Chính sách cho công nghiệp ôtô 10 năm tới có gì thay đổi?

Mở đường cho xe dưới 1.500cc, ban hành phí môi trường và tăng thuế TTĐB cho xe dung tích lớn sẽ là những ưu tiên quan trọng trong chính sách mới vừa được Thủ tướng ban hành đối với công nghiệp ôtô Việt Nam trong 10 năm tới.


Các nội dung này được đề cập rõ ràng trong quy định cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành đầu tháng 2.2016.
Theo đó, các chính sách nêu tại Quyết định này sẽ được thực hiện nhất quán trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Quyết định nêu rõ về các dòng xe được ưu tiên phát triển tại Việt Nam gồm xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn có sức chở đến 3 tấn, xe chuyên dùng, xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh… Đáng chú ý là xe cá nhân chở người đến 9 chỗ ngồi, kích thước nhỏ, dung tích xy lanh từ 1.500cm3 trở xuống, tiết kiệm nhiên liệu, giá cả phù hợp với người tiêu dùng.
Những cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất, mua và sử dụng các dòng xe ưu tiên trên sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu cho các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất linh kiện, phụ tùng, lắp ráp ôtô và xe chuyên dùng của các doanh nghiệp trong nước từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chính sách tín dụng xuất khẩu cho các DN trong nước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện. Những cơ quan, tổ chức mua xe tải nhỏ đa dụng phục vụ nông nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ theo quy định.
Quyết định mới ban hành của Chính phủ cũng nêu ra các đường hướng về chính sách thuế từ thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN tới thuế TTĐB. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô; dự án sản xuất, lắp ráp tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đối với các loại phụ tùng, linh kiện động cơ, hộp số, cụm truyền động, các loại phụ tùng, linh kiện sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng, áp dụng thuế nhập khẩu ở mức trần các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia theo quy định.
Áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) ở mức trần cam kết đối với các dòng xe ưu tiên và các dòng xe trong nước đã sản xuất được, phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. Đối với các FTA khác thì thực hiện theo đúng cam kết.
Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động, mức ưu đãi đối với từng dự án cụ thể do Thủ tướng quyết định.
Các dự án đầu tư sản xuất linh kiện và phụ tùng được hưởng các ưu đãi về đất đai theo quy định pháp luật về công nghiệp hỗ trợ. Các dự án đầu tư có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và các bộ phận động cơ, hộp số và cụm truyền động, Thủ tướng xem xét, quyết định mức ưu đãi hơn về tiền thuê đất (miễn, giảm) cụ thể đối với từng dự án.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, ban hành phí môi trường cho xe có dung tích xy lanh trên 3.000 cc đồng thời ban hành thuế TTĐB cho xe dưới 9 chỗ theo hướng phân chia thành nhóm nhỏ hơn, giảm thuế TTĐB cho xe ưu tiên (xe dung tích nhỏ), áp thuế cao và đặc biệt cao với xe dung tích trên 3.000cm3.

Theo Lao Động

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)