhất là tâm lý e dè thực phẩm từ biển đang làm thị trường thủy, hải sản bị ứ đọng.
Nguyễn Oanh – Biện Nhung (Báo Hà Tĩnh)
Tiện đây xin mời 2 tác giả bài viết là Nguyễn Oanh và Biện Nhung đến ăn cá và uống nước mà Đài VTC cùng Trung tâm quan trắc Môi trường của Sở TNMT Hà Tĩnh vừa thử nghiệm. Hãy vì sự an toàn của người dân là trên hết chứ không phải vì cái gì đó mà bẻ cong ngòi bút! 

Bạn đọc Nguyễn Đức Vinh

————————

Cá chết hàng loạt: Chúng ta đừng đánh đổi sức khoẻ của đời này, nhiều đời sau

Infonet

Theo Giáo sư Phạm Gia Khải, chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa. Vụ cá chết ở Hà Tĩnh thực sự nguy hiểm, nếu không tìm rõ nguyên nhân thì thế hệ con cháu sẽ oán trách chúng ta.
Giáo sư Phạm Gia Khải trao đổi với phóng viên Infonet.vn
Dư luận đang hết sức bức xúc về tình trạng cá chết hàng loạt từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế có thể gây ra đại dịch cho sức khoẻ người Việt. Là chuyên gia tim mạch hàng đầu, một người đã có hơn 50 năm gắn với nền y học nước nhà, Giáo sư Phạm Gia Khải – Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, Chủ tịch hội Tim mạch Việt Nam đã có những chia sẻ với báo Infonet.vn.

Thưa Giáo sư, thời gian vừa qua ông có theo dõi về vụ việc cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh không? Quan điểm của ông như thế nào?

Giáo sư Phạm Gia Khải: Tôi có theo dõi và tôi nghĩ đây thực sự là vụ việc lớn, không chỉ là đơn thuần vài con cá chết. Tôi đồng ý rằng cái ống dẫn nước đạt chuẩn, tuy nhiên tôi nghĩ rằng cái quan trọng là người ta thải ra cái gì?

Các chuyên gia hoá học đã phân tích, nếu đúng là các chất đó thì đây toàn chất độc. Nếu anh dùng chất độc thì anh phải khử đi nhưng đằng này, chúng ta không có ai kiểm nghiệm xem đã khử chưa.

Tôi nghĩ vụ việc này sẽ ảnh hưởng đến hàng chục triệu người Việt Nam về mặt kinh tế. Không chỉ là không có cá để đánh bắt mà cả miền Bắc Trung Bộ cũng không có khách du lịch. Ai dám tắm nước biển nhiễm độc đến con cua cũng chết?
Chúng ta không thể nghèo mà làm giàu bằng mọi cách được. Tôi cho rằng mình không thể biện minh vì nghèo mà phải làm thế được. 
Hiện nay người dân khu vực cá chết rất hoang mang vì họ không dám ăn cá, bán cá không có người mua và thực sự đã có người bị ngộ độc vì ăn cá biển chết. Theo giáo sư đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo về sức khoẻ để người dân không ăn cá chết?
Giáo sư Phạm Gia Khải: Tôi nghĩ chúng ta nên cảnh báo, các cơ quan liên quan nên cảnh báo để người dân không ăn cá, cua, tôm chết ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Có điều lạ, tôi thấy có ông lãnh đạo ở Hà Tĩnh bảo người dân cứ ăn cua, cá đi, không sao đâu. Đây là thiếu trách nhiệm, ông chưa ăn mà lại bảo người dân ăn. Có lẽ, người ta muốn xoa dịu dư luận chăng?

Một sự kiện tương tự như hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam từng xảy ra ở vịnh Minamata, Nhật Bản gây ngộ độc thủy ngân cho các cư dân địa phương và gây ra căn bệnh được gọi là bệnh Minamata sau khi ăn một lượng lớn cá và sò trong vùng biển bị ô nhiễm nặng. Giáo sư có “chẩn đoán” về những nguy cơ sức khoẻ cho người dân ở vùng biển có cá chết và ăn hải sản chết như thế này không?
Giáo sư Phạm Gia Khải: Câu chuyện ở vịnh Minamata xảy ra cách đây hơn 50 năm ở Nhật Bản, tôi nghĩ nếu chúng ta không tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc thì câu chuyện ở nước ta còn nguy hiểm hơn rất nhiều. 

Hiện nay, tôi được biết chúng ta đang cho thuê đất ở Vũng Áng là 70 năm và nếu không tìm rõ nguyên nhân thì con cháu chúng ta không biết sẽ ra sao. Chúng ta sẽ bị chết ngạt bởi chất độc. Những hoá chất đó sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân, nhất là hiện nay tình trạng bệnh tật không lây nhiễm như ung thư, tim mạch rất phức tạp. 
Trước vụ việc tôm cá chết vì nghi án từ nước thải khu Formosa Hà Tĩnh, đại diện của đơn vị này đã cho rằng chúng ta chỉ có thể lựa chọn một là gang thép, hai là tôm cá. Chúng ta nên chọn gì đây thưa giáo sư ?
Giáo sư Phạm Gia Khải: Với cương vị người làm y tế, tôi thấy sức khoẻ của người dân đang bị đe doạ. Tôi nghĩ nhà cầm quyền chúng ta phải làm gì ngay đi, đừng đánh đổi sức khoẻ của đời này và nhiều đời sau.
Tôi thấy người ta vẫn chưa dám kết luận điều gì bởi tất cả mới chỉ là dự đoán. Các chuyên gia hoá học đã vào cuộc phân tích cảnh báo nhưng không thể dồn hết lên họ.
Câu chuyện ở Hà Tĩnh tôi thấy thực sự rất buồn, tôi không thể nào chấp nhận được người ta có thể đánh đổi sức khoẻ hàng triệu con người nhưng rồi vẫn im lặng như thế.
Vâng xin cảm ơn Giáo sư!

Phương Thúy



Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo