Việt Nam Thời Báo

“Cảm ơn” ông giám đốc đối ngoại Formosa

nguyentandung.org

Trong diễn biến liên quan về hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung mà việc truy tìm nguồn hóa chất độc hại đang làm “nóng” dư luận, đốt cháy hầu hết các mặt báo những ngày qua. Trong khi các cơ ban ban ngành vẫn loay hoay tìm lời giải đáp, thì “may mắn” thay ông giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm đã lên tiếng khẳng định, “vì không phải được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”.

    Liên quan đến nghi vấn cá biển miền Trung chết hàng loạt do công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có đường ống xả thải ngầm thẳng ra biển, đại diện FHS đã có câu trả lời chính thức rằng, ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam.

    Hình ảnh Google Earth thời điểm ngày 19/08/2015 ở độ cao >3km dễ dàng nhìn thấy nước thải xả thẳng ra biển từ các kênh lộ thiên (thời điểm đường hầm chưa xây xong).

    Hình ảnh Google Earth thời điểm ngày 19/08/2015 ở độ cao >3km dễ dàng nhìn thấy nước thải xả thẳng ra biển từ các kênh lộ thiên (thời điểm đường hầm chưa xây xong).
    Thông tin mới đây cho biết, FHS từng nhập gần 300 tấn hóa chất cực độc có thể gây chết người để súc ống mà không báo cáo với Bộ TN&MT. Liệu rằng 300 tấn ấy đã được xử lý như thế nào và bao nhiêu đã được đưa ra biển khi mà họ “quên mất” báo cáo như vậy?
    Ngư dân đầu tiên phát hiện đường ống này cho biết, “Vào thời điểm phát hiện, tôi thấy đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có màu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngửi thì cảm thấy rất ngạt thở”.
    Một sự việc gây ra biết bao nhiêu thảm họa: hơn 30 tấn cá chết trắng bờ biển, sinh dòi và bốc mùi hôi thối, ngư dân miền Trung thì điêu đứng, nước mắt mặt chát hơn nước biển, người tiêu dùng thì lo sợ bởi 200 người đã nhập viện vì ngộ độc khi ăn những thực phẩm này. Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh không dám lên tiếng, còn các ban nghành thì “bó tay” làm việc kín, làm việc mở, thí nghiệm đủ kiểu mà vẫn không tìm ra nguyên nhân thật khiến người ta lo sợ, hoang mang tột độ. Cả nước “nín thở” từng giờ để chờ đợi kết quả. Sẽ còn là căng thẳng nếu như không được ông Chu Xuân Phàm dũng cảm thừa nhận rằng phải chọn nhà máy thép hoặc cá tôm.
    Giám đốc đối ngoại Formosa.

    Giám đốc đối ngoại Formosa.
    Cảm ơn ông đã đưa ra một câu trả lời “rất đúng thời điểm” và chuẩn xác thông tin để nhân dân Việt Nam biết được phải lựa chọn giữa cái nhà máy theo ông gọi là hiện đại 10 tỷ USD hay là 300 tấn hóa chất đang từng ngày từng giờ hủy hoại tài nguyên biển và khiến nhân dân Việt Nam phải lao đao, điêu đứng như những ngày qua.
    Cảm ơn ông đã cho chúng tôi biết, khái niệm đạt tiêu chuẩn nước thải là gì? Để người Việt Nam chúng tôi phải hỏi lại Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liệu có sai sót và nhầm lẫn gì chăng? Chứ nếu đạt tiêu chuẩn thì chắc hẳn vùng biển đã không thiệt hại nặng nề như vậy.
    Cảm ơn ông đã cho chúng tôi biết khái niệm nhà máy hiện đại là gì, là việc xả chất thải mà không cần suy nghĩ, là hủy hoại môi trường mà không cần bận tâm chăng? Vậy hóa ra Apple là 1 tập đoàn công nghệ gấp vài trăm lần công ty Formosa của ông và hầu hết các cty, tập đoàn lớn trên thế giới mà trong những chính sách hàng đầu vẫn là bảo vệ môi trường và hạn chế thải, đều phải tuân thủ quy định về môi trường là thiếu hiện đại, thiếu văn minh.
    Cảm ơn ông đã cho chúng tôi biết, con số giật mình mà người Việt Nam chưa bao giờ nghĩ tới khi bắt tay cam kết “hợp tác và cùng nhau phát triển” với các nhà đầu tư như ông. 300 tấn hóa chất nghe có vẻ khủng khiếp, nhưng với dự án 10 tỷ USD, rộng 3300 ha có rất nhiều nhà máy thì không đáng kể cho việc tẩy rửa. Thành lập từ năm 2008, liệu rằng suốt 8 năm trời số lượng hóa chất phục vụ cho công việc tẩy rửa của nhà máy hiện đại của các ông phải nhân lên bao nhiêu lần so với con số 300 tấn kia? Và bao nhiêu tấn đã được các ông “thực hiện theo đúng quy trình xử lý chất thải” để tống ra biển Việt Nam? Hơn nữa, Dự án 10 tỷ USD, rộng 3300 ha, được cho thuê trong vòng 70 năm, mỗi năm Việt Nam chỉ có được tầm 1,3 tỷ từ tiền cho thuê này. Trong khi đó chỉ tính sơ sơ gần đây thiệt hại của việc cá chết hàng loạt đã lên đến 5 tỷ. Một trong những con số đáng báo động!
    Cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ do nước thải ô nhiễm.

    Cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ do nước thải ô nhiễm.
    Cảm ơn ông đã cho chúng tôi giật mình nhìn lại sự việc này với thảm họa Minamata của Nhật, để biết rằng những thiệt hại nặng nề này không chỉ ở hiện tại mà có thể để lại di chứng muôn đời sau. Cho con cháu, hậu duệ của người Việt Nam.
    Cảm ông đã cho chúng tôi hiểu khái niệm biển với các ông chỉ là cá với tôm nhưng với Việt Nam đó là cả một nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn bao gồm hải sản và các nguồn dầu khí, là nguồn sống của hàng nghìn thậm chí hàng triệu ngư dân, là môi trường để phát triển du lịch, là cửa ngõ để thông thương với thế giới, thậm chí nó còn là chủ quyền của quốc gia nữa.
    Việt Nam chúng tôi cần nhà máy sản xuất thép với quy mô lớn để đẩy nhanh nên công nghiệp nước nhà, làm kinh tế để sống chứ không phải để chết dần. Phát triển đất nước là để người dân hạnh phúc, ấm no chứ không phải để người dân khóc ròng trên biển được. Ngoài thiên tai là điều không mong muốn, ngoài ra Việt Nam kiên quyết không để một thế lực nào hủy hoại đi vùng biển của mình. Hãy nhớ Việt Nam không bao giờ “bán biển”.
    Cảm ơn ông đã cho chúng tôi có thêm cơ sở để khẳng định có một âm mưu nào đó bành trướng  trên biển đông. Phải chăng, các ông đang mong mỏi ngư dân không còn bám biển để dễ dàng thao túng vùng biển này bởi ngư dân là chiến sĩ giữ biển, ngư dân bỏ nghề thì mất biển. Với việc tự vẽ ra cái được gọi là đường lưỡi bò ngoài biển đông của Trung Quốc, nay lại tàn phá nội thủy bằng thuốc độc thì khó có thể khiến Việt Nam tin tưởng với cái lời khẳng định “Đài Loan và Trung Quốc không phải là một”.
    Rõ ràng, lời phát ngôn của ông mang hàm ý thách thức lãnh đạo và nhân dân cả nước. Nó không chỉ còn mang tầm ở một nhà máy nữa mà còn là thiệt hại về môi trường dọc hàng nghìn km bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu người dân miền Trung và đặc biệt là kinh tế biển Việt Nam.
    Việt Nam chúng tôi sẽ đáp lại lời thách thức này bằng hành động kiên quyết của những người lãnh đạo vì nước, vì dân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Chúng tôi sẽ chứng minh cho ông thấy người dân Việt Nam không cần cái nhà máy thép hiện đại ấy vẫn sống tốt và phát triển như thế nào. Tin chắc rằng, vị Thứ trưởng cho phép nhà máy của các ông xả nước thải ra biển và vị Phó chủ tịch Tỉnh Hà Tĩnh sẽ có những câu trả lời sớm nhất cho ông về vấn đề này. Cuối cùng vẫn xin cảm ơn ông vì đã đánh thức lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.

    Hạ Băng

    Leave a Comment

    This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

    Việt Nam Thời Báo