Chế độ hộ khẩu Việt Nam: Bất công và tham nhũng

Tôn Phi
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Từ lâu, các thành phố lớn đã đưa ra các quy định để hạn chế người nhập cư. Điều đó đã cản trở những người lao động nghèo tới để kiếm sống. Ít ai biết đây là vấn đề vi phạm Hiến pháp và vi phạm quyền con người.

Nguồn gốc quản lý hộ khẩu

Nhà văn Vũ Thư Hiên trong cuốn hồi ký nổi tiếng Đêm giữa ban ngày có nói như sau: “Cách quản lý dân bằng hộ khẩu không phải sáng kiến của những người phát-xít và những người cộng sản. Nó do Thương quân Vệ Ưởng, tướng quốc thời Tần Hiếu-công nghĩ ra.

Chế độ hộ khẩu- thứ mà những triều đại phong kiến phương Bắc phát minh được người cộng sản cải tiến và tái sử dụng.

Theo “luật” hộ khẩu của Việt Nam, mỗi người dân phải đăng ký cư trú tại một địa phương và ghi tên vào một cuốn sổ gọi là sổ hộ khẩu. Con anh ta ra đời sẽ được ghi vào đó, gọi là nhập hộ khẩu. Nhà có người chết phải khai ngay với chính quyền để xin cắt hộ khẩu. Muốn thay đổi chỗ ở phải xin cắt quyền cư trú ở nơi cũ rồi xin quyền cư trú ở nơi mới, gọi là chuyển hộ khẩu.

Vi phạm quyền con người

Việt Nam từ khi gia nhập WTO thì một lượng lớn lao động nghèo phải ra thành phố mưu sinh. Họ phải đăng ký và được chính quyền cho phép. Việt Nam tuy đã có Luật Cư trú, song bộ luật này bị áp dụng một cách quan liêu và đã gây phiền phức cho những người lao động này. Nhà nước phải đặt ra chế độ hộ khẩu vì quản lí yếu kém, đồng thời xâm phạm quyền lợi người dân. Luật quy định hộ khẩu KT1, KT2 là đối với những người có hộ khẩu chính thức. Còn những người tạm trú thì có thời hạn. Họ chủ yếu tá túc có tính chất thời vụ nên thuê tạm một nơi rẻ mạt để ở trong thời gian để kiếm ăn. Chính sách hộ khẩu được nhà nước áp đặt để hạn chế việc nhập cư. Trên thực tế, do đô thị hóa và suy thoái kinh tế, số người lao động thất nghiệp ở quê là quá đông và không thể cưỡng nổi dòng người đua nhau lên thành phố.

Trước hiện tượng xã hội này, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đã ban hành các quy định nhằm “siết” nhập cư. Trong đó có những yêu cầu như: người nhập cư phải chứng minh đã sinh sống trên 3 năm, có diện tích nhà ở bình quân đầu người là 15 m2 v.v… , trong khi mức bình quân ở Hà Nội chỉ là 6,5 m2/người. Chính quyền còn tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người nhập cư trái phép . Việc hạn chế người nhập cư bằng các chính sách như phải có diện tích bình quân trên đầu người là bao nhiêu, đã vi phạm quyền con người đã ghi trong hiến pháp.

Cư dân có hộ khẩu ở các thành phố có quyền sở hữu tài sản và được tiếp cận với trường học và dịch vụ y tế công. Ngược lại những người nhập cư lại không được hưởng và bị coi như công dân hạng 2. Chi phí điện nước họ phải trả cao gấp hai, ba lần công dân hạng 1, không được hưởng một số chính sách trợ cấp đòi hỏi phải có hộ khẩu. Đây là những việc làm vi phạm Công ước quốc tế về Quyền con người.

Ở Liên Xô mãi đến năm 1956, nông dân không được ra khỏi nông thôn. Chính quyền Stalin không cấp giấy thông hành (passport) cho họ. Chỉ sau đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, dân nông thôn mới được cấp passport như dân thành phố. Passport đó có tác dụng gần giống với giấy tạm trú của Việt Nam ngày nay.

Cơ hội cho tham nhũng

Trong thời buổi hội nhập, việc duy trì việc quản lý hộ khẩu gây cản trở cho cải cách hành chính. Người dân phải mang trong mình rất nhiều giấy tờ mà từ đó nó cản trở sự phát triển của đất nước, đồng thời tạo điều kiện cho các quan chức tham nhũng.

Việc hạn chế người nhập cư bằng các chính sách như phải có diện tích bình quân trên đầu người là bao nhiêu, một mặt chỉ có các quan chức và nhà giàu ở các địa phương mới có thể nhập cư vào các thành phố. Một mặt đã làm hạn chế những người nghèo muốn làm việc ở thành phố . Đây là sự vi phạm quyền con người, vì theo các Công ước quốc tế về Quyền con người, thì mọi người dân có quyền sống, quyền di chuyển và cư trú bất kỳ ở đâu. Và Hiến pháp Việt nam cũng quy định những điều này.

Quan chức địa phương cũng thường đổ lỗi cho họ về tình trạng tội phạm và vệ sinh môi trường ngày càng xấu đi. Song ngược lại nếu họ “biết điều” với những người quản lý thì sẽ mặc nhiên được bỏ qua. Cái chính sách họ đưa ra, ví dụ tạm trú là một năm, cho hạn một năm thôi hết lại xin lại, thì thực ra đây là một kẽ hở cho tham nhũng phát triển. Hết một năm rồi, tôi chứng minh – chưa biết chứng minh hay không, nhưng muốn ở lại thì thủ tục đầu tiên là phải hối lộ. Đây là một kẽ hở rất lớn để cho cái cơ quan đăng ký hộ khẩu làm tiền.

Ở TP.HCM, có một thời luật ban hành rằng muốn mua nhà ở TP.HCM thì cần có hộ khẩu tại đây, đồng thời muốn có hộ khẩu tại đây thì phải có nhà. Rõ ràng đây là một điều không thể, nhưng người ta vẫn cứ mua nhà và nhập hộ khẩu ào ào, chứng tỏ cán bộ ta đã nhận hối lộ hàng loạt.

Trong khi đó, ở những tỉnh còn lại của đất nước, người nhập cư chỉ cần chứng minh là họ đã sống ở đâu đó chỉ một năm để xin cấp hộ khẩu thường trú ở đó. Rõ ràng điều này là sự bất công phân biệt đối xử không đáng có của chính sách quản lý hộ khẩu ở Việt Nam hiện nay.

Quốc hội Việt Nam đang tranh luận nhằm cải thiện cơ chế quản lý theo sổ hộ khẩu này. Có ý kiến đề nghị bỏ hẳn thủ tục hiện hành, thay vào đó sẽ quản lý bằng chứng minh thư và thẻ cư trú. Ý kiến khác cho rằng vẫn nên duy trì hộ khẩu như một thủ tục hành chính, nhưng không chi phối đến các quyền như sở hữu nhà cửa, xe cộ, khai sinh, kết hôn, luận điểm chủ chốt họ đưa ra là bây giờ mà bỏ, không quản lý hộ khẩu nữa thì loạn ngay.

Hiến pháp quy định người dân có quyền tự do cư trú; còn quản lý hộ khẩu buộc họ phải cư trú ở một nơi, khi họ không có việc làm, họ chuyển sang nơi khác thì lại không được công nhận. Quản lý hộ khẩu cũng không phù hợp với các quyền nhân thân của người dân trong điều kiện bây giờ. Theo bộ luật Dân sự đang được Quốc hội thảo luận sửa đổi, thì người dân có đầy đủ các quyền như sinh tử giá thú, cư trú, đi lại. Rõ ràng quản lý hộ khẩu xâm phạm các quyền ấy của người dân.

Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh có viết rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Vậy mà hơn 69 năm đảng cộng sản cầm quyền đã trôi qua, vẫn chưa có bình đẳng giữa người thành thị và người thôn quê, giữa người giàu và người nghèo…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)