Việt Nam Thời Báo

Câu chuyện 2 đường ray và cuộc biểu tình của 30.000 người ở tây nam Trung Quốc

Những người biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)
                        Những người biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)
Khi cư dân ở huyện tự trị dân tộc Lăng Thủy, nằm về phía tây nam Trung Quốc, được thông báo về kế hoạch đường ray dài 200 km sẽ không được xây dựng ngang qua khu vực của họ, hàng chục nghìn người trong tổng số một triệu dân của huyện đã xuống đường biểu tình.

Cuộc đụng độ với cảnh sát địa phương vào ngày 17/5 đã khiến 4 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Sự bất bình bắt nguồn từ hai bản kế hoạch khác nhau cho một tuyến đường sắt kết nối thành phố lớn Trùng Khánh có dân số 17 triệu người và thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên, nơi huyện Lăng Thủy tọa lạc. Một đề xuất, gọi là “Tuyến Đông”, sẽ xây dựng tuyến đường sắt xuyên qua huyện Lăng Thủy, nơi bị cô lập về cả giao thông đường hàng không lẫn đường thủy.

Theo tờ Tin tức Bắc Kinh, các quan chức địa phương cũng ủng hộ kế hoạch “Tuyến Đông” vì tin rằng nó sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế tại huyện Lăng Thủy.

Tuy nhiên, vào ngày 7/5, Ủy ban Phát triển Đô thị Quảng An bị chất vấn trên mạng về một kế hoạch khác sẽ được chọn để thay thế, gọi là “Tuyến Tây”. Quảng An là quê hương của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.

858.000 người dân tại thành phố Quảng An đã có hai tuyến đường sắt trong khi huyện Lăng Thủy thì chưa có tuyến đường sắt nào.

Cuộc biểu tình

Vào lúc 9h sáng ngày 17/5, hàng ngàn người bắt đầu tụ tập ở quảng trường Vạn Tinh (Wanxing) tại trung tâm huyện Lăng Thủy.

Các sự kiện trong ngày đã bắt đầu một cách hòa bình với cuộc diễu hành và một kiến nghị tuần hành. Người dân giơ biểu ngữ “Đường sắt cho hàng triệu người dân Lăng Thủy” và hô vang các khẩu hiệu khi đi tuần hành. Theo Đài Phát Thanh Truyền hình Hồng Kông, đến buổi trưa cùng ngày, khoảng 30.000 người đã tham gia cuộc biểu tình.

Cảnh sát đến đàn áp cuộc biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)
              Cảnh sát đến đàn áp cuộc biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)

Tình hình xấu đi khi hơn 2.000 cảnh sát chống bạo động mặc đồ đen xông vào cuộc diễu hành. Kênh truyền hình Now của Hồng Kông đưa tin ít nhất 4 người biểu tình đã bị thiệt mạng và 100 người bị thương.

Những người dân đã chụp ảnh cảnh sát tấn công và những người biểu tình bị thương, và đăng tải các bức ảnh này lên các trang mạng xã hội Trung Quốc.

“Cảnh sát liên tục đánh người, trong đó có cả trẻ em”, một nhân chứng giấu tên nói với Đại Kỷ Nguyên.

Một phụ nữ bị thương do cảnh sát đánh, trong cuộc biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)
Một phụ nữ bị thương do cảnh sát đánh, trong cuộc biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)

Một thanh niên cho thấy vết thương sau khi cảnh sát đụng độ với hàng chục nghìn người biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)
Một thanh niên cho thấy vết thương sau khi cảnh sát đụng độ với hàng chục nghìn người biểu tình ở Lăng Thủy ngày 17/5/2015 (Ảnh: Sina Weibo)

Một nhân chứng nói trong điện thoại rằng, khi cảnh sát tìm cách rút lui, những người dân Lăng Thủy tức giận đã ném đá vào họ.

Những sự kiện xảy ra tại huyện Lăng Thủy và các phản ứng trên mạng đã nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao. Truyền thông nhà nước đưa tin về sự việc nhưng tránh đề cập đến cuộc đàn áp bạo lực.

Đây không phải là lần đầu tiên người Trung Quốc tại miền tây nam của nước này chống lại chủ nghĩa độc tài về vấn đề hạ tầng đường sắt.

Hơn 100 năm trước, tháng 8/1911, các nhóm cộng hòa Trung Quốc đã nổi dậy khi chính phủ triều đình nhà Thanh cố gắng quốc hữu hóa các dự án xây dựng đường sắt tại một số tỉnh, bao gồm Tứ Xuyên, và nhượng quyền sở hữu cho các nhà công nghiệp nước ngoài để bồi thường chiến phí theo điều ước Tân Sửu. Kết quả của những vụ lùm xùm trong dư luận công chúng đã dẫn đến Phong trào Bảo vệ Đường sắt, với mục đích nhằm duy trì sự kiểm soát của chính quyền địa phương đối với cơ sở hạ tầng đường sắt.

Mặc dù phong trào này đã bị quân đội nhà Thanh đàn áp đẫm máu, nhưng chính phong trào này đã góp phần trực tiếp vào sự hình thành cuộc khởi nghĩa Vũ Xương tại tỉnh lân cận Hồ Bắc. Vào tháng 10/1911, quân đồn trú tại thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc, đã nổi loạn, dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi kết thúc hơn 2.000 năm cai trị của triều đại phong kiến và khai sinh ra nước Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China).

Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh

Hướng Dương biên dịch

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo