Việt Nam Thời Báo

Chữ và đời (2) (Nhà thơ Xuân Sách với tôi, ân tình chữ nghĩa)

Bùi Minh Quốc
(VNTB) – Chỉ vài chữ thôi, mà chẳng bao giờ có thể quên. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, xin mời bạn đọc bài thơ này của Chế Lan Viên.


BÁNH VẼ


Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn 
Cầm lên nhấm nháp 
Chả là nếu anh từ chối 
Chúng sẽ bảo anh phá rối 
Đêm vui 
Bảo anh không còn có khả năng nhai 
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc… 
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt ? 
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn 
Như không có gì xảy ra hết 
Và những người khác thấy anh ngồi 
Họ cũng ngồi thôi 
Nhai nhồm nhoàm 

CHẾ LAN VIÊN
(“Prométheé 86”)
Bài thơ được in trên tờ tạp chí Văn học và Dư luận, hình như do tư nhân làm, bằng giấy phép của  NXB VĂN NGHỆ TP HCM, ấn hành vào tháng 8 năm 1991 dưới dạng sách chuyên đề, chỉ ra được một số. Bài thơ này về sau không thấy in trong các tập di cảo thơ của Chế Lan Viên. Theo tôi, đây là bài thơ rất quan trọng thể hiện những suy nghĩ cuối đời của tác giả “Điêu tàn” và “Ánh sáng và phù sa”.

Đọc xong bài thơ, một đêm tháng 9 năm 1991, tôi có bài cảm tác dưới đây: 

CẢM TÁC TRONG ĐÊM ĐÀ LẠT
NHÂN ĐỌC DI CẢO THƠ “BÁNH VẼ”
CỦA CHẾ LAN VIÊN

Mấy thi sĩ thế kỷ này nhồm nhoàm nhai bánh vẽ
Mà thương vay những thế kỷ vắng anh hùng*
Họ thầm biết trên đầu mình có kẻ
Tay vẽ bánh cho người, mồm nhai thứ thiệt ung dung
Anh ngồi nhấm lai rai, dẫu biết thừa bánh vẽ
Bởi sợ bị đưa ra khỏi bữa tiệc linh đình
Cái bữa tiệc tù mù mà nức lòng đáo để
Chúc tụng tía lia và ăn uống thật tình
Cốt một chỗ ngồi thôi để có ngày được nhai thứ thiệt
Mà kiên trì nhai bánh vẽ rã quai hàm
Thứ thiệt mãi xa vời, chỉ rất gần là cái chết
Cái chết này là chết thật hay oan ?
Tôi rùng mình đọc bài thơ “Bánh vẽ”
Mỗi chữ tạc lên cột số dặm đời
Thể phách đã an hòa cùng đất mẹ
Tinh anh còn lạnh buốt suốt thời tôi.
Đà Lạt 13.9.1991
BÙI MINH QUỐC

_________ 

* Chế Lan Viên có câu thơ :
Ôi thương thay những thế kỷ vắng anh hùng
Làm xong bài “Cảm tác…”, người đầu tiên tôi gửi để chia sẻ và nhờ góp ý là nhà thơ Xuân Sách, tác giả câu thơ chân dung nổi tiếng mà mọi người trong văn giới đều bảo là vẽ Chế Lan Viên : “Lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa” ( trong tập “Chân dung nhà văn”, hồi 1991 chỉ mới xuất bản miệng).

Trong khổ thơ đầu, câu thứ 3, khi khởi thảo, tôi viết “Họ đâu biết…”
Xuân sách viết thư cho tôi, bảo : “Họ biết cả đấy”. Tôi bèn sửa lại : “Họ thầm biết”.Vâng, nhờ ý kiến của Xuân Sách mà tôi đã đổi 2 chữ “đâu biết” nông cạn thành 2 chữ “thầm biết” khá nặng đồng cân.

Nhà thơ Xuân Sách

Trong khổ thơ thứ hai, câu thứ 3 : “Cái bữa tiệc tù mù…”, thì chữ “tù mù” là của Xuân Sách cho, chữ của tôi khi khởi thảo là gì, lâu ngày quá tôi không thể nhớ.Hai chữ “tù mù” đặt ở chỗ này thật đắt, ngàn vàng không sánh nổi, nó lột hết những chân dung xôi thịt luôn múa những cái lưỡi lem lém đủ thứ mỹ từ lươn lẹo.

Xin bạn đọc lưu ý tham khảo thêm bài đã công bố trên mạng của họa sĩ Trần Duy kể những kỷ niệm của ông với cụ Phan Khôi, trong đó có đoạn ghi lại giai thoại cái tủ lạnh của một nhân vật quan trọng có chứa nhiều lưỡi. Chính Xuân Sách từ lâu đã kể cho tôi nghe giai thoại này và tiết lộ rằng chủ nhân cái tủ lạnh trong giai thoại ấy là Chế Lan Viên. Xin các nhà nghiên cứu giai thoại làng văn khảo chứng giùm điều Xuân Sách nói có đúng không.

Bài thơ “Cảm tác…” trên đây tôi đã gửi nhiều lần cho nhiều báo, nhất là báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn, mà chưa báo nào chịu đăng.

Dù các báo chưa đăng, nhưng nếu có bạn nào tình cờ đọc được bản photo thì xin nhớ giùm mấy chữ tôi vừa kể trên là Xuân Sách cho tôi, để cùng tôi mỗi lần đọc là mỗi lần thắp nén tâm nhang tưởng niệm ông và chúng ta luôn cùng nhau chăm lo vun đắp mối ân tình chữ nghĩa giữa các đồng nghiệp thành tâm với nghề.


Hy vọng một ngày không xa nữa, nhờ nỗ lực chiến đấu chung của toàn thể báo giới văn giới Việt Nam cho tự do báo chí tự do xuất bản trên đất nước ta, những bài như “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải cùng các bài liên quan của Dương Tường, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Huệ Chi và bài thơ của tôi sẽ được chính thức đăng để đến với các bạn đọc chưa có điều kiện vào mạng internet , và tôi dám chắc rằng khi ấy lượng phát hành các tờ báo có đăng những bài như thế sẽ tăng cao gấp bội.

Tin bài liên quan:

VNTB- Cách mạng lập quyền dân: Hai tiếng ‘Cách mạng’ (phần 1)

Phan Thanh Hung

VNTB- Thư ngỏ gửi ông Tô Lâm – Bộ trưởng bộ Công an

Phan Thanh Hung

Mấy mẩu chuyện biên tập

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo