Nam Nguyên, RFA
2016-10-19

Thủy điện Hố Hô xả lũ hôm 17/10/2016, góp phần gây lũ lớn tại vùng hạ du Hương Khê, Hà Tĩnh.
Courtesy of DanTri
Giới khoa học và luật gia kêu gọi dừng hoạt động dỡ bỏ nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đây là một công trình nhỏ, nhưng việc vận hành xả lũ trong mùa lũ đã góp phần gây thiệt hại lớn lao cho 11 xã ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh vào trung tuần tháng 10 vừa qua.
Nhiều rủi ro
Giáo sư Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, kêu gọi tiến tới một lộ trình chấm dứt hoạt động của nhà máy thủy điện Hố Hô thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.
Trao đổi với Nam Nguyên vào tối 18/10/2016, Giáo sư Vũ Trọng Hồng nói rằng, trong 10 năm vừa qua Việt Nam đã làm hàng trăm thủy điện nhỏ. Quốc hội đã loại bỏ hơn 400 thủy điện nhỏ trong quy hoạch, nhưng Nhà nước vẫn duyệt một số dự án cho làm trong đó có Hố Hô.
Theo Giáo sư Vũ Trọng Hồng, thủy điện nhỏ đóng góp cho nguồn năng lượng không nhiều, công suất dưới 30MW, trong lúc thủy điện lớn là hàng nghìn MW. Thủy điện nhỏ như Hố Hô là do chính Bộ Công thương đề nghị Nhà nước phê duyệt, cho nên bây giờ phải tìm cách giải quyết một cách thỏa đáng. Từ Hà Nội, Giáo sư Vũ Trọng Hồng tiếp lời:
“Theo tôi, những thủy điện nhỏ này có nhiều rủi ro lắm, dung tích của nó rất nhỏ cho nên lũ về mà đã tích nước rồi thì nó sẽ nguy cấp phải xả nhanh, chứ không thể như thủy điện lớn được.
Nhà nước nên xem xét những thủy điện nhỏ này, xếp nó vào danh mục những công trình có rủi ro lớn và phải lập một lộ trình để dừng không hoạt động nữa.
GS Vũ Trọng Hồng
Thủy điện lớn mùa lũ người ta tích, mùa khô xả, nhưng thủy điện nhỏ tích ngày nào là phải xả luôn. Đó chính là nhược điểm lớn nhất của thủy điện nhỏ.
Vì thế ngay lúc này, theo tôi Nhà nước nên xem xét những thủy điện nhỏ này, xếp nó vào danh mục những công trình có rủi ro lớn và phải lập một lộ trình để thủy điện này người ta dừng không hoạt động nữa…”
Theo thông tin của VietnamNet, tại nhà máy thủy điện Hố Hô sáng ngày 18/10/2016, trong khi thảo luận với tổ điều tra và chủ đầu tư Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng xác định rằng, không có thủy điện Hố Hô cũng không ảnh hưởng ngành điện.
Theo đó Hố Hô là nhà máy rất nhỏ, chỉ 14 MW, không có khả năng cắt lũ, có hay không có thì hệ thống điện Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng. Nhưng nếu Hố Hô vận hành không tốt, ảnh hưởng mấy chục nghìn hộ dân hạ du thì là vấn đề rất lớn.
Tuy vậy theo VnExpress, cùng có mặt tại nhà máy thủy điện Hố Hô sáng 18/10/2016, ông Đỗ Đức Quân Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng Lượng cũng thuộc Bộ Công thương lại bảo vệ việc thủy điện Hố Hô trong vụ xả lũ từ ngày 13/10 vừa qua, góp phần nhấn chìm vùng hạ du bao gồm 11 xã của huyện Hương Khê Hà Tĩnh là chấp nhận được.
Ông Quân cho rằng nếu Hố Hô không mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong trận mưa lớn vừa qua thì có thể xảy ra vỡ đập gây hậu quả khôn lường.
Thủy điện Hố Hô là một sai lầm
Luật sư Ngô Ngọc Trai, thuộc nhóm luật sư vừa kiến nghị Đảng và Nhà nước xem xét xử lý hình sự vụ thủy điện Hố Hô xả lũ gây thảm họa, nói với chúng tôi là cần xem qui trình xả lũ của thủy điện Hố Hô có nội dung như thế nào, do cơ quan thẩm quyền nào phê duyệt. Từ Hà Nội Luật sư Ngô Ngọc Trai tiếp lời:
Phải đình chỉ hoạt động và đập bỏ thủy điện đó đi. Không thể chấp nhận nó gây thiệt hại hai mươi mấy người chết và không biết đã chôn vùi bao nhiêu tài sản của dân như thế được.
LS Ngô Ngọc Trai
“Ta xem là việc xả lũ ở đấy đã đúng hay không đúng với qui trình đó. Nếu như ông giám đốc nhà máy thủy điện nói là đã làm đúng thì tôi cho là phải xem xét lại. Vì nó làm đúng mà nó gây hại như thế thì nếu làm sai thì nó gây hại đến đâu. Tốt nhất là không nên để tồn tại thủy điện đó nữa.
Thế còn các cán bộ người ta đang kiểm tra về thủy điện đấy thì tôi không rõ người ta phát biểu như thế nào, nhưng đại để tôi cho là phải xử lý nghiêm, cần thiết phải đặt ra vấn đề đình chỉ hoạt động và đập bỏ thủy điện đó đi. Không thể chấp nhận nó gây thiệt hại hai mươi mấy người chết và không biết đã chôn vùi bao nhiêu tài sản của dân như thế được.”