Việt Nam Thời Báo

Chào thua “ông” thủy điện

Không khỏi ngỡ ngàng trước phát biểu của ông Vụ trưởng Vụ Thủy điện – Bộ Công Thương khi công khai đồng tình với quan chức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rằng người dân miền Trung và Tây Nguyên “phải chấp nhận sống chung với lũ”.

 

Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên)
Trước đó, vị quan chức cấp phó của EVN đã có phát biểu gây sốc trong cuộc họp mới đây giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương với UBND tỉnh Phú Yên liên quan tới vấn đề vận hành thủy điện trên lưu vực sông Ba: “Chúng ta không kỳ vọng gì thủy điện sẽ cắt được lũ cho hạ du. Không bao giờ cắt được! Sẽ còn lũ tiếp diễn. Chúng ta phải chấp nhận sống chung với lũ”. Phát biểu này đã lập tức làm dậy sóng không chỉ với dư luận mà cả giới chức địa phương miền Trung về điều được cho là thể hiện sự vô trách nhiệm với người dân.
Người dân khúc ruột miền Trung vốn đã phải gánh chịu bao thiệt hại do thiên tai, chịu cảnh hạn hán, nắng cháy nứt nẻ đồng ruộng vào mùa khô và lũ lụt kinh hoàng vào mùa mưa. Thế nên, khi thủy điện, với 2 chức năng rõ ràng là phát điện và góp phần điều hòa nguồn nước, thi nhau mọc lên như nấm, người dân nơi đây đã không khỏi khấp khởi mừng thầm.
Tuy nhiên, những gì mà họ “được hưởng” từ khi các dự án thủy điện chặt rừng, xây nhà máy là không ít phàn nàn khô hạn thêm vào mùa hạ và lũ thủy điện chồng lũ thiên nhiên vào mùa mưa. Thủy điện từng làm nóng diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 2013 khi trận lũ lụt kinh hoàng vào trung tuần tháng 11-2013 khiến ít nhất 34 người chết và mất tích mà có không ít ý kiến cho rằng việc xả lũ ồ ạt và bất ngờ của thủy điện đã làm cho thiên tai trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh ấy mới thấy vì sao mà người dân cũng như giới chức địa phương miền Trung và Tây Nguyên lại bức xúc, bất bình với phát biểu của quan chức lãnh đạo ở EVN. Nay họ lại thêm một lần nữa bất bình với phát biểu của vị quan chức của Bộ Công Thương mà lẽ ra với trách nhiệm quản lý ngành phải làm sao trở thành vị “trọng tài” cân đối, hài hòa lợi ích giữa thủy điện và người dân, chứ không phải đứng hẳn về phía các nhà đầu tư thủy điện như vậy.
Mỗi dự án thủy điện mọc lên là một cánh rừng phải “ra đi” để nhường chỗ. Trong khi đó, rừng từ xưa đến nay vẫn được xem là một công cụ điều hòa tự nhiên tuyệt vời để bớt khô hạn vào mùa hạ và giảm thiểu sự khốc liệt của lũ lụt vào mùa mưa. Nay thủy điện phủi tay trách nhiệm cắt lũ thì rồi đây “thủy tinh” sẽ còn gây họa đến mức nào…
PHẠM DƯƠNG
 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao lại lỗ khi kinh doanh mặt hàng độc quyền?

Do Van Tien

Quỹ bình ổn: Sẽ buông với xăng dầu và áp dụng với điện?

Phan Thanh Hung

VNTB – EVN vẫn tiếp tục độc quyền điện lực

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.