Việt Nam Thời Báo

Cạn kiệt cát xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long

Tình trạng cạn kiệt cát xây dựng khiến các công trình trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng lớn…

Đầu năm giá cát san nền 110.000 đồng/m3, cát xây trát 150.000 đồng/m3, cát đổ bê tông 350.000 đồng/m3 nay mỗi m3 tăng lên tương ứng 280.000 – 350.000 đồng và 800.000 đồng.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cát khan hiếm đến độ trở thành vấn đề bức xúc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thiếu nguồn cung, giá cát tăng cao đột biến, nhưng có tiền cũng không thể mua đủ cát nên nhiều công trình giao thông trọng điểm và hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điển hình nhất là dự án giao thông trọng điểm Trung Lương – Mỹ Thuận thiếu nguồn cát trầm trọng, khởi công lần đầu năm 2009, lần hai năm 2015 nhưng đến nay gần như giậm chân tại chỗ.
Chậm tiến độ, đội giá thành
Dự án trúng thầu 9.000 tỷ đồng nay đội giá lên 14.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư phải cầu cứu 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp xin hỗ trợ cung ứng cát san lấp với nhu cầu 6 triệu m3, nếu không dự án sẽ tiếp tục đội giá và khó hoàn thành trước năm 2020 theo tiến độ.
Dự án giao thông tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sõi nối cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu nối liền Cần Thơ – Đồng Tháp được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ tạo nên tuyến cao tốc hàng lang phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long nối Đông Nam Bộ, Tp.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến Kiên Giang, Cà Mau.
Trong khi cầu Vàm Cống đã hoàn thành 90% thì tuyến giao thông của dự án hoạt động cầm chừng và chưa biết bao giờ mới hoàn thành.
Nhà thầu cho biết giá cát tăng 4-5 lần so giá trúng thầu, nhà thầu chịu lỗ mua cát giá cao nhưng vẫn không mua được đủ cát theo nhu cầu nên sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ năm 2018.
Dự án Quốc lộ 60 và dự án nối Quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đến cầu Cổ Chiên (Vĩnh Long) cùng nằm ì vì thiếu cát.
Đơn vị thi công cho biết dự án cần mỗi ngày 700 m3 cát nhưng nhà cung ứng chỉ có thể cung 100 m3 vì không mua được cát. Dự án cần 1,5 triệu m3 cát, đến nay đã đội giá thành lên 100 tỷ đồng vì giá cát tăng chóng mặt.
Giám đốc Sở Xây dựng Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có 208 công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư, tất cả đều chậm tiến độ và đội vốn vì cát. Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang Lâm Quang Thi cũng bức xúc: “Giá cát tăng 200 – 300% và khan hiếm, các công trình đầu tư của Trung ương và địa phương đều chậm tiến độ, đội kinh phí.
Thực trạng trên diễn ra đều khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu năm giá cát san nền 110.000 đồng/m3, cát xây trát 150.000 đồng/m3, cát đổ bê tông 350.000 đồng/m3 nay mỗi m3 tăng lên tương ứng 280.000 – 350.000 đồng và 800.000 đồng.
Tại Tp.HCM và các tỉnh xa nguồn cung cấp cát như Bạc Liêu, Cà Mau,… giá cát còn cao hơn nữa. Dự báo, giá cát sẽ còn tiếp tục tăng nhiệt khi vào các quý cuối năm nhu cầu xây dựng tăng cao.
Nguồn cát thiếu hụt nhưng tại mỏ cát lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long đầu nguồn sông Tiền thuộc địa phận An Giang, Đồng Tháp, dọc hai bên bờ sông hàng chục bãi cát cao như núi của tư nhân mua tại mỏ cát đang khai thác cạnh đó trữ lại để bán giá cao.
Giá cát tại mỏ chỉ là 180.000 đồng/m3, nhưng ra đến bãi trữ cát tăng gấp 2-3 lần.
Nhiều chủ các vựa cát cho biết, cát đang khai thác tại mỏ bán theo giá qui định, nhưng mua được không dễ, có đưa xà lan đến xếp tài cả tháng cũng chưa có.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cảnh báo, nếu không giải quyết được vấn đề thiếu cát và giá cát thì công trình nhà nước đầu tư nào cũng sẽ ách tắc, không chỉ năm nay mà còn nhiều năm tới.
Cầu cứu Chính phủ cho nạo vét cát
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mới đây, nạn thiếu cát trở thành vấn đề bức xúc nóng bỏng được đặt lên bàn nghị sự cho các ngành, địa phương và nhà thầu.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nhận định nguồn cung cát ngày càng khan hiếm, hiện chỉ đáp ứng 20% nhu cầu.
Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép tăng sản lượng khai thác cát để đáp ứng nhu cầu dự án Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần cung cấp thông tin chính thức, số liệu thực tế của các mỏ cát hiện nay để các dự án khai thác cát có giải pháp phù hợp.
Ông Sơn Minh Thắng, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ và các địa phương phải san sẻ cát cho nhau.
Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang khẳng định, thực tế nguồn cát không thiếu, sông Mekong qua địa phận An Giang, Đồng Tháp để lại những mỏ cát trữ lượng rất lớn. Nguyên nhân thiếu cát là các địa phương phải thực hiện chủ trương tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát nên thời gian gần đây ngừng cấp phép khai thác các mỏ cát mới, kể cả dự án nạo vét luồng lạch.
Tuy nghiên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Biến đổi khí hậu trường Đại học Cần Thơ cho biết, việc khai thác cát quá mức đã tạo ra những hố sâu, là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi năm sạt lở cuốn trôi của Đồng bằng sông Cửu Long hơn 500 ha đất, đẩy hàng trăm hộ vào cảnh mất nhà, mất đất sản xuất. Sắp tới khi 11 con đập thủy điện ngăn sông Mekong ở thượng nguồn hoàn thành thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn phù sa, cát sỏi đổ về. 
Nếu tiếp tục cho khai thác cát ở mỏ cát mới, gia tăng sản lượng mỏ cũ thì hậu quả khôn lường, 1/3 diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ sẽ biến mất trước năm 2050. Thiếu cát có thể mua cát từ Campuchia vì nước này từ lâu đã khai thác cát trên các nhánh sông.
Hiện có rất nhiều vật liệu hoặc chất thải rắn có thể thay thế cát trong xây dựng, cầu đường. Trong đó chất thải như bùn, tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện và nhà máy đóng tàu, phế phẩm từ các mỏ khai thác quặng… là nguồn vật liệu thay thế cát lý tưởng, trữ lượng lớn. Nguồn chất thải này các nhà máy không biết xử lý ra sao đang là mối đe doạ cho môi trường. 

Theo Vneconomy

Tin bài liên quan:

Nông nghiệp lần đầu tiên tăng trưởng âm: Nông dân đang “kiệt sức”

Phan Thanh Hung

Thu phí BOT đường thủy: Mỗi cân gạo gánh chục ngàn phí đường

Phan Thanh Hung

Cá tra ở đáy khủng hoảng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.