Nguyễn Quang Dy
Mỗi lần năm mới tới, tôi hay viết “câu chuyện đầu năm” để cập nhật và dự báo chuyện gì đang đến. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nước Mỹ và Việt Nam đều bầu cử và chuyển giao quyền lực vào cuối tháng giêng. Thời điểm sau Tết Dương lịch và trước Tết Âm lịch là lúc giao mùa, khi mùa đông giá lạnh đang suy tàn và mùa xuân ám áp đang đến.
Câu chuyện nước Mỹ
Tại nước Mỹ, sau một năm biến động khó lường, do hệ quả của đại dịch Covid-19 làm khoảng 24,5 triệu người mắc dịch và hơn 407 ngàn người bị chết (gấp nhiều lần thương vong thời chiến tranh Việt Nam). Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Mỹ đình đốn và xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc, như thời nội chiến.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đang ráo riết sắp xếp nhân sự, chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức (ngày 20/1), sau hai tháng khủng hoảng chính trị vì Donald Trump không thừa nhận thất bại. Trump và các nghị sỹ cơ hội (như Ted Cruz, Josh Hawley) cùng các luật sư (như Rudy Giuliani) đã xúi giục đám đông quá khích (như Proud Boys) chống lại kết quả bầu cử.
Ngày 6/1 đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi đám đông quá khích tấn công Nhà Quốc Hội (Capitol) là biểu tượng của nền dân chủ, đòi treo cổ Mike Pence. Bạo loạn như giọt nước tràn li đã làm người Mỹ phẫn nộ. Trump như một “kẻ đốt đền”, không chỉ thách thức hiến pháp và nền dân chủ Mỹ, mà còn vô tình thiêu trụi cả vốn liếng chính trị của mình.
Cách đây bốn năm, sau khi đắc cử và giành được Nhà Trắng với thông điệp của chủ nghĩa dân túy, (làm nhiều người ngỡ ngàng), nay Chính quyền Trump thất cử và sụp đổ ngày 6/1 với vụ bạo động tại Nhà Quốc Hội (làm nhiều người kinh hoàng). Điều gì đã xảy ra làm Mỹ đứng trước sự chia rẽ và đổ nát mà chính quyền mới khó lòng khắc phục?
Đó là một câu hỏi khó cho các nhà nghiên cứu. Có thể lý giải theo nhiều cách, nhưng theo Gerald Seib, thái độ ứng xử của Trump đã che khuất thông điệp và thành công của ông, và tệ hại hơn là qua thời gian làm ông càng bị tai tiếng. (Where Trump Came From and Where Trumpism Is Going, Gerald Seib, Wall Street Journal, January 15, 2021).
Trump có thể đi vào lịch sử Mỹ là tổng thống “tồi tệ nhất” đã bị Quốc Hội luận tội (impeached) hai lần. Mặc dù Trump buộc phải tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực một cách trật tự, nhưng nay không còn ai tin Trump, kể cả phó tổng thống Mike Pence. An ninh tại Washington D.C. đang được tăng cường tối đa cho lễ tuyên thệ nhậm chức của Joe Biden.
Trong bầu cử bổ sung (runoff) cho Thượng Viện tại tiểu bang Georgia, đảng Dân Chủ đã giành được đa số tối thiểu, nên việc sắp xếp nhân sự cho nội các Biden sẽ dễ hơn. Việc bổ nhiệm Kurt Campbell (cựu trợ lý ngoại trưởng thời Obama) làm “Indo-Pacific coordinator” tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), là một tín hiệu tích cực đối với Châu Á.
Để tăng cường đội hình phụ trách Châu Á, Rush Doshi sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách Trung Quốc tại NSC (dưới quyền Kurt Campbell). Một chuyên gia khác về Châu Á là Ely Ratner (cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho phó tổng thống Joe Biden, đã từng cộng tác với Kurt Campbell) sẽ được bổ nhiệm làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng.
Kurt Campbell và Michele Flournoy (cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã lập ra Center for a New American Security (năm 2007). Sau đó, Campbell đã lập ra và làm chủ tịch Asia Group (một tổ chức tư vấn về chiến lược và quản trị). Hiện nay, Chính quyền Biden đã bổ nhiệm hoặc tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia của hai think tanks này.
Theo báo chí Úc, việc Biden bổ nhiệm Campbell phụ trách Châu Á là “điều tốt nhất cho Úc”. Đó là “một tín hiện mạnh cho Bắc Kinh”, vì Campbell là kiến trúc sư của chính sách “chuyển trục sang châu Á” (Asia Pivot) thời Obama. Mỹ “vừa hợp tác với Bắc Kinh khi có thể, đồng thời cạnh tranh và đối đầu khi cần thiết”. (Kurt Campbell: China’s Dr Containment is Australia’s Dr Contentment, Greg Sheridan, Australian, January 15, 2021).
Bài báo khen Campbell là “người bạn tốt nhất của Úc tại Washington” và là “nhà tư tưởng chính sách của đảng Dân Chủ, có nhiều ảnh hưởng nhất Châu Á”. Nếu các nhân sự chủ chốt đã được bổ nhiệm phụ trách đối ngoại và an ninh như Jake Sulivan (NSC), Tony Blinken (State), Lloyd Austin (DoD), William Burns (CIA), John Kerry (climate change) chỉ có kinh nghiệm về Châu Âu và Trung Đông, thì Kurt Campbell là chuyên gia về Châu Á.
Để đối phó với thách thức của Trung Quốc, Campbell đề xuất phục hồi sự cân bằng (balance) và tính chính danh (legitimacy) trong quan hệ Mỹ-Trung, thông qua việc tái thiết các quan hệ đồng minh và đối tác trong khu vực Châu Á. Theo Campbell, Mỹ cần rải quân khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương thay vì chỉ tập trung ở Nhật, Hàn Quốc và Guam.
Theo nhà báo David Hutt, “Campbell muốn chuyển trục của Mỹ sang Châu Á” (Pivot 2.0). Việc bổ nhiệm Campbell chứng tỏ chính quyền Biden vẫn tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, trong khi xây dựng lại quan hệ lâu bền với các đồng minh của Mỹ ở khu vực. (Campbell poised to pivot US policy in Asia, David Hutt, Asia Times, January 14, 2021).
Campbell sẽ phối hợp chặt chẽ với Sullivan (tại NSC) vì hai người đã viết chung bài, chia sẻ tầm nhìn của Mỹ ở Châu Á. Theo tác giả, chung sống có nghĩa là “chấp nhận cạnh tranh theo một mô hình để quản trị chứ không phải một vấn đề phải giải quyết”. (Competition Without Catastrophe: How America Can Both Challenge and Coexist With China, Kurtt Campbell and Jake Sullivan, Foreign Affairs, September/October 2019).
Các tác giả lý giải “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) phản ánh sự bất định là phải làm gì và bao giờ. Còn “mập mờ chiến lược” (strategic ambiguity) phản ánh sự bất định là phải gửi đi tín hiệu gì. Trong trường hợp này, “cạnh tranh chiến lược” (strategic competition) phản ánh sự bất định là phải làm gì để không cần cạnh tranh mà vẫn thắng.
Trong một bài khác viết cùng Doshi, Campbell lập luận rằng chính quyền Biden cần mở rộng liên minh Châu Á để hợp tác ngăn chặn Trung Quốc. Theo tác giả, nhu cầu xây dựng một trật tự mới ở Đông Á và Đông Nam Á cũng giống như kinh nghiệm các nước Châu Âu đã trải qua khi họ mất cân bằng địa chính trị (thời Napoleon thế kỷ 19). (America can shore up Asian Order, Kurt Campbell and Rush Doshi, Foreign Affairs, January12, 2021).
Campbell cho rằng tăng cường hợp tác sâu rộng ở Châu Á nhằm biến các liên minh tạm thời thành hệ thống đồng minh toàn diện, để đối phó với ý đồ của Trung Quốc muốn thay đổi trật tự khu vực và chính trị toàn cầu. Điều đó có nghĩa là phải kết hợp chính sách cứng rắn với Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Châu Á. Campbel có thể nhanh chóng đặt dấu ấn của mình trong chiến lược Indo-Pacific của chính quyền Joe Biden.
Vai trò của NSC
Nhưng vai trò của Kurt Campbell đối với Trung Quốc và Châu Á là tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), chứ không phải tại Bộ Ngoại Giao (State). Nói cách khác, NSC sẽ là trung tâm phối hợp chính sách với Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc phòng. Đó là những địa chỉ tại Washington cho các nước muốn vận động hành lang chính sách. Theo Campbell và Sullivan, tuy Chính quyền Trump đúng khi điều chỉnh quan điểm coi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, nhưng Mỹ cần giảm đối đầu với Trung Quốc, và nhất quán hơn về thông điệp.
Trong cuốn sách The Pivot (xuất bản năm 2016), Campbell lập luận rằng Mỹ phải nhanh chóng mở rộng quan hệ đồng minh với Ấn Độ và Indonesia, vì Chính quyền Trump coi nhẹ Indonesia, trong khi ưu tiên hơn quan hệ với Singapore và Viêt Nam. Campbell nói Washington phải ủng hộ “một hệ thống thương mại tích cực và rộng mở” trong đó có thể giảm sự chú ý đến thâm hụt thương mại của Mỹ, như một di sản của Chính quyền Trump.
Theo Kurt Campbell, tuy các nước khu vực Indo-Pacific tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để duy trì tính độc lập của họ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ đều nhận ra là không thực tế và không có lợi nếu loại Trung Quốc khỏi tương lai năng động của Châu Á. Các nước khu vực không muốn chọn một bên giữa hai siêu cường. Giải pháp tốt nhất là Mỹ và các đối tác phải thuyết phục Trung Quốc rằng cạnh tranh trong hòa bình sẽ có lợi hơn.
Sau bốn năm suy nghĩ và viết về chủ đề này, Kurt Campbell nay có quyền biến những ý tưởng đó thành kết quả chính sách. Điều này có lợi cho Việt Nam vì tháng 12 vừa qua đã bị Bộ Tài Chính Mỹ cho vào sổ đen vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Tháng trước, Campbell nói rằng sự có mặt của quân đội Mỹ ở Châu Á là “vé tham gia trò chơi lớn” (ticket to the big game). Nói cách khác, đó là phương tiện để răn đe quyền lực cứng của Trung Quốc.
Với Philippines, Kurt Campbell cho rằng Chính quyền Biden cần duy trì đàm phán với Manila về Hiêp định VFA để quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự và luân chuyển quân ở đó. Với Campuchia, Chính quyền Biden gây sức ép với Phnom Pẹnh, không cho quân đội Trung Quốc (PLA) đóng quân tại các căn cứ của Campuchia. Kể từ 2018, Mỹ thường xuyên nói công khai và kín đáo rằng Phnom Penh là đối tác thân Trung Quốc nhất Đông Nam Á, sẽ cho quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thailand.
Kurt Campbell hiểu rằng điều làm các chính phủ ở Đông Nam Á lo ngại nhất là họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc như “có tao thì không có mày”. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) được coi là người phát ngôn cho khu vực, đã phát biểu vào cuối năm 2019 rằng “Nếu bạn yêu cầu họ phải chọn bên, buộc phải cắt đứt quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của họ, thì theo tôi bạn đặt họ vào một vị trí rất khói xử”.
Tony Blinken đã viết (tháng 7/2020) để đối phó với Trung Quốc “chúng ta cần tập hợp đồng minh và đối tác thay vì làm mất lòng họ”. Tổng thống đắc cử Joe Biden phàn nàn rằng Tổng thống Donald Trump đã không làm gì mà còn phá hoại, và trong một số trường hợp đã bỏ rơi các đồng minh và đối tác của Mỹ. Nhưng điều đáng mừng là chính quyền Joe Biden thừa hưởng các đồng minh và đối tác khu vực tốt hơn là họ hình dung. (Biden will inherit healthy Indo-Pacific alliances, Derek Grossman, Nikkei, January 10, 2021).
Ngày 12/1, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên (hoặc cố ý), Mỹ đã giải mật (declassification) tài liệu mật của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) US strategy framework for the Indo-Pacific. Tài liệu này đề xuất chống Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ hơn với các nước như Ấn Độ, Úc, Nhật Bản (trong “Bộ Tứ”) và Hàn Quốc. (Declassification of secret document reveals US strategy in the Indo-Pacific, Rory Medcalf, ASPI, January 13, 2021).
Đây là một động thái bất thường đẩy nhanh quá trình giải mật một tài liệu quan trọng, nhằm công khai hóa một việc đã rồi (fait accompli) để chính quyền mới khó đảo ngược, phản ánh sự nhất quán về chiến lược và đồng thuận quốc gia. Tài liệu này được soạn thảo tháng 12/2017, trên cơ sở “Chiến lược An ninh Quốc gia” (NSS), tầm nhìn “Indo-Pacific Tư do và Rộng mở” (Tokyo 2016), và “Sáng kiến Canberra” (Sách Trắng của Úc 2017).
Tài liệu mật này của NSC/White House do H.R. McMaster (cựu cố vấn An ninh Quốc gia) chủ trì, và do Matt Pottinger (cựu Giám đốc Châu Á, nay là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia) soạn thảo. Ông Robert O’Brien (cố vấn An ninh Quốc gia) cũng nhấn mạnh chiến lược này đảm bảo giúp “các nước đồng minh và đối tác của chúng ta có thể tự bảo vệ chủ quyền”. Điều đó khẳng định chiến lược Indo-Pacific của Mỹ gắn với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khuôn khổ an ninh của “Bộ Tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ.
Câu chuyện Việt Nam
Theo Derek Grossman (RAND analyst), Mỹ có quan hệ tốt với Việt Nam. Trump đã đến Việt Nam hai lần, trong đó một lần để họp cấp cao với Bắc Triều Tiên. Hà Nội hài lòng vì Mỹ chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như các dự án thủy điện mà Trung Quốc xây dựng tại thượng nguồn sông MeKong. Tuy Việt Nam muốn cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhưng cần hợp tác quốc phòng với Mỹ. (What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021).
Một là Việt Nam hài lòng với tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo (13/7) bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai là Việt Nam lặng lẽ ủng hộ chiến lược Indo-Pacific của Mỹ vì lập tường cứng rắn chống Trung Quốc ở Biển Đông và duy trì sự có mặt ở khu vực. Ba là ASEAN coi trọng sự có mặt cấp cao của Mỹ tại các diễn đàn quan trọng ở khu vực, vì ý nghĩa tượng trưng. Bốn là có nhiều cơ hội để Mỹ hợp tác an nình với Việt Nam, tuy Hà Nội vẫn duy trì chính sách quốc phòng “Ba không và một tùy” (Three No’s and one depend). Năm là sau khi nhậm chức, chính quyền Biden chắc muốn thảo luận với Việt Nam về việc nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược”.
Mấy năm qua đầy biến động do hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19, nhưng Chính phủ Việt Nam có quyền tự hào về những gì đã đạt được trong việc kiểm soát được dịch bệnh (chỉ có 35 người chết và 1.537 người mắc dịch). GDP của Việt Nam tăng trên 2% (năm 2020) và dự đoán sẽ tăng 6% (năm 2021). Đầu tư nước ngoài (chủ yếu là FDI) tăng đáng kể do sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 làm thế giới đảo điên, Viêt Nam đã đóng góp tích cực và nổi bật trong khu vực, với cương vị Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam đã tham gia các hiêp định thương mạị tự do quan trọng như CPTPP và EVFTA. Gần đây Viêt Nam lại tham gia hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership). Việt Nam càng phải ứng xử khôn ngoan trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước khác.
Sau khi Chính quyền Biden nhậm chức (20/1) và bắt tay vào phục hồi nước Mỹ (về đối nội) và củng cố lại quan hệ đồng minh (về đối ngoại), quan hệ Mỹ-Việt chắc sẽ tiếp tục phát triển mạnh theo đà từ trước, trong khuôn khổ chiến lược “Indo-Pacific An toàn và Thịnh vượng”. Nhưng muốn tăng cường hợp tác chiến lược với các nước trong khuôn khổ “Bộ Tứ”, để đối phó với sức ép của Trung Quốc, Việt Nam phải ưu tiên khắc phục hai thách thức (như deal breaker) là hồ sơ nhân quyền và thặng dư thương mại với Mỹ (US$58 tỷ năm 2020).
Theo các nguồn tin “không chính thức nhưng đáng tin cậy”, BCT đã họp ngày 9/1 và TƯ 15 đã họp ngày 16/1 để chốt các vấn đề chưa ngã ngũ sau TƯ13 và 14 (đặc biệt là về “Tứ trụ”). Kết cục là TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm Tổng Bí thư, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm Chủ tịch Nước. Trưởng ban TCTW Phạm Minh Chính sẽ làm Thủ tướng và Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ sẽ làm Chủ tịch Quốc Hội. (Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam, Lê Hồng Hiệp, NCQT, 17/1/2021).
Thay lời kết
Có thể nói đó là kết cục của sự thỏa hiệp được dàn dựng mà các bên có thể chấp nhận được, nhằm duy trì nguyên trạng (status quo) trước một thế giới đầy bất an và khó lường. Kết cục đó không chỉ là thắng lợi của ông Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng hay của Chính phủ. Với kết quả đó, Đại hội 13 (họp 25/1-2/2) chắc chỉ có thể sửa đổi Điều lệ của Đảng, mà chưa thể đổi mới thể chế như dư luận mong đợi.
Nước Mỹ tuy đang phân hóa bất ổn, nhưng người Mỹ năng động, muốn đổi mới. Việt Nam tuy hòa bình ổn định, nhưng người Việt trì trệ, chỉ muốn giữ nguyên trạng. Gần 35 năm sau “đổi mới vòng một”, người Hà Nội vẫn đùa: “Hà Nội không vội được đâu”. Sau một thế kỷ tuy dân số Việt Nam đã tăng gấp bốn lần, nhưng câu sấm của Tản Đà dường như vẫn còn đúng: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.
___________________________
Tài liệu tham khảo
1. Competition Without Catastrophe: How America Can Both Challenge and Coexist With China, Kurtt Campbell and Jake Sullivan, Foreign Affairs, September/October 2019.
2. What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021
3. Biden will inherit healthy Indo-Pacific alliances, Derek Grossman, Nikkei, January 10, 2021
4. America can shore up Asian Order, Kurt Campbell and Rush Doshi, Foreign Affairs, January12, 2021
5. Declassification of secret document reveals US strategy in the Indo-Pacific, Rory Medcalf, ASPI Strategist, January 13, 2021
6. Campbell poised to pivot US policy in Asia, David Hutt, Asia Times, January 14, 2021.
7. Kurt Campbell: China’s Dr Containment is Australia’s Dr Contentment, Greg Sheridan, Australian, January 15, 2021
8. Where Trump Came From and Where Trumpism Is Going, Gerald Seib, Wall Street Journal, January 15, 2021.
9. Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam, Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu Quốc tế, 17/1/2021).
NQD. 18/01/2021
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-1-21