Phạm Đoan Trang
(FB. Phạm Đoan Trang)
Đó là tiếng la hét phẫn nộ của hơn 20 chủ cơ sở đông lạnh ở Lộc Hà (Hà Tĩnh), mỗi lần họ kéo đến Ủy ban Nhân dân tỉnh hay nhà riêng của Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh để đòi tiền bồi thường liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra.
Ít ai biết chuyện những cơ sở đông lạnh hải sản đang khẳng định mình là nạn nhân không chỉ của Formosa mà còn của những lừa mị từ phía nhà nước.
Động viên doanh nghiệp mua hải sản giúp dân
Hai xã Thạch Kim và Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, có khoảng 50 doanh nghiệp và hộ gia đình kinh doanh kho đông, kho lạnh. Hàng năm, những cơ sở này thu mua một lượng hải sản rất lớn từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chính vì thế, khi thảm họa môi trường bắt đầu ở miền Trung vào đầu tháng 4 năm ngoái, ít nhất bốn tỉnh đã chịu thiệt hại nặng nề, và các cơ sở đông lạnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề theo.
Điều đáng nói là chuyện xảy ra khi chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ bầu cử Quốc hội khóa 14 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh (gồm Chủ tịch Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn) và UBND huyện Lộc Hà đã trực tiếp đến hiện trường – cảng cá Thạch Kim – để vận động doanh nghiệp trên địa bàn thu mua hải sản giúp dân nhằm đảm bảo an ninh trật tự trước cuộc bầu cử.
Theo phản ánh, lãnh đạo đã kêu gọi, kèm với lời hứa hẹn hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, kể từ khi các cơ sở đông lạnh bỏ tiền tỷ để mua hải sản cho đến nay, họ không nhận được một đồng nào từ các cấp chính quyền.
Trước thời điểm xảy ra thảm họa, các kho đông lạnh đang còn tồn đọng hơn 1.131 tấn cá, mực với tổng giá trị gần 70 tỷ đồng. Số hải sản này còn chưa tiêu thụ, họ đã mua thêm hàng trăm tấn nữa, theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh và huyện.
…Rồi lờ chuyện hỗ trợ
Lá đơn kiến nghị đầu tiên của 21 cơ sở đông lạnh, đề ngày 23/8/2016, nêu rõ:
“Chúng tôi đã tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như tin tưởng vào con người và lời nói của các lãnh đạo tỉnh và huyện (bồi thường 100% giá trị hàng hóa thu mua được nếu bị tiêu hủy, bồi thường 30% giá trị hàng hóa mua được do chênh lệch giá), chúng tôi đã chấp hành, chung tay thu mua hầu hết các sản phẩm của các tàu thuyền đánh bắt được nên đã góp phần rất lớn làm ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn cũng như tạo điều kiện cho bà con ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi bám biển…”.
“Các sản phẩm thủy sản được thu mua trước và sau khi xảy ra sự cố môi trường biển ở 20 kho đông lạnh đến nay không tiêu thụ được, gây thiệt hại nặng nề cho các cơ sở đông lạnh như: kinh phí chi trả tiền điện, lãi suất vay vốn lưu động quay vòng, lãi suất hàng tháng ngân hàng, các khoản vay vốn ngân hàng đến hạn không thể trả được…”.
Ông Lê Viết Huy, chủ cơ sở Huy Lộc, bên những thùng sứa đang phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. |
Ông Nguyễn Viết Long, chủ cơ sở đông lạnh Long Huệ (xã Thạch Bằng), là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông kể lể: “Riêng cái kho này tôi đầu tư 9 tỷ 700 triệu, còn tiền hàng là 11 tỷ 600 triệu. Mỗi tháng tôi trả cho công nhân trung bình 5 triệu đồng/người – bây giờ thì chẳng còn tiền mà trả họ nữa nên vợ chồng phải tự thay nhau làm. Ngoài ra, còn tiền điện, tiền nước, máy móc thiết bị… cũng phải trên 150 triệu đồng một tháng. Mà doanh nghiệp thì đang tê liệt. Hiện tôi vẫn còn nợ ngân hàng. Trong khi tiền Formosa bồi thường thông qua nhà nước thì chúng tôi không nhận được một xu. Thế thì lấy đâu ra mà trả ngân hàng được, phá sản là chắc rồi”.
Hộ ông Long chỉ là một trong gần 50 cơ sở đông lạnh ở huyện Lộc Hà đang phá sản. 21 cơ sở trong số này đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp, gồm Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thủy sản. Bốn đơn kiến nghị tập thể đã được gửi trong tháng 8, tháng 9, tháng 10/2016 và tháng 1/2017 (về sau, số cơ sở tham gia khiếu nại có lúc tăng lên tới 36).
Ngoài ra, họ còn hàng chục lần đến UBND huyện, UBND tỉnh, nhà riêng lãnh đạo tỉnh, rồi “lên Trung ương”, nhưng không có kết quả. Cán bộ các nơi đều chỉ hứa hẹn “sẽ xem xét giải quyết cho bà con” nhưng là hứa miệng, không thể hiện bằng văn bản, cũng không nói là bao giờ sẽ làm.
Ông Nguyễn Viết Long ôm đầu: “Thật sự là chúng tôi không biết phải làm thế nào. Nói về hướng xử lý thì cơ quan chức năng chưa cho hướng nào cả. Từ sau Quyết định 1880 của Thủ tướng, hết Bộ Công Thương rồi lại Bộ Nông nghiệp hẹn tháng 11, rồi tháng 12 sẽ đền bù, nhưng bây giờ tháng 3 rồi mà trong tay dân vẫn không có đồng nào. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần, nhiều nơi. Thanh tra Chính phủ gọi về yêu cầu UBND tỉnh giải quyết, tỉnh lại bảo ‘sẽ xem xét’. Cứ đá qua đá lại như vậy, chúng tôi biết trông cậy vào đâu?”.
Cá đã ngả vàng, bốc mùi. |
Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép
Khi được hỏi, lãnh đạo tỉnh có cam kết bằng văn bản khi kêu gọi doanh nghiệp thu mua hải sản giúp dân không, ông Nguyễn Hồng Phượng, chủ cơ sở đông lạnh Hải Phượng, bực bội: “Đó, bây giờ hắn cũng hỏi y hệt vậy. Hồi đó chính quyền kêu gọi bằng miệng chứ đâu có văn bản, mà là Chủ tịch tỉnh với Phó chủ tịch tỉnh đứng ra vận động, dân chẳng lẽ không tin? Họ nói bà con cố gắng mua hải sản cho ngư dân để giúp đảm bảo an ninh, hứa là sẽ bù lại, dân chẳng nhẽ không tin? Họ cứ nói thế, không văn bản, không giấy tờ gì. Bà con ở đây thì tin tưởng lắm, cứ ngỡ chủ tịch tỉnh nói thì chắc chắn đúng. Cuối cùng, không hỗ trợ gì mà trái lại, còn làm chúng tôi phá sản”.
Hiện tại, các cơ sở đông lạnh vẫn đang ăn vào vốn, và vẫn phải tiếp tục duy trì hệ thống kho đông kho lạnh. Một phần lý do, như ông Nguyễn Viết Long nói, là “phải bảo quản để giữ hiện trạng, chứ không thì cơ quan chức năng lại hỏi ‘cá đâu rồi’, ‘có đúng mua rồi không’, thế này thế khác”.
Lý do thứ hai, đáng lo ngại hơn, là thực ra cũng không có phương án tiêu hủy. Một số loài cá như cá nục gai, nục sô, bạc má, chỉ cần tiếp xúc với không khí bên ngoài 1-2 tiếng là phân hủy, bốc mùi hôi thối, cho nên phải duy trì bảo quản đông lạnh liên tục. Nhà ông Lê Viết Huy, chủ cơ sở Huy Lộc, còn giữ tới hàng chục thùng gỗ, chứa hơn 42 tấn sứa từ đầu hè năm ngoái đến nay, không vứt đi đâu được. Sứa đã phân hủy, bốc mùi rất nặng sang cả nhà hàng xóm.
Phẫn uất và tuyệt vọng, các chủ cơ sở đông lạnh đã vài lần mặc áo tang, kéo đến nhà riêng Chủ tịch tỉnh đòi chất vấn, nhưng không được tiếp. Thậm chí, họ tố cáo công an mặc thường phục xua đuổi họ và khiêng một số người, kể cả phụ nữ, lên ô-tô chở đi nơi khác.
Có thể nói toàn bộ câu chuyện này xuất phát từ việc thiếu một sự tham vấn đầy đủ, ngay từ đầu, của chính quyền đối với người dân. Không lắng nghe, không tham vấn thì chẳng nhà nước nào có thể tính toán được hết những thiệt thòi mà người dân phải gánh chịu.
Cũng chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính quyền có giải pháp nào cho vấn đề hiện nay của các chủ cơ sở đông lạnh – một trong những đối tượng bị thiệt hại trực tiếp trong thảm họa môi trường biển.