Việt Nam Thời Báo

Chuẩn bị xét xử ‘đại án’ Hà Văn Thắm

BBC
hvt oceanbankBản quyền hình ảnhBAOMOI
Image captionHai nhân vật chính của vụ án; Hà Văn Thắm (trái) và Nguyễn Xuân Sơn (phải)
Thông tin từ báo chí trong nước cho biết phiên sơ thẩm vụ ‘đại án’ kinh tế Hà Văn Thắm sẽ được Tòa án TP. Hà Nội xét xử từ ngày thứ Hai 27/2 và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 21/3.
Theo cáo trạng, khi còn giữ cương vị Chủ tịch của Oceanbank, ông Hà Văn Thắm, 45 tuổi, đã để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc cho vay, huy động tiền gửi, chi lãi suất vượt trần, chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng, gây thiệt hại nặng nề cho Oceanbank và các cổ đông, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước Việt Nam.
Bình luận với BBC, hôm 26/2 từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công từ Học viện Chính sách & Phát triển, nói:
“Đây là một vụ được cho là khá nghiêm trọng và có nhiều mối liên hệ, ràng buộc khác nhau, không chỉ kinh tế, mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan thể chế kinh tế hiện nay.
“Thực ra đây là hậu quả tất yếu của một thời kỳ bùng nổ tín dụng, cũng như khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam trong nhiệm kỳ trước do quản lý yếu kém của nhà nước, cũng như tầm nhìn về kinh tế, mà nó dẫn tới gần như hệ thống tín dụng, ngân hàng của nhà nước lâm vào tình trạng cho đến nay vẫn chưa giải quyết hết hậu quả,” nhà phân tích từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với chuyên mục Trao đổi cuối tuần này của BBC Việt ngữ.

Ba tội danh

hvt oceanbankBản quyền hình ảnhBAOMOI
Image captionÔng Hà Văn Thắm khi còn giữ chức Chủ tịch HĐQT Oceanbank
Từ Sài Gòn, Tiến sỹ Kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói:
“Ông Hà Văn Thắm bị bắt vào tháng 10/2014, trước một kỳ họp Quốc hội, và ba tháng sau diễn ra một cuộc lấy phiếu tín nhiệm thăm dò nhân vật nào có uy tín nhất trong Bộ Chính trị… Ông Hà Văn Thắm bị bắt ba tháng sau cuộc khủng hoảng Ngân hàng Xây dựng ở chỗ ông Phạm Công Danh và vụ án Phạm Công Danh đã vừa xử rồi, thất thoát khoảng 9 ngàn tỷ đồng.
“Trường hợp Ngân hàng Đại Dương, con số thất thoát hiện nay theo tôi biết ‘có thể lớn hơn’ cáo trạng,” ông Phạm Chí Dũng nói với BBC hôm Chủ nhật.
Theo truyền thông Việt Nam, cùng bị xét xử với nguyên Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm còn có 47 bị cáo khác, cùng với ba tội danh: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thông tin cũng nói phiên xét xử sơ thẩm sẽ do thẩm phán Trần Nam Hà làm Chủ tọa phiên tòa và có hơn 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người liên quan. Dự kiến sẽ có gần 600 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập tới tòa.
Bên cạnh đó, cáo trạng cũng nói rõ Hà Văn Thắm trong một vụ việc khác, đã chỉ đạo cấp dưới giải quyết cho Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng) vay tiền thông qua Công ty Trung Dung, trái với qui định về điều kiện vay vốn, tài sản đảm bảo và sử dụng vốn vay không đúng mục đích, đã gây thiệt hại cho Oceanbank gần 350 tỉ đồng.
Cáo trạng còn nói ông Thắm đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) đề ra chủ trương, thực hiện thu thêm lãi suất vay tín dụng và chênh lệch tỷ giá dưới hình thức ký hợp đồng dịch vụ “thu phí” của khách hàng.
Cáo trạng cho biết, tính từ năm 2010 đến 2014, là thời điểm bị khởi tố và bắt tạm giam, Hà Văn Thắm cùng hàng chục bị cáo trong vụ án đã gây thiệt hại cho Oceanbank số tiền gần 2.000 tỷ VNĐ.
Mời quý vịbấm vào đường dẫn này để theo dõi Trao đổi Cuối tuần hôm 26/2 với khách mời của BBC Việt ngữ là PGS. TS Phạm Quý Thọ, chuyên gia Chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Tiến sỹ Kinh tế từ Sài Gòn, về vụ xử liên quan ông Hà Văn Thắm; và sự kiện riêng rẽ – chấm dứt vai trò quản trị của cha con ông Trầm Bê tại Ngân hàng Sacombank.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo