Một nhóm bạn trẻ ở Châu Âu tự đứng ra vận động chữ ký để kiến nghị Việt Nam chấm dứt những tiêu cực tai tiếng lâu nay trong hoạt động của các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài từ lạm thu đến thái độ phục vụ thiếu lễ độ và hách dịch.
Trang Facebook Tôi và Sứ quán |
Cô Nguyễn thị Ngọc Anh, thành viên admin của nhóm Facebook ‘Tôi và sứ quán’
|
Ngoài kiến nghị thư dự kiến gửi lên Thủ tướng, Ngoại trưởng, và các ban ngành liên quan, nhóm còn lập ra trang mạng ‘Tôi và Sứ quán’ để cung cấp cho kiều bào những thông tin về xuất nhập cảnh và các dịch vụ lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cũng như tạo không gian cho người Việt khắp nơi chia sẻ kinh nghiệm khi làm việc với các văn phòng sứ quán, lãnh sự quán đại diện Việt Nam tại hải ngoại.
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, công chức tại Pháp, là một trong số 4 thành viên admin của nhóm Facebook ‘Tôi và sứ quán’ để tìm hiểu thêm về hoạt động vì cộng đồng của những người trẻ hướng về đất nước, mong muốn góp phần thúc đẩy những cải thiện cho một bộ mặt Việt Nam văn minh và tiến bộ.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn
Chị Ngọc Anh: Lúc đầu, các admin của nhóm chỉ muốn lập group này để phổ biến các thông tin về thủ tục lãnh sự và biểu phí, chia sẻ với nhau để tự bảo vệ mình. Chúng tôi tìm kiếm các điều luật post lên để bà con tham khảo. Vì toàn là người thực, việc thực nên đã thu hút được rất nhiều thành viên, hiện giờ đã lên đến 5 ngàn người. Mỗi ngày có đến 20 bài post, mỗi bài đều có rất nhiều bình luận từ các thành viên. Chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề này không phải chỉ ở một hay hai nước mà các thành viên của chúng tôi đến từ 40 nước khác nhau.
Trà Mi: Các vấn đề cụ thể mà mọi người chia sẻ, bình luận, và phản ánh trên trang ‘Tôi và Sứ quán’?
Chị Ngọc Anh: Đầu tiên là vấn đề lạm thu ở các phòng lãnh sự, các đại sứ quán của Việt Nam tại các nước. Người nộp tiền không được phát hóa đơn, sự chậm trễ giải quyết. Bức xúc không chỉ về vấn đề bị lạm thu mất tiền mà là bị đối xử không đẹp mắt. Đó là sự bức xúc rất lớn, đẩy chúng tôi đến trước một câu hỏi ‘Làm thế nào để thay đổi các tiêu cực đó?’ Đó là lý do chúng tôi quyết định lập nên bản Kiến nghị.
Trà Mi: Các cơ sở để kết luận có tình trạng lạm thu?
Chị Ngọc Anh: Chúng tôi đối chiếu với biểu phí của Bộ Ngoại giao do Bộ Tài chính quyết định. Chúng tôi thấy những gì mình đã trả cho một cuốn hộ chiếu, chẳng hạn, tăng lên gấp 2, 3 lần giá quy định. Nhiều khi các phòng lãnh sự yêu cầu phải trả tiền mặt. Họ lại không đưa hóa đơn hoặc không để biểu phí một cách minh bạch. Cá nhân tôi, khi gọi lên đại sứ quán được rao một giá để làm miễn thị thực, chồng tôi lại được rao một giá khác, trong khi tôi biết Bộ Tài chính chỉ có một giá cho miễn thị thực.
Trà Mi: Mọi người nên tìm tới đâu để đối chiếu với giá quy định?
Những người sống ở nước ngoài do gia đình hay do việc làm, họ đều hướng về quê hương và đều mong muốn những điều tốt đẹp cho quê hương mình. Vì vậy mà chúng tôi lên tiếng, vì giám sát việc quản lý của nhà nước được pháp luật tung hô trước nay rằng ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra.’
Chị Ngọc Anh: Trang web cổng thông tin điện tử của Cục Lãnh sự có các cửa sổ, trong đó có cửa sổ ‘Biểu phí lãnh sự.’
Trà Mi: Biết giá nhà nước quy định nhưng khi liên lạc với sứ quán được rao một giá khác, chị có nêu thắc mắc không và được trả lời ra sao?
Chị Ngọc Anh: Câu trả lời là ‘Đây là giá của đại sứ quán, giá kia không đúng nữa, giá này của đại sứ quán vì phải tính thêm tiền điện nước, giấy mực.’ Trong khi đó, quy định của Bộ Tài chính nói biểu phí đó 70% được trích nộp ngân quỹ tạm giữ và 30% là phí phục vụ rồi. Gíá một dịch vụ tại tất cả các nơi đều không giống nhau. Đây là điều rất ngạc nhiên, một cách làm rất tùy tiện. Ở mỗi phòng lãnh sự, họ tự làm giá.
Trà Mi: Chị có thể nêu một vài ví dụ liên quan đến phản ánh về thái độ phục vụ của các nhân viên lãnh sự?
Chị Ngọc Anh: Thái độ của các nhân viên đại sứ quán không nhiệt tình. Khi dân có thắc mắc thì họ trả lời kiểu ‘Gíá vậy đấy, đồng ý thì làm, không thì ra ngoài làm dịch vụ.’ Không thể hiểu tại sao khi đi làm giấy tờ chúng tôi luôn ở trong vị thế phải đi xin.
Trà Mi: Thực trạng này bị chỉ trích, phàn nàn rất nhiều nhưng chưa thấy chuyển biến nào đáng kể. Theo chị, nguyên do vì sao?
Chị Ngọc Anh: Người ta từ vị trí làm việc của mình, qua các sơ hở trong quản lý, có thể kiếm thêm tiền trên lưng của người dùng dịch vụ. Không có hệ thống giám sát, người dân cũng không có cửa để gõ xin được trả lời. Đó là điều rất đáng tiếc.
Trên Cục Lãnh sự có địa chỉ email để phản ánh và gần đây họ có lập đường dây nóng của Bộ Ngoại giao dành cho công dân ở nước ngoài. Nhưng thật sự tới nay câu trả lời cũng chỉ là ‘Cảm ơn anh/chị đã gửi mail. Chúng tôi sẽ gửi tới người thẩm quyền để giải quyết.’
Trà Mi: Làm sao có thể giải quyết được thực trạng này là mục đích của trang ‘Tôi và Sứ quán’ cùng kiến nghị kèm theo. Tuy nhiên, các kiến nghị trước nay cũng có nhiều, nhưng con đường đi tới sự thay đổi vẫn còn khá xa. Làm sao để thúc đẩy cho chặng đường đó ngắn lại?
Chị Ngọc Anh: Đây là một trong những cách thức mà chúng tôi có thể làm một cách ôn hòa. Mọi người biết được giá biểu, biết luật thì phải dám lên tiếng để phản đối khi bị lạm thu. Thứ hai, có thể nhờ các nguồn công luận ở các nước sở tại. Ví dụ ở Pháp mỗi năm có khoảng 20 ngàn khách về Việt Nam, cũng bị lạm thu, họ có thể lên tiếng và cũng có thể gây sức ép với phòng lãnh sự Việt Nam.
Trà Mi: Đó là những gì người sử dụng dịch vụ có thể làm. Còn phía cung cấp dịch vụ, bản kiến nghị nêu lên những yêu cầu gì đối với họ?
Chị Ngọc Anh: Chúng tôi đề nghị họ niêm yết bản giá trong phòng lãnh sự và trên trang mạng của các sứ quán. Yêu cầu họ phải minh bạch áp dụng biểu phí do nhà nước quy định, phải có hóa đơn đúng quy định chứ không phải hóa đơn do các phòng lãnh sự hay sứ quán tự làm. Chúng tôi mong muốn họ áp dụng kiểu chi trả lệ phí qua ngân hàng. Chi trả tiền mặt cũng gây khó khăn cho việc giám sát chi thu ngân quỹ của Bộ Ngoại giao. Chúng tôi cũng kêu gọi hoàn trả lại những khoản lạm thu đối với các trường hợp còn giữ chứng từ. Thứ nữa là yêu cầu các nhân viên ở phòng lãnh sự phải thực thi đúng quy tắc ứng xử của nhân viên Bộ Ngoại giao vì họ chính là bộ mặt của nước Việt Nam ở nước ngoài.
Trà Mi: Cần có những yếu tố cần và đủ thế nào để các nguyện vọng đó được đáp ứng đầy đủ và chính đáng?
Chị Ngọc Anh: Phải có kênh giám sát độc lập để khi dân bị lạm thu thì có nơi giải quyết bức xúc cho họ. Trên Cục Lãnh sự có địa chỉ email để phản ánh và gần đây họ có lập đường dây nóng của Bộ Ngoại giao dành cho công dân ở nước ngoài. Nhưng thật sự tới nay câu trả lời cũng chỉ là ‘Cảm ơn anh/chị đã gửi mail. Chúng tôi sẽ gửi tới người thẩm quyền để giải quyết.’ Mọi chuyện chỉ dừng lại ở đó, chưa có câu trả lời nào cụ thể cả.
Trà Mi: Vì sao những yêu cầu nêu lên trong kiến nghị này cần phải được phản hồi?
Chị Ngọc Anh: Phải được phản hồi vì đây là bức xúc có thực của công dân Việt Nam ở các nơi trên thế giới. Tất cả những gì chúng tôi kiến nghị là những điều đã được nhà nước Việt Nam ban hành trong các điều luật, cho nên phải được thực hiện bởi vì bộ mặt của Bộ Ngoại giao Việt Nam, của đất nước Việt Nam đang bị đe dọa rất xấu. Nó làm tổn thương không chỉ hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài mà làm tổn thương cả bộ mặt của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Vì vậy, nhất thiết phải được giải quyết. Nếu không sẽ làm mất lòng tin của những người Việt đang sống xa Tổ quốc càng xa đất nước mình hơn. Những người sống ở nước ngoài do gia đình hay do việc làm, họ đều hướng về quê hương và đều mong muốn những điều tốt đẹp cho quê hương mình. Vì vậy mà chúng tôi lên tiếng, vì giám sát việc quản lý của nhà nước được pháp luật tung hô trước nay rằng ‘dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra.’ Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn sau này. Nếu bố mẹ các thế hệ thứ 2, thứ 3 này mà mất lòng tin, không còn yêu thương Việt Nam nữa vì nhà nước Việt Nam không có những chính sách để đáp ứng thì tình thương yêu đó liệu có được truyền cho các con, cháu sau này hay không. Đó là cái không đẹp sau này mà Việt Nam có thể hứng chịu.
Kiến nghị thư của nhóm ‘Tôi và sứ quán’ viết bằng 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt đang tiếp tục thu thập chữ ký trên mạng xã hội trước khi gửi tới giới lãnh đạo Việt Nam.
Người Việt và người nước ngoài có thể tìm đọc và ký tên ủng hộ kiến nghị từ trang Facebook ‘Tôi và sứ quán’ hoặc qua Danh sách Kiến nghị về hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Theo VOA