Tuổi trẻ
TTO – Người dân ở một số tỉnh phía Bắc điêu đứng bởi “cát tặc” hoành hành trong khi cơ quan chức năng địa phương gần như bất lực trước vấn nạn này.
Từ chiều đến đêm 16-3 vẫn có hàng chục tàu hút, chở cát hoạt động trên sông Lô thuộc địa phận xã Tử Đà (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) – Ảnh: QUANG THẾ |
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ cho thấy trên các sông như sông Hồng, sông Đà, sông Lô… đều có các tàu hút cát trái phép hoạt động liên tục, gây ra những tai họa khôn lường cho người dân…
Sống không yên
Nhiều tháng trở lại đây, người dân sinh sống dọc tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện Vũ Thư, Hưng Hà của tỉnh Thái Bình phải đau xót chứng kiến hàng nghìn mét vuông “bờ xôi ruộng mật” ở ven sông “bốc hơi”, đồng thời luôn phải sống trong tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” bởi tiếng ồn ầm ĩ từ các tàu hút cát.
Ngày 17-3, tại khu vực các xã Độc Lập, Minh Tân, thị trấn Hưng Nhân của huyện Hưng Hà, dù mưa tương đối lớn nhưng vẫn có đến hàng chục tàu hút cát cắm vòi dọc trên tuyến sông dài chỉ vài kilômet.
Tiếp cận khu cánh đồng bãi bên ngoài tuyến đê sông Hồng chạy dài khoảng 1,7km qua địa bàn xã Minh Tân, có tới hơn chục chiếc tàu hút cát đang thản nhiên hoạt động giữa ban ngày.
Ông Hứa Văn Lý – công an viên của xã Minh Tân – nói do có mưa nên mới ít hẳn đi, ngày thường có đến 30 – 35 tàu với sức chứa hàng trăm mét khối cát.
Chỉ hõm đất bồi dựng đứng mấy mét, ông Lý cho biết khoảng 2 năm trước vẫn còn bờ thoai thoải, người bên này sông với bên kia sông nói chuyện nghe rõ, giờ lòng sông bị sạt lở rộng đến hàng trăm mét.
Việc khai thác cát tràn lan khiến toàn bộ bãi sông (dài hơn 1km) sạt lở nghiêm trọng, có đoạn sạt lở 5 – 10m, nhiều đoạn lở sâu vào 20 – 25m nên nhiều thửa đất của bà con biến mất trong thời gian ngắn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó chủ tịch UBND xã Minh Tân, tàu “cát tặc” hoạt động mạnh trong khoảng 4 tháng trở lại đây khiến hệ thống đê kè chắn lũ và ruộng của người dân bị thiệt hại nặng.
Để chống “cát tặc”, chính quyền xã phải huy động bà con nhân dân trong địa phương túc trực xua đuổi tàu hút cát ra khỏi khu vực sát mép sông.
“Giải pháp tạm thời của chúng tôi vẫn chỉ có thể dừng lại ở việc xua đuổi nhưng mỗi khi mình có mặt thì họ lại hút cát ở giữa sông, về lâu về dài thì vẫn gây tác hại không nhỏ” – ông Hùng nói thêm.
Tình trạng tàu khai thác lộng hành hoạt động rầm rộ đều được các địa phương làm tờ trình gửi lên cấp trên nhưng vẫn không mấy biến chuyển.
Theo lãnh đạo Phòng CSGT đường thủy Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, phát hiện và xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, lực lượng giao thông thủy không đủ để kiểm soát hết toàn tuyến, “cát tặc” thì lại luôn tổ chức cảnh giới, thấy bóng dáng của lực lượng chức năng là lập tức dừng hoạt động, ém mình chờ đợi.
Người dân xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phải cử người canh gác để xua đuổi “cát tặc” – Ảnh: QUANG THẾ |
“Cát tặc” hoành hành dưới chân thủy điện
Hòa Bình
Tại Hòa Bình, cách chân thủy điện Hòa Bình khoảng 2 – 3km (thuộc khu vực các phường Tân Hòa, xã Trung Minh, TP Hòa Bình), có nhiều tàu hút cát hoạt động rầm rộ.
“Chúng hoạt động ở đây một thời gian rất dài, trước tết thì hút cát cả ngày lẫn đêm, mấy ngày nay chủ yếu hoạt động vào buổi tối” – một người dân có nhà nằm sát ngay bờ sông Đà (thuộc phường Tân Hòa) bức xúc cho hay.
Theo tìm hiểu, hiện chỉ có hai doanh nghiệp là Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến (20ha, tại xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) và Công ty cổ phần khai khoáng Sahara (75ha, tại xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn) khai thác cát hợp pháp trên sông Đà.
Ông Đặng Văn Khoa – phó trưởng phòng khoáng sản Sở Tài nguyên và môi trường Hòa Bình – thừa nhận khu vực phường Tân Hòa và xã Trung Minh nằm xa khu vực mỏ quy hoạch được phép khai thác.
Đại diện các công ty Sahara và Hùng Yến cũng đều khẳng định cả hai doanh nghiệp này không hề có tàu hút cát nào neo đậu hay hoạt động tại khu vực phường Tân Hòa và xã Trung Minh.
Cả ông Khoa lẫn đại diện hai doanh nghiệp đều cho rằng các tàu hút cát hoạt động ở khu vực này chắc chắn là khai thác trái phép.
Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh có nắm được hoạt động của các tàu khai thác cát trái phép không? Trả lời câu hỏi này, ông Đặng Văn Khoa ấp úng: “Các tàu hoạt động ở đây chắc không thường xuyên, hoạt động về đêm”.
Theo ông Khoa, từ thời điểm ông nhận nhiệm vụ công tác (tháng 5-2016) đến nay, ông có đi kiểm tra 4 lần nhưng không phát hiện được tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đà.
Tuy nhiên, cả ông Khoa lẫn ông Lê Ngọc Minh, thành viên phòng thanh tra (Sở Tài nguyên và môi trường Hòa Bình), đều nói lực lượng chức năng của sở này chỉ đi kiểm tra ban ngày.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Nguyễn Văn Hải – trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình – cho hay khi tiến hành thăm dò, đo đạc để xác định diện tích mặt nước mà doanh nghiệp được phép khai thác cát, khoáng sản, CSGT Hòa Bình không được xin ý kiến hay trực tiếp tham gia, nên rất khó để xác định được mốc giới giữa khu vực khai thác hợp pháp và bất hợp pháp.
Theo ông Hải, CSGT Hòa Bình có bố trí thêm các điểm chốt để thường xuyên kiểm tra các phương tiện tại khu vực người dân phản ảnh có biểu hiện khai thác cát trái phép.
Tuy nhiên, chỉ xử phạt được các phương tiện vận chuyển như tàu, sà lan theo các sai phạm về đăng kiểm, đăng ký, lưu thông.
“Điều mấu chốt nhất là xử lý và đẩy đuổi tàu cuốc thì hiện nay vượt quá thẩm quyền của CSGT” – ông Hải phân trần.
Ông Hải còn xác nhận có chuyện khai thác cát trái phép vào ban đêm. “Nhưng mình chạy canô ra thì nó dừng hẳn, không có bằng chứng gì, chỉ xử phạt được một số sà lan chở cát” – ông Hải nói.
Theo ông Hải, muốn giải quyết triệt để nạn “cát tặc” thì chỉ có cách đề xuất chính quyền ra văn bản trục xuất các tàu hút cát ra khỏi địa phận tỉnh Hòa Bình.
“Uất ức vì không làm gì được cát tặc”
Từ nhiều năm nay người dân sống ngoài đê sông Lô thuộc xã Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) phải cắt cử người để xua đuổi “cát tặc”. Nhưng hàng chục hecta hoa màu vẫn trôi xuống sông, nhà bị nứt toác bởi “cát tặc” vẫn hoành hành.
Chiều tối 16-3, trong mưa phùn sương mờ dày đặc khúc sông cạnh bãi bồi trồng ngô của người dân khu 9, 10, 11 (xã Bình Bộ), những chiếc tàu hút cát dài hàng chục mét vẫn thản nhiên hoạt động ầm ầm.
Nhận được tin báo, bà con ùa ra. Thấy bóng dáng người dân, những chiếc tàu lại nhanh chóng chuyển hướng chạy về địa phận huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Đưa chúng tôi ra xem diện tích đất canh tác ngô của gia đình mình, bà Cao Thị Hòa (50 tuổi, khu 10) sụt sùi nói khai thác cát ồ ạt khiến mấy sào đất ở bãi bồi của gia đình bà bị cuốn trôi theo dòng nước.
Không chỉ gia đình bà Hòa, hàng chục hộ dân ở khu 10 đều bị mất đất canh tác. Cách đó không xa là gia đình bà Lê Thị Cương (51 tuổi) cũng chịu cảnh tương tự.
Để chống lại nạn “cát tặc”, nhiều đêm bà giấu chồng con mang chăn ra giữa bãi bồi ngủ canh giữ đất. “Có nhiều hôm tôi bị chúng đe dọa, nhưng mình không còn cách nào khác là phải giữ đất. Còn đất thì mới có cái canh tác, mất đất rồi còn biết làm gì để sống đây…” – bà Cương than thở.
Vẫn chưa quên được những ngày cùng người dân trắng đêm canh tàu hút cát, ông Ngô Quang Minh (54 tuổi) kể: “Đêm tối mưa rét cứ thấy tàu vào gần bờ là bà con lại gọi nhau ra giữ đất. Nhiều lúc rất uất ức vì không thể làm gì được cát tặc” – ông Minh bức xúc.
Bà Lê Thị Tú Sơn (55 tuổi) nói không chỉ xua đuổi, cắt cử người cũng không giữ được đất, người dân dùng máy quay phim ghi lại các hoạt động của “cát tặc” để tố cáo lên cơ quan các cấp có thẩm quyền.
“Nếu mọi người sống trong tình cảnh của người dân thì mới hiểu hết được nỗi khổ của chúng tôi. Ban ngày đi làm nhưng tối đến phải thức giữ đất. Khoảng 7 năm nay – từ ngày có nhiều tàu đến khai thác cát – người dân ăn ngủ không ngon” – bà Sơn giãi bày.
Ông Lê Anh Văn, phó chủ tịch UBND xã Bình Bộ, cho biết năm 2010, một doanh nghiệp được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát làm khoảng 6ha diện tích đất nông nghiệp bị cuốn trôi.
Chính quyền địa phương yêu cầu bồi thường cho người dân nhưng công ty biến mất. Sau một thời gian thì lại thấy Công ty TNHH vận tải Bạch Hạc được cấp phép nạo vét luồng lạch, khai thác cát tận thu.
Công ty này tiếp tục làm sạt lở đất trồng hoa màu nên bị dừng hoạt động vào hồi đầu năm 2014.
“Từ năm 2014 đến nay, lợi dụng địa phận giáp ranh giữa Phú Thọ và Vĩnh Phúc, những tàu cát công suất lớn cứ đến để hút trộm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tình hình an ninh trật tự.
Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể nói lượng lớn đất nông nghiệp bị cuốn trôi, nhà
bị nứt, sụt lún là rất nhiều” – ông
Văn nói.
Bộ trưởng Bộ Công an: công an địa phương tập trung chống “cát tặc”
Thượng tướng Tô Lâm – ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Công an – vừa có chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tập trung điều tra, làm rõ thông tin về việc chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và một số lãnh đạo sở, ngành tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa sau khi quyết định dừng dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu công an một số địa phương tập trung đấu tranh, truy quét tội phạm trên lĩnh vực khai thác cát, đá sỏi trên địa bàn.Theo cổng thông tin điện tử Bộ Công an
|