Nhà báo, tiến sĩ Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – sẽ bị Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triệu tập vào ngày 16/07/2015 để« làm rõ một số bài viết đăng trên mạng Internet ». Đây là lần triệu tập thứ sáu liên tiếp của cơ quan này đối với tiến sĩ Dũng chỉ từ đầu tháng 6/2015 đến nay, trong đó có ba lần liên tục anh bị công an mặc thường phục khống chế và bắt giữ khi ra khỏi nhà.
Ông Lê Thanh Hải, Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM và đối tác Mỹ. |
Sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ vào đầu tháng 5/2015 và trùng với khoảng thời gian các cơ quan Việt Nam« chuẩn bị tích cực cho chuyến đi Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng », tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã trở thành tiêu điểm số một bị sách nhiễu, khủng bố tinh thần và đàn áp trong giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền Việt Nam.
Hầu như lúc nào anh cũng bị từ bốn đến năm nhân viên an ninh mặc thường phục theo dõi và giám sát ngay trước nhà anh, trên đường và ở bất kể chỗ nào anh đến. Cơ chế theo dõi này càng gia tăng kể từ tháng 4/2015 khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát công hàm chính thức (diplomatic notes) gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam, yêu cầu trả lại hộ chiếu và quyền tự do xuất cảnh cho tiến sĩ Phạm Chí Dũng. Tuy nhiên đến nay đã qua ba tháng, cơ quan ngoại giao Việt Nam vẫn chưa có phản hồi nào cho phía Mỹ.
Cần nhắc lại, vào tháng 2/2014 khi ra sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị đi Thụy Sĩ dự một hội nghị quốc tế về nhân quyền theo thư mời của một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, tiến sĩ Phạm Chí Dũng đã bị công an cửa khẩu thu giữ hộ chiếu và cấm xuất cảnh với lý do mơ hồ « an ninh quốc gia ».
« Họ muốn giải tán Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam – một tổ chức xã hội dân sự được hiến định về quyền tự do lập hội trong Hiến pháp Việt Nam. Họ cũng không muốn tôi viết sự thật về chế độ và xã hội Việt Nam » – tiến sĩ Dũng cho biết thêm.
Trong buổi hỏi cung tuần trước, cơ quan công an đã tìm cách quy chụp, cho rằng những bài viết của nhà báo Phạm Chí Dũng, chẳng hạn như bài « Luật biểu tình: Hãy vì quyền hiến định của người dân » mà anh là tác giả, là « tuyên truyền chống nhà nước » và « nhằm lật đổ chính quyền ».
Cơ quan công an còn tuyên bố « Trả lời phỏng vấn mấy cái đài VOA, RFA, RFI… là trả lời giặc » khi thẩm vấn về cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của tiến sĩ Phạm Chí Dũng với các đài BBC và VOA, liên quan đến quan hệ Việt – Mỹ.
Rất đáng chú ý, lối quy chụp chính trị trên của cơ quan công an lại xảy ra ngay vào thời điểm đoàn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có một cuộc tiếp xúc lớn với « Giặc » ở Washington, cùng kết quả Tuyên bố chung về tầm nhìn Việt – Mỹ, hợp tác quốc phòng và triển vọng đáng khích lệ về TPP.
Một chi tiết khác cũng đáng lưu tâm là trong đoàn đi Mỹ vừa qua của Tổng bí thư Trọng, có sự hiện diện của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải nhưng lại không có mặt Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Hiện tượng chính trị này như đang phác họa bức tranh ông Nghị có thể bị« thất sủng », còn ông Hải được « ưu ái » hơn.
« Tôi giữ quyền im lặng và sẽ im lặng » – tiến sĩ Phạm Chí Dũng khẳng định về các buổi « làm việc » với Công an TPHCM. Anh cũng thông báo « sẽ khiếu nại » về trách nhiệm lãnh đạo chính trị của Bí thư Lê Thanh Hải tại TPHCM khi để mặc công an vi phạm nhân quyền trầm trọng đối với công dân, cũng như sẽ tiếp tục tố cáo những vi phạm nhân quyền này với các chính phủ và tổ chức nhân quyền quốc tế.
Thụy My sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin cập nhật về nội dung những buổi triệu tập và hỏi cung của Công an TPHCM đối với tiến sĩ Phạm Chí Dũng.
Theo Thụy My